Di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học ra ngoài khu trung tâm của Hà Nội, TP.HCM được thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng đến nay số trụ sở, cơ sở đã di dời chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ban Bí thư vừa ban hành chỉ thị yêu cầu khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng cái khó lớn nhất là các bộ, ngành, cơ sở bệnh viện, trường đại học, cao đẳng không thực sự muốn di dời trụ sở ra ngoài trung tâm.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự "ì ạch"?
- Với Hà Nội, từ sau quy hoạch thành phố năm 1998 - cách đây 25 năm, đã có chủ trương di dời. Sau đó, Thủ tướng cũng có quyết định xác định lộ trình di dời một số bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học, cao đẳng.
Theo quyết định của Thủ tướng thì đến năm 2015 Hà Nội phải hoàn thành việc di dời nhưng đến nay gần như không thực hiện được.
Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất việc bố trí trụ sở mới trong quy hoạch đã xác định, gần đây Bộ Xây dựng đã thống nhất quy hoạch.
Nhưng tiền để xây dựng trụ sở mới phải huy động từ ngân sách, trong khi rất khó bố trí cùng lúc đủ tiền ngân sách để xây trụ sở tất cả các bộ, ngành. Đến nay, có sáu bộ đã xây được trụ sở mới.
Thứ hai, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện cũng gặp khó.
Ví dụ TP Hà Nội xác định sau khi di dời trụ sở các bộ, ngành, bệnh viện, trường học... sẽ dành quỹ đất xây dựng công trình công cộng, phát triển không gian xanh (cái Hà Nội đang rất thiếu, trung bình mới đạt dưới 5m2/người dân, trong khi thành phố đang đặt mục tiêu tối thiểu phải đạt 7m2/người dân và cao hơn...).
Thứ ba là bất cập khung pháp lý, chẳng hạn đất trụ sở cũ sau di dời giao cho ai quản lý. Theo Luật Đất đai, cơ quan được giao, thuê có thời hạn thì toàn quyền khai thác trong thời gian được giao, thuê.
Vì thế, trong sáu bộ ngành đã di dời khỏi trung tâm Hà Nội, chỉ có khu đất trụ sở cũ của Bộ Nội vụ được bàn giao cho Hà Nội phát triển không gian xanh, công cộng. Còn lại một số cơ quan không giao. Vì thế, cần bổ sung cơ chế để Hà Nội, TP.HCM được tiếp nhận đất trụ sở cũ sau di dời.
* Đất trụ sở kể trên ở Hà Nội, TP.HCM đa số là đất vàng, đã từng có đề xuất huy động nguồn lực thông qua đấu giá để lấy tiền xây trụ sở mới, theo ông thế nào?
- Đã có những bộ đề xuất cho bán đấu giá đất trụ sở cũ lấy tiền xây trụ sở mới. Nhưng vùng trung tâm của Hà Nội và TP.HCM đã quá tải về giao thông rồi.
Nếu đấu giá đất, rất nhiều doanh nghiệp sẽ vào mua để xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở... thì sẽ không đạt được mục tiêu phát triển không gian xanh, công cộng, giảm áp lực giao thông khu trung tâm.
Hà Nội hiện có hơn 8 triệu dân, trong đó gần 1 triệu người là cán bộ, công nhân, viên chức các bộ, ngành, trường học, bệnh viện. Nên việc quy hoạch trụ sở mới cần có chính sách dành quỹ đất phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức để họ không phải đi lại xa.
Kinh nghiệm thành công của Malaysia trong di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực trung tâm là phát triển trung tâm hành chính mới gắn với chính sách ưu đãi về nhà ở cho cán bộ, công chức, phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, thương mại gần trung tâm hành chính mới.
Hàn Quốc mất khoảng 10 năm để di dời trung tâm hành chính, cơ sở bệnh viện, trường học ra khỏi trung tâm thủ đô Seoul.
* Bộ Xây dựng đã quy hoạch hai trung tâm hành chính quốc gia tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì (TP Hà Nội). Cần làm gì để đẩy nhanh việc dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm?
