TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam chiều nay 2-11 chào đón 132 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ 19 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc về dự lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ.
132 tân sinh viên đến từ 19 tỉnh, thành Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
Dù 15h, lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường mới chính thức diễn ra nhưng từ 11 - 12h trưa, nhiều tân sinh viên cùng người thân đã có mặt tại điểm trao. Tới 14h, hội trường đã kín người; các sinh viên ổn định chỗ ngồi. Trong 132 tân sinh viên, có bạn đi cùng ông bà, cha mẹ; có bạn đi một mình như cách nhiều bạn một mình nhập học.
Ngày vui thì vui thật, nhưng cũng không ít nét mặt hồi hộp, lo lắng. Trên gương mặt có phần bối rối đó, nay thêm phần vui vì sắp nhận được một món quà của các nhà hảo tâm, cổ vũ chặng đường phía trước của các sinh viên nghèo.
Bà Phạm Thị Huê (61 tuổi, quê xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) dậy từ 4h sáng, hôm nay là một ngày đặc biệt với cả gia đình, khi cháu ngoại Đoàn Quỳnh Diệu về Hà Nam nhận được học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Diệu là tân sinh viên trường Đại học Hải Phòng.
Bà ngoại còn dắt thêm hai người em đi cùng Diệu vì muốn hai em nhỏ dự chương trình, cảm thấy tự hào và xem chị làm tấm gương phấn đấu.
Bốn bà cháu gần như là những người đến địa điểm trao sớm nhất.
Bà kể trước đây, gia đình Diệu sống trong Bình Phước nhưng vì "bố phức tạp, mẹ nó bồng bế ba con nhỏ về sống cùng ông bà từ bấy tới giờ".
Hằng tháng lương làm công nhân của mẹ Diệu khoảng vài triệu đồng. Khi biết tin Diệu đậu đại học, cả nhà nửa mừng nửa lo. Học phí một năm đã 28 triệu đồng, trong khi mẹ vét túi chỉ có mấy triệu. Ngay chiếc laptop cũ giá 7 triệu để phục vụ ngành học công nghệ thông tin của Diệu, mẹ cũng nhờ bác mua hộ rồi tìm cách trả sau. Cho nên, bà ngoại nói 15 triệu báo Tuổi Trẻ trao tặng 'rất to' với cả nhà bà.
"Thay mặt mẹ cháu, tôi xin gửi lời cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã thực hiện một chương trình rất ý nghĩa, nhân văn, tiếp sức những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vào giảng đường đại học", bà chia sẻ.
Bạn Vũ Thu Hương là tân sinh viên trường Đại học Kinh tế, Kĩ thuật và Công nghiệp. Chiều nay Hương đến nhận học bổng cùng với ông ngoại Trần Văn Hiếu.
Từ xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, ông Hiếu chở cháu trên xe máy cũ đến Hà Nam. "Trước khi đi, bà ngoại nó dặn ông cố gắng đèo cháu đi, nhưng đi chậm thôi nhé. Hai ông cháu không biết đường nên cả đi cả hỏi đường. Mãi mới đến nơi", ông kể.
Nói về đứa cháu gái của mình, ông Trần Văn Hiếu nghẹn ngào vì thương cháu nhiều vô kể. Bố mất năm Hương mới hơn 1 tuổi, hơn một năm sau, mẹ Hương cũng qua đời. Hai ông bà nuôi cháu từ khi bé xíu tới ngày hôm nay, cháu chạm chân vào cánh cổng trường đại học.
Ông nói Hương học giỏi, hiếu thảo với ông bà nhưng tính hơi nhút nhát. Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của cháu, hai ông bà trải qua nhiều cảm xúc hỗn độn. Hiện cả hai đều đã ngoài 70 tuổi, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng hoa màu.
Xốc lại tinh thần, hai ông bà bàn nhau đi vay tiền từ ngân hàng chính sách nhưng không được. May mắn khi sang Ngân hàng nông nghiệp thì được vay 30 triệu đồng, vừa đủ nộp học phí năm đầu, thuê trọ và sắm sửa đồ đạc ban đầu cho Hương.
Ông Hiếu chia sẻ, dù không biết phía trước ra sao nhưng hai ông bà "vẫn muốn cháu học hành đến nơi đến chốn; ông bà sớm muộn rồi cũng mất, chỉ mong cháu ra trường tự lo cho mình được, trở thành người có ích cho xã hội".
Ông nói khi biết tin cháu nhận được học bổng, hai ông bà không còn gì mừng hơn. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ cũng như những mạnh thường quân đã quan tâm tới những sinh viên nghèo, giúp các em vượt khó.
"15 triệu với nhiều người có thể không phải là một món tiền lớn nhưng rất quý với gia đình. Đó là tài sản to để tiếp sức đứa cháu ngoại côi cút của tôi có thể đến trường để thực hiện ước mơ của mình", ông tâm sự.
"Mình vẫn không tin là sự thật!" - Nguyễn Thị Hồng Mai, tân sinh viên ngành Quản trị ngân hàng - Trường đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, không ngăn được nước mắt khi bước lên xe về Hà Nam nhận học bổng.
Đi cùng Mai còn có mẹ cô - bà Nguyễn Thị Lan, năm nay đã 65 tuổi. Bà Lan dậy từ mờ sáng bắt xe khách từ Định Hóa về TP. Thái Nguyên. Hai mẹ con đi tiếp một chặng xe khách nữa từ Thái Nguyên về Hà Nội và lên xe của Ban tổ chức học bổng Tiếp sức đến trường về Hà Nam. Bà Lan bị đau lưng nhưng kiên quyết vượt hơn 200 cây số cùng con dự lễ nhận học bổng.
Bà Lan chia sẻ một mình nuôi con. Hai mẹ con sống nhờ vào gánh hàng rau nhỏ ở chợ trung tâm xã. Bà đã phải chạy vạy gần chục nhà anh em, bạn bè mới đủ tiền cho con đóng học phí. "Tôi mừng lắm! Học bổng cho con gái tôi làm cả nhà tôi đỡ khó khăn, cháu có động lực để tiếp tục đến trường" - bà Lan chia sẻ.
Cô tân sinh viên Nguyễn Thị Hồng Mai rơi nước mắt khi kể lại giây phút nhận được tin có tên nhận học bổng tiếp sức đến trường. "Mình không tin là sự thật! - Mai nhắn tin hỏi cô giáo chủ nhiệm, cô nói phải, đây là học bổng uy tín. Rồi cô lại nhờ người hỏi Ban tổ chức xem lại lần nữa có đúng không. Anh em trong dòng họ cũng nhờ người hỏi nhiều nơi, đúng là mình được nhận học bổng rồi" .
Chuyến xe chở các tân sinh viên các tỉnh thành từ Đại học Bách khoa Hà Nội về thành phố Phủ Lý (Hà Nam) có hơn chục bạn muốn ngồi ghế trên vì say xe. Ai cũng háo hức được nhận học bổng. Nhiều người khe khẽ gọi điện, khoe bạn bè, người thân rằng mình được đi nhận học bổng.
Nguyễn Lệ Hằng mặt tái mét vì say xe nhưng vẫn nhắn tin khoe khắp chúng bạn. Hằng kể, người đầu tiên cô báo tin là mẹ nuôi, cũng là mẹ kế.
"Mẹ tôi mừng đến nỗi không nói được lên lời, cứ cười rồi khen con gái giỏi" - Hằng kể.
Cô mất mẹ từ nhỏ, bố đi bước nữa. Đến năm cô học lớp 9, bố cô mất vì căn bệnh ung thư, Hằng ở với mẹ nuôi, cũng là mẹ kế.
Từ ngày bố mất, cả nhà chật vật vì bao nhiêu tiền của đã chạy chữa cho bố. Mẹ nuôi Hằng làm công nhân của một xưởng may, thu nhập chẳng đáng là bao lại nuôi ba đứa con, cả con chồng, con riêng.
Trước khi lên học Đại học, Hằng nhờ cô họ ở Hà Nội tìm việc. Cô được nhận làm trợ giảng môn toán của một trung tâm giáo dục.
