Hàng chục phụ huynh tìm đến khu cấp cứu bệnh viện để hỏi thăm tình hình "con đang cấp cứu" sau khi nhận được điện thoại của những kẻ lừa đảo.
Đường dây nóng bệnh viện cũng "cháy máy" vì các cuộc gọi "con đi cấp cứu" của những phụ huynh bị lừa đảo.
Đó là những tình huống xảy ra ở các bệnh viện khi các cuộc gọi lừa đảo "con đi cấp cứu, chuyển tiền gấp" lan đến Đà Nẵng.
Sáng 15-3, bà T.M.Đ. - phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học ở huyện Hòa Vang - hớt hải chạy đến khu cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng hỏi về tình hình sức khỏe của con trai mình. Khi đến nơi, bà gặp nhiều người khác cũng nghe điện thoại có con "đang cấp cứu chuẩn bị mổ". Tra trên máy tính bệnh viện không thấy có tên con là bệnh nhân. Thế nhưng các phụ huynh vẫn nhận được cuộc gọi thông báo "con đi cấp cứu" rồi thúc giục chuyển tiền. Bà Đ. gọi điện cho cô giáo của con mới hay con vẫn đang ở trường nên nghĩ mình bị gọi điện lừa đảo.
Là phụ huynh ở trường vùng quê xã Hòa Phong, bà Đ. bảo người gọi nói vanh vách tên con, trường lớp của con và tên cô giáo chủ nhiệm nên tin tưởng. Hơn nữa kẻ lừa đảo gọi điện ban đầu chỉ thông báo "con bị nạn đang đi cấp cứu" chứ không nói đến chuyện tiền nong nên bà mới bỏ việc chạy hơn 30 cây số xuống viện.
Trước đó vào chiều 14-3, một số phụ huynh quận Liên Chiểu cũng náo loạn vì đồng loạt nhận được các cuộc gọi của những đối tượng không rõ danh tính báo tin con em bị tai nạn trong lúc ở trường. Trên các nhóm Zalo và mạng xã hội của các phụ huynh, những dòng tin loan báo đề nghị cảnh giác được các phụ huynh và giáo viên chuyển cho nhau.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hòa Khánh Nam), một lớp học mà có đến gần một nửa phụ huynh nhận được điện thoại báo tin con bị tai nạn chỉ trong một buổi chiều. Có năm phụ huynh chạy tới trường trong nỗi lo lắng, bất an. Chị N.T.T. - có con theo học khối lớp 3 - kể khoảng 16h khi đang chuẩn bị đến giờ đón con thì bất ngờ một người gọi cho chị và báo tin con bị ngã cầu thang trong lúc chơi.
"Giọng người gọi là một phụ nữ, xưng là giáo viên của nhà trường nhưng tôi hỏi tên thì chỉ bảo là "biết là giáo viên của trường được rồi". Người này bảo rằng con tôi té cầu thang chấn thương nặng, đang nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Gia Đình, đề nghị tôi chuyển khoản 70 triệu đồng ứng trước để đóng viện phí" - chị T. kể.
Chị T. cũng nói rằng dù đã biết tình trạng xuất hiện cuộc gọi lừa đảo nhưng thấy người gọi điện đọc chính xác tên, tuổi, lớp con gái của chị nên khi nhận được điện thoại chị thấy vô cùng hoảng loạn. "Tôi chạy thẳng lên trường, vào lớp gặp cô giáo chủ nhiệm để hỏi thì thấy con mình vẫn ngồi học ở đó. Lúc tới trường cũng có hai phụ huynh đang ở trường trình báo sự việc tương tự" - chị T. nói.
Tương tự, chị H.T.L. có con học lớp 3 cũng kể rằng đã nhận được cuộc gọi báo tin con bị té ở trường. "Họ hỏi tôi có phải là H.T.L., con gái là N.V.T. ở lớp 3 không, tôi bảo đúng rồi thì họ nói rằng con tôi đang cấp cứu ở bệnh viện, đề nghị tôi tới gấp hoặc chuyển khoản trước 40 triệu đồng. Tôi hỏi lại là cháu ở bệnh viện nào thì họ đọc tên một bệnh viện không có ở Đà Nẵng. Tôi bảo bệnh viện đâu mà xa thế thì họ chửi thề rồi cúp máy" - chị L. nói.
Trong khi đó, bà Trần Thị Nhàn - hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu) - cho biết những ngày qua ghi nhận nhiều phản ảnh của phụ huynh về các cuộc gọi báo tin con em bị tai nạn.