- Quy hoạch hai khu này mới bố trí được chín nhóm công trình để làm trụ sở bộ, ngành, sáu nhóm công trình thương mại - dịch vụ, theo tôi, cần bố trí thêm các khu nhà ở. Phải phát triển các khu chức năng, tiện ích để ổn định cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Bài học vừa qua là TP Hà Nội xây dựng một khu liên cơ (trụ sở tập trung của nhiều sở ngành thuộc thành phố) trên đường Võ Chí Công, xây dựng trụ sở làm việc các sở ngành nhưng lại thiếu chỗ để xe cho cán bộ, công chức, thiếu các công trình dịch vụ, thương mại. Đặc biệt cán bộ, công chức vẫn ở trong nội đô, phải di chuyển rất xa đến nơi làm việc nên rất bất cập.
* Các bệnh viện, trường đại học vẫn chưa chịu ra khỏi trung tâm Hà Nội, theo ông, ngoài chuyện thiếu tiền xây trụ sở mới, còn nguyên nhân gì khác nữa?
- Đó là sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng tại cơ sở mới. Ngay khu Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc, theo quy hoạch bốn trường phải di dời về đây nhưng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần xây dựng thêm các ký túc xá, các công trình dịch vụ thương mại, chỗ ở giáo viên. Đặc biệt, phải bố trí mạng lưới giao thông công cộng hợp lý.
Cần tính tới mối quan hệ vùng. Điều đáng tiếc là đang thiếu một cơ chế điều phối vùng hiệu quả nên một mô hình tốt là khu Đại học Phố Hiến lại có rất ít trường đại học, cao đẳng chuyển về. Chỉ quy hoạch bố trí quỹ đất, bỏ tiền xây trường là chưa đủ, mà cần có một cơ chế quản lý, điều phối phát triển vùng hợp lý.
Cách đây 16 năm, phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản về việc quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các bệnh viện theo hướng "rời khu vực trung tâm".
Đây được xem là tiền đề cho TP.HCM hình thành Cụm y tế Tân Kiên nằm ở huyện Bình Chánh. Cụm này quy hoạch quy mô 74ha, chính thức khởi công năm 2015, dành hẳn 19ha cho khu công viên, bãi xe công cộng, sân thể dục thể thao và nhà lưu trú cho thân nhân bệnh nhân...
Từ đó đến nay, nhiều dự án trong cụm y tế này đã dần về đích đưa vào sử dụng như Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (2018), Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (2022). Các cơ sở 2 của Bệnh viện Tai Mũi Họng, Viện Tim, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngân hàng máu... đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Một dự án khác được đánh giá có cơ sở vật chất "chuẩn quốc tế" là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Bệnh viện với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng vừa khánh thành đang từng ngày "chia lửa" cho cơ sở 1 ở quận Bình Thạnh.
Gần đây, người bệnh đã dần quen với việc đăng ký khám, điều trị tại cơ sở 2. Trong tương lai không xa, cơ sở 1 sẽ dần kết thúc sứ mệnh khi được chuyển đổi thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao.
Theo một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc đưa vào vận hành một số bệnh viện ở khu vực ngoại thành đang góp phần "chia" gánh nặng quá tải trong chăm sóc, điều trị cho các bệnh viện nội thành, đồng thời gia tăng tiện ích cho người bệnh.
"Như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chẳng hạn, chính không gian rộng rãi cho phép thiết kế khu vực phòng mổ rộng và hiện đại giúp giải điểm nghẽn chờ mổ bấy lâu nay" - lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.
H.L. - T.L.
* Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
Theo những nghiên cứu, ùn tắc giao thông mỗi năm tại Hà Nội gây ra thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD, còn tại TP.HCM thì có thể lên tới 6 tỉ USD.
Do đó, việc di chuyển sớm được các cơ quan, đơn vị này, nhất là các trường đại học, cao đẳng sẽ giúp giảm bớt sức ép về mật độ, ùn tắc giao thông trong nội đô. Tuy nhiên cho đến nay, việc di dời vẫn rất chậm. Điều đó thể hiện việc thực hiện chưa nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Chưa kể một số trụ sở các cơ quan, đơn vị đã được xây mới nhưng vẫn giữ lại trụ sở, đất cũ. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn.
