Về nhà sau ca trực 12 tiếng tại Bệnh viện Đại học Seoul (SNU), bác sĩ Nguyên ăn vội bát cơm rồi thức đến gần sáng để hoàn thành bài tập.
Nhịp sinh hoạt trên của bác sĩ Nguyên kéo dài 3 tuần nay, khiến người phụ nữ cảm thấy đây là khoảng thời gian "áp lực và bận rộn nhất" kể từ khi đặt chân đến Hàn Quốc (năm 2022).
Ở bệnh viện, nhiệm vụ chính của bác sĩ Lương Phạm Hạnh Nguyên, 36 tuổi, là hỗ trợ các giáo sư thăm khám, ghi chép bệnh án, tham gia hội chẩn. Lịch làm việc và sinh hoạt của chị từng ổn định, thường bắt đầu từ 9h đến 12h. Sau đó, chị nghỉ ngơi một tiếng để chuẩn bị cho lịch làm việc buổi chiều, từ 13h đến 18h. Buổi tối, người phụ nữ có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.
Từ 20/2, khi cuộc đình công tập thể của các bác sĩ nội trú diễn ra, Bệnh viện Đại học Seoul - một trong cơ sở y tế danh tiếng nhất nước - bị ảnh hưởng. Nơi đây là bệnh viện thực hành, kết hợp giữa đào tạo bác sĩ nội trú và khám, điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, gần một tháng nay, nhiều bác sĩ nội trú, thực tập rời bỏ chỗ làm. Bệnh nhân tăng, nhân viên y tế giảm, các công việc tồn đọng được giáo sư, học viên và các bác sĩ còn lại chia nhau gánh vác. Bác sĩ Nguyên cũng dần quen với những ngày trực 15-16 tiếng, có thời điểm làm việc xuyên trưa quên ăn cơm. Nhiều công việc trước đây không thuộc phận sự, nay chị được giáo sư giao tận tay.
"Đây là tình trạng chung của các bác sĩ trong khoa tôi: Làm việc quá tải. Có những giáo sư dù ốm, vẫn cố gắng đến trường làm việc vì nếu nghỉ, không ai điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Hiện mâu thuẫn giữa chính phủ với các bác sĩ đình công hiện trở nên căng thẳng hơn khi giới chức bắt đầu tước giấy phép hành nghề của gần 5.000 người, đồng thời cảnh báo có thể xử lý hình sự. Trước tình hình này, trong ngày 11/3, các giáo sư SNU có kế hoạch nộp đơn từ chức hàng loạt. Các giáo sư y thuộc Đại học Catholic cũng cảnh báo sẽ tiếp tục đình chỉ các ca phẫu thuật và giảm hoạt động điều trị cho cả bệnh nhân nội, ngoại trú.
Bác sĩ Nguyễn Hải Đăng (tên nhân vật đã được thay đổi), khoa Ngoại, Bệnh viện Bundang, Đại học Seoul cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng. Đến Hàn Quốc được hai tháng, anh Đăng háo hức học được nhiều kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng từ các bác sĩ nước này. Tuy nhiên, hiện nhiều nhân viên y tế tại Bệnh viện Bundang đình công, khiến công việc điều trị bị tác động.
Anh Đăng kể lượng bệnh nhân đổ đến vẫn đông, song vì thiếu đội ngũ hỗ trợ, các giáo sư, cũng là người điều trị chính tại viện, không thể tiến hành nhiều ca phẫu thuật. Trước đó, khoa Ngoại thực hiện trung bình từ 30 đến 40 ca mổ mỗi ngày, chia ra khoảng ba đến 4 bàn mổ. Đến nay, số ca phẫu thuật giảm xuống còn hai đến ba ca một ngày. Các khoa chuyên biệt hơn như Sọ não thậm chí không thực hiện ca mổ nào.
Tình trạng "không được gặp bệnh nhân" khiến anh Đăng cảm thấy "chưa may mắn" như bác sĩ Việt khóa trước, đồng thời anh cũng sốt ruột không biết diễn biến sắp tới sẽ ra sao.
