Hai đòn giáng của Israel vào nỗ lực hòa bình Gaza của ông Biden

06:20 12/06/2024

Hệ lụy từ cuộc giải cứu con tin của Tel Aviv và rối loạn trên chính trường Israel đe dọa nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm chấm dứt xung đột Gaza.

Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc xuống thang căng thẳng trong cuộc xung đột giữa Israel - Hamas vừa phải hứng chịu hai đòn giáng nghiêm trọng.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 8/6 tiến hành chiến dịch đột kích táo bạo vào trại tị nạn Nuseirat ở miền trung Dải Gaza, giải cứu 4 con tin bị Hamas giam tại đây. Sự trở về của 4 con tin là khoảnh khắc vui mừng cho gia đình họ cũng như toàn thể người dân Israel và được Mỹ hoan nghênh.

Nhưng trong quá trình giải cứu con tin, đặc nhiệm Israel đã gọi không quân hỗ trợ, không kích quy mô lớn vào khu chợ gần đó, gây thương vong lớn. Cơ quan y tế Gaza cho hay ít nhất 274 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong chiến dịch của IDF. Tuy nhiên, IDF bác bỏ, nói rằng họ ước tính số thương vong trong chiến dịch này là "dưới 100".

Dù còn nhiều tranh cãi về số người chết, tổn thất về dân thường mà chiến dịch giải cứu con tin này gây ra đã làm bật lên mức độ chết chóc mà chiến dịch quân sự của Israel đã gây ra cho người dân ở Gaza.

Nó cũng có thể đẩy Tổng thống Biden ra xa hơn nữa với nhóm cấp tiến trong liên minh bầu cử, những người phẫn nộ vì lập trường ủng hộ của ông đối với Israel và việc Mỹ không làm nhiều hơn để bảo vệ dân thường.

Bất kỳ sự sụt giảm lớn nào về số phiếu từ nhóm cử tri này đều có thể gây nguy hiểm cho Tổng thống Biden ở các bang chiến trường, nơi trận tái đấu giữa ông với cựu tổng thống Donald Trump có thể được định đoạt bởi chỉ vài nghìn lá phiếu. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Michigan, bang chiến trường có số lượng đáng kể người Mỹ gốc Arab.

Chiến dịch giải cứu con tin cũng nhấn mạnh sự chênh lệch về số thương vong giữa người Palestine và Israel trong cuộc xung đột. Việc Israel sẵn sàng không kích cướp đi mạng sống của hàng trăm người Palestine để cứu 4 con tin đã gây nhiều tranh cãi và phẫn nộ trong dư luận.

Điều này có thể sẽ tiếp tục cô lập Israel trên trường quốc tế và gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh về cuộc xung đột, khi Washington đến nay vẫn kiên định lập trường ủng hộ Tel Aviv.

Khoảng 1.200 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc tập kích của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi theo cơ quan y tế Gaza, giao tranh đã khiến 37.124 người tại dải đất thiệt mạng, 84.712 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Hệ lụy từ chiến dịch giải cứu con tin đẫm máu còn có thể thu hẹp hơn nữa không gian can thiệp đối với các quốc gia Arab hậu thuẫn nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang phải tiến hành nỗ lực ngoại giao con thoi tới Ai Cập, Israel, Jordan và Qatar trong tuần này để cố gắng tăng áp lực buộc Hamas phải đồng ý thỏa thuận ngừng bắn.

Khi chiến dịch của đặc nhiệm Israel vẫn gây tranh cãi, Bộ trưởng Nội các thời chiến Israel Benny Gantz, người theo chủ nghĩa ôn hòa, hôm 9/6 quyết định từ chức, giáng thêm một đòn chính trị nữa vào nỗ lực chính trị và ngoại giao của ông chủ Nhà Trắng, giới quan sát đánh giá.

Theo chuyên gia phân tích Stephen Collinson từ CNN, quyết định từ chức của Bộ trưởng Gantz, tướng quân đội đã nghỉ hưu, người từng chỉ trích Thủ tướng Benjamin Netanyahu không có kế hoạch giành chiến thắng cuối cùng ở Gaza hay cho những gì xảy ra sau đó, sẽ gây ra những hậu quả đáng kể trong nước và quốc tế.

Đảng của Gantz không phải thành viên trong liên minh cầm quyền nên việc ông ra đi khó khiến chính quyền Thủ tướng Netanyahu sụp đổ ngay lập tức. Nhưng việc mất đi Gantz có thể khiến ông Netanyahu phải phụ thuộc nhiều hơn vào các thành viên cực hữu trong liên minh của mình, những người đã kêu gọi ông tiến hành chiến dịch quân sự ở Gaza thậm chí còn quyết liệt hơn. Điều này tiềm ẩn rủi ro làm tăng nguy cơ leo thang, khiến xung đột lan rộng ra khu vực, điều mà Mỹ lâu nay luôn muốn tránh, Collinson giải thích.

