TPO - Nhiều phụ huynh tại Đà Nẵng bức xúc, hoang mang vì con chịu thiệt thòi khi nhà trường tổ chức dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa ngay trong giờ chính khóa nếu con không đăng ký theo học.
Bạn được phát vở học, con ngồi chờ 2 tiết
Từ đầu năm học này, nhiều trường Tiểu học tại Đà Nẵng triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Nhà trường tổ chức cho học sinh và cha mẹ học sinh đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện, thời lượng từ 1-2 tiết/tuần/lớp.
Một tiết học tiếng Anh với người nước ngoài của học sinh Tiểu học tại Đà Nẵng. |
Một tiết học tiếng Anh với người nước ngoài của học sinh Tiểu học tại Đà Nẵng. |
Chị N.M., có con học tại một trường trên địa bàn quận Hải Châu cho hay chị không đăng ký cho con tham gia tiết học ngoại khóa này. Tuy nhiên trường lại tổ chức dạy ngay vào buổi sáng, trong giờ chính khóa. Khi các bạn cùng lớp theo học thì con chị và một số bạn không đăng ký học ra khỏi lớp, tự chơi trong sân trường. Việc này theo chị làm mất thời gian, ảnh hưởng tới tâm lý của các cháu, nhất là những em hoàn cảnh khó khăn. Chị bày tỏ bức xúc vì sao trường lại bố trí môn học tự nguyện này vào trong giờ chính khóa làm ảnh hưởng tới các em?
Theo tìm hiểu mức học phí học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài là 140.000đ/tháng/học sinh (1 tiết/1 tuần). Trường hợp học hai tiết mỗi tuần thì học phí gấp đôi.
Nhiều phụ huynh khác không đăng ký cho con học tiếng Anh vì hoàn cảnh khó khăn hoặc vì đã cho con theo học tại các trung tâm ngoại ngữ. Theo họ, khi nhà trường bố trí giờ học này vào buổi chính khóa, vô tình khiến các cháu bị “tách” ra khỏi lớp.
“Trường đẩy môn ngoại khóa vào buổi sáng thứ 6. Lớp con tôi có rất nhiều phụ huynh không đăng ký. Những bạn không đăng ký ngồi chung phòng với các bạn đăng ký nhưng chỉ “ngồi không”, không được phát sách vở cho học. Hôm trước đón về cháu tủi thân, khóc òa lên kêu tại sao các bạn được cô phát vở còn con không được? Thật sự rất xót con”, một phụ huynh bày tỏ.
Các phụ huynh cho rằng, việc bố trí giờ học ngoại khóa quá bất cập. Phụ huynh phải đưa con lên buổi sáng, học 2 tiết đầu chính khóa xong các cháu phải chờ đợi bạn học môn tự nguyện suốt 2 tiết rồi mới nghỉ trưa, chiều phải tiếp tục học chính khóa mới được đón về. Nếu bố trí hợp lý, thì tiết ngoại khóa phải rơi vào buổi chiều, những em không học sẽ về nhà khi hoàn tất các môn chính khóa.
“Nhà trường có nói lý do là trung tâm không bố trí đủ giáo viên, nhưng đó là trách nhiệm liên kết, sắp xếp giữa hai bên. Không thể vì thế mà để các em “chịu trận” được”, một phụ huynh khác nói.
Không được chèn vào thời khóa biểu chính khóa
Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Đổng cho hay, nhà trường triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa từ đầu năm học này. Chủ yếu học sinh khối 1, 2 đăng ký, trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường từng bố trí tiết học ngoại khóa này trong sáng thứ 6 do trung tâm liên kết không bố trí được giáo viên đến dạy.
“Những em không đăng ký học thì có thể tự học hoặc lên thư viện, nhà trường không để các em ra khỏi trường hay lạc lõng. Trường hợp những em vì điều kiện khó khăn không đăng ký nhưng muốn học, trường cũng tạo điều kiện cho các em vào học. Tuy nhiên sẽ không có đánh giá sau khi kết thúc chương trình”, cô Trúc nói.
Việc chèn môn tự nguyện vào giờ chính khóa còn gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con. |
Việc chèn môn tự nguyện vào giờ chính khóa còn gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con. |
Cô cho biết thêm đã tiếp nhận phản ảnh của phụ huynh về việc bố trí môn học tự nguyện vào giờ chính khóa. Hiện nhà trường đang sắp xếp lại thời khóa biểu để có thể bố trí các tiết học này vào buổi chiều, luân phiên trong tuần. Trường hợp các lớp có ít học sinh đăng ký sẽ gộp lại dạy chung, những em không theo học phụ huynh sẽ đến đón về.
Theo tìm hiểu, trước sự phản ánh, hoang mang của phụ huynh, một số trường tại Đà Nẵng đã cho dừng việc học tiếng Anh với người nước ngoài. Nhiều trường khác đã cho phụ huynh, học sinh đăng ký từ đầu năm học nhưng vẫn chưa triển khai.
Trao đổi với phóng viên ngày 27/9, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị, trường học chỉ được tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa ngoài giờ học chính khóa, không chèn vào thời khóa biểu chính khóa. Nhà trường triển khai cho học sinh và phụ huynh đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện. Nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lí học sinh. Các trường chỉ được phép triển khai sau khi có phê duyệt của phòng GDĐT các quận, huyện.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý, các phòng GDĐT các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra điều kiện, phê duyệt kế hoạch tổ chức học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại các trường tiểu học trên địa bàn; lưu ý việc đảm bảo số lượng giáo viên người nước ngoài của 1 trung tâm khi thực hiện liên kết với nhiều trường tiểu học trong quận, huyện.
Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng chợ cóc ở Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội)...
Sáng 16/4, tượng đài V.I.Lenin sẽ được khánh thành tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là chương trình phối hợp giữa hai tỉnh Nghệ An và Ulyanovsk (Nga) nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh của Lenin. Tượng đài này là quà tặng của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Ulyanovsk dành cho nhân dân tỉnh kết nghĩa Nghệ An và nhân dân Việt Nam. Đây là quyết định của chính quyền Ulyanovsk từ năm 2019. Tác giả của tượng đài là nhà điêu khắc Nga Smirkin Igor Stepanovich....
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước ASEAN xây dựng một ASEAN -một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng.
Đầu Xuân năm mới, cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên quần đảo Trường Sa đã cùng nhau tham gia buổi lễ chùa để cầu chúc một năm mới an lành, hạnh phúc.
Tính đến hết ngày 11/10, do sự vận động, thuyết phục của các cấp chính quyền quận Thanh Xuân, chỉ còn 43 hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân.
Theo Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, quân dân Trường Sa luôn vững vàng bản lĩnh, mài sắc ý chí, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống, chấp hành nghiêm kỷ luật, tích cực giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, xây dựng cảnh quan môi trường có nhiều cố gắng.
Năm học 2023-2024, tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh và các môn đặc thù như tin học, âm nhạc, mỹ thuật diễn ra tại nhiều trường học ở Thanh Hoá.
Ngày 9-8, mưa giảm, các lực lượng của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ quét, sạt lở đất hôm 5-8.
Ngày 4/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc chuyển Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.