Việc bảo tồn di tích đình Hà Vĩ - một công trình kiến trúc tôn giáo thờ ông Tổ nghề sơn Trần Lư - sẽ góp phần phát huy giá trị di sản, tăng thêm giá trị cho khu phố cổ Hà Nội, thu hút khách du lịch.
Sáng 8/6, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức gắn biển công trình tu bổ, tôn tạo đình Hà Vĩ (số 11 phố Hàng Hòm, phường Hàng Gai) chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).
Đình Hà Vĩ là nơi thờ ông Tổ nghề sơn Trần Lư (1470-1540), người làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Đình Hà Vĩ, tên chữ là “Hà Vĩ tổ đình” xưa kia nguyên là đất thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương.
Ngôi đình được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19 do những người dân làng Hà Vĩ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) có nghề cổ truyền làm sơn di cư ra Hà Nội đến lập nghiệp ở phố Hàng Hòm.
Ban đầu họ mở một số cửa hiệu làm và bán hòm gỗ, rương, tráp… Về sau chủ yếu nhận sơn các hòm gỗ, tráp, hoành phi, câu đối, cây đèn, ngai bệ, khám thờ.
Những người thợ đã lập ra ngôi đình Hà Vĩ để thờ ông tổ nghề sơn là Trần Lư (còn gọi là Lương) - người làng Bình Vọng, Thường Tín, Hà Nội.
Khi đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học được nghề sơn son thếp vàng ở tỉnh Hồ Nam đem về truyền cho dân làng cùng dân các xã xung quang như Hạ Thái, Duyên Tường, Hà Vỹ… Hiện tại trên phố Hàng Hòm vẫn còn một số cửa hàng bán sơn, chổi quét sơn các loại.
Ngôi đình Hà Vĩ hiện nay có quy mô nhỏ, từ ngoài vào là cổng đình, qua lối nhỏ đến kiến trúc chính dạng chữ “Nhị,” gồm 3 gian tiền đình và 3 gian hậu cung xây dựng chồng diêm đơn giản.
Hiện trong di tích còn lưu giữ một số di vật mang đặc trưng niên đại và nghệ thuật thời Nguyễn như: bia đá, chuông đồng, hạc thờ, ngai, bài vị, hoành phi, câu đối.
Tồn tại đến ngày nay, đình Hà Vĩ như một bảo tàng nhỏ, sinh động, minh chứng cho quá trình phát triển nghề thủ công truyền thống của khu 36 phố phường kinh thành Thăng Long xưa. Đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp về thăm Thủ đô.
Đình đã được thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Lịch sử-Nghệ thuật năm 2014.
Đình Hà Vĩ có diện tích 202,3m2. Mặc dù có quy mô không lớn, nhưng nơi đây lại có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của một ngôi đình tổ nghề trong khu phố cổ Hà Nội.
Theo văn bia hiện còn, ngôi đình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào những năm đầu thế kỷ XX: Duy Tân năm thứ 8 (1914), Khải Định năm thứ 6 (1921), Bảo Đại năm thứ 16 (1941).
Năm 1947, ngôi đình bị thực dân Pháp đánh sập. Đến năm 1951, nhân dân đã khôi phục lại. Trước khi được tôn tạo, kiến trúc Đình Hà Vĩ mang dấu ấn của lần trùng tu giữa thế kỷ XX (1951). Tuy không còn bảo tồn được hình thức, kiểu dáng kiến trúc của lần khởi dựng đầu tiên nhưng đình vẫn mang giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật.
Trải qua thời gian dài với những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tác động của thời tiết và con người, đình Hà Vĩ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Khuôn viên di tích bị thu hẹp, các công trình phần lớn bị tháo dỡ, phá hủy. Nhiều đồ thờ và đồ tế tự có giá trị trong đình hầu hết đã bị hư hại và thất lạc.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch. Các công trình đã xếp hạng được tập trung giải phóng mặt bằng và trùng tu. Quận đã dành nguồn vốn lớn từ ngân sách và kêu gọi xã hội hóa để trùng tu các di tích.
Tại lễ gắn biển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, quận đã tập trung nguồn lực đầu tư, tu bổ, tôn tạo đình.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, việc tu bổ Đình Hà Vĩ đã hoàn thành và được quận lựa chọn là công trình chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Đây là công trình có ý nghĩa nhằm lưu giữ di sản cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; đồng thời, trở thành điểm tham quan, giới thiệu với du khách khi đến thăm Thủ đô.
Trong quá trình trùng tu Đình Hà Vĩ, chủ đầu tư cùng các nhà thầu đã thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của di tích Đình Hà Vĩ theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Dự án “Tu bổ, tôn tạo Đình Hà Vĩ” sau khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích thông qua hoạt động tham quan, tế lễ, giáo dục lịch sử cho nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Công trình nằm ở vị trí ngay trong lòng khu phố cổ Hà Nội, nơi buôn bán sầm uất nhất của Kinh thành Thăng Long xưa-Hà Nội ngày nay. Vì vậy, việc bảo tồn được một di tích như Đình Hà Vĩ - một công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống sẽ góp phần tô điểm thêm kiến trúc và tăng thêm giá trị cho khu phố cổ Hà Nội./.
Hội đồng bình chọn Thành Đoàn TP.HCM đã bỏ phiếu thống nhất chọn 14 bạn trẻ để trao danh hiệu 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' 2023.
Đội phản ứng nhanh của ngành y tế Nghệ An đã điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn.
Chính quyền địa phương ngày 9-6 khuyến cáo du khách tới Hà Giang cẩn trọng trong mùa mưa lũ.
Chiều 8/10, Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Phước lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 chính thức khai mạc. Đại hội có sự tham dự của 206 đại biểu đại diện cho hơn 63.000 hội viên thanh niên của tỉnh.
Nhà văn Bảo Ninh nói đời sống xã hội làm cho những người lính như ông dịu đi những 'chấn thương' vì chiến tranh, chứ tự thân mỗi người thì không làm được.
Hơn chục ngôi đình cổ ở Hà Trung (Thanh Hóa) đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do nhiều năm không được bảo vệ, quan tâm đúng mức.
Lê Đình Thiết, 57 tuổi, thừa nhận từ Vũng Tàu về quê sát hại vợ chồng em họ, đâm hai cháu trọng thương, sáng 19/6.
Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM đã tổ chức lễ trao giải thưởng Ngòi bút trẻ lần thứ 11, tôn vinh 28 phóng viên và biên tập viên tiêu biểu trong lĩnh vực báo chí.
Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam và tuyên dương 'Sinh viên 5 tốt' cấp tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa lan tỏa niềm tự hào quê hương đất nước. Các gương 'Sinh viên 5 tốt' đã thăm địa chỉ đỏ, triển lãm sinh viên với biển đảo Tổ quốc.