Sự vắng mặt của Gantz cũng có thể tạo ra trở ngại lớn hơn cho việc thông qua bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Israel và Hamas. Ngoài Thủ tướng Netanyahu, thành viên duy nhất còn lại của nội các chiến tranh Israel có quyền quyết định vấn đề này là Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cũng thuộc đảng Likud của ông.

Nội các thời chiến được thành lập nhằm huy động sức mạnh tập thể của Israel, điều phối hoạt động chiến đấu một cách hiệu quả, chịu trách nhiệm đưa ra tất cả các quyết định lớn trong xung đột.

Bởi vậy, rạn nứt trong nội các thời chiến có thể gây ra những hậu quả khó lường ở Israel, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng Netanyahu ngày càng rầm rộ. Hàng nghìn người cuối tuần qua đã tuần hành tại nhiều thành phố kêu gọi chính phủ giải cứu các con tin còn lại ở Gaza và tổ chức bầu cử sớm.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 9/6 khẳng định Mỹ "không tham gia về mặt quân sự" vào chiến dịch giải cứu 4 con tin Israel, sau khi một quan chức Nhà Trắng nói rằng một đơn vị Mỹ ở Israel đã tham gia vào nỗ lực này.

Sullivan cũng củng cố lời kêu gọi ngừng bắn của Mỹ, bất chấp những hoài nghi về việc Hamas sẽ đồng ý với thỏa thuận, cũng như niềm tin của một số đảng viên Dân chủ ở Washington rằng Thủ tướng Netanyahu có thể tìm cách kéo dài xung đột để duy trì vị thế trên chính trường.

Washington đã nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm cách chấm dứt giao tranh. Nhưng thất bại trong việc tạo ra đột phá đã đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của Mỹ và uy tín của Tổng thống Biden trên trường quốc tế khi chỉ còn 5 tháng nữa là tới ngày bầu cử, Collinson nhận định.

"Cách tốt nhất để đưa tất cả con tin về nhà và bảo vệ thường dân Palestine là chấm dứt cuộc xung đột này. Và cách tốt nhất để kết thúc cuộc xung đột là Hamas phải đồng ý với thỏa thuận mà Tổng thống Biden đã công bố và Israel đã chấp thuận", Sullivan nói.

Bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng đã cho thấy những thách thức mà Mỹ đối mặt trong cuộc khủng hoảng, cũng như thế khó mà Tổng thống Biden chưa thể tháo gỡ.

Nhà Trắng đang bị kẹt giữa phe cánh tả của ông và các đảng viên Cộng hòa, những người muốn xoáy sâu vào mối quan hệ giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Israel để tăng cường công kích ông. Tình thế của ông chủ Nhà Trắng còn khó khăn hơn nữa khi ông Netanyahu đã nhận lời mời phát biểu tại quốc hội Mỹ vào ngày 24/7. Lời mời được 4 lãnh đạo quốc hội ký, nhưng do các đảng viên Cộng hòa khởi xướng, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.

Tổng thống Biden đã liên tục bị những người biểu tình ủng hộ Palestine chỉ trích tại các sự kiện vận động tranh cử kể từ khi xung đột nổ ra. Bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago vào tháng 8 tới đều có thể gây tác động tiêu cực đến ông Biden, giới quan sát đánh giá.

Cuộc đột kích giải cứu con tin và tình trạng hỗn loạn mới trên chính trường Israel diễn ra sau nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm chấm dứt xung đột vào tháng trước, khi ông công bố kế hoạch hòa bình gồm ba giai đoạn, bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, thả con tin và nhiều hoạt động cứu trợ nhân đạo hơn tới khu vực.

Trong khi Hamas phản ứng tích cực với đề xuất, Thủ tướng Netanyahu lại tuyên bố giao tranh sẽ không kết thúc cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn, điều mà Israel đã không làm được trong hơn 8 tháng giao tranh vừa qua.

Tình hình này đồng nghĩa với việc Tổng thống Biden rất có thể phải gây áp lực lên Thủ tướng Israel, khi xung đột Gaza càng kéo dài càng tiềm ẩn nguy cơ chấm dứt sự nghiệp chính trị của cả hai.

Aaron David Miller, nhà đàm phán hòa bình Trung Đông cho nhiều đời tổng thống Mỹ, cho rằng Thủ tướng Israel sẽ cố gắng câu giờ cho đến khi quốc hội Israel bước sang kỳ nghỉ vào ngày 25/7 và sẽ không trở lại cho đến ngay trước cuộc bầu cử Mỹ.

