Với hàng loạt chính sách tự chủ và kế hoạch lâu dài về công nghệ, Trung Quốc hiện đạt bước tiến lớn trong 10 năm qua.
Cuối tháng 1, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (CAE) công bố 10 thành tựu khoa học công nghệ hàng đầu của nước này năm 2024, gồm các bước tiến về sứ mệnh thám hiểm mặt trăng, chip lấy cảm hứng từ não, thiết bị lưu trữ đĩa quang dung lượng cực lớn cấp petabyte đầu tiên trên thế giới hay siêu kính hiển vi. Tuy nhiên từ những năm trước đó, Trung Quốc còn đạt nhiều thành tựu khác.
Khoảng một thập kỷ qua, đặc biệt là sau năm 2019 trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và hạn chế từ các quốc gia phương Tây, chủ yếu là Mỹ với hàng loạt lệnh cấm, Trung Quốc đã tăng tốc mục tiêu tự chủ công nghệ và gặt hái "quả ngọt".
Hàng loạt chiến lược tự chủ công nghệ
Quay ngược lại năm 2015, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu công nghệ, trong đó nhập tới 87% chip từ nước ngoài. Khi đó, sức ép từ Washington cũng bắt đầu gia tăng với một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, trong khi Bắc Kinh cũng đang muốn thoát khỏi hình ảnh "công xưởng giá rẻ" tồn tại hàng thập kỷ.
Ngày 19/5/2015, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố kế hoạch Made in China 2025 (MIC 2025) với 10 ngành nghề được ưu tiên như công nghệ thông tin thế hệ mới (AI, 5G, blockchain), robot và tự động hóa, hàng không vũ trụ, xe dùng năng lượng mới. Nước này đặt mục tiêu tự cung cấp 40% linh kiện công nghệ cao vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.
Để thực hiện, Trung Quốc xây dựng quỹ đầu tư Big Fund, chủ yếu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Theo Reuters, giai đoạn 1 (2014-2019) quỹ huy động 138,7 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD), giai đoạn 2 (2019-2024) thêm 204 tỷ nhân dân tệ (29 tỷ USD) và giai đoạn 3 (năm 2024) là 344 tỷ nhân dân tệ (47,5 tỷ USD). Các công ty lớn trong nước cũng nhận nhiều khoản khổng lồ, như Huawei - hãng bị Mỹ cấm vận từ 2019 - nhận trợ cấp 75 tỷ nhân dân tệ (10,4 tỷ USD) giai đoạn 2018-2023, theo SCMP.
Tháng 3/2016 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Trung Quốc công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, trong đó đẩy mạnh MIC 2025 và ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu. Điểm nhấn là triển khai 5G diện rộng và đặt mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 10% GDP.
Sau đó, theo Xinhua, Trung Quốc thành lập hơn 20 trung tâm nghiên cứu AI, chủ yếu tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Đồng thời, các công ty công nghệ như Baidu, Huawei được vay ưu đãi để triển khai AI, 5G, cũng như xây dựng các thành phố thông minh đầu tiên ở Hàng Châu, Thâm Quyến.
Tháng 10/2020, Trung Quốc tiếp tục thực hiện kế hoạch Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 (China Standards 2035), trong đó chỉ ra rằng nếu Mỹ đã tiên phong về 4G và Wi-Fi, Trung Quốc cũng muốn giành quyền kiểm soát đối với 5G và AI, đồng thời đặt mục tiêu thành chuẩn quốc tế trong ít nhất 15 lĩnh vực công nghệ lớn vào 2035.
Cùng năm 2020, trong bối cảnh Huawei và SMIC bị Mỹ đưa vào Danh sách thực thể, cộng thêm Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Chiến lược Vòng tuần hoàn kép (Dual Circulation Strategy) để giảm phụ thuộc xuất khẩu công nghệ cao từ Mỹ, EU cũng như đặt mục tiêu tự chủ bán dẫn trên mức 70%, kết hợp kiểm soát hoàn toàn phần mềm và chuỗi cung ứng nội địa. Theo Bloomberg, hơn 150 tỷ USD được đổ vào ngành bán dẫn giai đoạn 2020-2025. Huawei cũng phát triển hệ điều hành HarmonyOS thay thế Android, còn UnionTech có UOS thay cho Windows, trong khi SMIC sản xuất chip nội địa với tiến trình ngày càng hiện đại.
Đến tháng 3/2021, Trung Quốc công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) với mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế công nghệ cao sau đại dịch, gồm dẫn đầu 80% công nghệ chiến lược như AI 2.0, lượng tử, 6G. Theo Xinhua, nước này đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (13,8 tỷ USD) xây 8 trung tâm dữ liệu giai đoạn 2022-2025 cộng với 10 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia để phục vụ mục tiêu trên.