Dù vậy, cả bác sĩ Nguyên và bác sĩ Đăng đều thấu hiểu quyết định đình công của các đồng nghiệp. Theo bác sĩ Nguyên, những người đình công thường là bác sĩ chuyên về điều trị, phải làm việc 80 đến 100 giờ mỗi tuần. Đôi khi, họ chỉ về nhà để ngủ khoảng hai tiếng, sau đó trở lại viện, tiếp tục công việc ngay sáng hôm sau, "rất mệt mỏi, căng thẳng".
Thạc sĩ Nguyễn Phương Thúy, nghiên cứu sinh hệ tiến sĩ tại Khoa Vi sinh - Miễn dịch, Khoa Y, Đại học Quốc gia Seoul, đồng tình với quan điểm này. Theo chị Thúy, Hàn Quốc thường thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu, còn được gọi là bác sĩ điều trị. Sinh viên y khoa ra trường có xu hướng chọn ngành da liễu và thẩm mỹ, do việc nhàn, lương cao. Trong khi nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, song các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ.
Từ thực tế này, các bác sĩ đình công hy vọng chính phủ tăng đãi ngộ cho nhân viên y tế thiết yếu ở tuyến dưới; tăng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các bệnh viện công, thu hút những nhân sự giỏi về đây, thay vì chỉ "lao vào các ngành hot".
Hôm 13/3, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cung cấp 94,8 tỷ won (72,2 triệu USD) cho các bệnh viện công trong năm nay để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực kéo dài. Bộ Y tế cũng kêu gọi các giáo sư y khoa không từ chức, thêm rằng "chính phủ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán" để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong lúc đó, các bác sĩ Nguyên, Đăng, hằng ngày tự động viên bản thân nỗ lực học tập và nghiên cứu, hy sinh thời gian và sức lực để hỗ trợ bệnh viện.
"Nếu mình cũng xin nghỉ, ai là người điều trị cho bệnh nhân?", chị Nguyên nói, chia sẻ mong muốn các bác sĩ cũng như đồng nghiệp mau chóng quay trở lại với công việc, chính phủ Hàn Quốc có các quyết định xoay chuyển tình thế, để bệnh nhân không bị ảnh hưởng.
Vụ đình công của các bác sĩ nội trú Hàn Quốc đã kéo dài 24 ngày, bắt nguồn từ việc chính phủ tăng chỉ tiêu sinh viên trường y vào năm 2025 bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.
Trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ nội trú nói đất nước không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ, việc tăng tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng đào tạo cũng như dịch vụ khám chữa bệnh, với lập luận rằng dân số đang giảm và người Hàn Quốc vốn dễ tiếp cận dịch vụ y tế. Họ kêu gọi chính phủ giải quyết chính sách lương, đãi ngộ thấp, cải thiện sự bảo vệ pháp lý trước các vụ kiện về sơ suất y tế quá mức, thay vì tăng chỉ tiêu quá đột ngột.
Thục Linh
Ngày 6-8, đoàn công tác của Sở Y tế Thanh Hóa đã đi kiểm tra, chỉ đạo tập trung khoanh vùng, xử lý dịch bệnh bạch hầu tại huyện Mường Lát.
Chiều 12-12, Đại hội Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) nhiệm kỳ XII (2023 - 2026) diễn ra với 200 đại biểu tham dự.
Bao năm qua nơi này trở thành 'mái nhà chung' của nhiều du học sinh Lào và Campuchia khi được cử đến TP.HCM (Việt Nam) học tập.
Bà Hồng, 60 tuổi, từng có ý định tự tử vì nỗi ám ảnh bị cha dượng lạm dụng lúc nhỏ nhưng người mẹ cho rằng con nói dối.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) được đầu tư gần 6.000 tỉ đồng cũng đã quá tải. Nhiều bệnh nhân ung thư phải chờ lâu mới đến lượt phẫu thuật, xạ trị.
GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) là một trong 5 người vừa được Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay (được xem là giải 'Nobel châu Á') vinh danh.
'Chợ Tết Phố Hội' dài 3 km tại Ocean City được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Hội chợ Xuân quy mô bậc nhất Việt Nam năm 2024, ngày 26/1.
Sáng 3/8, Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bắc Giang lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra phiên trọng thể. Đại hội hiệp thương cử trực tiếp anh Thân Trung Kiên làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bắc Giang khóa VI.
Trong 1 tháng qua đã có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và trải nghiệm diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong khuôn khổ Festival...