"Khi ấy tôi nghĩ nếu hy sinh, nhất định tôi sẽ hy sinh trong màu áo lính", hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung, chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ tại vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29 Khương Hạ, nhớ lại.
Nửa đêm 12-9, bầu không khí oi bức bao phủ thành phố Hà Nội, báo hiệu cơn dông lớn. Hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung cùng đồng đội chuẩn bị vào giấc ngủ thì chuông báo động reo lên inh ỏi. Tín hiệu từ đội thông tin báo lên: Cháy chung cư mini trong ngõ phố Khương Hạ.
Chưa đầy một phút, toàn đội sẵn sàng trang phục, dụng cụ rồi nhanh chóng tập hợp theo đúng đội hình. Những chiếc xe hú còi cứ thế băng qua màn đêm, lao về phía đám cháy.
Vụ hỏa hoạn xảy ra ở một căn nhà cao 9 tầng, lọt thỏm trong con ngõ 29 Khương Hạ. Xe chữa cháy không thể vào trong, đỗ cách đó chừng vài trăm mét. Tiếng còi cứu hỏa, tiếng hô hoán cứ thế vang lên khắp một vùng, phá tan bầu không khí lúc nửa đêm. Chưa kịp tới hiện trường, những người lính cùng nhận ra "đây không phải vụ cháy bình thường".
Hơn 10 ngày sau vụ cháy, hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung xuất viện, trở lại với công việc. Trong lúc tìm kiếm cứu nạn, anh bị ngộ độc khí CO và viêm xoang, phải điều trị. Tác phong nhanh nhẹn, người lính cứu hỏa 20 tuổi bắt đầu trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay sau khi kết thúc buổi họp sáng thứ hai đầu tuần.
Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong ngõ phố Khương Hạ - Ảnh: HỒNG QUANG
Hơn 23h khuya 12-9, từ khoảng cách khá xa, những người lính cứu hỏa đã có thể quan sát một cột khói đen cùng ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, rực sáng giữa màn đêm. Hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung ngồi trên chiếc xe thứ 2 có mặt ở hiện trường. Vài phút ngắn ngủi trên xe, anh cùng đồng đội đã kịp cùng nhau phân công nhiệm vụ.
Tiến vào trong, trước mắt họ là khu vực tầng 1 bốc cháy dữ dội kèm nhiều tiếng nổ, nghi do bình ắc quy xe và nhiên liệu xăng dầu trong các xe máy. Con ngõ sâu, nhiều đoạn mặt đường đi lại rộng chưa đầy 2m. Men theo ngách nhỏ, họ sử dụng thêm nguồn nước bơm từ ao Xóm Hồng rồi nối lăng, vòi chiến đấu chĩa vào căn nhà, nơi ngọn lửa lớn nhất đang bốc lên.
Nhóm của Trung được chỉ huy phân công nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Trang bị đầy đủ bình thở, mặt nạ chống độc, thiết bị tháo dỡ, anh vào hiện trường. Họ chia làm từng tốp 3 người lần lượt ra vào, mỗi ca chừng 15-20 phút.
"Qua lớp đồ bảo hộ, tôi cảm nhận rõ sức nóng khủng khiếp. Chỉ sau chừng 1-2 phút, hơi thở nặng dần", Nguyễn Quốc Trung kể lại.
"Dù mệt, chúng tôi vẫn cố gắng để đồng đội được nghỉ lâu hơn, dù chỉ vài phút", anh tiếp lời.
Ít phút sau, khi ở phía ngoài thay ca cho đồng đội, những cảnh tượng Trung không mong chờ nhất đã xảy đến. Một số tiếng động lớn vang lên. Sức nóng lan tỏa, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nhiều người đã chọn nhảy xuống.
"Tôi chưa kịp phản xạ, một nạn nhân nhỏ tuổi từ phía trên rơi xuống, nằm bất động ngay trước mặt. Tôi bất lực, mượn chăn, quấn bé vào và đưa em ra khỏi hiện trường", Trung nghẹn giọng.
Sau giây phút đó, anh vực lại tinh thần rồi tiếp tục vào trong. Gặp nạn nhân nhỏ, Trung trực tiếp bế ra. Đối với những người lớn không còn sức di chuyển, 2 chiến sĩ sẽ phối hợp. Hơn 100 cảnh sát cứ thế chữa cháy, cứu hộ cứu nạn xuyên đêm. 70 người được cứu, 56 nạn nhân không thể qua khỏi, được đưa ra ngoài.