Do vậy, trong thời gian tới, sau yêu cầu của Ban Bí thư, cần xác định rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chậm trễ thực hiện chủ trương và việc không bàn giao lại các cơ sở nhà đất cũ khi đã có trụ sở mới.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc giám sát, nêu rõ hiện tượng, chỉ đích danh. Một vấn đề cũng cần được đặt ra đó là quy hoạch phải đi trước, chuẩn bị các nguồn lực thật tốt để thực hiện việc di dời có hiệu quả.
Theo đề án xây dựng khu Đại học Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) năm 2009 thì sẽ có 10 trường đại học được xây dựng tại đây.
Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai, hiện tại chỉ có Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An chuyển về.
Với khu giảng đường hiện đại, ký túc xá khang trang nhưng khi đưa 3.000 sinh viên xuống Phố Hiến học thử 1 kỳ năm học 2016 - 2017 thì ngay lập tức Trường đại học Thủy lợi gặp phản ứng gay gắt.
Nhiều sinh viên lo sợ học tại đây sẽ bị tụt hậu, đã chia sẻ cảm xúc lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tuyển sinh của nhà trường năm sau đó.
Tiến sĩ Nguyễn Lương Bằng, trưởng phòng hành chính - tổng hợp Trường đại học Thủy lợi, cho biết trước những diễn biến tâm lý của sinh viên theo chiều hướng xấu, nhà trường xác định để sinh viên chỉ học văn hóa tại cơ sở mở rộng Phố Hiến sẽ không ổn, phải đan xen giữa học giáo dục quốc phòng và an ninh với học kiến thức cơ bản.
Theo đó, cơ sở mở rộng ở Phố Hiến của Trường đại học Thủy lợi trở thành một trong 36 trung tâm đào tạo an ninh và quốc phòng trên toàn quốc.
Tại cơ sở Phố Hiến, Trường đại học Thủy lợi cũng đã đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. Đây là địa điểm để sinh viên đến thí nghiệm, thực hành và thực tập.
Hiệu trưởng một trường đại học khác ở Hà Nội nằm trong diện di dời về khu đô thị Phố Hiến (Hưng Yên) cũng cho rằng nếu nhà trường buộc phải chuyển về khu Đại học Phố Hiến thì sẽ rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Sinh viên chỉ muốn ở thủ đô để vừa học tập, vừa làm thêm kiếm thêm thu nhập.
NGUYÊN BẢO
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, để các trường đại học thực hiện di dời cần phải có nhiều điều kiện.
Thứ nhất, các địa phương xung quanh cũng như TP Hà Nội phải có quỹ đất ở vị trí thuận lợi, đủ, đảm bảo cho các trường đại học di dời.
Thứ hai, các trường đại học phải có nguồn lực, phải có kinh phí ngân sách. "Đây là điều khó khăn nhất. Nếu để các trường tự đi liên hệ tìm đất, tìm địa điểm, tự tìm kiếm nguồn lực thì rất khó", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho biết thêm Đại học Quốc gia Hà Nội đã được cấp đất đầy đủ, tuy nhiên quy trình triển khai đã khoảng 20 năm, rất chậm, chưa nói đến các trường đại học chưa có đất, chưa có nguồn lực. Các trường đại học di dời cần có sự hỗ trợ, đầu tư lớn của Nhà nước về quy trình, thủ tục giải phóng mặt bằng, kinh phí thực hiện dự án.
Thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003.
Dự án với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên học sinh.
Thời gian thực hiện dự án từ 2003 - 2005, mức đầu tư 22.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020, 17 năm sau ngày khởi công, dự án mới được đầu tư gần 2.000 tỉ đồng chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường. Đây được cho là mấu chốt của sự chậm trễ...
Đến ngày 19-5-2022, sau gần 20 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội mới chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc. Tới nay đã có 27/37 đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội hiện diện tại Hòa Lạc.
