Sự ra đi của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một trong những người đặt nền móng quan trọng cho đối ngoại quốc phòng Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, để lại khoảng trống rất lớn cho đối ngoại Việt Nam và những người được biết và được làm việc với ông.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: ‘Vị tướng làm đối ngoại có tầm nhìn chiến lược rất rộng, rất xa- Người anh thân thiết, gần gũi’ |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tại chương trình kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam “Hành trình khát vọng”, năm 2021. (Nguồn: VAVA) |
Đối với Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh qua đời là một mất mát quá lớn. Từng có nhiều dịp làm việc cùng ông, kỷ niệm sâu sắc và tình cảm trân quý với vị tướng tài ba, người anh thân thiết, luôn in sâu trong tâm trí.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhớ lại năm 2009, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng công bố Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam, và đó cũng là lần đầu tiên bà trên cương vị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, được trực tiếp làm việc với vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng mang quân hàm Trung tướng.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Vịnh, đó là một người rất đặc biệt, thông minh sắc sảo, ứng xử rất linh hoạt và có duyên”, Đại sứ nói.
Sau “lần đầu tiên” đó, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh có thêm nhiều dịp cùng làm việc, nhất là cùng chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm 2010 đầy bận rộn, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Và trong những năm tháng tiếp theo, khi hai bên phối hợp cùng xử lý các vấn đề liên quan đến những diễn biến phức tạp trên Biển Đông.
“Anh Vịnh rất quyết liệt, đầy bản lĩnh. Anh rất kiên định chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, song luôn kiên định chủ trương giải quyết các vấn đề xung đột bằng biện pháp hoà bình, nêu rõ chính sách “Ba không” của Việt Nam.
“Anh Vịnh luôn tìm những giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước”, nữ Đại sứ nói, giọng rưng rưng.
Nhắc về những đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhận xét ông là một trong những người có đóng góp to lớn, đặt nền móng quan trọng cho đối ngoại quốc phòng Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, cũng như đối với việc củng cố và phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác.
Vị Tướng quân đội hiểu rõ và rất sâu sắc về tầm quan trọng và vai trò của đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, luôn chia sẻ, đồng hành với Bộ Ngoại giao và rất chú trọng gắn kết ngoại giao chính trị, quốc phòng và an ninh để thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
“Anh Vịnh có tư duy đặc biệt sâu sắc, nhạy bén, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện rất rõ trong việc thúc đẩy và triển khai các bước đi thực hiện chủ trương Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc và cử quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc”.
Nguyên Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại New York nhớ lại một cuộc gặp cho thấy “tầm nhìn rất xa” của Tướng Vịnh.
“Trong cuộc gặp với Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề gìn giữ hoà bình, năm 2015 anh Vịnh đã nêu đề nghị cho sĩ quan Việt Nam được tham gia làm việc tại Cơ quan phụ trách hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc đóng tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
Thực sự đối với Việt Nam hay nhiều quốc gia khác, để cử cán bộ làm việc tại trụ sở của Liên hợp quốc là rất khó, chưa kể thời điểm đó, Việt Nam mới tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, chưa có nhiều quân nhân tham gia, cũng chưa hoàn thành việc chuẩn bị bệnh viện dã chiến đầu tiên.
Vậy mà, trong cuộc gặp đó, vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nêu vấn đề ngay đối với đại diện lãnh đạo Liên hợp quốc".
Đáp lại đề nghị “bất ngờ” đó của Việt Nam, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nói rằng, cần có thời gian, sự chuẩn bị và cả kinh nghiệm thực địa. Thế nhưng, Tướng Vịnh khẳng định chắc nịch: “Tôi tin tưởng chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn của Liên hợp quốc”.
Và chỉ sau đó ít năm, ước mơ, quyết tâm của Tướng Vịnh đã thành hiện thực. Việt Nam có nhiều quân nhân tham gia vào lực lượng gìn giữ hoà bình và các sĩ quan của Việt Nam được tiếp nhận vào làm việc ngay tại Cơ quan phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình tại trụ sở chính của Liên hợp quốc.
“Anh Vịnh là một vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược và quyết đoán mạnh mẽ, quyết liệt. Anh nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng gần gũi, giản dị”. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhớ lại những lần đi công tác tại New York, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không đi ăn nhà hàng, "mà thường thích về nơi ở của anh chị em cán bộ, nhân viên Phái đoàn để được ăn cơm nhà. Những bữa cơm đơn giản do chính các anh em trong Phái đoàn và đoàn công tác của Bộ Quốc phòng nấu, chỉ cần có món thịt kho tàu là món anh yêu thích”.
Với những người từng tiếp xúc, làm việc cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thì Tướng Vịnh luôn là “Anh Năm” gần gũi, thân thiết và luôn cảm nhận được sự giản dị, thương yêu, quan tâm chăm sóc như người anh đối với các em của người lãnh đạo quân đội. "Anh rất vui tính, hài hước, năng động và rất lạc quan. Anh rất quan tâm đến lịch sử truyền thống của đất nước và quân đội, rất chú ý và tạo điều kiện để anh chị em phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ có điều kiện thể hiện tài năng và phát triển".
Từng có dịp được tham gia cùng Tướng Vịnh thực hiện các cuộc trả lời phỏng vấn cho báo chí, nguyên nữ Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Ở gần anh Vịnh, luôn luôn được truyền một năng lượng tích cực, lạc quan và học được rất nhiều ở những phân tích rất sắc sảo, sâu sắc. Đó là một con người hiếm có và sự ra đi của anh Vịnh là mất mát vô cùng lớn đối với mỗi chúng ta”.
Để nói ngắn gọn nhất về vị Tướng mà bà luôn coi là người thầy, người anh, Đại sứ Nguyễn Phương Nga mượn lời của danh họa người Mỹ Andy Warhol: Điều quan trọng không phải là sống mãi mãi, mà tạo nên cái gì để nó sống mãi. "Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chính là một người như vậy”.
Ngày 26/3, tại thủ đô Moscow, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã đến Bộ Ngoại giao Nga để viếng và ghi sổ tang chia buồn về vụ tấn công khủng bố tại phòng hòa nhạc Crocus City Hall xảy ra ngày 22/3 ở ngoại ô Moscow, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương.
Tổng thống Timor-Leste coi Việt Nam là hình mẫu phát triển, đồng thời khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam.
Mỹ tuyên bố nước này sẵn sàng đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh quân sự mọi đòn tấn công hạt nhân từ Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc.
Cánh vũ trang của Hamas tuyên bố khoảng 50 con tin bị nhóm này giam ở Dải Gaza đã chết do những cuộc không kích của Israel.
Ngoại trưởng chính quyền Taliban cam kết nỗ lực chống khủng bố, sau những sự việc công dân Trung Quốc bị tấn công ở Afghanistan.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho rằng, dù đứng trước không ít khó khăn nhưng Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tích không dễ mà có được.
Quân đội Israel thừa nhận 'cần mất vài ngày' để dân thường Palestine sơ tán khỏi phía bắc Dải Gaza, sau khi LHQ nói rằng Tel Aviv đưa ra thời hạn 24 giờ.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã kêu gọi Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga và kết thúc cuộc xung đột đang diễn ra.
Tổng thống Macron cam kết sẽ bơi trên sông Seine để chứng minh dòng sông đủ sạch, có thể làm điểm thi đấu cho Olympic Paris 2024.