Cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái bị cáo buộc nhận hối lộ định kỳ hàng năm, tổng cộng 24,9 tỉ đồng, để nâng đỡ, dọn đường cho doanh nghiệp “sân sau” trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Đức Thái, cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về tội nhận hối lộ.
Cấp dưới của ông Thái là Lê Hoàng Hải, phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, Phạm Gia Thạch, thành viên hội đồng thành viên, cựu kế toán trưởng bị truy tố về tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh trên, viện kiểm sát truy tố Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Quốc Khánh, cựu trưởng ban và phó trưởng ban kế hoạch marketing Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam.
Cựu chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng và cựu giám đốc Công ty Minh Cường Phát cùng bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Theo cáo trạng, việc mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo dục, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, đơn vị này đều áp dụng hình thức "chào giá".
Từ năm 2017, ông Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV kiêm đại diện pháp luật của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có quyền quyết định trong việc mua sắm giấy in phục vụ in sách giáo dục.
Trên cương vị này, ông bị cáo buộc đã chỉ đạo lựa chọn mua giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Trong quá trình thực hiện các gói thầu được giao với tổng giá trị hơn 452 tỉ, ông Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tổng số tiền 24,9 tỉ.
Cáo trạng thể hiện, ngay khi Thái được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch Nhà xuất bản, lãnh đạo 2 công ty trên đã đến gặp vừa để giới thiệu về công ty vừa nhờ ông tạo điều kiện giúp đỡ cho trúng thầu và "sẽ cảm ơn".
Sau khi thống nhất với Nguyễn Trí Minh (giám đốc Công ty Minh Cường Phát) và Tô Mỹ Ngọc (chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng), ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới lựa chọn phương thức "chào hàng cạnh tranh rút gọn" và đưa 2 công ty này vào "danh sách ngắn" được nhận yêu cầu báo giá trái quy định, cáo trạng nêu.
Năm 2017, Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng 3 gói thầu tổng trị giá hơn 282 tỉ. Nữ chủ tịch công ty đã chuẩn bị số tiền 3 tỉ bay từ TP.HCM ra Hà Nội gặp ông Thái.
Cuộc gặp diễn ra tại phòng làm việc của cựu chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bà Ngọc để túi tiền ở cạnh bàn uống nước và nói có chút "quà biếu cảm ơn đã giúp công ty trúng thầu". Cuộc gặp kết thúc, ông Thái mở túi kiểm tra và cất tiền vào két sắt trong phòng làm việc.
Trong 4 năm tiếp theo (từ 2018-2021), Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã tham gia và trúng 10 gói thầu. Nữ chủ tịch của công ty này đã đến phòng làm việc của ông Thái định kỳ mỗi năm 1 lần để đưa tiền mỗi lần 4 tỉ.
Trong khoảng thời gian trên ông Thái đã nhận tổng số tiền 16 tỉ, khi nhận tiền ông đều cất vào két sắt trong phòng làm việc của mình.
Ngoài ra, vào dịp Tết nguyên đán của 5 năm liên tiếp, từ 2018-2022, bà Ngọc đều cảm ơn ông Thái 200 triệu đồng mỗi năm, tổng một tỉ đồng.
Như vậy, từ 2017-2022, chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng đã đưa hối lộ cho ông Thái tổng cộng 20 tỉ đồng vì được tạo điều kiện trúng 13 gói thầu tổng trị giá hơn 2.100 tỉ đồng, cáo trạng nêu.
Ngoài ra, ông Thái còn bị cáo buộc nhiều lần nhận tiền "giúp đỡ" Nguyễn Trí Minh, giám đốc Công ty TNHH giấy Minh Cường Phát.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 7-2017, ông Minh đến phòng làm việc của chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục để gặp và giới thiệu công ty của mình là đối tác cung cấp giấy từ những năm trước.
Đồng thời, ông Minh đề nghị được tạo điều kiện cho công ty của mình được tiếp tục là đối tác cung cấp giấy. Công ty này sau đó được đưa vào danh sách, trúng gói thầu số 6.
Tháng 9-2017, ông Minh mang theo một hộp bánh, chai rượu và 400 triệu đồng bỏ vào túi giấy, tiếp tục đến phòng làm việc đưa cho ông Thái để cảm ơn.
Đồng thời, ông Minh đề nghị và được ông Thái đồng ý cho công ty trúng gói thầu số 7. Ông Thái sau đó chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa thủ tục để công ty của ông Minh trúng thầu.
Cũng như lần trước, sau khi "nhờ vả" thành công, Ông Minh bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Sau khi xuống sân bay Nội Bài, Minh đế ngân hàng rút 2,5 tỉ để vào túi nilong màu đen.
Giám đốc Công ty Minh Cường Phát mua một hộp bánh, một chai rượu mang theo túi bóng đựng 2,5 tỉ đến phòng làm việc gặp ông Thái.
Ông Minh để túi quà đựng tiền dưới đất gần phía đầu bàn uống nước rồi cảm ơn chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục vì đã tạo điều kiện cho trúng thầu.
Ngoài ra từ năm 2018 - 2020, để được vào danh sách tham dự và cung ứng giấy in, Nguyễn Trí Minh đều đến gặp, đề nghị và được ông Thái đồng ý cho tiếp tục tham gia chào hàng, cung cấp giấy in.
Nhờ sự giúp đỡ của ông Thái, công ty của ông Minh trúng 3 gói thầu. Giám đốc doanh nghiệp sau đó ba lần mang theo túi quà với tổng số tiền 2 tỉ đồng đến gặp cảm ơn ông Thái.
Viện kiểm sát cáo buộc từ năm 2017 - 2020, Nguyễn Trí Minh đã đưa hối lộ tổng số tiền 4,9 tỉ đồng cho ông Nguyễn Đức Thái để được tạo điều kiện trúng các gói thầu.
Ông Thái khai tất cả những lần đưa tiền hối lộ, chỉ có hai người trong phòng làm việc của ông, nên lúc đưa tiền không ai chứng kiến. Nhận tiền xong, ông đều cất tiền vào két sắt sau bàn làm việc và sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Quá trình điều tra, ông Thái thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nộp lại 3 tỉ đồng tiền nhận hối lộ, tự nguyện giao tài sản kê biên để khắc phục hậu quả vụ án.
Trên chòi gác cao 20 m, rộng 3 m2, ngày nắng rát da, đêm đầy muỗi, nhân viên phải túc trực 24/24 canh giữ rừng, sớm phát hiện, ngăn nguy cơ cháy trong mùa khô hạn.
Công an thị xã Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 12 thanh thiếu niên (trú tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương) để làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng. Rạng sáng 29/6/2023, công an thị xã Quế Võ nhận thông tin về nhóm 12 người (từ 15 đến 17 tuổi) di chuyển bằng xe máy, mang theo gậy rút 3 khúc, kiếm, vỏ chai thủy tinh…phóng nhanh, vượt ẩu từ khu vực TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương lên khu vực thị xã Quế...
1. Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trái phép Theo Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trái phép sẽ bị xử phạt như sau: Chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng. Hành vi này sẽ bị các mức phạt tương ứng với diện tích, cụ thể: Dưới 0,5ha, bị phạt từ 2 đến dưới 5 triệu đồng; Từ 0,5 đến dưới 1ha, bị phạt từ 5 đến dưới 10 triệu đồng; Từ 1ha đến dưới 3ha, bị phạt từ 10...
Phát hiện vết nứt toác trên một ngọn núi thuộc huyện Minh Hóa, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó sạt lở núi.
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, yêu cầu UBND Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Phú Yên cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây đô thị để xem xét dấu hiệu tội phạm.
Hướng về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở xa Tổ quốc kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương kính yêu và nguyện khắc ghi những căn dặn của Tổng Bí thư lúc sinh thời.
Rất nhiều người đã khổ sở khi phải thực hiện thủ tục xác nhận 'nông dân' để được nhận phần đất hương hỏa (là đất nông nghiệp hoặc đất lúa), là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Nông vừa ra Quyết định xử phạt hành chính và tước bằng lái đối với tài xế xe buýt vi phạm...
Hà Tĩnh - Chiều ngày 4.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt...