Tìm lại ánh sáng
Sinh ra là một đứa trẻ lành lặn bình thường, tưởng chừng niềm vui trọn vẹn với gia đình Nghị nhưng sau 4 tháng, mắt anh có dấu hiệu lạ, bị kéo màng trắng, chảy nước liên tục. Và rồi anh được bác sĩ kết luận mắc bệnh Glôcôm bẩm sinh - căn bệnh tăng nhãn áp nguy hiểm khiến mắt mờ, có thể mất đi thị lực.
Tin dữ khiến bố mẹ Nghị đau đớn tột cùng, cả nhà gom góp từng đồng để cố gắng chạy chữa cho anh. “Gia đình tôi hồi đó làm nông nên thu nhập khó khăn, dẫu vậy bố mẹ vẫn sớm hôm làm lụng, đi chạy vạy khắp nơi để mong tìm lại đôi mắt sáng cho tôi suốt từ ngày lọt lòng cho đến khi lớn lên. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ dắt tay tôi vào phòng mổ hay ngày mưa tầm tã bố cõng tôi trên lưng vượt mấy chục cây số đường rừng tìm thầy lang chữa bệnh.
Có thời gian khá lâu tôi chữa trị ở Bệnh viện Mắt Trung ương, những đợt tập mắt dài đến cả tháng, những mũi tiêm bạc triệu và 5 lần lên bàn mổ, đổi lại mắt phải tôi mù hoàn toàn, mắt trái thị lực 1/10” - Nghị nhớ lại.
Thị lực kém khiến suốt quãng thời gian đi học cấp 1, cấp 2 của anh gặp nhiều khó khăn. Nghị kể, dù luôn được xếp ngồi bàn đầu nhưng anh vẫn chẳng thể nhìn được chữ trên bảng, muốn ghi chép phải cúi gần sát vở. Anh phải đeo cặp kính dày cộm, thiếu nó, tất cả trước mắt anh đều mờ nhòe.
Nỗi đau này chưa kịp lành thì chuyện bất hạnh hơn lại ập đến gia đình Nghị. Thị lực của Nghị giảm đi, bị bong võng mạc và đầu năm lớp 8, Nghị không còn nhìn thấy ánh sáng dù chỉ một tia le lói.
“Cuộc sống lúc đó của tôi chỉ quẩn quanh ở nhà. Tôi dần thu mình với thế giới bên ngoài, tiếng cười nói trong gia đình thưa thớt dần đi. Mọi thứ trôi đi nhạt nhẽo, ban đầu là sự đau khổ, bi quan, tuyệt vọng, rồi tất cả cảm xúc trở thành trống rỗng. Nhưng nhờ quãng thời gian đó mà tôi tìm ra được ước mơ của mình.
Tháng ngày dài ở nhà, tôi thường xuyên nghe tin tức trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những tấm gương vượt khó, những câu chuyện truyền cảm hứng trên báo khiến tôi vực dậy tinh thần. Tôi bắt đầu nhen nhóm ước mơ trở thành một phóng viên có thể viết ra những sản phẩm giúp đời, giúp người như vậy” - anh Nghị chia sẻ.
Viết tiếp cuộc đời
Để có thể chinh phục giấc mơ trở thành phóng viên thực thụ, Nghị quyết tâm đi học lại. Năm 2015, qua lời giới thiệu của Hội người mù thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, anh lần đầu được tham gia lớp học chữ nổi, làm quen với bảng con cắm, rồi dần dần học cách sử dụng dùi, bảng.
“Lúc này, tôi mới hiểu chữ nổi hoàn toàn khác chữ viết dành cho người sáng. Không có các nét, không có o tròn như trứng gà. Chữ nổi là sự tổ hợp của 6 chấm được quy định thành bảng chữ cái, các kí hiệu toán học...
Tôi làm quen khá nhanh với bảng dùi, ghi nhớ thứ tự của các chấm để thành các chữ cái. Song, đôi bàn tay tôi lóng ngóng trên những ô chữ nổi mà không biết đó là chữ gì, cảm giác từ tay tôi truyền lại chỉ là những nốt sần vô nghĩa. Tôi cố gắng sờ đến mòn cả chữ, sờ đến cổ tay mỏi nhừ để phân biệt chúng mà vẫn rất khó hình dung” - Nghị nói.
Đức Nghị miệt mài ngày đêm để có thể thông thạo các mặt chữ rồi anh theo học lớp vi tính văn phòng với mong muốn có thể soạn thảo được văn bản. Năm 2016, anh tiếp tục học bổ túc chương trình phổ thông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở Hà Nội.
“Suốt 3 năm cấp 3, tôi đã luyện viết, tập sáng tác những mẩu chuyện ngắn sau đó học cách viết một bài báo hoàn chỉnh. Tôi may mắn được những anh chị đi trước hướng dẫn cách viết cũng như làm nghề.
Nhưng đến năm 2019, lúc tôi là sinh viên năm nhất Đại học, tôi mới có tác phẩm báo chí đầu tiên được đăng trên Tạp chí Hòa Nhập. Cảm xúc lúc đó của tôi vỡ òa vì sau nhiều năm rèn luyện cuối cùng cũng được đền đáp. Tôi như được chạm gần tới giấc mơ của mình” - Nghị cho hay.
Nghị kể, bài viết đó anh viết về tấm gương người quân nhân bị mù sau trận chiến và cách họ vượt qua số phận. Nghị rưng rưng khi nhớ lại, dường như là giọt nước mắt đồng cảm với nhân vật cũng như xúc động khi cùng họ chia sẻ nỗi đau.
“Vì hiểu được mất mát của nhau nên lần viết bài đó tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi liên hệ và phỏng vấn nhân vật. Tuy nhiên, đến khâu viết thì tôi phải loay hoay trong việc nghe, ghi lại câu trả lời, viết trên máy tính rồi sửa lỗi chính tả. Mặc dù máy tính và điện thoại của tôi đều được cài phần mềm đọc chữ tự động nhưng mỗi lần muốn đọc lướt qua tổng thể bài hay nhìn chung bố cục đã ổn chưa, tôi phải tự hình dung trong đầu hoặc đợi máy đọc từ đầu, rất mất thời gian” - anh Nghị kể.
Khó khăn nhất trong quá trình làm báo của Nghị có lẽ là anh không linh hoạt tác nghiệp hiện trường được. Anh chủ yếu ở nhà thu thập thông tin và viết lại. Đó cũng chính là nỗi đau đáu của anh về nghề khi không thể vùng vẫy thỏa thích với đam mê.
“Nhưng có lần tôi vẫn làm liều, mang theo máy ghi âm, đeo balo máy tính đằng sau và nhờ bạn chở đến hiện trường tác nghiệp. Tôi nhờ bạn chụp ảnh giúp mình theo mong muốn của tôi và sau đó ngồi tại chỗ gõ bài khi thu thập đủ thông tin. Cũng có những lúc nhân vật từ chối nhiều lần, tôi phải đến tận nơi thuyết phục họ. Những lúc đó chỉ muốn có phép màu để mắt sáng lên dù chỉ một lúc” - Nghị chia sẻ.
Suốt gần 4 năm theo đuổi công việc viết lách, chàng trai 23 tuổi bây giờ vẫn luôn cố gắng mỗi ngày vì nghề và không bỏ cuộc. Nghị luôn tìm đến với nhân vật bằng cảm xúc chân thành của mình. Anh thường lắng nghe một cách chăm chú lời chia sẻ của họ cũng như đặt hết tâm trí vào câu chuyện. Đó cũng là bí quyết giúp các bài viết của anh luôn giàu cảm xúc chân thật.
Ông Nguyễn Đức Lộc - Chủ tịch Hội người mù thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Nghị là chàng trai đầy nghị lực, lúc nào cũng cười tươi, lan tỏa năng lượng tích cực dù cuộc sống của em có nhiều khó khăn. Năm đó, Nghị là một trong số ít các bạn có thành tích cao trong học tập và học lên đến Đại học.
Hiện tại, Nghị còn giúp Hội rất nhiều trong việc làm truyền thông, tuyên truyền những hoạt động của Hội cũng như dự án xã hội cho người khuyết tật. Tôi vui vì thấy em đã trưởng thành và không còn rụt rè như xưa, thậm chí giờ em là một chàng trai năng động, hoạt bát, tích cực tham gia các hoạt động tập thể”.
Còn với bà Nguyễn Thị Đoan, mẹ của Nghị, thay vì thấp thỏm lo lắng cho cuộc sống của con khi mới xa nhà lên Hà Nội học tập, giờ đây bà đã có thể mỉm cười tự hào.
“Lúc đưa con lên Hà Nội và buông tay con, tôi đã khóc rất nhiều vì sợ con không sống tự lập được. Nhưng đến hiện tại, tôi hạnh phúc vì con đã tự cứu lấy cuộc đời mình và tìm lại ánh sáng qua những con chữ” - bà Đoan nói.
Được biết, Đức Nghị hiện là sinh viên năm cuối của Học viện Thanh thiếu niên và đang làm truyền thông cho một tổ chức phi Chính phủ với nhiều hoạt động vì cộng đồng. Song song với đó, anh cũng duy trì đam mê báo chí của mình, cộng tác với nhiều tờ báo như báo Giáo dục thời đại, Tuổi trẻ, tạp chí Hòa nhập...
Chàng trai trẻ ấp ủ hoài bão mong một ngày sẽ được trở thành phóng viên thực thụ, có cơ hội trực tiếp dẫn tin tức thời sự như bao phóng viên khác.
Tắm biển ở TP Nha Trang , một cháu nhỏ 7 tuổi bị sứa cắn khiến vết thương ở cánh tay phù nề, đỏ, lan tỏa, dẫn đến mất ý thức.
Bé trai 6 tuổi bị thoát vị hoành bẩm sinh, thận lạc chỗ lên lồng ngực và phổi biệt lập, là dị tật bẩm sinh phức tạp, tỷ lệ tử vong cao.
Tòa bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Bệnh viện Nam An với công ty Sen Vàng - đơn vị quản lý Hoa hậu Lê Hoàng Phương- vì nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ hợp pháp chứng minh yêu cầu khởi kiện.
Cuộc thi 'Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong thanh thiếu niên' năm 2024 tạo sân chơi khuyến khích thanh thiếu nhi Đà Nẵng sáng tạo ý tưởng, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số.
Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh vừa có thông báo về chương trình biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh phục vụ nhân dân vào tháng 5.
Kể từ nghị quyết số 33 (năm 2014) đến nay, phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã có hành trình ngót nghét 10 năm.
Là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Vũ Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính hiến kế nhiều giải pháp nâng cao năng lực số cho sinh viên để trở thành những 'công dân số', đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hỗ trợ gia đình 4 nạn nhân thủ tục đưa thi thể về nước, dự kiến hoàn tất trong ngày 20 và 21/7.
263 thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho 1.000 dũng sĩ nghìn việc tốt khắp toàn quốc được tuyên dương hôm nay chính là những bông hoa đẹp trong rừng hoa Nghìn việc tốt rực rỡ sắc màu.