Cả nước có 1.800 bệnh viện công và tư nhưng đến đầu tháng 10-2024 mới chỉ 96 bệnh viện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.
Số lượng bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử vẫn chưa đáng kể. Nguyên nhân do đâu?
Theo ông Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hằng năm bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 2 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú, 200.000 bệnh nhân nội trú và thực hiện 2 triệu xét nghiệm huyết học, hóa sinh lưu trữ dữ liệu khổng lồ.
Hiện hầu hết các nước phát triển đã có bệnh án điện tử. Còn Bệnh viện Bạch Mai cũng như nhiều bệnh viện khác phải đi mua phim về để in cho người bệnh. Đơn cử bệnh viện này mỗi năm chi 50 tỉ đồng tiền mua phim in cho người bệnh, vừa tốn kém, ảnh hưởng môi trường và khó lưu giữ lâu.
"Nguồn dữ liệu của các bệnh viện tuyến đầu cả nước là rất lớn nhưng hiện lưu trữ giấy nên rất khó ứng dụng vào nghiên cứu. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bệnh viện Bạch Mai đang nằm trên kho dữ liệu nhưng là dữ liệu chết.
Phải số hóa để làm sống lại khu dữ liệu đó. Làm được điều này sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để ngành y Việt Nam có những nghiên cứu công bố quốc tế", ông Cơ nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho biết tháng 6-2023 bệnh viện đã bắt tay vào triển khai bệnh án điện tử, đến tháng 10-2024 đã chính thức "khai tử" bệnh án giấy.
Khi người bệnh đến bệnh viện, thay vì phải cầm sổ khám bệnh như trước kia, bệnh nhân sẽ được cấp mã QR sử dụng trong suốt quá trình khám.
"Thủ tục đăng ký khám lần đầu đã đơn giản, đến khám lần hai lại càng đơn giản hơn. Mọi thông tin đã được lưu trữ hết trên hệ thống chỉ cần quét mã vạch hoặc đọc thông tin sẽ có hết toàn bộ lịch sử thăm khám.
Bên cạnh đó, khi người bệnh đi chụp X-quang, xét nghiệm máu không cần phải cầm theo các phiếu chỉ định, phiếu đợi kết quả khám bệnh, chỉ cần quét mã QR là hiển thị toàn bộ thông tin kết quả", bác sĩ Tiến nói.
Theo bác sĩ Tiến, không chỉ người bệnh hưởng lợi mà bệnh viện tiết kiệm được nguồn chi phí khổng lồ khi có bệnh án điện tử. Hằng năm bệnh viện phải chi khoảng 2 tỉ đồng mua giấy dùng cho thăm khám bệnh, điều này gây lãng phí, hủy hoại môi trường.
Giờ đây với bệnh án điện tử, dữ liệu của bệnh nhân còn được lưu trữ ở ba khu vực khác nhau, sẽ không mất đi.
Là một trong những bệnh viện đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm bệnh án điện tử từ tháng 9-2018, chỉ sau hai năm triển khai Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, sử dụng bệnh án điện tử.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi sử dụng bệnh án điện tử, các kết quả cận lâm sàng không phải in ra trả về khoa điều trị.
Quy trình tổng kết hồ sơ bệnh án được tối ưu các khoa không phải mang trả hồ sơ bệnh án về kho lưu trữ. Khi cần tra cứu thông tin trích xuất hồ sơ cũng rất thuận tiện, nhanh chóng theo nhiều định dạng.
Hồ sơ bệnh án được hoàn thiện dễ dàng, nhanh chóng từ đó bác sĩ có nhiều thời gian hơn để khám, tư vấn kỹ cho người bệnh, nhân viên y tế tăng hiệu suất làm việc, người bệnh không phải đi lại nhiều, thời gian điều trị được rút ngắn, chất lượng điều trị được nâng cao.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo bệnh viện này, việc triển khai bệnh án điện tử vẫn còn gặp một số khó khăn như một số giấy tờ, phiếu vẫn phải lưu bằng bản giấy. Đặc biệt chi phí khá lớn cho việc lưu trữ hồ sơ theo quy định của thông tư 46 bao gồm cả lưu trữ tại cơ sở và thuê lưu trữ dự phòng ngoài bệnh viện.
Tại TP.HCM, tính đến ngày 3-10, theo dữ liệu được cập nhật tại Bộ Y tế, có ba bệnh viện công lập được Bộ Y tế thẩm định triển khai bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến tháng 6-2024 TP có 44/55 bệnh viện xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử EMR (đạt 80%) nhưng chỉ có 4 đơn vị được Bộ Y tế thẩm định. 51/55 bệnh viện chưa đủ điều kiện thẩm định bệnh án điện tử, chiếm tỉ lệ 92,7%.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận 4.700 - 4.800 lượt bệnh nhân đến khám. Hiện bệnh viện này vẫn đang nhanh chóng hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), số hóa sớm đưa bệnh án điện tử đi vào hoạt động.
Bác sĩ Võ Đức Hiếu - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu - cho biết hiện để số hóa các thủ tục khám chữa bệnh, bệnh viện đã lập hội đồng chuyên môn và ban chỉ đạo triển khai bệnh án điện tử.
Bên cạnh đó để bệnh án điện tử sớm đưa vào hoạt động bệnh viện đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống, số hóa tất cả các hoạt động chuyên môn. Đến nay đã hoàn thiện phần lớn hệ thống phục vụ bệnh án điện tử như: PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa), HIS (quản lý bệnh viện), LIS (quản lý xét nghiệm). Ngoài ra bệnh viện cũng đang triển khai hệ thống đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ để đảm bảo tính bảo mật cho bệnh án điện tử.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết để triển khai bệnh án điện tử thành công, bệnh viện đã đầu tư thêm các thiết bị CNTT, kinh phí mua phần mềm, bảo trì hằng năm hàng tỉ đồng. Do vậy một số bệnh viện khác hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trong quá trình triển khai bệnh án điện tử.
PGS.TS Trần Quý Tường - chủ tịch Hội Tin học y tế - cho hay khi triển khai bệnh án điện tử các bệnh viện đang gặp phải một số khó khăn, như nhiều giám đốc bệnh viện chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn, nên việc thay đổi này cũng là một trở ngại.
"Chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Do đó kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Triển khai bệnh án điện tử là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm", ông Tường cho hay.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết hệ thống bệnh viện bao gồm bốn bệnh viện tại TP.HCM, Vĩnh Long, Long An và Tây Ninh.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có hai bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử là TP.HCM và Vĩnh Long. Dự kiến năm 2025 hai bệnh viện còn lại sẽ hoàn thành bệnh án điện tử.
Vị đại diện này cho hay muốn bệnh án điện tử triển khai thành công phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó then chốt nhất là con người, phải có đội ngũ CNTT đáp ứng nhu cầu. Tiếp đến là phải có nguồn vốn, kinh phí đầu tư cho hệ thống CNTT, trang thiết bị.
Một chuyên gia chuyên về CNTT, phụ trách phần mềm bệnh án điện tử bệnh viện tư nhân tại TP.HCM nhận định: "Các bệnh viện phải ban hành các quy trình, quy định để thực hiện theo lộ trình bệnh án điện tử, dần thay đổi cho hồ sơ giấy.
Thế nhưng hiện nay, một số bệnh viện khó khăn thu hút được đội ngũ CNTT giỏi do hệ số lương bệnh viện công không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Ngoài ra bệnh viện công lớn thuộc tuyến cuối, nếu muốn nâng cấp hệ thống máy tính, hoàn thiện bệnh án điện tử cần chi phí rất lớn".
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đề xuất Bộ Y tế xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu y tế tập trung giúp đồng bộ dữ liệu y tế, tăng khả năng chia sẻ và sử dụng dữ liệu đồng thời giảm thiểu chi phí lưu trữ cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT, đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử.
Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế và có 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử, 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.
Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế sổ khám bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Công an cho biết đã phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương triển khai sổ sức khỏe điện tử.
Bộ Công an nêu rõ việc triển khai sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà.
Hằng năm ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỉ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh.
Nhiều cử tri, đại biểu các tỉnh thành Đồng Nai, Cần Thơ... kiến nghị bỏ thủ tục mua sổ khám bệnh bằng giấy vì gây lãng phí và phiền hà cho người dân khi đi khám bệnh.
Cử tri tỉnh Đồng Nai đã có văn bản phản ánh vấn đề liên quan lĩnh vực y tế trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Người dân phản ánh mỗi khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện các cấp đều phải mua một cuốn sổ khám bệnh mới, dẫn đến lãng phí. Trong khi đó bác sĩ thường in các chỉ định, chẩn đoán, đơn thuốc từ máy tính, không ghi vào sổ. Sổ khám bệnh chỉ còn "chức năng" kẹp giấy tờ.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tháng 5-2024, Bộ Y tế đã ban hành sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Vào tháng 9, bộ ban hành hướng dẫn thí điểm thực hiện sổ này và các văn bản có liên quan khác cho một số đơn vị.
Sổ sức khỏe điện tử VNeID được sử dụng cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, cho khám chữa bệnh ngoại nội trú, từ xa. Ngoài ra tích hợp giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID.
Ở Cần Thơ, hiện tại chưa có bệnh viện công nào triển khai hoàn thiện bệnh án điện tử. Chỉ có Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ là bệnh viện công đầu tiên áp dụng hình thức đăng ký khám chữa bệnh bằng hồ sơ điện tử.
Theo phòng nghiệp vụ y Sở Y tế Cần Thơ, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy hiện nay ngành y tế đang triển khai nhưng vẫn cần có thời gian thích ứng, thay đổi nhận thức của cả người bệnh.
Bác sĩ Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - cho biết hiện nay bệnh viện vẫn còn sử dụng bệnh án giấy, sổ khám bệnh khi bệnh nhân đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên không bắt người bệnh phải mua sổ mà có thể dùng bất cứ loại tập, sổ nào cũng được.
"Việc triển khai bệnh án điện tử của bệnh viện vẫn đang gặp khó nhiều thứ, đặc biệt là thiếu sự đồng bộ cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu...
Đối với bệnh nhân nội trú cũng vẫn đang kết hợp cả bệnh án giấy và điện tử chứ chưa bỏ hoàn toàn, nhất là trong việc lưu trữ làm hồ sơ pháp lý và thanh toán bảo hiểm y tế", ông Luận nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trường Nam - phó giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) - cho hay thực tế khi làm việc tại các bệnh viện cho thấy hiện việc triển khai bệnh án điện tử đang gặp một số khó khăn như chi phí đầu tư lớn.
Ước tính với một bệnh viện có quy mô từ 400 - 500 giường, chi phí triển khai bệnh án điện tử khoảng 3 - 5 tỉ đồng. Ngoài ra chi phí còn phụ thuộc vào lượt khám chữa bệnh, bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa...
Bệnh án điện tử sẽ được triển khai bằng các bước: thứ nhất là số hóa hồ sơ bệnh án giấy; thứ hai là tạo các công cụ để cập nhật, chỉnh sửa thông tin bệnh án; thứ ba là liên thông với tất cả các phần mềm của bệnh viện. Mỗi bước đều mang lại giá trị giúp cho bệnh viện chuyển đổi số trong bệnh viện.
"Hầu hết các bệnh viện đã thực hiện được bước 1 và 2, nhưng khi liên thông thì gặp khó khăn. Vì vậy chúng tôi đang đề xuất chia theo lộ trình từng bước để các bệnh viện giải được bài toán kinh phí, thực hiện từng bước khai trừ bệnh án giấy", ông Nam nói.
Nói về vướng mắc trong việc đấu thầu công nghệ thông tin tại các bệnh viện, ông Nam cho biết khi đấu thầu các đơn vị cung ứng sẽ cung cấp rõ các tính năng, chức năng trong hồ sơ.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi đấu thầu là các bệnh viện không đảm bảo rằng những nhà thầu này có sự bền vững, cam kết duy trì, hiệu quả trong thời gian triển khai sử dụng.
Đặc biệt trong khi thị trường hiện nay có nhiều biến động, nhiều bệnh viện lo ngại các đơn vị này sẽ không đảm bảo đáp ứng được theo yêu cầu trong tương lai dẫn đến lo lắng.
Ngoài ra nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng vẫn tham gia gói thầu lớn với giá thấp. Nhưng khi trúng thầu lại không đảm bảo cung cấp được yêu cầu như cam kết. Điều này cũng khiến các bệnh viện e ngại.
"Một trong những giải pháp mà trung tâm đang xây dựng là HIS mã nguồn mở. Tức là trung tâm sẽ cung cấp HIS mã nguồn mở để các bệnh viện tải về để sử dụng. Trong trường hợp bệnh viện cần điều chỉnh tính năng phù hợp với bệnh viện, họ có thể thuê đơn vị dịch vụ hỗ trợ, cập nhật tính năng.
Khi bệnh án điện tử được triển khai tại tất cả các bệnh viện, bệnh án giấy được loại bỏ. Sau đó dữ liệu này sẽ được đồng bộ lên VNeID, các bệnh viện có thể công nhận dữ liệu của nhau, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Nghĩa là khi khám chữa bệnh tại các cơ sở khác mà bệnh nhân đã có xét nghiệm, hoặc chụp chiếu trước đó thì bệnh viện hiện tại có thể công nhận thông tin này. Các bệnh viện có thể chia sẻ dữ liệu thông tin bệnh nhân với nhau", ông Nam lý giải.
Nga muốn bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình Ukraina nào cũng nên tập trung vào tạo ra một trật tự thế giới mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chia...
Chuyến công tác Trung Quốc tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 25-27.6.2024 đã thành công tốt đẹp.
Sáng 4/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác ra xét xử phúc thẩm, liên quan các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản, Đưa và Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo về bản án tử hình của bà chủ Tập đoàn...
Ngoài việc huy động thêm xe cứu hoả cùng 50 xe tưới nước hoạt động hết công suất, chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành còn xem xét hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do bụi trong quá trình thi công sân bay Long Thành gây ra.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn thiếu 49 trường học tại 8 quận. Trong đó, quận Hoàn Kiếm và Đống Đa là địa phương thiếu nhiều trường học nhất, lần lượt là 11 và 9 trường.
Nhiều bạn đọc hỏi, sau khi uống rượu bia dắt xe máy từ quán nhậu về nhà thì có bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn và...
Thi thể cô gái 21 tuổi mất tích 3 ngày trước vừa được tìm thấy trong chung cư mini nằm sâu trong hẻm nhỏ ở quận Cầu Giấy, nghi bị sát hại.
Không chỉ có xã đầu tiên về đích nông thôn mới nâng cao ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông , hiện nay, nhiều địa phương khác ở huyện Đắk...
Tối 30 Tết, nhiều người dẫn đã có mặt tại bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) từ rất sớm để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa chào đón năm mới.