Thực tế cho thấy một số địa phương lựa chọn địa điểm không thuận lợi để xây nhà ở xã hội dẫn đến dự án không tiến triển được hoặc nhà xây xong mà không thu hút được nhiều người về ở.
Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Đề án nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố, theo đó khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, thì địa phương phải xác định diện tích đất xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú của công nhân.
Điểm nhấn của chương trình nhân văn lớn
Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nghĩa là Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại.
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, chín đối tượng được mua nhà ở xã hội là: người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp…
Điều kiện để được mua nhà ở xã hội là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở.
Đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp những người có thu nhập thấp cũng có nơi ăn chốn ở phù hợp.
Điểm nhấn của Đề án là trong tổng số vốn dự kiến 849.000 tỷ đồng thì vốn xã hội hóa là chủ yếu; Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; một số quy định sẽ được bổ sung như huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và vốn nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội; chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương.
Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay.
Lãi suất cho những nhóm này thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ.
Quy định lựa chọn chủ đầu tư xây nhà ở xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng khuyến khích xã hội hóa.
Cơ sở của Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt ngày 30/11/2011 tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu mà Chiến lược đề ra là trong giai đoạn 2016-2020 đưa tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị đặc biệt (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) đạt trên 90%, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các tổ chức đô thị loại III trở lên…; đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.
Cần sự vào cuộc tích cực hơn từ các địa phương
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn… Hiện tại, hơn 40% dân số Việt Nam trên tổng số ở khu vực đô thị.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, hiện nay tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công dân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Từ nay đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, cả nước hiện mới được 7,8 triệu m2 trong khi mục tiêu đề ra là 12,5 triệu m2. Như vậy là mới đạt khoảng 62% kế hoạch theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội do Kiểm toán Nhà nước thực hiện cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.
Cụ thể, 2 trong tổng số 15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2 dự án dừng triển khai không thực hiện được chương trình nhà ở xã hội; 3 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại.
Nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, song còn tồn tại nhiều bất cập về vấn đề quỹ đất. Trong tổng số 2.256 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị (với tổng diện tích gần 43.800ha) thì chỉ có khoảng 1.040 dự án dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020).
Theo các chuyên gia, phân khúc nhà ở xã hội khó có thể phát triển nếu thiếu sự tham gia tích cực từ phía chính quyền địa phương.
Bên cạnh các nguyên nhân như thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ về chính sách, thiếu vốn, thái độ không mặn mà của doanh nghiệp thì điều đáng lưu ý là nhiều địa phương cũng chưa nhiệt tình với các dự án nhà xã hội.
Trước khi có Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội thì kinh phí xây nhà xã hội chủ yếu là từ ngân sách, của cả Trung ương lẫn địa phương.
Vốn Nhà nước bị hạn chế trong khi ít doanh nghiệp mặn mà với các dự án nhà ở xã hội thì chính quyền địa phương càng phải quyết tâm rất cao để gánh vác trách nhiệm. Các tỉnh, thành phố có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư.
Nhà ở xã hội không phải là sự bao cấp về nhà ở, song việc thu hồi vốn đương nhiên sẽ rất chậm. Nguồn vốn bỏ ra vẫn sẽ được bảo toàn nhưng không phải sau 2-3 năm mà phải là 20-30 năm.
Thực tế cho thấy quỹ đất dành cho nhà ở xã hội không nhiều bởi các địa phương chủ yếu dành đất để đấu giá hoặc cho các dự án có thể thu lợi nhuận cao.
Một số địa phương lựa chọn địa điểm không thuận lợi để xây nhà ở xã hội dẫn đến dự án không tiến triển được hoặc nhà xây xong mà không thu hút được nhiều người về ở. Trong khi đó, những khu đất vàng lại được dành cho những dự án nhà ở thương mại.
Quy trách nhiệm rõ ràng
Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội quy trách nhiệm rất rõ ràng cho các địa phương.
Về việc dành quỹ đất làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Đề án sửa đổi, bổ sung quy định về đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo thì cấp ủy ban nhân dân có thẩm quyền phải quy hoạch, xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Các địa phương phải đảm bảo quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ.
Các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản) tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường.
Theo Đề án, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm mà địa phương buộc phải hoàn thành.
Đề án bổ sung quy định quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp thì cấp ủy ban nhân dân có thẩm quyền phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Về tín dụng phát triển nhà ở xã hội, Đề án xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.
Đề án sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới và tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành, nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; theo hướng bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, công bố quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để phát triển nhà ở xã hội.
Các địa phương phải rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở; phải công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án đang vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để tập trung giải quyết, tháo gỡ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy; báo cáo kết quả cho Thủ tướng hằng quý, bắt đầu từ quý 2/2023./.
Sáng nay (31/8), tại ấp Mỹ Trinh, xã Thiện Trung, Cái Bè, Tiền Giang, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã phối hợp với chính quyền địa phương chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng cây cầu dân sinh thứ 8 trên địa bàn.
Khi xây dựng nhà ở hoặc các công trình khác gần đường giao thông, việc tuân thủ khoảng cách giữa công trình và mặt đường là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hợp pháp. Khái niệm về khoảng lùi Khoảng lùi là khoảng không gian giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD, khoảng lùi được xác định như sau: Chỉ giới đường đỏ: Là ranh giới được xác định...
Nhà băng này đấu giá Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Thửa đất số: 721, tờ bản đồ số: 4; Diện tích: 114,0m2. Giá khởi điểm 1.550.000.000 đồng, tiền đặt cọc trước 10%. Tài sản 2: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Thửa đất số: 948, t...
Hơn 10.000 mũ bảo hiểm đã được Xi Măng Xuân Thành trao tận tay các em học sinh và người dân ở nhiều tỉnh, thành sau 3 năm triển khai chương trình trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn trên toàn quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, với thế mạnh về tài nguyên du lịch sinh thái, Điện Biên đang xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên.
Sau nhiều năm đối mặt với những thách thức, ngành mía đường Việt Nam đang bắt đầu có những tín hiệu tích cực trong năm 2024.
TP - Mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) ngày càng phát tán, gây bức xúc cho người dân.
Tập đoàn Comac muốn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và trao đổi sâu với Vietjet nhằm đưa máy bay 'made in China' vào khai thác tại Việt Nam.
Thêm nhiều tàu Nga lênh đênh vô định trên biển, trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh trừng phạt nhắm vào nước này vì cuộc chiến ở Ukraine.