Video: Tổ trưởng tổ dân phố nói về việc người dân mở cửa "chuồng cọp" để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
0h30 ngày 24/5, đám cháy bùng lên tại ngôi nhà ở số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã làm 14 người tử vong, khiến dư luận xót thương tột độ.
Quay lại khu vực này sau gần 1 tháng, PV VTC News ghi nhận nhiều thay đổi, khi người dân ngày càng tích cực tìm cách tự cứu chính mình, đề phòng hỏa hoạn xảy ra.
Sống cách căn nhà bị cháy chỉ vài bước chân, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1975) cho biết, sau khi bàng hoàng vì hàng xóm gặp nạn, bà đã ngay lập tức gọi thợ về, cắt 3 điểm trên tầng thượng thành 3 ô cửa thoáng. Vị trí này trước vốn được quây tôn kín mít nhưng giờ đây đã có 3 cửa thoát hiểm.
Từ 3 cửa thoát hiểm này, có thể thả thang dây xuống tận mặt phố hoặc nhảy sang nhà hàng xóm trong trường hợp cấp bách. Bà Thủy cũng không quên chuẩn bị thang dây thoát hiểm dài 15 mét và có 2 móc treo dễ dàng lắp đặt. Những chiếc thang dây được đặt ngay cạnh cửa thoát hiểm để dễ bề sử dụng.
“Từ nhiều năm trước, tôi đã chuẩn bị thiết bị phòng cháy chữa cháy sẵn sàng vì nhà có nhiều khách thuê trọ. Sau khi xảy ra vụ cháy ở chung cư mini Khương Hạ, tôi phải kiểm tra lại tất cả các bình cứu hỏa, đi bơm lại một loạt và mua thêm bình mới. Rồi đến vụ cháy vừa qua ở cùng ngõ xóm, tôi lập tức mở lối thoát hiểm trên tầng thượng, trang bị thang dây, lắp hệ thống đèn, chuông cảnh báo…để đảm bảo an toàn. Giờ đây lại có vụ cháy ở Định Công Hạ, tôi sẽ tiếp tục cẩn trọng hon nữa để đảm bảo an toàn cho mình, người thân và cộng đồng", bà Thủy chia sẻ.
Vì nhà nằm sâu trong ngõ, xa trụ cấp nước cứu hỏa nên bà Thủy đã tự trang thiết bị cứu hỏa, sắm thêm cả búa đinh, đèn pin đặt ở chỗ đảm bảo ai cũng có thể nhìn thấy, đồng thời nhắc khách trọ mua thêm mặt nạ chống ngạt. Bà Thủy còn mở thêm cầu thang thứ 2 trong khu nhà và treo đèn “Exit" (Lối thoát) sáng xanh cả ngày lẫn đêm để ai khi cần đều dễ dàng nhận biết.
Cùng ở tổ dân phố này, gia đình ông Nguyễn Đức Trúc và bà Lưu Thị Loan cũng vừa hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy cho căn nhà 6 tầng với 5 tầng cho thuê của mình.
Ngoài hệ thống cấp nước, vòi phun cứu hỏa, bình cứu hỏa được trang bị đầy đủ ở mỗi tầng. Đáng chú ý, những lan can sắt đóng kín ở mỗi tầng như chuồng cọp giờ đây cũng đã được dỡ bỏ, thay vào đó là một cầu thang thoát hiểm lộ thiên chắc chắn từ tầng 1 đến tầng 6.
“Tính mạng con người là trên hết. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy bởi việc tuân thủ cũng chính là bảo vệ chính mình", bà Loan nói.
Trong nhà để xe, những quả nổ được treo đúng mật độ trên trần, phòng trường hợp có nguồn lửa phát ra từ đây. Nhằm đảm bảo tối đa an toàn, gia đình cũng không lắp dây điện hoặc bất kỳ ổ cắm nào trong nhà để xe, đồng thời không để xe điện.
Bà Phạm Thị Vượng, tổ trưởng tổ dân phố số 36, phường Trung Hòa nói: “Không chỉ tổ dân phố này mà cả 8 tổ dân phố ở đây, sau khi vụ cháy xảy ra, đi đến ngõ nào cũng thấy người thì cưa, người thì thay cửa, người phá chuồng cọp; người thì leo thang để lắp quả nổ chữa cháy. Người dân tự động gọi thợ đến để làm như một phong trào. Như vậy, có thể thấy được rằng vụ cháy đã là một bài học đắt giá để người dân thực sự cảm thấy sự an nguy của chính họ nếu vẫn còn thờ ơ với phòng cháy chữa cháy".