Đêm đó, Hà Nội đổ mưa lớn. Sau gần 4 tiếng làm việc liên tục, Nguyễn Quốc Trung có dấu hiệu bị đau một bên ngực, hơi thở khó. Anh phải thở bằng mồm, chân tay co quắp. Đồng đội bên cạnh đưa anh ra xe cứu thương, chuyển thẳng tới Bệnh viện Bạch Mai. Nam hạ sĩ được chẩn đoán ngộ độc khí CO và viêm xoang, phải nằm viện điều trị.
Những ngày sau sự cố, hạ sĩ Trung phải theo dõi sát tình trạng tại bệnh viện, không thể tiếp tục công việc. Mở tin tức và mạng xã hội, anh cố gắng điều chỉnh tâm lý. Nhưng Trung nói rằng cảm xúc thường trực là day dứt, tự trách bản thân không thể cứu thêm nhiều người.
Năm thứ 2 làm nghĩa vụ công an nhân dân tại Công an quận Thanh Xuân, Trung không nhớ nổi mình đã tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bao nhiêu lần. Nhưng đây là lần đầu tiên, một sự việc để lại trong anh nhiều ám ảnh và phải nằm viện điều trị.
"Ngày nhận tin, mẹ tôi từ quê đi thẳng lên bệnh viện. Khi tỉnh dậy, người đen nhẻm nằm trên giường bệnh, tôi nhận thấy rõ ánh mắt bà hiện rõ nỗi lo, thoáng buồn", anh nói.
Hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung trở lại làm việc - Ảnh: HỒNG QUANG
Khi ra khỏi giường bệnh, Trung nói vẫn nhớ như in giữa màn khói dày ở tầng 3, đã có lúc anh nghĩ tới tình huống xấu nhất.
Lúc đó, chàng trai vừa tròn 20 tuổi đã nhìn lại bộ quần áo trên người cùng những trọng trách đã nhận khi làm một người lính cứu hỏa. "Khi ấy tôi nghĩ nếu có hy sinh, nhất định tôi sẽ hy sinh trong màu áo lính. Tính mạng người dân phải được đặt lên hàng đầu", anh tiếp lời.
Ngày Trung xuất viện cũng là lúc nhiều nạn nhân khác trong vụ cháy bình phục, được trở về nhà. Ngày hôm đó, thông qua anh, họ thay nhau đi tới bắt tay, gửi lời cảm ơn tới toàn đội lính cứu hỏa. Theo lời nam hạ sĩ, đó là giây phút anh cảm thấy ấm lòng sau sự cố đau lòng.
Khoảng 23h22 ngày 12-9, lực lượng chức năng nhận tin báo cháy tại nhà dân ở ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo công an, vụ hỏa hoạn đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số người tử vong lên đến 56 người.
Bên cạnh những nạn nhân là cư dân sống trong căn nhà, vụ cháy cũng khiến 5 cảnh sát bị thương khi làm nhiệm vụ là: Nguyễn Quốc Trung (Công an quận Thanh Xuân) và 4 chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ Công an quận Hà Đông.
Chiều 7/10, tại thành phố Lạng Sơn diễn ra Khai mạc phiên thứ nhất Đại hội đại biểu tỉnh Lạng Sơn lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Với khẩu hiệu “Thanh niên Lạng Sơn đoàn kết, khát vọng, tiên phong, sáng tạo, phát triển”, 280 đại biểu ưu tú, đại diện cho trên 188.000 thanh niên trong toàn tỉnh quyết tâm xây dựng tổ chức Hội thanh niên ngày càng vững mạnh.
Khi thấy hàng trăm chú chó ở trung tâm cứu hộ Bình Chánh chỉ có vài tình nguyện viên chăm sóc, Alex Ward quyết định mở quán cà phê để tìm chủ mới cho chúng.
TPHCM - Nhằm chủ động phòng bệnh, sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại với các biến chủng nguy hiểm, các tình huống...
Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch có tổng diện tích khoảng 8.200ha, là toàn bộ không gian, diện tích tự nhiên các xã Hương Sơn, An Tiến, An Phú và Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức.
Nhận tin bệnh viện cần gấp một lượng máu để điều trị cho bệnh nhân, 6 cán bộ công an tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng có mặt để hiến máu cứu người.
Anh Kiều Văn Thanh, 46 tuổi, là thế hệ thứ ba của dòng họ Kiều ở làng Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai theo nghề ca khóc trong các đám tang.
Về nhà sau ca trực 12 tiếng tại Bệnh viện Đại học Seoul (SNU), bác sĩ Nguyên ăn vội bát cơm rồi thức đến gần sáng để hoàn thành bài tập.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: Truông Bồn là một biểu tượng sáng ngời của tinh thần Xô Viết, của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng.
TS Trịnh Thắng đã viết cuốn sách ‘Chạm vào Kailash - Những câu chuyện thánh linh’ trong vòng một tháng ngay sau khi trở về từ Kailash.