Tên lửa ATACMS được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vệ tinh, cho phép quả đạn tập kích chính xác mục tiêu cách 300 km.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine phóng 6 tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS vào cơ sở quân sự tại tỉnh Bryansk trong đêm 19/11, đánh dấu lần đầu tiên Kiev khai hỏa vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ vào lãnh thổ đối phương.
Vụ tập kích diễn ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước này cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Washington trước đó chỉ cho Kiev dùng đạn tầm ngắn như rocket HIMARS để tập kích lãnh thổ đối phương, thay vì tên lửa ATACMS có tầm bắn tối đa 300 km.
Giới chuyên gia nhận định việc Ukraine được gỡ rào vũ khí không phải quyết định có thể "thay đổi cuộc chơi", song vẫn mang lại lợi ích quân sự với Kiev. Nhờ tên lửa ATACMS, Ukraine giờ sẽ có thể nhắm vào các mục tiêu quân sự quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga, vốn không thể với tới nếu chỉ sử dụng rocket phóng từ HIMARS.
Không chỉ có tầm bắn xa, tên lửa ATACMS còn có thể tấn công mục tiêu một cách chính xác nhờ vào hệ thống dẫn đường tích hợp.
Lô ATACMS đầu tiên mà Ukraine tiếp nhận cuối năm ngoái là biến thể M39 có tầm bắn 165 km và được trang bị hệ thống định vị quán tính (INS). Đây là hệ thống dẫn đường độc lập, sử dụng gia tốc kế và con quay hồi chuyển để tính toán vị trí, vận tốc, độ cao của tên lửa.
Dựa trên dữ liệu từ các cảm biến này, hệ thống máy tính bên trong tên lửa sẽ liên tục tính toán vị trí của quả đạn, đối chiếu với đường bay đã được nạp sẵn để phát hiện sai lệch, từ đó điều chỉnh hướng bay một cách chính xác và theo thời gian thực trong suốt hành trình lao tới mục tiêu.
INS không phụ thuộc vào tín hiệu hoặc thông tin từ bên ngoài để hoạt động, nên "miễn nhiễm" với các biện pháp gây nhiễu bằng thiết bị tác chiến điện tử. Nhược điểm của hệ thống này là khi tên lửa bay càng xa, độ sai lệch sẽ càng lớn và tỷ lệ chính xác giảm đi đáng kể.
Mỹ đầu năm nay chuyển giao cho Ukraine lô tên lửa ATACMS thứ hai, trong đó có biến thể với khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 300 km. Ngoài tăng tầm bắn, phiên bản này còn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính đã được nâng cấp, đồng thời bổ sung hệ thống GPS.
GPS là hệ thống định vị vệ tinh do Mỹ phát triển nhằm cung cấp dữ liệu vị trí với độ chính xác cao. Bộ thu GPS trong tên lửa ATACMS có chức năng tính toán vị trí của quả đạn thông qua tín hiệu tiếp nhận từ nhiều vệ tinh GPS khác nhau, rồi sử dụng thông tin này để dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu định sẵn.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho biết tên lửa ATACMS sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị vệ tinh GPS sở hữu độ chính xác lớn hơn phiên bản chỉ dùng công nghệ INS, có khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 10-50 mét.
"Sự kết hợp giữa GPS và INS giúp đảm bảo khả năng nhắm mục tiêu với độ chính xác cao, yếu tố quan trọng để giảm thiệt hại ngoài dự kiến và tập kích thành công mục tiêu giá trị lớn trong nhiều kịch bản chiến đấu khác nhau", chuyên trang quân sự Army Recognition nhận định.
Truyền thông Nga đầu tháng 7 công bố video mổ xẻ tên lửa ATACMS thu được từ Ukraine, được cho là phiên bản tầm bắn 300 km. Chuyên gia trong video cho biết cụm thiết bị dẫn đường của quả đạn có ba con quay hồi chuyển laser vòng, bộ phận cấu thành hệ thống dẫn đường quán tính, và ăng-ten GPS để điều chỉnh đường bay của quả đạn ở pha đầu và pha cuối.
"Nếu vệ tinh Mỹ không tham gia dẫn đường bằng tín hiệu GPS, ATACMS sẽ không phải tên lửa có độ chính xác cao", chuyên gia quân sự Nga Alexander Mikhailov cho biết.
Dù vậy, bổ sung hệ thống định vị GPS sẽ khiến phiên bản ATACMS tầm xa dễ bị gây nhiễu và vô hiệu hóa giống như loạt vũ khí chính xác cao khác mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Theo một báo cáo nội bộ của Kiev, tỷ lệ trúng đích của đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur sử dụng công nghệ GPS đã giảm mạnh chỉ sau vài tháng thực chiến, xuống mức chưa đến 10%.
Giới chuyên gia cũng nhận định lưới phòng không Nga hiện nay có đủ năng lực bắn hạ tên lửa ATACMS nếu không bị quá tải vì số lượng đầu đạn lớn trong đòn tập kích. Về lý thuyết, khả năng đánh chặn tên lửa ATACMS ở lãnh thổ Nga cũng lớn hơn so với khi bị nó tấn công gần tiền tuyến, do khoảng cách xa sẽ giúp Moskva có thêm thời gian để phản ứng.
Nga cũng có thể di chuyển các cơ sở và lực lượng quan trọng ra ngoài tầm bắn 300 km của tên lửa ATACMS, đồng thời tiếp tục đẩy lùi tiền tuyến về phía quân đội Ukraine, nhằm tạo vùng đệm rộng hơn.
Phạm Giang (Theo Army Recognition, Missile Threat, RIA Novosti)
Ngày 28/7, theo thông tin từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, các tàu của Hải quân Nga và Trung Quốc đã triển khai đợt tuần tra chung nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vào ngày 8/5 cách đây 35 năm, Việt Nam và Brazil đã tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp Đại sứ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới kiểm tra một xưởng đóng tàu và nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng hải quân khi 'chuẩn bị cho xung đột'.
Người dân thành phố Orsk, một trong những khu vực bị ngập nặng nhất sau vụ vỡ đê trên sông Ural, chỉ trích giới chức địa phương và cầu cứu Tổng thống Putin.
Tổng thống Timor-Leste José Ramos-Horta sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam trong bốn ngày, bắt đầu từ ngày 31-7, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Tối 8/9, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) năm 2023 và Chương trình Gala Tiếng “Mẹ” thân thương đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
Đại sứ Bùi Văn Nghị đề nghị Chính phủ Peru tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án đầu tư viễn thông, dầu khí của Viettel và PVN.
Iran cho biết hai binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong ba đợt tập kích của Israel nhằm vào các cơ sở quân sự ở quốc gia Hồi giáo.
Theo Bộ Y tế Lebanon, ít nhất 182 người đã thiệt mạng và 727 người bị thương trong làn sóng không kích ồ ạt của Israel vào miền Nam Lebanon trong ngày 23/9.