Trước đó, năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ khai giảng đầu tiên đón hơn 2.000 sinh viên chính quy của bốn trường thành viên tới học tập. Năm học 2023 - 2024 dự kiến đón 7.000 sinh viên.
Ông Lê Quân, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đại học này đào tạo khoảng 60.000 sinh viên/năm. Như vậy, cơ sở vật chất hiện tại ở Hòa Lạc mới đáp ứng được 10% nhu cầu.
Tại TP.HCM, tháng 2-2023 UBND TP.HCM đã có văn bản về quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các bệnh viện trên địa bàn. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được phép cải tạo sửa chữa hoặc xây mới theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành nhưng quy mô phải phù hợp quy hoạch, quy định, quy chế quản lý...
Như vậy sau 15 năm chỉ cho phép sửa chữa, nâng cấp, TP đã cho phép xây mới. Tuy nhiên, thời gian qua một số trường đại học khu vực nội thành đã "sửa chữa" hoành tráng bằng các tòa nhà mới như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM...
Trong khi đó, không ít tòa nhà văn phòng xây mới mọc lên, sau đó chuyển đổi công năng thành nơi dạy học như tại các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Hồng Bàng...
Với việc di dời khỏi trung tâm TP, nhiều trường đã chuyển toàn bộ hoặc một phần. Trong đó, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM có cơ sở ở nội thành như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn đã chuyển toàn bộ sinh viên đại học chính quy xuống đào tạo tại cơ sở Thủ Đức. Cơ sở nội thành chỉ đào tạo hệ chất lượng cao, sau đại học.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Văn Hiến thì đã đưa vào hoạt động cơ sở Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh). Dự án xây dựng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng vừa được khởi công tại huyện Bình Chánh...
Trong khi đó, dự án xây dựng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại quận 12 ì ạch nhiều năm qua. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, với 25,97ha tại quận 12. Do thủ tục kéo dài, giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng mạnh, vượt khả năng của trường nên dự án đình trệ nhiều năm qua.
NGUYÊN BẢO - MINH GIẢNG
Số lượng vũ khí hạng nặng được Nga sản xuất đã tăng hơn 10 lần nhằm phục vụ cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tên lửa, drone, xe tác chiến, và đạn pháo nằm trong các danh mục được tăng đáng kể.
Phòng điều khiển trung tâm được xem là 'bộ não' quan trọng của Nhà máy điện rác Sóc Sơn (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn...
Việc hàng trăm cán bộ, đăng kiểm viên rơi vào vòng lao lý không những là bài học đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm mà còn là cái...
Nga và Ukraina đang đổ lỗi cho nhau về vụ cháy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu, hiện bị Nga kiểm soát.
Trong lúc chăn bò bên sông Ayun đoạn qua huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, 3 em nhỏ là học sinh lớp 2 đến lớp 6 rủ nhau tắm sông, không may chết đuối.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, nước này không thể bắt Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng tới vì điều đó đồng nghĩa 'tuyên chiến' với Nga.
Ukaine tuyên bố đã lấy được kho dữ liệu chứa bản đồ của hàng trăm căn cứ quân sự trên khắp nước Nga và các khu vực mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine.
Sự cố hy hữu xảy ra, khi một người phụ nữ được tìm thấy đã chết trên hệ thống băng chuyền vận chuyển hành lý tại sân bay quốc tế O’Hare ở thành phố Chicago, Mỹ.
Theo báo cáo của Công an TP Bà Rịa, vụ tai nạn nghiêm trọng trên xảy ra vào khoảng 15h15 ngày 18/2, tại đường Hương lộ 2, ấp Tây, xã Hòa Long, TP Bà Rịa. Thời điểm trên, ô tô BKS 72A-457.59 do ông Nguyễn Văn Tuấn, 33 tuổi, trú ấp Bắc, xã Hòa Long, TP Bà Rịa điều khiển chạy trên Hương lộ 2 theo hướng từ huyện Long Điền về xã Hòa Long. Khi đến trụ đèn tín hiệu số 03S trên đường Hương lộ 2 thì va chạm với xe máy do ông Ng.V.Ng (45 tuổi, trú ấp Tây,...