"Trong chiều 14-3 cũng có một phụ huynh lớp 1 hớt hải chạy đến trường để hỏi có phải con mình bị tai nạn không. Chúng tôi đã báo lên phòng (giáo dục), đồng thời phổ biến thông tin để phụ huynh cảnh giác" - bà Nhàn nói.
Điều đáng nói, mặc dù vừa qua phương tiện truyền thông đã cảnh báo liên tục về tình huống của các cuộc gọi "con gặp tai nạn" nhằm lừa đảo nhưng vẫn có rất nhiều phụ huynh ở Đà Nẵng bị "sập bẫy".
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ riêng chiều 14-3 đã có 16 phụ huynh tìm đến khu cấp cứu để tìm con. Ngoài ra, đường dây nóng của bệnh viện này cũng nhận hàng chục cuộc gọi khác từ các phụ huynh hỏi thăm số khoa, phòng mà con mình được báo đang cấp cứu. Hai bệnh viện khác là Bệnh viện Gia Đình, Bệnh viện VINMEC cũng gặp tình trạng tương tự.
Đại diện một bệnh viện lớn ở Đà Nẵng cho biết trong những ngày qua, đường dây nóng của bệnh viện liên tục bị nghẽn bởi tiếp nhận nhiều cuộc gọi của các phụ huynh. Đơn vị này khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ thông tin từ phía nhà trường trước khi đến bệnh viện để tránh trường hợp bị lừa đảo.
Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý trường hợp này, tránh gây ảnh hưởng chung đến các bệnh viện. "Trong những trường hợp cấp cứu hoặc khẩn cấp, chúng tôi vẫn sẽ thực hiện nghiệp vụ. Không nhất thiết phải đóng viện phí hoặc có người thân vì đó là trường hợp cứu người" - bác sĩ này cho biết.
Phòng GD&ĐT các quận Liên Chiểu, Hải Châu (Đà Nẵng) cũng khuyến cáo ban giám hiệu các trường cần thông báo đến phụ huynh có con em theo học ở các trường. Từ đó đề phòng, tránh việc phụ huynh bị gọi điện thoại "báo tin con đi cấp cứu" để lừa đảo.
Bà Bùi Thị Thanh Tuyền - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - cho biết chỉ riêng chiều 14-3 có rất nhiều phụ huynh phản ảnh đến giáo viên bị người lạ gọi điện báo tin con bị tai nạn. Năm phụ huynh vì quá lo lắng nên bỏ dở công việc đến trực tiếp trường để xác minh.
Theo bà Tuyền, trước đó mấy ngày nhà trường đã liên tục thông báo cho phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm phổ biến cách thức lừa đảo để phụ huynh cảnh giác. Nhờ đó, dù bị rất nhiều cuộc gọi nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào chuyển tiền theo yêu cầu từ đối tượng lừa đảo.
Trong khi nhiều lao động nhất trí với đề xuất tăng thời gian nghỉ khám thai từ 5 lên 10 lần, một số khác cho rằng làm vậy chỉ tạo thêm rào cản về giới.
70 thủ lĩnh, cán bộ Đoàn của các trường THPT ở Đà Nẵng sôi nổi tranh tài các kỹ năng thanh niên trong Hội thi Thủ lĩnh gen Z lần đầu tổ chức.
Lần thứ 5 bị đứt mắc cài sau 2 tháng niềng răng, kèm 'combo' hóp má, hóp thái dương, sụt cân khiến Linh, 27 tuổi, chán nản, nói đây là 'kiếp nạn'.
Ngày 23-12, buýt sông hai tầng lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM. Đây là một sản phẩm du lịch mới ra mắt, phục vụ người dân và du khách thưởng ngoạn, khám phá toàn cảnh sông Sài Gòn.
Hai hành khách gặp nạn khi một cây lớn giữa tuyến zipline bị đổ khiến họ rơi xuống đất, người vợ tử vong, người chồng bị thương nặng.
Trẻ em vùng biên giới Quảng Nam thích thú đội múa lân 'độc lạ' với đầu lân tự làm, đuôi lân được tận dụng từ chiếc áo mưa cũ, và những người múa lân là chiến sĩ biên phòng.
Cặp vợ chồng Pakistan vừa bị tòa tuyên án tù chung thân sau khi sát hại con gái vì từ chối hôn nhân sắp đặt để bảo vệ danh dự gia đình.
Trên dải đất hình chữ S, từ Bắc tới Nam, từ núi rừng đến biển cả, có hàng nghìn ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử và...
Công nhân nhiều nơi mong muốn sẽ có thêm nhiều bữa cơm công đoàn, voucher mua hàng thiết yếu quanh năm thay vì chỉ trong Tháng công nhân, Ngày thành lập công đoàn.