Cô Nguyễn Thị Minh Tâm (37 tuổi, Đồng Tháp) hiện là giáo viên dạy toán Trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh). Năm 23 tuổi, một biến cố lớn xảy ra tưởng chừng khiến cô gục ngã...
"Bị tai nạn giao thông mất đi một chân, đó là biến cố lớn làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Lúc đầu thật khó chấp nhận, nhưng nguồn động lực lớn giúp tôi vượt qua là tình yêu thương của gia đình, của mọi người dành cho tôi.
Và khi đã nhận được yêu thương rồi tôi nghĩ làm sao để "cho đi". Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm ra đời vì mục đích ấy. Tôi cố gắng dành nhiều sự quan tâm các em học sinh, những đồng nghiệp, thầy cô giáo về hưu khó khăn, những người bạn không may bị khuyết tật giống như tôi" - cô Minh Tâm tâm sự.
* Thưa cô, trong nhiều buổi chia sẻ với các bạn trẻ và học sinh cô hay nhắc đến hai chữ "cho đi" và khẳng định đây là lẽ sống. Vậy điều này được hiểu như thế nào và đến thời điểm này cô đã cho đi những gì?
- Tôi cho đi những câu chuyện chính tôi đã trải qua, bằng những hành động thiết thực giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp và học sinh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên học bổng Nhất Tâm hỗ trợ cho 21 học sinh mức 500.000 đồng/tháng.
Song song đó, những tình nguyện viên sẽ dạy tiếng Anh miễn phí cho các em, trao học bổng định kỳ dựa vào kết quả học tập. Đặc biệt, mỗi học sinh sẽ được một tình nguyện viên đồng hành suốt thời gian nhận học bổng, kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để các em yên tâm đến trường.
Còn đối với các em mồ côi, ngoài học bổng chúng tôi không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn hướng dẫn về kỹ năng, kiến thức cần thiết để các em không cảm thấy bơ vơ, giúp vững vàng hơn trong cuộc sống.
"Cho đi" đến thời điểm hiện tại đối với tôi trở thành một đam mê và là lẽ sống. Tôi tìm cách để cống hiến sức nhỏ của mình cho cộng đồng.
* Trước khi công tác tại TP Cao Lãnh thì huyện biên giới Tân Hồng là nơi đầu tiên cô gắn bó, rồi không may gặp tai nạn giao thông trong một lần đi vận động học sinh đến trường. Vùng đất đó để lại cho cô những kỷ niệm đặc biệt, ảnh hưởng như thế nào trong suốt hành trình sau này?
- Lúc mới ra trường về vùng biên giới nhiều khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khô nóng, nước phèn nám da, đường đất đỏ bụi bay mịt mù khi trời nắng, mưa xuống thì lầy lội.
Nơi công tác cách trung tâm thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng) gần 20km, điều kiện như vậy khiến tôi "chùn chân". Nhưng sau đó chính các em học sinh đã cho tôi sức lực "bám trường".
Rồi tai nạn giao thông bất ngờ ập tới. Đó là điều nằm ngoài mọi sự tưởng tượng của tôi, khiến bao nhiêu dự định còn ấp ủ được cống hiến với nghề, với các em học sinh nơi đây bỗng chốc sụp đổ.
Từ một người lành lặn trở nên khiếm khuyết mất một chân, đó là nỗi đau gần như quật ngã hoàn toàn cô gái mới 23 tuổi.
Sau những nỗi buồn, nước mắt, tôi lại có sự tỉnh táo hơn. Xung quanh mình có những hoàn cảnh khó khăn hơn, mình cảm thấy bản thân còn có thể cố gắng, đặc biệt là khi mình buồn mẹ còn buồn hơn nữa.
Vì mẹ, tôi đã cố gắng từng chút, từng chút để thích ứng với hoàn cảnh mới, tập luyện để đi vững trên đôi nạng trở lại bục giảng, tập luyện để quen với chân giả, cố gắng để "đứng lên".
* Ngoài dạy học, cô còn tham gia nhiều chương trình đồng hành cùng thanh niên đất sen hồng, dành thời gian cho Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm và là chủ nhiệm CLB người khuyết tật tỉnh Đồng Tháp. Có những giải thưởng ghi nhận sự cống hiến của cô từ địa phương đến cấp Trung ương. Nhờ đâu giúp cô có nguồn năng lượng dồi dào, sức khỏe dẻo dai như thế?
