Gói viện trợ gần 61 tỷ USD sau nhiều tháng mắc kẹt được cho là sẽ giúp Ukraine củng cố lực lượng, vực dậy sĩ khí và cản bước kế hoạch tấn công của Nga.
Trung úy Oleksandr đang chỉ huy đơn vị pháo binh Ukraine chống Nga ở mặt trận miền đông. Vũ khí họ có là lựu pháo M777 mà Mỹ cung cấp cùng các loại pháo khác. Khi trở về căn cứ tối 20/4, Oleksandr nhận được thông tin mà anh và hàng triệu người Ukraine mong đợi.
"Tôi vừa bước vào căn cứ sau khi thay ca thì mọi người thông báo rằng gói viện trợ cuối cùng đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Chúng tôi hy vọng nó sẽ đến tay càng sớm càng tốt", anh nói.
Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu về gói viện trợ vào ngày 23/4, trước khi chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Quá trình này được dự đoán diễn ra nhanh chóng.
Việc chậm trễ phê duyệt ở Hạ viện trước đó gây trở ngại lớn cho nỗ lực chống Nga của Ukraine, song giới chuyên gia lạc quan rằng chưa quá muộn để xoay chuyển tình thế.
"Gói viện trợ chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt. Nó sẽ cho người Ukraine thời gian và nguồn lực để củng cố lực lượng, huấn luyện và tái vũ trang cho các đơn vị, chuẩn bị cho cuộc phản công vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới", William Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói.
Franz-Stefan Gady, thành viên Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, đồng tình rằng khoản viện trợ giúp Ukraine có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề hiện tại, như bổ sung binh sĩ cho lực lượng chiến đấu.
Trong gói viện trợ gần 61 tỷ USD cho Kiev, 23 tỷ USD trong gói chi tiêu sẽ được dùng để lấp đầy kho dự trữ vũ khí của quân đội Mỹ, tạo điều kiện để nước này có thể chuyển giao thêm khí tài cho Ukraine.
14 tỷ USD sẽ được chi cho chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, trong đó Lầu Năm Góc sẽ mua vũ khí đời mới cho Kiev từ các nhà thầu quốc phòng trong nước. Hơn 11 tỷ USD dùng để tài trợ các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ ở khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington.
Khoảng 8 tỷ USD là hỗ trợ phi quân sự, như giúp chính phủ Ukraine trang trải các hoạt động cơ bản, gồm trả lương cho công viên chức và lương hưu.
Tác động trực tiếp lớn nhất của gói viện trợ là giúp Ukraine "cầm cự và ổn định tình hình", theo một trợ lý đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ.
"Điều này cho phép Ukraine giữ vững những gì họ có, giữ vững phòng tuyến, bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng, đồng thời khiến Nga phải chịu tổn thất lớn khi họ đang cố giành nhiều bước tiến hơn", Max Bergmann, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói.
Giới chuyên gia tin nguồn viện trợ mới sẽ tác động rất lớn tới tinh thần binh sĩ, điều đã trở thành vấn đề lớn đối với Ukraine trong những tháng gần đây. "Tăng sĩ khí có thể là lợi ích quan trọng nhất của gói viện trợ", Taylor nói.
Ukraine đã không thể lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự tương lai trong 6 tháng vì cạn kiệt nguồn lực, khiến Nga có cơ hội đạt nhiều bước tiến trên chiến trường. "Nếu bạn không chuẩn bị cho cuộc phản công khác, Nga sẽ làm điều đó", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói tháng trước.
Hiện tại, các thành phần cụ thể trong gói vũ khí viện trợ Ukraine chưa được công khai. "Chúng tôi cho rằng ưu tiên sẽ là pháo và đạn pháo, cùng các hệ thống phòng không và tên lửa để bổ sung cho kho dự trữ cạn kiệt vì đối phó với các cuộc không kích của Nga, đặc biệt là những đòn tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine", Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói.
Jimmy Rushton, nhà phân tích quốc phòng Anh ở Kiev, đồng tình với quan điểm này và cho rằng "thứ tự ưu tiên là tên lửa phòng không và đạn pháo".
Binh sĩ Ukraine nói đạn chùm của Mỹ rất quan trọng để giúp đối phó với những cuộc tấn công ồ ạt của xe tăng, xe bộ binh Nga. Rocket cho các hệ thống pháo tầm xa HIMARS cũng cần thiết để Ukraine có thể tấn công chính xác vào trung tâm chỉ huy và tiếp tế của Nga.
Mick Ryan, thiếu tướng Australia đã nghỉ hưu, cho rằng gói viện trợ cũng sẽ bao gồm những thứ khác như phụ tùng thay thế cho xe tăng và xe bọc thép Mỹ, máy bay không người lái, súng cối, radio, thiết bị kỹ thuật.
Một số mặt hàng như đạn pháo có thể được chuyển tới Ukraine tương đối nhanh, song cả chỉ huy Ukraine và giới phân tích quân sự cảnh báo sẽ mất vài tuần trước khi thấy được những tác động trực tiếp từ gói viện trợ.
"Do đó, tình hình tiền tuyến có thể xấu đi trong thời gian đó, đặc biệt nếu lực lượng Nga tăng cường tấn công để tận dụng khoảng trống trước khi viện trợ Mỹ tới nơi", nhóm phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington nhận định.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cảnh báo lực lượng Ukraine có thể chịu thêm thất bại trong những tuần tới trong khi chờ đợi hỗ trợ an ninh phát huy tác dụng.
Giới quan sát cho rằng ổn định và giữ vững mặt trận hiện là mục tiêu và điều có thể hy vọng nhất của Ukraine. Không ai ảo tưởng rằng khoản viện trợ mới đủ sức để Ukraine nhanh chóng tấn công đáp trả Nga.
Kể từ khi viện trợ Mỹ ngừng chảy vào Ukraine trong năm nay, Nga đã kiểm soát hơn 360 km2 lãnh thổ nước láng giềng, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.
Quân đội Nga hiện lớn hơn 15% so với trước khi mở chiến dịch vào Ukraine, theo tướng Christopher Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Nga đang tìm cách tiếp tục bổ sung tân binh cho lực lượng chiến đấu.
Franz-Stefan Gady thừa nhận ngay cả khi có viện trợ, Ukraine vẫn đối mặt thách thức về phòng không trong nhiều tháng tới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ sẽ tạo điều kiện để các nước châu Âu có thời gian đẩy mạnh sản xuất vũ khí, tăng nguồn cung cho Ukraine.
Quan chức Ukraine cảnh báo Nga đang tạo tiền đề cho cuộc tấn công lớn hơn vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Gói viện trợ có thể góp phần giúp Kiev cản trở kế hoạch của Moskva.
Trung tá Oleksii Khichenko, chỉ huy lữ đoàn Ukraine ở mặt trận phía nam, cho biết vũ khí mới sẽ giúp lực lượng của họ chiến đấu quyết liệt hơn.
"Chúng sẽ cứu sống những người lính của chúng tôi và củng cố tinh thần chiến đấu trên toàn chiến tuyến. Chúng tôi sẽ sử dụng hỗ trợ này để tăng cường sức mạnh quân đội và chấm dứt cuộc chiến, khiến Nga thua cuộc", anh nói.
Thanh Tâm (Theo Telegraph, Axios, AFP)
Gây căng thẳng với Philippines trên Biển Đông, Trung Quốc dường như muốn thử giới hạn của Mỹ trong nỗ lực bảo vệ đồng minh quan trọng ở châu Á.
Israel có năng lực quân sự thuộc top đầu thế giới, cùng tiềm lực sản xuất vũ khí lớn, đủ sức áp đảo Hamas ngay cả khi không được Mỹ hỗ trợ.
Thủ tướng Netanyahu sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì 'niềm tin bị xói mòn' và bổ nhiệm Ngoại trưởng Katz vào vị trí này.
Người phụ nữ Hàn đã bị 6 người tự nhận là thành viên giáo phái 'Lính của Chúa' đánh đập và bỏ đói đến chết tại bang Georgia.
Ngày 21/7, một vụ tấn công vũ trang xảy ra tại cơ sở bán bia ở phía Nam thành phố Morelia, thủ phủ bang miền Tây Michoacán (Mexico), khiến 5 thanh niên dưới 18 tuổi thiệt mạng và hai người bị thương.
Giới chức Nhật Bản tìm thấy hộp đen trên máy bay Cảnh sát biển bị thiêu rụi và mở hai cuộc điều tra về vụ va chạm ở sân bay Haneda.
Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2024-2029 vào lúc 10h ngày 20/10 tại Khu phức hợp Nghị viện ở Jakarta.
Ngày 10/8, nhà chức trách Brazil đã hoàn tất công tác tìm kiếm 62 thi thể trong vụ rơi máy bay chở khách tại thành phố Vinhedo, thuộc bang Sao Paulo của nước này.
Quan chức Ukraine cho biết tàu hàng treo cờ Panama 'trúng thủy lôi của Nga' ở Biển Đen, khiến thuyền trưởng và một thủy thủ bị thương.