Cơ quan quản lý nhà tù Nga thông báo chính trị gia đối lập Alexei Navalny đã qua đời trong cơ sở giam giữ ở tuổi 47.
"Ngày 16/2, tại trại giam số 3, tù nhân Alexei Navalny cảm thấy không khỏe sau khi đi dạo, gần như bất tỉnh ngay lập tức. Nhân viên y tế của cơ sở đã hỗ trợ ngay lập tức và đội cấp cứu được gọi đến. Chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp hồi sức cần thiết nhưng không mang lại kết quả khả quan. Các bác sĩ của đội cấp cứu kết luận tù nhân đã qua đời", cơ quan quản lý nhà tù thuộc tỉnh Yamalo-Nenets, phía bắc nước Nga, đăng thông báo trên trang web.
Giới chức Nga cho biết họ đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được thông báo về sự việc. Peskov khẳng định giới chức quản lý nhà tù đang thực hiện mọi bước cần thiết để làm rõ cái chết của Navalny.
Kira Yarmysh, thư ký của ông Navalny, nói đội ngũ trợ lý chính trị gia vẫn chưa thể xác minh thông tin. Một luật sư của ông Navalny đang đến nhà tù để làm rõ sự việc.
Lyudmila Navalnaya, mẹ của Navalny, cho biết lần gần nhất nhìn thấy con trai là vào ngày 12/2 và mô tả Navalny "vẫn sống khỏe mạnh và vui vẻ". Leonid Solovyov, luật sư của Navalny, nói rằng "mọi sự đều bình thường" trong lần gặp cuối giữa hai người vào hôm 14/2. Bài đăng gần nhất trên kênh Telegram của Navalny là lời nhắn nhủ đến vợ ông, Yulia Navalnaya, vào ngày Valentine.
Giới chức địa phương nói với TASS rằng ông Navalny không có bất kỳ khiếu nại nào về tình hình sức khỏe cá nhân trong những ngày gần đây.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết "vô cùng đau buồn và lo lắng" trước thông tin về cái chết của Navalny. "Chúng ta cần xác minh tất cả sự thật và Nga cần trả lời tất cả câu hỏi nghiêm túc về hoàn cảnh cái chết của ông ấy".
Thủ tướng Anh gửi lời chia buồn đến "vợ Navalny và người dân Nga", nói rằng đây là "một tin vô cùng tồi tệ". Các quốc gia như Đức, Ba Lan, Latvia, Na Uy chỉ trích gay gắt Nga, cho rằng Moskva phải chịu trách nhiệm.
Nhà Trắng cho rằng nếu được xác nhận, cái chết của Alexei Navalny là "một bi kịch tồi tệ". Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ thảo luận với các quốc gia khác quan ngại về vấn đề này.
Navalny vốn là luật sư, từng giữ chức lãnh đạo đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập năm 2019-2021 và từng dẫn đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ. Navalny từng mở chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2018 nhưng bị Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga từ chối với lý do có tiền án hình sự, dù Navalny lập luận rằng hiến pháp cho phép ông tranh cử.
Tháng 8/2020, Navalny bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva, sau đó được đưa tới Đức để điều trị. Ông cho rằng mình bị mưu sát bất thành bằng chất độc thần kinh Novichok. Nhà hoạt động bị bắt vào tháng 1/2021, ngay khi về Nga.
Ông lĩnh tổng cộng hơn 30 năm tù vì các cáo buộc như vi phạm điều khoản án treo, biển thủ, coi thường tòa án, kích động và tài trợ cực đoan, sáng lập tổ chức phi chính phủ bất hợp pháp, truyền bá chủ nghĩa phát xít và kích động trẻ em hành động nguy hiểm. Tòa án lập luận những tội danh này buộc giới chức Nga phải chuyển Navalny đến cơ sở cách xa xã hội, hạn chế khả năng tham gia chính trị, hạn chế thăm tù và gửi thư từ.
Trong khi đó, phương Tây chỉ trích các bản án với Navalny, cho rằng chúng mang động cơ chính trị, nhằm ngăn ông tham gia các cuộc bầu cử. Người ủng hộ Navalny đã tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho Navalny với lý do sức khỏe ông xấu đi. Các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc từng kêu gọi Moskva cho phép đưa Nalvany ra nước ngoài điều trị.
Hồi tháng 12/2023, Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình trạng của Navalny. Điện Kremlin sau đó chỉ trích Mỹ can thiệp vấn đề nội bộ Nga.
Trong tù, Navalny đưa ra các thông điệp trên mạng xã hội qua luật sư và đội ngũ của mình, bày tỏ phản đối chiến dịch của Nga tại Ukraine.
Cuối năm ngoái, giới chức Nga chuyển Navalny đến nhà tù thuộc vùng Yamalo-Nenets, cách Moskva 1.900 km, giáp vùng biển Kara hướng vào Bắc Băng Dương. Nhà tù có biệt danh "Sói Bắc cực", được xem là một trong những cơ sở giam giữ khắc nghiệt nhất nước Nga.
Kira Yarmysh hôm 14/2 cho biết Navalny bị đưa vào biệt giam trong vòng 15 ngày. Đó là lần thứ 27 ông bị phạt biệt giam kể từ khi thụ án tù. Lần biệt giam gần nhất trước đó của Navalny kéo dài 10 ngày và kết thúc vào ngày 11/2.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP, TASS, RT)
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói Paris sẽ bắt đầu chuyển Mirage 2000, mẫu tiêm kích từ bị Ukraine từng chê, cho Kiev từ đầu năm 2025.
Thủ tướng Netanyahu tuyên bố cuộc không kích trả đũa Iran đã diễn ra 'chính xác và mạnh mẽ', hoàn tất mọi mục tiêu đề ra.
Ngoại trưởng Yvan Gil Pinto nhấn mạnh Việt Nam đã, đang và tiếp tục là tấm gương về phẩm giá, sức mạnh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Venezuela.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 21/11.
Tổng thống Vladimir Putin đã ký quyết định bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao Hải quân Nga.
Mùa Thu tới đây, phở - món ăn quốc hồn quốc tuý của Việt Nam sẽ 'xuất ngoại' sang Hàn Quốc, theo chương trình Ngày của phở do báo Tuổi trẻ tổ chức.
Tổng thống Palestine Abbas cáo buộc Israel ám sát thủ lĩnh Hamas nhằm kéo dài xung đột Gaza, cản trở các cuộc đàm phán hòa bình.
Ngoại trưởng Italy nhận định các nước châu Âu cần thành lập lực lượng quân đội chung để gìn giữ hòa bình và ngăn ngừa xung đột.
Ngày 7/10 đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas. Đây là cuộc xung đột quy mô lớn nhất, ác liệt và kéo dài nhất kể từ chiến tranh Israel-Arab lần thứ nhất năm 1948 đến nay.