- Với phương châm "cho đi", khát khao cống hiến, khi nhìn thấy hạnh phúc của người khác sẽ làm mình hạnh phúc. Do đó tôi cố gắng làm tất cả trong điều kiện, khả năng của mình.
Tôi không đặt nặng những giải thưởng, nhưng chính nhờ những giải thưởng đã giúp tôi gặp được những cá nhân xuất sắc, có cơ hội học hỏi nhiều hơn, qua đó truyền tải được khát vọng của tôi đến với mọi người không phải bằng chữ viết mà là hành động cụ thể.
Hiện tại tôi đi dạy, tham gia hoạt động xã hội và dành thời gian phát triển bản thân như: đọc sách, học ngoại ngữ, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, chương trình đồng hành cùng học sinh.
* Dự định sắp tới của cô là gì?
- Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục phát triển học bổng Nhất Tâm để ngày càng kết nối được nhiều với những tấm lòng hảo tâm đồng hành với các em học sinh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Tôi hy vọng không chỉ có 21 học sinh năm nay mà còn có thể giúp cho nhiều học sinh hơn nữa, để sự hỗ trợ cho các em được nối tiếp nhiều năm hơn nữa.
Những học sinh nhận học bổng ngoài học tập tốt sẽ cùng làm những việc nhỏ để góp phần "Ươm mầm sự tử tế" như viết thư cảm ơn thầy cô, cha mẹ, các y bác sĩ, những người có đóng góp cho xã hội, những nhà hảo tâm... vào những dịp đặc biệt để chính các em sẽ là người cảm nhận và có hành động sau này khi đã thành đạt có đóng góp cho xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm là thạc sĩ toán học. Ngoài giảng dạy, cô là phó bí thư Đoàn Trường THPT Thiên Hộ Dương, chủ nhiệm CLB người khuyết tật tỉnh Đồng Tháp, người sáng lập Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm.
Cô Minh Tâm đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành giáo dục và của tổ chức Đoàn. Tiêu biểu là bằng khen "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" giai đoạn 2008 - 2018 của Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác".
Giải thưởng KOVA ở hạng mục "Sống đẹp" năm 2022.
* Bà Nguyễn Minh Thư(xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp):
Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, có bốn đứa con đều trong độ tuổi đi học. Trong đó, Hồng Ngọt là chị lớn nhất đang học lớp 10 được nhận học bổng Nhất Tâm 500.000 đồng/tháng rất quý.
Vợ chồng tôi làm nghề thu mua vỏ ruột xe cũ rồi phân loại, tái chế bán đi kiếm khoảng 400.000 đồng/ngày nhưng không ổn định. Học bổng một phần giúp gia đình, quan trọng giúp con gái tôi phấn khởi hơn, an tâm học tập.
Ngoài ra con được học tiếng Anh miễn phí, tham gia các hoạt động cộng đồng do cô Tâm tổ chức. Đặc biệt mỗi thứ hai, tư, sáu hằng tuần, tôi nấu gần 20 suất cơm, con gái sẽ phụ giúp nấu và chia phần vào hộp phát cho người khó khăn cần suất ăn miễn phí.
Tiền nấu cơm do Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm tài trợ, hướng dẫn và con tôi được tham gia vào, giúp con thay đổi hơn rất nhiều.
Việc nhiều trường phổ thông ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... chèn môn tự nguyện vào thời khóa biểu chính khóa làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội của phụ huynh.
Sáng 13.4, tại TP Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ khai mạc Giải cầu lông cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ( CNVCLĐ )...
Ngoài bị phạt 27,5 triệu đồng vì chiếm hơn 2.600m2 đất rừng phòng hộ ở Đắk Nông, người đàn ông còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp gần 3.000 đồng.
Nhấn mạnh “xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, vì thực tiễn”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột với các luật khác.
Đồng Nai là địa phương nơi có Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là sân bay Long Thành ) đang xây dựng tại huyện Long...
Vòi rồng xuất hiện khoảng 3 phút ở phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái.
Công văn giả mạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đăng tải trên facebook với nội dung cho học sinh toàn thành phố nghỉ học ngày 8-11 vì mưa lớn khiến học sinh và phụ huynh hoang mang.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết TP sẽ nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đậu xe dưới lòng đường, trên hè phố như: bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn...
TP - Những việc làm bình dị, đời thường mà phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại tỉnh Lạng Sơn đã góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng.