Lẽ thường ai cũng vui khi nhà cửa được ra mặt tiền đường lớn. Nhưng không ai vui nổi khi đường lớn sát cạnh nhà, phòng khách, phòng ngủ cách làn xe chạy chỉ một vài bước chân.
Nhiều người dân kêu trời vì nhà ở bỗng ra mặt đường khi thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Phản ánh tới Tuổi Trẻ, nhiều hộ dân bên đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thị trấn Chư Sê cho hay phải sống trong lo sợ mỗi ngày khi mặt đường lấn vào sát cửa.
Tại điểm giao với quốc lộ 25, nhiều căn nhà nằm ngay góc ngã tư gần như không có khoảng cách với mặt đường, mở cửa bước một chân ra là tới làn xe chạy.
Tại ngã tư này, căn nhà của hộ bà Nguyễn Thị Chung (59 tuổi) có 40m tiếp xúc với mặt đường lớn. Con đường bọc thành vòng cung bao sát tường nhà, không còn khoảng "thở".
Bà Chung mở cổng dắt xe máy ra, một bánh chạm mặt đường một bánh còn trong nhà. Con đường cong theo tường nhà khuất tầm nhìn, xe cộ phóng ào ào vô cùng nguy hiểm.
Bà lo lắng nói chỉ cần sơ sẩy là va quệt, tai nạn giao thông, mỗi lần đi đâu ra khỏi nhà phải nhìn trước ngó sau, cẩn thận từng chút.
Căn nhà trổ hai cánh cổng mà cổng nào cũng sát đường, nguy hiểm như nhau. Những lúc nhà có con cháu bà Chung khóa chặt cửa, "nhốt" trẻ trong nhà vì sợ trẻ con vui đùa chạy ra ngoài bị xe đụng. Bà mở quán cà phê buôn bán kiếm tiền sinh hoạt nhưng đường đi trái khuấy, khách vắng hẳn!
Bên kia ngã tư, gia đình chị Mai Thị Thêu (39 tuổi) phải bỏ nhà ra rẫy, dựng chỗ ở khác vì ám ảnh tai nạn.
Ít nhất hai vụ tai nạn chết người giữa xe khách giường nằm đã xảy ra tại ngã tư sát tường, chỉ cách vài mét nữa là lao vào nhà. Con gái chị từng bị va quệt xe máy sây sát chân tay khi bước ra đi học.
Không thể sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, hai vợ chồng và hai con bỏ nhà vào rẫy dựng chỗ ở. Căn nhà mặt tiền đường lớn rao bán chẳng ai mua, ở không được, khóc không thành tiếng.
Đưa phóng viên ra sau khu nhà, chị Thêu chỉ vào mốc giới hành lang an toàn đường bộ được cắm sâu hết lô đất. Có nghĩa toàn bộ căn nhà này đang nằm trong hành lang đường bộ, những hộ dân xung quanh cũng tương tự.
Bức xúc trước bất cập từ con đường, nhiều người dân bày tỏ mong mỏi được giải tỏa, bố trí tái định cư đi nơi khác để ổn định cuộc sống.
Tại ngã tư giao với đường Cách Mạng, căn nhà của ông Lê Đình Nho (62 tuổi) bị con đường "liếm" vào sát rạt.
Từ chỗ cổng nhà cách mặt đường hơn chục mét, nay ông Nho phải mua đất hàng xóm trổ cổng khác để đi. Nhưng chiếc cổng này cũng không tốt hơn mấy vì cũng nằm sát mặt đường.
Mỗi lần đi ra đi vào cả nhà phải coi ngó thật kỹ mới dám bước ra nhưng vẫn nhiều pha thót tim khi xe máy, ô tô bo cua sát tường.
Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an huyện Chư Sê cho biết tuyến đường tránh này rất nhiều bất cập, nguy cơ mất an toàn giao thông và thực tế đã xảy ra rất nhiều tai nạn lớn nhỏ tại các nút giao cắt.
Sau khi miệt mài kiến nghị, cơ quan quản lý đã lắp đặt một số trụ đèn tín hiệu tại các nút giao nhưng nguy hiểm vẫn rình rập vì nhà dân quá sát mặt đường.
Ngoài việc ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân, những công trình này còn che khuất tầm nhìn của phương tiện khi đi qua nút giao, gây ra rủi ro rất lớn về tai nạn.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Sê, tại dự án này mốc lộ giới hàng chục mét mỗi bên nhưng khi triển khai chỉ đền bù phần lòng đường và 1m lề đường, phần còn lại trong chỉ giới chưa đền bù giải phóng mặt bằng.
Đơn vị này cho hay việc có tiếp tục tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng tại dự án này nữa hay không phải do cơ quan quản lý đường bộ quyết định, không thuộc thẩm quyền địa phương. Địa phương chỉ phối hợp trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Khu Quản lý đường bộ III, thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đơn vị chỉ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành tuyến đường, trong khi công tác giải phóng mặt bằng do Ban Quản lý dự án 6 (thuộc Bộ Giao thông vận tải, nay là Bộ Xây dựng) và chính quyền địa phương đảm nhiệm.
Theo quy định, đối với đoạn đường cấp III đồng bằng, hành lang an toàn giao thông đường bộ được xác định là 13m tính từ mép đường.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê khởi công từ tháng 5-2018, có tổng mức đầu tư gần 250 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải, làm chủ đầu tư.
Tuyến đường tránh này có chiều dài 11km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 11m đi qua địa phận các xã: Ia Pal, Ia Glai và thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm mở ra triển vọng hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và Kazakhstan, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực.
Hà Nội – Có 3 đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn huyện Sóc Sơn được nhận hỗ trợ Mái ấm Công đoàn. Việc này càng ý nghĩa khi diễn ra vào Tháng Công nhân.
Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, trường đại học Xây dựng Hà Nội thay đổi cách tính điểm IELTS và SAT trong kỳ tuyển sinh năm 2025.
Ngày 2/5 - ngày thứ ba trong kỳ nghỉ lễ, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 60mm.
Bình Dương - Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn đang nhận hồ sơ phỏng vấn tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Từ nay đến ngày 14/5, mưa dông ở TPHCM có xu hướng xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn. Cơ quan khí tượng dự báo gió mùa Tây Nam sẽ được thiết lập ở khu vực phía Nam. Đây là tín hiệu rõ rệt cho sự chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa ở Nam bộ (bao gồm TPHCM).
Bộ Chính trị yêu cầu kịp thời chi trả theo chế độ, chính sách về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Sáng 3/5, hàng vạn người đổ về chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) trong ngày đầu tiên xá lợi Phật – bảo vật quốc gia Ấn Độ – được mở cửa chiêm bái. Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, từ sáng sớm, chùa Thanh Tâm – nơi được chọn làm điểm tôn trí chính thức xá lợi Phật – đã kín đặc người. Dòng người trải dài từ cổng vào đến khu chính điện, tay chắp trước ngực, ánh mắt thành kính hướng về khám thờ xá lợi. Nhiều Phật tử lớn tuổi vượt quãng...
Trong tuần qua, TPHCM đã triển khai nhiều quyết định nhân sự quan trọng.