Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Bộ trưởng giữa Liên minh châu Âu và Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 13/5.
Ngày 13/5, tại Stockholm (Thụy Điển) đã diễn ra Diễn đàn Bộ trưởng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy đối thoại.
Diễn đàn do Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom và Phó Chủ tịch, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell đồng chủ trì, với sự tham dự của 27 Bộ trưởng Ngoại giao/Trưởng đoàn các nước EU và 26 nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đại diện một số tổ chức quốc tế và các đối tác khác.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn.
Diễn đàn là dịp để bộ trưởng ngoại giao các quốc gia EU và các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng chia sẻ, đánh giá về cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác giữa hai khu vực châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ đó đề xuất các ý tưởng, giải pháp nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy phối hợp giữa hai khu vực trong giải quyết các vấn đề chung của thế giới.
Ba chủ đề chính được thảo luận tại diễn đàn năm nay bao gồm thúc đẩy thịnh vượng bền vững và bao trùm; nắm bắt cơ hội phát triển xanh và vượt qua các thách thức toàn cầu; cục diện an ninh đang thay đổi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch, Đại diện cấp cao chính sách đối ngoại và an ninh của EC Josep Borrell khẳng định hoà bình, ổn định, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh hưởng mật thiết đến lợi ích của châu Âu, do đó EU mong muốn tăng cường hiện diện, củng cố quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực, cam kết đem lại các thành tựu hợp tác thực chất.
Ông Josep Borrell kỳ vọng diễn đàn trở thành kênh đối thoại thường xuyên, kết nối các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến sâu rộng, đây là diễn đàn quan trọng để EU và các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thảo luận làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, cùng định hình và thúc đẩy tầm nhìn chung về phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.
Tại thảo luận về thịnh vượng, bền vững và bao trùm,các trưởng đoàn nhận định kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo đó, các trưởng đoàn trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế và trưởng bền vững, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng, phát huy tiềm năng của kinh tế số và thu hẹp khoảng cách số.
EU tích cực thúc đẩy liên kết kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua việc đàm phán thêm các hiệp định thương mại tự do và quan hệ đối tác kinh tế số mới và triển khai các sáng kiến, khuôn khổ kết nối liên khu vực như Cửa ngõ toàn cầu và Hiệp định Vận tải hàng không Toàn diện ASEAN-EU.
Các bên cũng trao đổi về các cơ chế chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, hỗ trợ tài chính giữa hai khu vực để nắm bắt hiệu quả các xu thế phát triển kinh tế mới và nâng cao tính tự cường của nền kinh tế.
Về cơ hội phát triển xanh và các thách thức chung, các trưởng đoàn cho rằng biến đổi khí hậu và các vấn đề về suy thoái môi trường, ô nhiễm và khủng hoảng năng lượng dần trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng, mang tính sống còn, đồng thời là cơ hội để các nước điều chỉnh định hướng phát triển; khẳng định quyết tâm cùng phối hợp nhằm hiện thực các cam kết chung toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Công ước đa dạng sinh học.
Diễn đàn cũng đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh diễn ra một cách bền vững, bao trùm và công bằng; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm rác thải nhựa; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, tài chính xanh, nghiên cứu đổi mới sáng tạo và triển khai các công nghệ mới, ít phát thải, bền vững để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất năng lượng.
Đánh giá về cục diện an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các trưởng đoàn chia sẻ những thách an ninh phức tạp và đa chiều tác động tới EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đồng thời khẳng định cam kết đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; nhất trí tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung nhằm bảo đảm an ninh khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Các đại biểu nêu cao tầm quan trọng của hợp tác an ninh hàng hải, bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trên các vùng biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong đó có Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Các trưởng đoàn cũng thảo luận về một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng như an ninh mạng, quản lý thông tin giả, và phòng chống hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận định kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm chuyển đổi then chốt, từ tăng trưởng dựa trên số lượng sang tăng trưởng chất lượng, từ nền kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên sang nền kinh tế tri thức.
Trong quá trình hợp tác chuyển đổi và cùng đối phó với các thách thức toàn cầu, với ba từ khóa “Hợp tác, Phối hợp và Kết nối,” các nước cần có cách tiếp cận phù hợp nhằm vượt qua khác biệt, đáp ứng nhu cầu của các bên, tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh ba yếu tố “cân bằng” cần được bảo đảm.
Thứ nhất, cân bằng giữa nghĩa vụ và năng lực; theo đó, mục tiêu chung chỉ có thể đạt được khi các biện pháp thực thi được điều chỉnh phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của các quốc gia.
Thứ hai, cân bằng giữa tự chủ, tự cường và mở cửa, hội nhập, liên kết kinh tế. Các chính sách công nghiệp trong nước không được gia tăng bảo hộ và đóng cửa thị trường, mà cần tạo thêm cơ hội tái cấu trúc, đổi mới chuỗi cung ứng khu vực.
Thứ ba, cân bằng giữa chuyển đổi và ổn định. Quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải bảo đảm bền vững về tài chính và ổn định xã hội, an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Các tiêu chuẩn môi trường không được trở thành rào cản thương mại và tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Điều kiện tiên quyết để chuyển đổi xanh thành công là cơ hội tiếp cận tài chính, công nghệ xanh, hiện đại và hỗ trợ kỹ thuật. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam đánh giá cao cam kết tài chính của các đối tác châu Âu về biến đổi khí hậu và mong châu Âu tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Quan hệ đối tác Á-Âu và đề nghị các quốc gia cùng phối hợp khôi phục các hoạt động của Diễn đàn Á-Âu (ASEM) vì hoà bình, hợp tác và phát triển./.
HUẾ - Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tìm kiếm ngư dân mất tích sau khi thuyền bị lật.
Trong mấy chục năm qua, Mỹ không lo lắng nhiều về tàu ngầm Trung Quốc, nhưng điều đó đang thay đổi.
Ukraina chưa được phép sử dụng loại vũ khí mạnh nhất bất chấp việc Mỹ “bật đèn xanh” và Nga vẫn có thể tự do tấn công các mục tiêu...
Khoảng 4h sáng nay 10-8, tại xã Tà Xùa (Sơn La) xảy ra vụ sạt lở đất, đá vùi lấp hai cơ sở homestay, khiến 1 người chết, 3 người bị thương.
Mới đây, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai dự án thí điểm cải thiện giao thông, cải tạo không gian đường phố tại một số tuyến đường khu vực trung tâm.
Với đa số tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc cho ông Đinh Tiến Dũng thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết tình hình xung đột tại Myanmar dẫn đến nguy cơ cao cho Thái Lan.
Cô giáo Đặng Thị Phúc - cô giáo năm lớp 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới Nhà tang lễ khóc tiễn biệt người học trò ưu tú.
Quốc hội vừa ban hành nghị quyết 136 cho phép Đà Nẵng tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.