Hàng ngày cứ tan học buổi trưa, Hằng chạy đi làm trợ giảng cách trường hơn chục cây số. Xong tiết đầu, khoảng 14h chiều cô mới tranh thủ lót dạ để dạy tiếp. Công việc vất vả nhưng cô quyết tâm vừa học, vừa làm vì hoàn cảnh gia đình không cho phép cô ngơi nghỉ.
"Tôi thực sự bất ngờ, và hạnh phúc khi được nhận học bổng của chương trình. Trước khi nhập học, bà ngoại tôi đã lấy hết số tiền tiếp kiệm cả chục năm cho tôi, mẹ nuôi cũng dành cả một tháng lương tôi mới đủ. Tiền sinh hoạt, nhà trọ… tôi sẽ tự kiếm để đỡ gánh nặng cho mẹ" - Hằng nói.
Từ xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, chị Hoàng Thị Thơm (42 tuổi) dẫn con Lê Thị Hà về Hà Nam nhận học bổng. Hà hiện là tân sinh viên khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thái Nguyên.
Chồng mất để lại hai đứa con, một mình chị Thơm bươn chải với mấy sào ruộng, thu nhập cũng quanh quẩn vài triệu đồng.
Vừa qua, bão Yagi (bão số 3) gây sạt lở, đất cát tràn vào nhà của ba mẹ con, tới giờ vẫn chưa khắc phục được. Chính quyền có vận động gia đình chuyển đi chỗ khác, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép, chị Thơm đưa hai con đến ở nhờ nhà bác gần đó.
Chị Thơm kể, dù hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, 12 năm học, Hà luôn cố gắng học tập. "Cháu nói cháu ham học, thích học; là mẹ thì phải cố thôi", chị nói.
Nói về chuyện Hà nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, chị Thơm cười rất tươi. "Hôm nghe tin, tôi hỏi đi hỏi lại, từ cô giáo chủ nhiệm cũ tới người bên Tỉnh đoàn, vì tưởng bị lừa. Tại trước đó cả huyện chưa có ai được nhận học bổng này. Tới khi người bên Tỉnh đoàn bảo gia đình yên tâm thì tôi mới nhẹ cả lòng", chị kể.
>> TTO đang cập nhật
Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường tại Hà Nam do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Nam và các Tỉnh, Thành đoàn phía Bắc tổ chức.
Tổng kinh phí chương trình hơn 2 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam) và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 2 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/ suốt 4 năm học và 5 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập.
Năm 2024 là năm thứ 21 của học bổng và là điểm trao thứ 9 trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
Ngoài những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 19 tỉnh, thành khu vực phía Bắc, chương trình còn được tổ chức trao học bổng Tiếp sức đến trường theo các khu vực: miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực Tây Bắc...
Chương trình Tiếp sức đến trường được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam) và các Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị, Phú Yên; Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam; ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam còn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 balo trị giá khoảng 250 triệu đồng; Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng.
Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên.
* Tuổi Trẻ Online đang cập nhật
Hàn Quốc sẽ đơn giản thủ tục nhập cảnh, rút ngắn thời gian làm visa, nâng cao trải nghiệm nhằm thúc đẩy ngành du lịch.
Mỗi tấc đất quê hương nơi đầu sóng ngọn gió luôn có bóng hình Tổ quốc, gợi lên những cảm xúc tự hào, trân quý với mỗi người con dân nước Việt khi có cơ hội đặt chân đến.
Ngày 6-10, theo Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam đã đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 9.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng vừa được trao quyết định giữ chức phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Ngay sau lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2024, đoàn công tác do anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn tham gia các hoạt động hưởng ứng chiến dịch.
Tôi 50 tuổi, sống ở huyện cách Hà Nội 80 km, vợ chồng lấy nhau được 29 năm, các con đã lớn và đang đi học ở Hà Nội.
Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (YEAC, thuộc Thành Đoàn TP.HCM) ra mắt 3 điểm hỗ trợ dịch vụ cưới cho công nhân TP.HCM đặt tại quận 12, TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Chùa Thiên Mụ là một đại danh lam và cổ nhất ở Huế. Cho đến nay, chùa đã có một lịch sử dài hơn 400 năm kể từ khi Nguyễn Hoàng tái thiết chùa vào năm Tân Sửu (1601).
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định ‘khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông’, mà bắt đầu từ chính triết lý, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức…