Ukraine luôn thúc đẩy tham vọng gia nhập NATO để đảm bảo an ninh tương lai, song Mỹ và nhiều đồng minh ngày càng khép lại cơ hội này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã vạch rõ ranh giới cho nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Times cuối tháng trước, ông Biden nói không sẵn sàng ủng hộ "NATO hóa Ukraine", thêm rằng ông từng chứng kiến "vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng" ở Ukraine khi tới thăm quốc gia này lúc còn làm phó tổng thống.
"Hòa bình không có nghĩa là NATO", ông Biden nói.
Thay vì tạo điều kiện cho Ukraine gia nhập NATO, Tổng thống Mỹ cho rằng điều quan trọng hơn để đảm bảo nền hòa bình lâu dài cho Ukraine là liên minh xây dựng quan hệ hợp tác với Kiev, trong đó bao gồm các đảm bảo an ninh để "chúng tôi cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai".
"Hòa bình giống như đảm bảo Nga sẽ không bao giờ tấn công Ukraine nữa", ông Biden nói.
Đây được xem là đòn giáng mạnh vào Ukraine, khi các quan chức nước này thường xuyên thúc đẩy tham vọng gia nhập NATO sau khi xung đột kết thúc.
Đầu tuần trước, Financial Times tiết lộ việc Ukraine không đạt được tiến bộ trong nỗ lực trở thành thành viên NATO là vấn đề quan trọng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Washington và Kiev.
Ukraine hiện đặt hy vọng vào cuộc họp của NATO tại Washington, dự kiến tổ chức ngày 9-11/7, để nhận được tín hiệu rõ ràng hơn về tương lai gia nhập liên minh quân sự hậu xung đột.
Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith tháng trước nói với báo giới rằng Ukraine khó có thể nhận được lời mời gia nhập liên minh tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7. Sự kiện vốn được kỳ vọng là sẽ cung cấp cho Kiev gói bảo đảm an ninh đóng vai trò như "cầu nối" cho tương lai trở thành thành viên NATO.
"Cây cầu này chắc chắn và sáng sủa. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp những người bạn Ukraine từng bước đi qua cây cầu và trở thành thành viên", Smith nói.
Tuy nhiên, những bình luận mới của ông Biden và việc Mỹ không nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine khiến hy vọng của Kiev ngày càng mong manh.
"Ông Biden đang tìm cách củng cố lập trường với công chúng Mỹ rằng Washington sẽ không vội vàng đưa Kiev vào NATO, bởi ông ấy không muốn làm suy yếu cơ hội tái đắc cử", Leo Litra, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định.
Sự nhiệt thành ủng hộ hỗ trợ Ukraine trong những ngày đầu cuộc chiến với Nga đã dần phai nhạt ở Mỹ. Đảng Cộng hòa gần đây chặn gói viện trợ mới cho Kiev suốt nhiều tháng.
Litra nhấn mạnh rằng một khi kết nạp Ukraine, NATO sẽ phải thực thi đầy đủ nghĩa vụ của mình với quốc gia này, trong đó có cả quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể theo Điều 5 trong hiến chương của khối.
Điều khoản này quy định Mỹ và các nước thành viên NATO sẽ phải cùng tham chiến nếu một quốc gia trong liên minh bị tấn công. Nếu Ukraine gia nhập sau khi kết thúc chiến sự, Mỹ và đồng minh sẽ buộc phải sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp nếu Nga tấn công một lần nữa, kịch bản có thể dẫn đến Thế chiến III.
Washington và mọi thành viên khác trong NATO đều không muốn mạo hiểm với kịch bản này, và nó càng trở nên nhạy cảm với ông Biden trong năm bầu cử. Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh đó, Ukraine chỉ còn cách chấp thuận các "đảm bảo an ninh" từ NATO, thay vì một cam kết về việc kết nạp.
Ngoài tuyên bố chung của G7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva vào tháng 7 năm ngoái, Ukraine đã ký 15 thỏa thuận an ninh song phương với các nước thành viên NATO. Tất cả các thỏa thuận đều có những cam kết khác nhau cho năm hiện tại và những điều khoản soạn sẵn cho thời hạn hợp tác mà hai bên đã ký kết.
Stefan Meister, người đứng đầu chương trình Đông Âu tại Hội đồng Đối ngoại Đức, cho rằng cuộc phản công thất bại của Ukraine mùa hè năm ngoái là lời cảnh tỉnh lớn đối với phương Tây về nguy cơ Nga giành chiến thắng. Meister cho biết các gói đảm bảo an ninh sẽ cung cấp cho Ukraine "hỗ trợ quân sự và an ninh dài hạn đáng tin cậy từ các thành viên NATO".
Một số quan chức Ukraine tin rằng những đảm bảo này sẽ là "yếu tố thay đổi cục diện". Ngay sau khi Ukraine ký thỏa thuận an ninh với Anh hồi tháng 1, chủ tịch Hội đồng An ninh Ukraine Oleksandr Lytvynenko viết trên Economist rằng "các thỏa thuận hợp tác an ninh đang dần đưa Ukraine vào không gian an ninh phương Tây mà không cần hiện diện của quân đội phương Tây trên đất Ukraine".
Lytvynenko lạc quan rằng những thỏa thuận đó "tạo cơ sở" cho việc kết nạp Ukraine vào NATO, ý tưởng từng được liên minh hoan nghênh tại hội nghị ở Bucharest năm 2008.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine đang được thảo luận.
"Thỏa thuận an ninh song phương sẽ tập trung vào hỗ trợ Ukraine phòng thủ trong cuộc chiến với Nga, xây dựng khả năng răn đe đáng tin cậy cho lực lượng tương lai của Ukraine, cung cấp các lựa chọn ứng phó khẩn cấp với kịch bản Nga sẽ tiếp tục gây hấn", người này nói.
Trợ lý Tổng thư ký NATO David van Weel đầu tháng này cho biết tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7, NATO và Ukraine dự kiến thảo luận đề xuất tăng hợp tác trong công nghệ quốc phòng và trao đổi thông tin tình báo liên quan tới khả năng tác chiến điện tử của Nga.
Tuy nhiên, Meister lưu ý việc thiếu những cam kết viện trợ quân sự ổn định sau năm 2024 "phản ánh thách thức hiện tại mà Ukraine và các đồng minh phải đối mặt, cũng như những chia rẽ trong nội bộ NATO".
Ông nói rằng những bảo đảm này chỉ là cách ứng phó cho kịch bản các thành viên NATO không đạt được đồng thuận về khả năng kết nạp Ukraine. Mỗi quốc gia đang phải tự mình "lên kế hoạch nhiều hơn để hỗ trợ lâu dài cho Ukraine".
Các nhà quan sát cảnh báo dù có nhiều tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine từ các đồng minh NATO, các đảm bảo này không có trọng lượng nếu không có cam kết vững chắc về tư cách thành viên liên minh cho Kiev.
"Nếu không có tư cách thành viên NATO, những đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ chỉ là lời nói gió bay. Việc không kết nạp Kiev chỉ có lợi cho Nga", Michael MacKay, nhà phân tích người Canada, viết.
Các nước phương Tây từng hứa hẹn về đảm bảo an ninh cho Ukraine trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Theo thỏa thuận này, Ukraine được yêu cầu bàn giao kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự bảo vệ từ Mỹ, Anh và Nga.
Tuy nhiên, Litra cho hay những đảm bảo này không có bất cứ cơ chế pháp lý nào để thi hành và nó cũng đã không ngăn chặn được cuộc chiến đang diễn ra.
Trong khi Ukraine và một số thành viên NATO vẫn tin rằng các thỏa thuận đảm bảo an ninh là "công cụ" chuẩn bị cho Kiev gia nhập NATO trong tương lai, Litra nhận định Mỹ và Đức và nhiều đồng minh phương Tây đều đang lo ngại rằng việc kết nạp Ukraine vào NATO sẽ dẫn tới leo thang xung đột với Nga.
"Dù vậy, các đảm bảo an ninh như vậy vẫn là lựa chọn tốt nhất mà Ukraine có thể có vào thời điểm hiện tại", chuyên gia Meister nói. "Cái đích gia nhập NATO của họ vẫn còn rất xa vời".
Thanh Tâm (Theo Times, Business Insider, FT)
Rạng sáng 5/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn nếu số lượng người nhập cư qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 người.
Moldova trục xuất nhân viên ngoại giao Nga, Ukraine không muốn Trung Quốc làm trung gian hòa giải, Hà Lan chuyển F-16 cho Ukraine, Cảnh sát Venezuela “bao vây” Đại sứ quán Argentina, HĐBA họp khẩn vì căng thẳng leo thang ở Trung Đông… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngày 5/6, quân đội Lebanon thông báo, Đại sứ quán Mỹ ở Awkar, vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Beirut của quốc gia Trung Đông này đã bị tấn công bằng vũ khí hạng nhẹ.
Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian gặp phó thủ lĩnh Hamas và lãnh đạo nhóm Hồi giáo Islamic Jihad ở Dải Gaza, khi Israel đe dọa tấn công khu vực này.
Lãnh đạo các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Bolivia đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Putin sau khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ năm.
Tàu hộ tống Sovershenny của Nga đã cùng các tàu chiến Trung Quốc tập trận trong lúc tuần tra ở Biển Philippines.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/12 xác nhận ông đang trên đường tới Buenos Aires để dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Argentina Javier Milei.
Nói về quan hệ Việt Nam-Peru trong 30 năm qua và hướng tới giai đoạn mới, Đại sứ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru Bùi Văn Nghị mô tả bằng 3 từ: thực chất, gắn kết và triển vọng.
95 lính biên phòng Myanmar đã chạy từ nước này sang Bangladesh sau các cuộc đụng độ với phiến quân cuối tuần trước.