Mặc dù không theo đuổi sự nghiệp ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng với tình yêu dành cho Việt Nam và những đóng góp to lớn trong việc quảng bá văn hóa Việt tới xứ sở kim chi, Giáo sư Ahn Kyong-hwan xứng đáng được xem là một "sứ giả văn hóa" giữa hai quốc gia. Gần như cả cuộc đời, ông đã dành trọn tâm huyết cho ngôn ngữ, văn hóa và đất nước hình chữ S.
Giáo sư Ahn Kyong-hwan: Sứ giả văn hóa Hàn-Việt |
Giáo sư Ahn Kyong-hwan. |
Được biết nhiều câu chuyện về ông, từ hành trình nửa thế kỷ theo đuổi tiếng Việt đến chuyện tự bỏ tiền dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Hàn… Ông có nghĩ mình được lựa chọn để làm “sứ giả” ngoại giao văn hóa Việt-Hàn hay không?
Nếu tính từ năm 1974 tôi bắt đầu học tiếng Việt thì năm nay là năm thứ 50 tôi có mối nhân duyên với Việt Nam. Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1989, tại một hiệu sách cũ nhỏ ở chợ Đa Kao Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã mua cuốn Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi đọc từng chữ, từng câu và quyết tâm dịch những cuốn sách này sang tiếng Hàn để người Hàn biết về nó.
Lúc đó là thời điểm người Hàn còn ít quan tâm đến Việt Nam nên nhà xuất bản không có ý định xuất bản bản dịch của cuốn sách. Vì vậy, tôi đã tự bỏ chi phí xuất bản 1.000 cuốn Nhật ký trong tù, gửi tặng những người bạn của mình và tất cả thư viện của các trường đại học trên toàn quốc. Sau đó, tôi dịch và xuất bản Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Thông qua Nhật ký trong tù, tôi nghĩ rằng người Hàn Quốc có sự quan tâm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại nên tôi cảm thấy rất tự hào với tư cách là dịch giả của tác phẩm. Tôi nghĩ mình đã đóng vai trò là “sứ giả” ngoại giao văn hóa Hàn Quốc-Việt Nam. Tôi sẽ không ngừng quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam đến đất nước Hàn Quốc.
Lựa chọn Việt Nam để gắn bó xuyên suốt sự nghiệp của mình, kể cả ở những giai đoạn quan hệ hai nước chưa có sự khởi sắc như hiện nay. Chắc chắn đó là lựa chọn không chỉ của lý tính mà còn nhiều phần của cảm tính? Ông có hài lòng với sự lựa chọn này?
Tôi từng nghĩ khi Hàn Quốc và Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao và giữa hai nước không có sự giao lưu thì việc học về Việt Nam có phải là một sự lựa chọn sai lầm hay không?
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn gìn giữ mối nhân duyên với Việt Nam với niềm tin rằng ở Hàn Quốc cũng cần có những người hiểu rõ về Việt Nam. Ngày 22/12/1992, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và hiện tại có hơn 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, khách du lịch Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và quan hệ hai nước đang phát triển thành quan hệ hữu nghị rất gần gũi. Thông qua “Việt Nam học”, tôi cảm thấy rất hài lòng với những đóng góp cho sự phát triển quan hệ hữu nghị của hai nước.
Là người góp phần “nối nhịp cầu” hai đất nước, ông cảm nhận thế nào khi quan hệ song phương đã đạt đến tầm mức cao nhất – Đối tác chiến lược toàn diện và tiếp tục chinh phục những tầm cao mới? Sự sôi động của quan hệ song phương có khiến ông “bận rộn” hơn?
Kể từ sau khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992, sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước là minh chứng sinh động cho sức mạnh của hợp tác và hữu nghị.
Sự phát triển nhanh chóng thành Đối tác chiến lược toàn diện của quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam hiển nhiên đã khiến tôi trở nên bận rộn hơn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, trường đại học đã “đặt hàng” tôi những buổi giảng đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã rất bận rộn, nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu, đó là khoảng thời gian hạnh phúc đối với tôi.
Điểm đặc trưng trong quan hệ Hàn-Việt là có sự tương đồng rất lớn về văn hóa. Thứ tự nghi lễ vòng đời mang tính truyền thống của hai nước giống nhau. Chính vì vậy, người dân hai nước khi đến thăm đất nước của nhau không cảm thấy sự khác biệt về văn hóa.
Tôi cho rằng yếu tố này đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Để tăng cường giao lưu văn hóa trong tương lai, tôi nghĩ rằng nếu được, trước tiên là ở Seoul thì sẽ đặt tên con đường là “đường Hà Nội” và ở Hà Nội là “đường Seoul”. Nếu tại con đường đó tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống và lễ hội ẩm thực hàng năm thì sự giao lưu văn hóa hai chiều có thể được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, hiện ở Hàn Quốc có 80.000 gia đình Hàn-Việt. Ở Việt Nam cũng đang có 200.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc. Để người dân hai nước hiểu biết về văn hóa của nhau, tôi cho rằng nên xuất bản nhiều bản dịch các tác phẩm văn học như tiểu thuyết, thơ của tác giả hai nước.
Vừa qua, trong cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”, ông đã giành giải đặc biệt với tác phẩm “Hà Nội là sao vàng trong tôi”. Ông có thể chia sẻ về tác phẩm này cũng như thông điệp mà ông muốn nhắn gửi?
“Ngôi sao vàng” trong tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết “Hà Nội là sao vàng trong tôi”, tượng trưng cho ngôi sao vàng có trong lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Cũng giống trái tim nơi lồng ngực ngẹn ngào của người Việt khi nhìn ngắm lá cờ đỏ sao vàng, tôi - một người khi ngắm nhìn quốc kỳ của Việt Nam tượng trưng cho máu và mồ hôi, mỗi khoảnh khắc như vậy tôi lại nghĩ đến biết bao giọt mồ hôi và giọt máu của người Việt đã đổ xuống để có thể giữ gìn đất nước, đấu tranh và chiến thắng giặc ngoại xâm. Tôi đặt tiêu đề “Hà Nội là sao vàng trong tôi” vì muốn quảng bá rộng rãi tinh thần độc lập dân tộc mạnh mẽ và bền bỉ của người Việt Nam.
Ông kỳ vọng thế nào về sự kết nối, đồng điệu giữa hai nước trong thời gian tới, ở góc độ văn hóa và con người?
Lịch sử hai nước đều ghi dấu bằng những trang sử về đấu tranh chống ngoại xâm. Cả hai dân tộc đều là dân tộc kiên cường, có tinh thần ham học hỏi, có sức chịu đựng bền bỉ trước những khó khăn. Hàn Quốc và Việt Nam là những dân tộc biết được sự quan trọng và quý giá của độc lập - tự do vì chúng ta hiểu được nỗi đau khi bị cướp nước, mất nước.
Tôi hy vọng hai dân tộc có thể giao lưu văn hóa một cách mật thiết hơn nữa. Việc giao lưu văn hóa sâu rộng giữa hai dân tộc không chỉ giúp chúng ta hiểu nhau hơn mà còn là yếu tố quan trọng để cùng nhau hội nhập vào xu thế chung của thế giới.
Ngoài ra, tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc có thể giành được nhiều huy chương vàng Olympic trong thời gian tới khi sự giao lưu và tương tác giữa họ trở nên chặt chẽ hơn trong các môn thể thao như bắn súng, bắn cung và bi đá trên băng (curling). Ở họ đều có sự tinh tế và lòng ham muốn chiến thắng mạnh mẽ.
Tôi hy vọng Hàn Quốc và Việt Nam cùng hợp tác để mở ra một tương lai tươi sáng, nhân dân hai nước cùng hưởng thụ thành quả của một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh hơn.
Chúc Việt Nam phát triển không ngừng!
Giáo sư Ahn Kyong-hwan đã dịch sang tiếng Hàn cuốn Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Thời tái chế của Mai Văn Phấn, Chúa đất của Đỗ Bích Thuý... Với nỗ lực cống hiến bền bỉ, Giáo sư Ahn Kyong - hwan được trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương hữu nghị (2018), Huy chương vì sự nghiệp văn hoá (2003), Huy chương vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc (2004), Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội (2014). (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 6/8.
Ngày 17/10, Tổng thống Tunisia Kais Saied tuyên bố “chấm dứt nhiệm vụ” của Bộ trưởng Kinh tế và kế hoạch Samir Saied, song không nêu rõ lý do.
Nhân dịp Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi và Phu nhân có chuyến thăm chính thức Việt Nam (8-10/9), Đại sứ Mozambique tại Việt Nam Ilundi Dos Santos đã chia sẻ với TG&VN về ý nghĩa và trọng tâm chuyến thăm.
Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran đang cho thấy thế khó cũng như chính sách mâu thuẫn của Mỹ trong nỗ lực tháo ngòi khủng hoảng.
Thượng nghị sĩ J.D. Vance chỉ có hai năm kinh nghiệm làm quan chức dân cử và từng có thời gian chỉ trích ông Trump cực kỳ dữ dội.
Ngày 21/4, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Phó Thủ tướng Ri Chol Man dẫn đầu một phái đoàn nước này thăm Nga.
Ngày 7/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào các vị trí phòng thủ tại khu vực Kursk của Nga lúc 8 giờ sáng giờ địa phương.
Tối 19-9, Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Indonesia (17-8-1945 - 17-8-2024) tại khách sạn JW Marriott Hotel & Suites Saigon (quận 1).
'Thủ tướng Lý Hiển Long là một chính khách có tầm nhìn xa trông rộng, một người hết lòng với đồng bào và đồng sự của mình. Một con người như vậy chắc chắn sẽ luôn có vị trí cao trong trái tim mọi người, đồng bào mình và bạn bè quốc tế…', ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam – Singapore, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam nhân dịp nhà lãnh đạo Singapore chuyển giao quyền lực...