Với ý nghĩa quan trọng của quy hoạch, vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp dự công bố quy hoạch của Bình Dương, Đồng Nai. Không chỉ các tỉnh này mà cả vùng Đông Nam Bộ còn kỳ vọng sẽ mở ra 'xa lộ mới' cho cả vùng phát triển.
Từ quy hoạch được duyệt, đã có nhiều gợi mở để các tỉnh trong vùng khơi thông nguồn lực, phát huy "bắt tay" giữa Nhà nước và xã hội hóa để triển khai. Vậy đâu là điểm nhấn phát triển ở các địa phương này?
Theo quy hoạch được duyệt, ông Võ Tấn Đức, chủ tịch UBND tỉnh, cho hay Đồng Nai bám sát mục tiêu lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sông Đồng Nai làm động lực mới cho phát triển đột phá trong thời gian tới.
Vừa qua sau công bố, tỉnh đã chỉ đạo tập trung cho việc triển khai quy hoạch, tiếp tục làm quy hoạch huyện, TP, phân khu. Tất cả phải đồng bộ với quy hoạch của tỉnh, từ đó các địa phương bám sát quy hoạch để thực hiện thu hút đầu tư.
Đồng thời rà soát, nghiên cứu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và cụ thể hóa quy hoạch nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cũng như khắc phục được những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực.
"Trước mắt chúng tôi đã chỉ đạo tập trung cho vấn đề giao thông, đặc biệt là giao thông liên kết vùng, bởi vị trí quan trọng của mình.
Cụ thể, Đồng Nai sẽ tiếp tục hoàn thành các tuyến giao thông kết nối như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở ngành liên quan tiếp tục các dự án xây dựng các cây cầu kết nối với TP.HCM như cầu Cát Lái", ông Đức nói.
Đồng Nai và Bình Dương cũng vừa khánh thành cầu Bạch Đằng 2 kết nối giữa hai tỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa hai địa phương và một số tỉnh thành lân cận.
Do vậy, Đồng Nai và Bình Dương sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm một số cây cầu nữa để giao thông kết nối được thuận tiện hơn.
Song song đó, Đồng Nai phối hợp với các tỉnh xây dựng dự án đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM bởi đây là dự án quan trọng cho việc kết nối vùng được Chính phủ quan tâm.
Không chỉ giao thông liên tỉnh, liên vùng, Đồng Nai sẽ tiếp tục mở rộng và xây dựng mới một số tuyến đường nội tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như đang thực hiện thủ tục đầu tư một số tuyến đường: đường 770B, đường 773, đường 769, đường liên cảng (Nhơn Trạch)...
Đồng thời, nâng cấp đường tỉnh 763 giữa huyện Xuân Lộc và huyện Định Quán, đầu tư tuyến đường vào cảng Phước An (Nhơn Trạch), đường vành đai 1 TP Long Khánh.
Việc quy hoạch, nâng cấp, đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư.
Do vậy, Đồng Nai cũng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ công nghiệp - nghiên cứu phát triển và đào tạo đẳng cấp mang tầm khu vực (bao gồm hệ thống các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao), đặc biệt là các khu công nghiệp xanh, cụm công nghiệp xanh.
Qua đó, Đồng Nai xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, kêu gọi thu hút đầu tư và lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp vào địa bàn.
Tháng 12-2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Đồng thời tỉnh này nằm trong nhóm năm địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phát triển đột phá mà quy hoạch đưa ra là giải quyết các mâu thuẫn, xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh.
Từ đó, sắp xếp không gian phát triển kinh tế hợp lý, khắc phục các xung đột giữa các ngành kinh tế, tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và lân cận.
Đồng thời tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong vùng thành một. Đây là một trong những yếu tố được các chuyên gia kinh tế đánh giá là "rào cản" của liên kết vùng trước đây.
Về kinh tế, quy hoạch trên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế bảo đảm tính cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Việc liên kết này thông qua hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác định phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị đủ năng lực tham gia và liên kết hiệu quả với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ. Liên kết này đi dọc hành lang đường vành đai 3 và đường vành đai 4 TP.HCM cùng các tuyến cao tốc trong vùng.
Đối với ngành dịch vụ hàng hải và logistics, một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu, quy hoạch xác định khai thác cảng đặc biệt quốc gia, tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Việc khai thác cảng này gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á.
Đầu tháng 9-2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất chủ trương đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh này dài hơn 18km (tổng chiều dài đường vành đai 4 TP.HCM gần 207km).
Theo đó, tỉnh này lựa chọn phương án đầu tư là Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và một phần kinh phí xây lắp.
Tổng mức đầu tư của đường vành đai 4 TP.HCM qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 7.900 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 49,74%, vốn nhà đầu tư chiếm 50,26%, thời gian hoàn vốn 20 năm.
KTS Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng điều quan trọng là vùng đô thị trung tâm phải được quy hoạch như một chỉnh thể thống nhất bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận.
Nếu sự cạnh tranh giữa TP.HCM và các khu vực đô thị Bình Dương, Đồng Nai có thể dẫn tới rủi ro trong tương lai, do vậy nên quy hoạch phát triển các chức năng trọng điểm chuyên ngành khác nhau cho các trung tâm đô thị động lực trong vùng.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức, cho rằng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ cần tận dụng cơ hội từ việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù trong nghị quyết 98 để mở ra những cơ hội rất lớn cho TP.HCM hoàn thiện mạng lưới giao thông nội đô và kết nối các địa phương mà TP.HCM cần chớp lấy cơ hội này.
Trong đó các dự án mang tính chất liên vùng như đường vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... sẽ giúp hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ từ TP.HCM đi các tỉnh thành (và ngược lại).
Để giải quyết căn cơ, bền vững hơn nữa thì TP.HCM nhất định phải có 220km đường sắt đô thị và mạng lưới giao thông công cộng kết nối.
Phấn đấu đến năm 2030 cũng phải mở rộng mạng lưới xe buýt từ 130 tuyến lên hơn 200 tuyến, kết hợp tái cấu trúc thu hút người dân sử dụng. Những cơ chế, chính sách đặc thù trong nghị quyết 98 nếu được tận dụng sẽ giúp TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ đạt được những mục tiêu này.
Với vị trí địa lý liền kề TP.HCM và có rất nhiều sự giao thoa về kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương có mục tiêu đến năm 2030 sẽ là TP trực thuộc trung ương. Đây là một điểm mới đáng chú ý vì với mục tiêu này, Bình Dương sẽ phải tiếp tục "chuyển mình" rất nhiều để đạt các tiêu chí là TP.
Cho đến nay, điều khá ngạc nhiên là mặc dù khu vực khá phát triển nhưng tới nay vẫn chưa có một km cao tốc nào kết nối TP.HCM và Bình Dương.
Các tuyến đường đã đưa vào sử dụng như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện đã quá tải.
Chính vì thế, bài toán cao tốc kết nối TP.HCM với Bình Dương và xa hơn là Bình Phước, Tây Ninh đã được nêu ra trong các quy hoạch mới.
Cụ thể, TP.HCM sẽ kết nối với Tây Ninh qua cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Trong khi đó, TP.HCM sẽ kết nối với Bình Dương, Bình Phước qua cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường vành đai 3, 4 TP.HCM (khi được đầu tư hoàn chỉnh ở các giai đoạn sau cũng sẽ đạt tiêu chuẩn cao tốc). Trong quy hoạch mới, Bình Dương còn đề xuất tiếp tục có đường vành đai 5 TP.HCM.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua ba địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước được nhắc nhiều thời gian gần đây. Thông tin đáng chú ý là đường cao tốc này sẽ khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành năm 2027.
Hiện các tỉnh Bình Dương, Bình Phước đều đã thông qua dự án và đang thực hiện các thủ tục để triển khai đường cao tốc qua địa phương mình. Trong khi đó tại TP.HCM cũng đang rà soát vốn để làm đường dẫn vào đường cao tốc đồng bộ với các tỉnh.
Như vậy, với tuyến cao tốc mới, cửa ngõ phía Bắc của TP.HCM sẽ được rộng mở hơn, qua đó sẽ tiếp tục kết nối tới các tỉnh Tây Nguyên.
Hiện việc nối dài tuyến metro từ TP.HCM về hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai được đề xuất, nghiên cứu. Trong đó tại Bình Dương, dự kiến metro sẽ được kết nối từ ga Suối Tiên (TP.HCM) tới điểm cuối là nhà ga tại "vòng xoay 7ha" thuộc TP mới Bình Dương.
