Ở vỉa hè của một ngã tư trung tâm quận 1 có gánh xôi từ hơn 30 năm trước. Người dân quanh đó vẫn quen gọi là xôi gà cô Lệ.
Mặc tiết trời Sài Gòn mưa nắng thất thường, gánh xôi gà cô Lệ vẫn đều đặn nép dưới một tán cây xanh ngay ngã tư đường Sương Nguyệt Anh - Cách mạng tháng 8, quận 1 từ 13h trưa mỗi ngày.
Chủ gánh là bà Lệ, người Sài Gòn. Năm nay bà 64 tuổi, còn đôi đòn gánh và nghề bán xôi đã theo bà ngót nghét 36 năm.
Ngồi bệt trên chiếc ghế xếp, bà Lệ vừa bán xôi vừa kể cho Tuổi Trẻ Online nghe những câu chuyện mà gánh xôi gà cô Lệ đã trải qua cùng bao cuộc đổi thay của đường phố và cả con người Sài Gòn.
Gia tài của mẹ là đôi đòn gánh
Bà Lệ kể hồi xưa, má bà gánh xôi đi bán dạo. Sau này, bà lập gia đình, rồi má mất nên bà theo nghề má đến giờ.
Bà Lệ chia sẻ: "Nhớ má lắm chứ! Ba tôi mất trước năm 1975, lúc đó tôi khoảng 8,9 tuổi. Một mình má tôi bán xôi dạo nuôi 11 người con khôn lớn. Cái món này là của "bà già" mà, cũng như truyền lại cho con cái".
Lúc đó bà Lệ ở nhà phụ má nấu, rồi học hỏi công thức bán xôi. Gánh xôi của bà có vài món như: xôi gà xé, xôi lòng gà trứng non, xôi bắp...
Theo bà, làm các loại xôi như: xôi đậu phộng, đậu đen, nếp cũng không cực bằng xôi bắp.
Từ 5 giờ sáng, bà đã bắc bếp để đồ xôi bắp, đồ mấy lần, sau 5 tiếng thì xôi mới chín.
Cứ đôi ba phút lại có một vị khách ghé qua mua một lần. Thậm chí có người còn mua đến 14 phần xôi.
Bà nói hồi đó, bà chỉ bán có 2 con gà nhưng bây giờ, bà bán đến 3,4 con. Một số người muốn ăn nhiều thì phải đặt trước.
Chỉ vào đôi đòn gánh, bà Lệ kể: "Cái này là vật kỷ niệm đó! Trước đây, tôi cũng có đòn gánh nhưng xài riết cũng xuống dần. Đến khoảng những năm 1990, có mấy vị khách ăn xôi quen chở đòn gánh này ra, họ nói đây là đạo cụ đóng phim, giờ phim xong rồi nên tặng tôi".
Bà tâm sự đôi quang gánh có lúc hư hao mấy lần, rồi nhiều người cũng nói giờ người ta chuộng bán xe đẩy, ai đâu mà gánh nổi nồi xôi đi bán nhưng bà nhất quyết không bỏ.
"Tôi hay gánh xôi từ nhà tôi, chỗ chợ Vườn Chuối (quận 3) ra đây bán. Gần đây, vì lớn tuổi, không gánh nổi nữa nên nhờ chồng chở bằng xe máy. Bỏ cái gì thì bỏ chứ tôi không bỏ được cái nghề bán xôi hay đôi gánh này.
Đôi lúc tôi nghĩ sao số mình cực vậy nhưng tôi cũng chọn bán xôi đến giờ vì biết ơn ông trời còn cho mình cái nghề để lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Giờ hai đứa con tôi đều làm điều dưỡng ở bệnh viện, cũng nhờ gánh xôi của mẹ nó đó" - bà tự hào kể.
Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, bà Lệ nói có một gia đình khách quen khiến bà nhớ hoài:
"Hồi đó họ đưa con đi học thêm, đi đạp xe. Mấy đứa nhỏ hay ra đây ăn xôi, rồi chạy nhảy, chơi đùa. Đứa anh tên Phúc, đứa em là Lộc.
Sau này tụi nó đi du học hết, có gia đình nhưng vẫn lâu lâu về vẫn ra đây ăn xôi. Năm nào tụi nó cũng lì xì cho tôi, rồi bảo tôi nhớ giữ gìn sức khỏe. Có như vậy thôi mà tôi cảm động lắm".
Ngồi trên vỉa hè Sài Gòn suốt bao năm, bà Lệ nói bà may mắn chứng kiến một Sài Gòn muôn màu muôn vẻ và đón nhận biết bao tấm chân tình, hào sảng của người dân nơi đây.
Có khi là khoảnh khắc người ta gửi biếu bà chút tiền thối còn dư, có khi bắt gặp một vị khách từ nhiều năm trước bất chợt ghé lại, rồi có khi chỉ là một lời hỏi thăm sức khỏe vu vơ.
Bà kể một lần nọ, có vị khách nói bà gói xôi nhưng không chịu trả tiền, rồi còn ném xôi xuống đất. Vậy mà một vị khách khác từ đằng xa đi lại đã nhặt gói xôi đó lên ăn và nói bà bán cho họ.
Trời dẫn ngả tối. Người viết chào bà Lệ ra về. Bà cười hiền, nói đi đường cẩn thận.
Rồi ngó lên trời, bà nói mà cũng như cầu nguyện: "Hôm nào tôi cũng mong ông trời đừng mưa. Có lẽ với những người bán gánh ngoài đường, chỉ cần trời không mưa, buôn bán được đã là hạnh phúc lắm rồi!".
TP - Từ tình yêu với làng nghề muối truyền thống, Trần Thị Hồng Thắm đã nghiên cứu, tìm ra “tinh hoa của biển”, nâng tầm giá trị hạt muối, giúp tăng thu nhập cho bà con diêm dân.
Đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI Nguyễn Phúc Đức đến từ Thái Nguyên, dù bị khiếm khuyết mất cánh tay phải, nhưng đã vươn lên trở thành cán bộ Hội năng động, truyền cảm hứng tích cực trong cộng đồng với 27 lần hiến máu tình nguyện.
Cầm trên tay bệnh án của thai phụ 35 tuổi, mang thai 25 tuần mắc dị tật nặng, tâm trạng bác sĩ Hoa nặng nề, không biết nên bắt đầu câu chuyện theo cách nào.
Tế cửu khúc là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội.
Lễ hành hương Hajj của người Hồi giáo đến thánh địa Mecca năm nay ghi nhận số người tử vong lớn do thời tiết nắng nóng hơn 50 độ C.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay đã có phương án giải quyết các vướng mắc liên quan đến hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, bỏ hoang sau 9 năm khởi công tại tỉnh Hà Nam.
Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Nhân dân làm ngoại giao, việc nhỏ ý nghĩa lớn”, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cùng các khách mời đã có những nhắn nhủ thiết thực đến với thanh niên TP.HCM.
Hội nghị đã tiến hành biểu quyết, kiện toàn 11 đồng chí tham gia Ban Chấp hành, 2 đồng chí tham gia Ban Thư ký, 2 đồng chí tham gia Ban Kiểm tra Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa XI.
Cậu học trò nghèo hiếu thảo cùng ông nội đi cắm câu kiếm cá về nấu ăn cho cả gia đình nghèo không may trượt chân, rơi xuống suối đuối nước tử vong.