Sức ép lớn từ các cố vấn, đồng minh chủ chốt đã khiến ông Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tập kích hạn chế vào lãnh thổ Nga, sau nhiều tháng ngần ngại.
Sergiy Nykyforov, thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 31/5 xác nhận Washington đã cho phép Kiev dùng vũ khí Mỹ viện trợ để tập kích lãnh thổ Nga. Ông Nykyforov nói quyết định của Mỹ sẽ giúp Ukraine tăng đáng kể khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công từ bên kia biên giới Nga.
Quyết định được Tổng thống Joe Biden đưa ra một ngày trước đó là lần đầu tiên Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí hiện đại mà họ cung cấp để nhắm vào trận địa pháo, tên lửa và sở chỉ huy trong lãnh thổ Nga, một cường quốc hạt nhân.
Đây là kết quả của quá trình gây sức ép lâu dài của các cố vấn, đồng minh chủ chốt của Tổng thống Biden, người từ lâu kiên quyết phản đối việc "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công mục tiêu trên đất Nga, do lo ngại nguy cơ đẩy cuộc chiến lên mức độ leo thang mới và có thể làm bùng phát xung đột trực diện giữa Nga với NATO.
Cuộc thảo luận về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga đã trở nên sôi nổi từ nhiều tuần trước, khi Kiev đối mặt áp lực quân sự ngày càng lớn của Moskva ở nhiều mặt trận.
Một số đồng minh của Mỹ đã có những bước đi tiên phong. Anh vài tuần trước cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP EG để tấn công bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Nga. Pháp và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đưa ra quan điểm ủng hộ Kiev dùng vũ khí phương Tây tập kích lãnh thổ Nga.
Nhưng Tổng thống Biden vẫn rất thận trọng với chủ đề này và chưa thay đổi quyết định, trong bối cảnh Nga liên tục đe dọa sẽ đáp trả quyết liệt, thậm chí là bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu phương Tây cho phép Ukraine làm như vậy.
Giới quan sát cho hay chiến dịch tấn công Kharkov của Nga là "giọt nước tràn ly" khiến các quan chức ngoại giao, quân sự hàng đầu trong chính quyền Biden thay đổi quan điểm về hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Nga ngày 10/5 triển khai hàng nghìn quân vượt biên giới ở Kharkov và nhanh chóng kiểm soát nhiều khu dân cư tại tỉnh này, uy hiếp thành phố Kharkov, đô thị lớn thứ hai ở Ukraine.
Quân đội Ukraine cho biết họ đã phát hiện từ sớm đội hình quân Nga tập trung bên kia biên giới ở Kharkov, nhưng không thể tấn công phủ đầu vì phải tuân thủ hạn chế của Mỹ.
Ba ngày sau khi Nga tấn công Kharkov, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Charles Brown, họp với phía Ukraine. Các quan chức Ukraine thêm lần nữa gây sức ép để Tổng thống Biden dỡ bỏ hạn chế, cho biết vấn đề đã trở nên cấp bách hơn khi Nga pháo kích Kharkov từ bên kia biên giới vì biết đối phương không thể đáp trả đầy đủ.
Sau cuộc họp, ông Sullivan, ông Austin và tướng Brown quyết định đề xuất Tổng thống Biden rằng nên đảo ngược lập trường.
Cố vấn Sullivan và Bộ trưởng Quốc phòng Austin báo cáo với Tổng thống Biden rằng địa hình của mặt trận quanh Kharkov đòi hỏi ngoại lệ cho yêu cầu cấm dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga, theo các quan chức cấp cao.
Họ nhận định Ukraine đang phải tuân thủ "lằn ranh nhân tạo" trên chiến trường khiến họ không thể đáp trả các đợt tấn công dữ dội của đối phương. Ông Sullivan và Austin kết luận cấm Ukraine dùng vũ khí Mỹ để đáp trả Nga là vô nghĩa.
Cùng ngày, Tổng thống Biden gặp đại tướng Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Tướng Cavoli nhận định lệnh cấm dùng vũ khí Mỹ tập kích lãnh thổ Nga đang gây nguy hiểm cho Ukraine. Một quan chức cho biết ông Cavoli cũng lo ngại về phản ứng dự kiến của Nga khi Mỹ nới lệnh cấm.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới thăm Kiev hôm 14/5 để trấn an đồng minh, Ukraine tiếp tục gây sức ép để Mỹ dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí. Trở về từ chuyến thăm hôm 17/5, Ngoại trưởng Blinken gặp Tổng thống Biden và Sullivan tại Phòng Bầu dục, cho biết Mỹ phải thay đổi lập trường.
Ông cho rằng lệnh cấm dùng vũ khí Mỹ tập kích lãnh thổ Nga đặt một số khu vực của Ukraine vào tình thế nguy hiểm. Nga tận dụng hạn chế này để tập trung quân, khí tài tại những vị trí an toàn bên trong lãnh thổ để liên tục tấn công Ukraine.
Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Biden tới lúc này đồng ý với đề xuất, song nhấn mạnh cần họp với những người phụ trách an ninh quốc gia để xem xét các rủi ro liên quan. Cuộc họp này tới tuần trước mới diễn ra, ngay khi thông tin về việc ông Blinken thay đổi quan điểm bị rò rỉ.
Các quan chức Nhà Trắng rất tức giận trước vụ rò rỉ, một số bày tỏ lo ngại điều này sẽ khiến Nga cảnh giác hoặc ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định cuối cùng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken đầu tuần cho biết Mỹ có thể "thích nghi và điều chỉnh" lập trường vì tình hình thực tế đã thay đổi.
Tổng thống Biden không công khai bình luận về cuộc thảo luận nội bộ khiến ông thay đổi quan điểm. Do đó, chưa rõ ông ra quyết định vì tin rằng nguy cơ leo thang, trong đó có liên quan đến vấn đề hạt nhân, đã giảm hay vì viễn cảnh Ukraine mất thêm lãnh thổ.
Rất ít thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia hoặc Lầu Năm Góc biết về việc Tổng thống thay đổi quan điểm. Thậm chí phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh trong cuộc họp báo ngày 30/5 vẫn bảo vệ chính sách cấm Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga.
"Hỗ trợ an ninh mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine chỉ được dùng trong lãnh thổ nước này. Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga", bà Singh nói. "Ukraine có thể tập trung vào các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có ảnh hưởng trực tiếp tới chiến sự tại lãnh thổ nước này. Chính sách của chúng tôi không thay đổi".
Tuy nhiên, chính sách này đã thay đổi từ nhiều ngày trước đó. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết không ai nói với bà Singh về việc Bộ trưởng Austin đã cho phép Ukraine tấn công mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng tuyên bố đây chỉ là việc mở rộng phạm vi tự vệ của Ukraine, cho phép nước này bảo vệ thành phố Kharkov trước tên lửa, bom lượn và đạn pháo từ phía bên kia biên giới.
"Tổng thống Biden gần đây chỉ đạo nhóm cố vấn đảm bảo Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ cho mục đích phản công ở tỉnh Kharkov, đáp trả lực lượng Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công họ", một quan chức Mỹ cho biết. "Mỹ không thay đổi chính sách cấm sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS hoặc các vụ tấn công tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga".
Mặc dù Nhà Trắng tuyên bố đây là động thái hạn chế, cho phép Ukraine tấn công phủ đầu nếu thấy đối phương chuẩn bị pháo kích hoặc mở đợt tấn công vào Kharkov, hàm ý của quyết định này rộng hơn nhiều.
Sau khi đảo ngược lập trường, Tổng thống Biden dường như đã vượt qua "lằn ranh đỏ" mà chính ông vạch ra. Các quan chức chính quyền Mỹ thừa nhận nếu Nga tập kích Ukraine từ nơi khác nhằm vào Kharkov, Tổng thống Biden có thể nới lỏng thêm hạn chế.
"Đây là thực tế mới", một quan chức Mỹ nhận định. "Có lẽ đây là giai đoạn mới trong chiến sự Nga - Ukraine".
Giới chuyên gia nhận định diễn biến chiến sự thời gian tới có thể phụ thuộc vào cách Nga phản ứng với quyết định của Mỹ. Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), ngày 31/5 tuyên bố nước này sẽ đáp trả phi đối xứng quyết định của Mỹ, song chưa nêu biện pháp cụ thể.
Nguyễn Tiến (Theo Times of India, OdaLoop, Reuters, AFP)
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã tiến vào làng Rabotino ở tỉnh Zaporizhzhia, nơi Ukraine kiểm soát trong chiến dịch phản công năm ngoái.
Giới chức địa phương xác nhận đã xảy một vụ rơi máy bay trực thăng Mi-8 tại vùng Chelyabinsk của Nga ngày 29/8, khiến 3 người thiệt mạng.
Ukraine gần đây sử dụng UAV mang đạn nhiệt áp tập kích vị trí phòng ngự của Nga, nhằm tăng sức công phá trong không gian kín.
Chiều ngày 16/7, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã có cuộc làm việc trực tuyến với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam.
Ngày 2-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa hành động đủ quyết liệt để đạt được thỏa thuận thả các con tin bị phong trào Hamas bắt giữ ở Dải Gaza.
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai 2024 là cơ hội quan trọng để đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng và bế tắc, đồng thời phản ánh những nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc (LHQ).
Cựu tổng thống Ahmadinejad nói khoảng 20 sĩ quan phản gián Iran chuyên đối phó tình báo Israel là điệp viên của Tel Aviv, kể cả chỉ huy đơn vị này.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, lãnh đạo đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền, ông Dmitry Medvedev cho biết, Moscow đặc biệt chú trọng phát triển hợp tác với các nước Đông Nam Á, khu vực có vai trò quan trọng trong hình thành cấu trúc quan hệ quốc tế mới.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Pyotr Tolstoy dự đoán cuộc xung đột tại Ukraine khó có thể kết thúc trong tương lai gần bởi Kiev còn có sự hỗ trợ quân sự ồ ạt từ phương Tây.