"Tôi nghĩ Thủ tướng Netanyahu sẽ cố gắng trì hoãn tới thời điểm đó và sẽ đưa ra quyết định về cách ông ấy muốn cư xử với Tổng thống Biden sau", Miller nói. "Netanyahu không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử của Mỹ, nhưng nếu có thể, tôi không tin ông ấy sẽ bầu cho Joe Biden".

Tổng thống Biden lập luận rằng Israel đã làm suy yếu Hamas đến mức Tel Aviv nên bắt đầu xem xét đến mục tiêu cuối cùng về an ninh cho Gaza. Một số chuyên gia Mỹ tin rằng sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas.

Nhưng Hamas dường như khó có thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình lâu dài sẽ dẫn đến việc họ mất quyền lực ở Gaza. Đây là một trong những lý do chính khiến tình hình trở nên khó giải quyết.

"Để đánh bại Hamas về mặt chính trị, bạn phải đưa một nhân tố khác vào thay thế. Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước Arab khác sẵn sàng làm điều đó", Richard Haass, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Mỹ, lưu ý.

"Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ là đối tác, nhưng họ cần Israel xoay trục về hướng đó. Nhưng Israel lại không sẵn lòng, vì vậy tôi nghĩ những gì chúng ta có thể thấy là xung đột ở Gaza sẽ tiếp diễn trong một thời gian nữa, mặc dù ở mức độ thấp hơn", Haass nói thêm.

Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)

Có thể bạn quan tâm
Người biểu tình chống Israel tìm cách xông vào căn cứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Người biểu tình chống Israel tìm cách xông vào căn cứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

12:30 06/11/2023

Hàng trăm người biểu tình phản đối Israel tìm cách xông vào một căn cứ Mỹ ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng để giải tán.

Xuất hiện video tên lửa Nga phóng mồi bẫy trên bầu trời Ukraine

Xuất hiện video tên lửa Nga phóng mồi bẫy trên bầu trời Ukraine

16:00 30/12/2023

Video quay từ mặt đất cho thấy tên lửa hành trình Kh-101 Nga liên tục phóng mồi bẫy trước khi lao xuống mục tiêu ở Ukraine.

'Bom hẹn giờ' IS trong các trại tị nạn Syria

'Bom hẹn giờ' IS trong các trại tị nạn Syria

16:50 31/03/2024

Trại tị nạn và trại giam ở đông bắc Syria giữ hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều phiến quân IS và những người liên quan nhóm này, gây lo ngại về sự hồi sinh của bóng ma khủng bố.

Nghi phạm đâm dao ở Australia có thể nhắm vào phụ nữ

Nghi phạm đâm dao ở Australia có thể nhắm vào phụ nữ

10:00 15/04/2024

Cảnh sát Australia nói nghi phạm Cauchi 40 tuổi có thể nhắm vào nữ giới khi tấn công bằng dao khiến 6 người thiệt mạng ở Sydney.

Thông điệp hạt nhân của Nga ở Ukraine giảm sức nặng

Thông điệp hạt nhân của Nga ở Ukraine giảm sức nặng

00:50 05/06/2024

Lời đe dọa về vũ khí hạt nhân từ Nga dường như không còn khiến phương Tây quá lo ngại, khi họ tăng cường hỗ trợ Ukraine bất chấp 'lằn ranh đỏ' của Moskva.

Ấn Độ: Vụ nổ thứ 2 xảy ra gần khu vực Đền Vàng trên phố Heritage

Ấn Độ: Vụ nổ thứ 2 xảy ra gần khu vực Đền Vàng trên phố Heritage

20:00 08/05/2023

Một vụ nổ xảy ra sáng 8/5 tại thành phố Amritsar, thành phố thánh địa của người Sikh ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Hiện cảnh sát chưa ghi nhận thương vong trong vụ nổ này.

MONUSCO hoàn tất sứ mệnh tại CHDC Congo sau 25 năm hoạt động

MONUSCO hoàn tất sứ mệnh tại CHDC Congo sau 25 năm hoạt động

18:30 27/04/2024

Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc (MONUSCO) chính thức đóng cửa một căn cứ quan trọng tại Bukavu, Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo) vào ngày 25/4.

Người Nga nghĩ gì về công việc của Tổng thống Putin?

Người Nga nghĩ gì về công việc của Tổng thống Putin?

07:30 13/04/2024

Mới đây, Quỹ Dư luận xã hội (FOM) đã tiến hành một cuộc thảo sát về đánh giá của người dân Nga đối với công việc của Tổng thống Vladimir Putin.

Người con cả bạc mệnh của Tổng thống Biden

Người con cả bạc mệnh của Tổng thống Biden

05:50 08/06/2024

Beau Biden được kỳ vọng sẽ tiếp nối sự nghiệp chính trị của bố, nhưng căn bệnh ung thư não đã cướp đi người con trai cả tài năng của ông Biden.

Co loi xay ra
Co loi xay ra