Bà Vượng khẳng định, tổ dân phố, chính quyền địa phương từ cấp phường, quận đến thành phố đều liên tục đi kiểm tra, nhắc nhở, đốc thúc 100% các hộ trên địa bàn về việc phòng, chữa cháy. Nhà nào thiếu thang dây, có 1 cái thì yêu cầu mua 2, ngoài bình cứu hỏa cũng phải trang bị thêm búa, kìm cỡ lớn. Ngoài ra, còn thực hiện ghi chép, lập danh sách các phương tiện xe điện để quản lý chặt.
Đặc biệt, nhà nào có chuồng cọp kín bít bùng cũng được yêu cầu cưa, đục mở được cửa hẳn hoi, đường hoàng.
“Bản thân tôi một tuần phải đi đến 2-3 lượt để nhắc nhở, đốc thúc và kiểm tra các hộ. Mỗi lần nhắc, chúng tôi đều có biên bản làm căn cứ, sau đó quay lại kiểm tra, nếu vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thì sẽ xử phạt. Đến nay hầu như 100% các hộ trên địa bàn đều đã mở chuồng cọp và trang bị đầy đủ thiết bị chữa cháy, thoát hiểm”, bà Vượng chia sẻ.
Tại phường Khương Đình, nơi xảy ra thảm họa cháy chung cư mini hồi tháng 9/2023 khiến 56 người chết, gây rúng động dư luận, chủ sở hữu nhiều chung cư mini cũng đã áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo hơn về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo khảo sát, rất nhiều nơi trước đây không có thiết bị phòng cháy chữa cháy thì đến nay đã được bổ sung đầy đủ hơn. Ví dụ biển cảnh báo được dán khắp nơi trong các tòa chung cư mini để tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức về vấn đề này. Những hộp cứu hỏa trước kia trống rỗng thì nay được trang bị đủ bình cứu hỏa.
Tại tầng để xe, hầu như đều được trang bị thêm quả cầu chống cháy để có thể mau chóng dập tắt ngọn lửa ngay từ khi mới bùng phát. Hệ thống cảnh báo cháy, vòi phun nước, chuông báo cháy cũng đã được bổ sung tại nhiều căn chung cư mini.
Đáng chú ý nhất là những cầu thang thoát hiểm đã được lắp đặt ở nhiều vị trí phía ngoài các tòa nhà và có thiết kế thuận tiện cho việc người dân thoát hiểm, nếu không may hỏa hoạn xảy ra.
Thiết bị cứu hỏa được trang bị từ trong nhà ra ngõ xóm.
Anh Hoàng Thế Anh, quản lý 5 căn chung cư tại Hà Nội thông tin: “3 căn nhà có diện tích mặt sàn khoảng 25-30 m2 được chúng tôi trang bị thêm 3 quả cầu chữa cháy tự động, 2 căn còn lại có diện tích nhỏ hơn cũng được lắp 2 quả, đều là loại 8kg. Chúng tôi còn lắp thêm cầu thang thoát hiểm bằng inox phía ngoài ban công để giúp cư dân thoát nạn".
Theo anh Thế Anh, mỗi quả cầu chữa cháy được thiết kế để có thể dập lửa tự động trong diện tích khoảng 9 m2.
Còn cầu thang thoát hiểm hoàn toàn bằng inox để tránh hiện tượng han gỉ khi phải chịu nắng, mưa ngoài trời. Chân cầu thang được thiết kế cách mặt đất khoảng hơn 2m, khoảng cách vừa đủ để người sử dụng tiếp đất dễ dàng, đồng thời cũng ngăn kẻ gian lợi dụng để đột nhập vào nhà.
Những căn chung cư mini cũng không còn kín mít nữa, mà thay vào đó, thang thoát hiểm xuất hiện gần như khắp mọi nơi. Thậm chí, đây còn như là một trang bị bắt buộc đối với chung cư mini bởi nhiều người nhất quyết tