Sản phụ từ Campuchia sang Việt Nam do chảy máu không ngừng sau sinh mổ, ảnh hưởng tính mạng, hơn 40 y bác sĩ tìm ra bệnh lý hiếm, mổ nhiều lần để cứu bệnh nhân.
Chị Chhun Setina, 36 tuổi, sinh con lần 3 tại Campuchia, sau đó sốt và chảy máu không ngừng. Nghi ngờ sản phụ băng huyết, các bác sĩ địa phương mổ ngày 18/10/2023. Do không cầm được máu, ê kíp phải cắt bỏ tử cung, song máu vẫn tiếp tục chảy. Ngày hôm sau, các bác sĩ mổ lại lần nữa, nỗ lực cầm máu lần hai nhưng bất thành.
Bác sĩ Campuchia dùng hai miếng gạc lớn, khoảng 20 cm, nhét vào bụng bệnh nhân để cầm máu, khâu vết mổ lại rồi chuyển sang Việt Nam, nhập Bệnh viện FV, đêm 21/10. Với tiên lượng "lành ít dữ nhiều", các bác sĩ hội chẩn trong đêm, lên phương án với quyết tâm bằng mọi giá "giữ người mẹ cho 3 đứa trẻ".
Tiếp nhận cấp cứu, bác sĩ Lê Đức Tuấn chỉ định mổ gấp để lấy hai miếng gạc, bởi nếu để lâu nguy cơ nhiễm trùng ổ bụng rất cao. Khi rút gạc ra, khoang bụng bệnh nhân có khoảng hai lít máu. Theo bệnh án, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 32 đơn vị máu ở quê nhà.
"Trước hình ảnh sản phụ còn trẻ với chiếc bụng chằng chịt vết thương sau nhiều cuộc mổ, tính mạng bị đe dọa, ai cũng xót xa", bác sĩ Tuấn nhớ lại. Ê kíp phát hiện tổn thương động mạch thượng vị dưới bên trái của bệnh nhân chưa được xử lý tốt, nên cầm máu thật kỹ. Ca mổ diễn ra "không có bất cứ sai sót nào", song máu vẫn rỉ rả chảy tiếp.
Bệnh viện tiếp tục hội chẩn liên chuyên khoa, tìm hiểu nguyên nhân máu chảy không ngừng. Ổ bụng bệnh nhân sau khi mổ đi mổ lại, được đốt tia laser để cầm máu và khâu nhiều lần, tạo nên một khối bùi nhùi, rất khó tiếp cận vùng chảy máu. Các bác sĩ quyết định chuyển sang phương án can thiệp mạch, nhằm làm tắc các nhánh tổn thương của động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng, ngăn chảy máu.
Hơn 30 giờ điều trị nội khoa nhưng máu vẫn chảy không ngừng, bác sĩ Nguyễn Thị Lam Gian, Khoa Gây mê hồi sức, nghi ngờ khả năng bệnh nhân bị Hemophilia - căn bệnh rối loạn đông máu gây chảy máu khó cầm. Điều lạ là bệnh nhân nữ mắc bệnh này chỉ cần tới kỳ kinh đầu tiên có thể đã bị chảy máu không ngừng và dẫn đến tử vong, trong khi bệnh nhân này đã sinh con ba lần.
Ê kíp mời bác sĩ Phạm Mạnh Tuấn, chuyên gia huyết học hội chẩn, nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn đông máu theo một hướng rất khác nên chỉ định một số xét nghiệm chuyên biệt về huyết học.
Theo xét nghiệm, yếu tố VIII (yếu tố cần thiết cho quá trình tạo cục máu đông) trong máu của bệnh nhân rất thấp, đồng thời xuất hiện chất ức chế của yếu tố VIII. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị chứng Hemophilia mắc phải. Hemophilia là bệnh lý có tính chất di truyền, gặp chủ yếu ở nam giới. Trong khi đó, Hemophilia mắc phải có tỷ lệ hiếm hơn, do cơ thể đột nhiên xuất hiện tình trạng giảm yếu tố đông máu, thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi có các bệnh nền như ung thư, mỡ máu... Trường hợp này, bệnh nhân là nữ và trẻ tuổi nên khả năng mắc phải rất hiếm.
"Ở sản phụ này, quá trình thai sản có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh Hemophilia mắc phải, nhưng vẫn cần sàng lọc các nguyên nhân khác", bác sĩ Tuấn giải thích.
Bệnh nhân Hemophilia mắc phải cần truyền yếu tố đông máu, thuốc rất đắt và hiếm, chỉ một số ít bệnh viện có thuốc dự phòng. Bệnh viện liên hệ nhiều nơi, tìm được 4 lọ thuốc, truyền vào cơ thể bệnh nhân, giúp hiện tượng chảy máu lập tức ngưng lại.
Thoát được chảy máu, song sau nhiều cuộc mổ, bệnh nhân bị suy kiệt, sốc nhiễm trùng nặng và tổn thương các cơ quan nội tạng (viêm phổi, nấm đường tiết niệu, các cơn nhược giáp và những cơn hen), sốt kéo dài âm ỉ trong 3 tuần liền. Các bác sĩ tập trung toàn lực, dùng những kháng sinh và thuốc tốt nhất. Khắp người bệnh nhân gắn đầy bơm tiêm để bơm thuốc vận mạch cùng các thuốc nâng đỡ cơ thể.
Với sự tham gia của hơn 40 y bác sĩ trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện ngày 24/11. Bệnh nhân vừa trở lại viện tái khám, sức khỏe hồi phục tốt.
"Tôi như nín thở theo dõi cuộc chạy đua mỗi ngày của y bác sĩ, may mắn vợ tôi có thể hồi phục, như được sinh ra một lần nữa, trở về nhà cùng 3 con nhỏ", người chồng Muth Sothya nói, hôm 10/1.
Lê Phương
Phát hiện người phụ nữ ngã quỵ, dấu hiệu ngưng tim, bác sĩ Eduard Quintana lao đến và thực hiện hồi sức tim phổi ngay tại chỗ.
Ban tổ chức mong muốn hoạt động lì xì Tết bằng sách, tặng quà bằng sách sẽ trở thành một nét văn hóa rất riêng.
Bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam đang ở đảo Lý Sơn. Bạn hãy đến lăng Tân chiêm ngưỡng bộ xương cá voi dài tận 22m và tìm hiểu tín ngưỡng, ý thức chủ quyền của đất và người Lý Sơn.
Trong lúc đang điều khiển ghe chở lúa qua TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, hai cha con phát hiện đứa trẻ từ trên cầu rơi xuống sông nên nhảy xuống cứu.
Đối tượng Phạm Văn Tuấn bị xử phạt về hành vi đăng tin sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận về việc có 46 người đàn ông ở huyện Tứ Kỳ đã quan hệ với một người phụ nữ nhiễm HIV.
Mình sinh năm 1981, quê ở Bắc Trung Bộ, gia đình chuyển vào TP HCM đã lâu, là viên chức nhà nước và chưa kết hôn lần nào.
Một nam sinh 20 tuổi (Hà Nội) bất ngờ nhập viện cấp cứu lúc rạng sáng với tình trạng co giật, bất tỉnh sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên chàng trai này phải nhập viện vì loại 'khói thơm' này.
Sáng 8/9, tại TP Cần Thơ, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ. Anh Nguyễn Tứ Thiên được trao quyết định công nhận giữ chức Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ khóa XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Kỷ niệm ngày truyền thống của hội nông dân Việt Nam, nông dân ở thị trấn Phong Nha đã tổ chức cuộc thi cày ruộng bằng máy cày vô cùng độc đáo.