Những thành quả đầu tiên
Dù có một số hạn chế, Trung Quốc đã đạt được hàng loạt thành tựu khoa học công nghệ quan trọng. Nổi bật là lĩnh vực bán dẫn khi tăng tỷ lệ tự sản xuất từ mức gần 0% lên 40% tính đến đầu 2025, theo Global Times. Lĩnh vực hạ tầng số như 5G, dữ liệu lớn và đám mây đã hoàn toàn nội địa hóa.
Cụ thể, ở mảng bán dẫn, quỹ Big Fund đã giúp các công ty trong nước cải thiện năng lực, từ thiết kế đến sản xuất. Huawei, Oppo, Xiaomi... đã và đang nghiên cứu chip riêng. SMIC bắt đầu sản xuất chip 7 nm bằng công nghệ DUV từ năm 2022, theo báo cáo của TechInsights năm 2023 sau khi phân tích chip trong Mate 60 Pro - điện thoại đầu tiên của Huawei dùng chip sản xuất nội địa.
Dù vẫn phụ thuộc vào những cỗ máy quang khắc DUV của ASML, SMIC đang nỗ lực tiến tới quy trình chip 5 nm. Trong khi đó, các công ty Phytium và Loongson đã sản xuất CPU cho máy tính để bàn và máy chủ, với kiến trúc RISC-V, giảm phụ thuộc vào Intel và AMD.
"Nỗi lo ngại rằng 'Trung Quốc thiếu hồn và cốt' đã lắng dịu. Tôi hoàn toàn tin tưởng đất nước đang trỗi dậy với tốc độ ngày càng nhanh", người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/2. Cụm từ "thiếu hồn và cốt" xuất hiện lần đầu năm 1999, khi một cựu bộ trưởng công nghệ nước này bình luận về ngành công nghệ thông tin. "Cốt" đề cập tới lĩnh vực bán dẫn, trong khi "hồn" chỉ các hệ điều hành.
Trong lĩnh vực viễn thông, tính đến cuối 2024, Trung Quốc xây dựng gần 5 triệu trạm gốc 5G, chiếm 70% tổng số trạm trên toàn cầu. Huawei và ZTE hiện cung cấp thiết bị cho mạng lưới này, bất chấp lệnh cấm từ Mỹ và châu Âu. Công nghệ 5G nội địa cũng đã được đưa vào các ngành như y tế (phẫu thuật từ xa), giao thông (tàu cao tốc thông minh) hay sản xuất thông minh (nhà máy tự động hóa).
Về trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc dẫn đầu về số bài báo nghiên cứu AI và bằng sáng chế liên quan, vượt Mỹ từ năm 2018, theo Global Times. Các công ty như SenseTime đã phát triển hệ thống nhận diện khuôn mặt tiên tiến, được ứng dụng rộng rãi trong giám sát và thanh toán không tiền mặt ở quốc gia này và một số thị trường. Trong bối cảnh chạy đua AI tạo sinh, Trung Quốc cũng có hàng loạt mô hình từ Alibaba, ByteDance, Baidu và mới nhất là DeepSeek, startup gây bão trên toàn cầu nhờ vào các mô hình đạt hiệu suất tương đương sản phẩm phương Tây, trong khi chi phí xây dựng thấp hơn hàng chục lần.
Với mảng phần cứng AI, hầu hết vẫn còn phụ thuộc nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua, Huawei với dòng chip Ascend, mới nhất là phiên bản Ascend 910, được đánh giá đã có thể cạnh tranh trực tiếp với Nvidia trong lĩnh vực chip AI.
Trong lĩnh vực robot và tự động hóa, hàng loạt công ty Trung Quốc đã cho ra đời sản phẩm không thua kém thế giới. Chẳng hạn, Unitree Robotics ra mắt robot bốn chân G1 (2024) với giá chỉ bằng 1/10 so với Spot của Boston Dynamics, trong khi vẫn đảm bảo khả năng di chuyển linh hoạt và tải trọng tốt. Mẫu robot hình người G1 giá 16.000 USD của công ty này cũng chuẩn bị tiến ra đời thực. Những tên tuổi khác như UBtech Robotics, Humanoid Robots, EngineAI... tạo ấn tượng với loạt robot được đánh giá cao.
Trong công nghiệp vận tải, xe tải khai thác mỏ tự lái như của XCMG ra mắt 2019 đã được triển khai tại hơn 300 mỏ, hoạt động liên tục không cần tài xế, tăng hiệu suất khai thác lên 30%. Với lĩnh vực y tế, robot phẫu thuật vi phẫu nội địa, như Toumai, thực hiện thành công các ca mổ phức tạp từ 2022, cạnh tranh với hệ thống Da Vinci của Mỹ. Trong khi đó, các mẫu robot giao hàng, tư vấn, hỗ trợ người cao tuổi... xuất hiện từ nhiều năm, trở thành một phần của cuộc sống người dân Trung Quốc.
Theo WSJ, Trung Quốc cũng đang thách thức vị thế của Mỹ trong cuộc đua máy tính lượng tử. Năm 2021, các nhà khoa học Trung Quốc công bố hệ thống lượng tử Zuchongzhi 2 với sức mạnh 66 qubit. Năm 2023, nước này giới thiệu mẫu Origin Wukong do Origin Quantum sản xuất với thông số mạnh mẽ, sử dụng 72 qubit siêu dẫn, ngang tầm các hệ thống của IBM hay Google khi đó. Từ khi vận hành năm ngoái đến đầu năm nay, nó đã xử lý hơn 20 triệu tác vụ từ xa, phục vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng thương mại, theo People's Daily. Trung Quốc cũng dẫn đầu trong truyền thông lượng tử, với vệ tinh Micius (2016) thực hiện thành công truyền dữ liệu mã hóa lượng tử qua khoảng cách hàng nghìn km.
Trung Quốc cũng là quốc gia tiên phong về xe điện và sản xuất pin sau nhiều năm ưu tiên lĩnh vực này. Tính đến quý IV/2024, BYD vượt Tesla về doanh số xe điện toàn cầu. Trung Quốc kiểm soát hơn 60% chuỗi cung ứng pin lithium-ion, nhờ CATL và BYD tự tạo pin LFP (Lithium Iron Phosphate) hiệu suất cao và chi phí thấp.
Với năng lượng sạch, Trung Quốc dẫn đầu về sản xuất tấm pin mặt trời. Theo Global Energy Monitor, trong giai đoạn tháng 3/2023-3/2024, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều năng lượng mặt trời hơn so với ba năm trước cộng lại và nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại trong năm 2023. Điện gió mới lắp đặt cũng tăng gấp đôi giai đoạn này. Tính đến quý đầu tiên của 2024, tổng công suất điện mặt trời và điện gió quy mô tiện ích của Trung Quốc đạt 758 GW. Nước này đang tiếp tục xây dựng thêm 180 GW điện mặt trời quy mô tiện ích và 159 GW điện gió.
Một ưu tiên khác của Trung Quốc là hàng không vũ trụ và vệ tinh. Nước này hoàn thiện hệ thống định vị Bắc Đẩu (Beidou) năm 2020, cung cấp dịch vụ chính xác cao cho hơn 120 quốc gia, cạnh tranh trực tiếp với GPS. Đến 2025, hệ thống tích hợp vào hàng tỷ thiết bị, từ điện thoại đến máy bay không người lái. Trong khi đó, trạm không gian Thiên Cung (Tiangong) hoạt động ổn định từ năm 2022, với các thí nghiệm khoa học tiên tiến. Ngoài ra, nước này cũng đang xây dựng Internet vệ tinh SpaceSail để cạnh tranh với SpaceX Starlink của Mỹ.
Theo giới chuyên gia, quá trình tự chủ công nghệ của Trung Quốc đã tạo ra một hệ sinh thái công nghệ nội địa mạnh mẽ, từ thiết bị tiêu dùng, hạ tầng công nghiệp đến nghiên cứu khoa học. Thành tựu này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn có thể chống lại áp lực từ bên ngoài, định vị Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh toàn cầu ở lĩnh vực công nghệ.
Bảo Lâmtổng hợp
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Miami tìm thấy những hồ nước siêu mặn nằm ở độ sâu hơn 1.770 m bên dưới vịnh Aqaba.
Camera laser mới có khả năng chụp ảnh với độ phân giải cỡ mm từ khoảng cách hơn 100 km, điều từng được coi là bất khả thi.
Khảo sát cho thấy còn tồn tại nhiều lỗ hổng giúp trẻ em ở Australia dễ dàng lách quy định 'dưới 16 tuổi không được sử dụng mạng xã hội'.
Lực lượng Không gian Mỹ hôm 20/2 chia sẻ bức ảnh hiếm hoi về máy bay vũ trụ X-37B trên quỹ đạo, chụp bằng camera tích hợp khi phương tiện đang bay phía trên châu Phi.
Người dùng cần lưu ý lắp đặt máy sấy quần áo ở vị trí phù hợp để tránh nguy cơ gây cháy, nổ.
Theo quy định từ 2026, khi cho trẻ em lên ôtô bắt buộc phải có thiết bị an toàn .
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hôm 20/2 thông báo, hoàn thành khoan giếng Shenditake 1 sâu 10.910 m tại vùng lòng chảo Tarim, Tân Cương.
Khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, các lãnh đạo công nghệ Trung Quốc khẳng định nỗi lo thiếu chip bán dẫn, hệ điều hành nội địa 'đã lắng dịu'.
TS Phạm Huy Hiệu, TS Nguyễn Viết Hương, TS Lê Kim Hùng lọt vào danh sách 19 cá nhân được đề cử giải thưởng 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu' năm 2024.