Tuy đang trong giai đoạn nghiên cứu cụ thể hơn nhưng ngay từ lúc này, dự án "vòng xoay 7ha" nơi có nhà ga metro đã được khởi động theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Theo đó, "vòng xoay 7ha" ngoài các công trình trung tâm thương mại dịch vụ, nhà thi đấu đa năng, quảng trường thì sẽ quy hoạch sẵn nhà ga cho tuyến metro.
Theo chủ đầu tư là doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh Bình Dương, hiện dự án đã được khoan cọc nhồi để khởi công. Tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỉ đồng, thi công trong vòng 18 tháng.
Ông VÕ VĂN MINH (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):
Với kinh nghiệm gần 30 năm phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, trong giai đoạn mới Bình Dương định hướng sẽ chuyển đổi sản xuất, phát triển thương mại dịch vụ.
Tiêu biểu như Bình Dương có chiến lược xây dựng "TP thông minh", trong đó có hợp tác với đối tác Singapore tạo ra các không gian hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng năng suất, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ.
Hay như Bình Dương hợp tác với các đối tác Hàn Quốc để phát triển trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại TP mới. Các trung tâm này không chỉ là cung cấp các "hạ tầng cứng" như các không gian triển lãm, kết nối giao thương mà về lâu dài còn góp phần để Bình Dương trở thành một "cửa ngõ" để hàng hóa Việt Nam giao thương với quốc tế.
Về logistics, những chuyến hàng nông sản của các tỉnh phía Nam xuất khẩu thẳng sang thị trường Trung Quốc bằng đường sắt từ ga Sóng Thần (Bình Dương) là một gợi mở mới để phát triển ngành này, gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.
Bình Dương khuyến khích để hình thành các "kho hàng không nối dài", có thêm các kho ngoại quan để tạo thuận lợi cho việc giao thương, qua đó thúc đẩy để thương mại dịch vụ phát triển, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.
Ông NGUYỄN THANH NGỌC (chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh):
Theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ và cả nước (điểm kết nối vùng Đông Nam Á). Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Quy hoạch của tỉnh xác định cách tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo ba vùng phát triển, bốn trục động lực, một vành đai an sinh xã hội.
Trong bốn trục động lực (trục giao thông quan trọng của Tây Ninh), trục số 2 là gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 22.
Đây là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Campuchia theo hướng đông tây cho vùng phía Nam và kết nối quốc lộ 13, quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.
Còn trục số 3 thì gắn với tuyến đường sắt Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến đường vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia.
Từ đó kết nối với TP.HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, kết nối về phía đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.
Đồng thời, Tây Ninh tiếp tục phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới. Từ đó tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ.
Bắc Giang - Sau hơn 2 năm thi công, đến nay, cầu Đồng Việt đã sắp hoàn thành, dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 9 này.
Hà Nội - Liên đoàn Lao động quận Tây Hồ đã chỉ đạo tổ chức thành công Lễ ra mắt Công đoàn Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (Unis...
Bàn tay Trung phồng rộp, bước chân luôn thận trọng khi dưới lớp đất Minh Tân (Vị Xuyên) có thể là mìn, 'di vật' sót lại sau chiến tranh biên giới phía Bắc.
1. Vị bác sĩ nào là Chủ tịch UBND đầu tiên của Hà Nội? A Trần Duy Hưng Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912. Thông minh lại cần cù học tập, năm 30 tuổi, ông trở thành bác sĩ rồi cùng em gái mở bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người. Thời kỳ kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ...
Kết quả giám định vụ khai thác rừng trái pháp luật tại khoảnh 6, tiểu khu 316, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định xác định, tổng khối lượng gỗ là hơn 11,4 m3, vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm.
Bạc Liêu - Ngày 18.3, Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát vừa phát hiện gần 600kg...
Ngày 27.12, Công an TP.Hải Phòng thông tin, lực lượng công an vừa ngăn chặn vụ lừa đảo 600 triệu đồng tiền tiết kiệm.
Trưa ngày 13.4, Công an tỉnh Sóc Trăng và kiểm sát viên cùng cấp đang tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ nam sinh lớp 9 đâm 1 thanh niên...
Mở 79 dây hụi để lừa đảo chiếm đoạt hơn 15 tỉ đồng của hụi viên, một phụ nữ ở Bạc Liêu bị phạt 19 năm tù, đồng thời bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của bị hại.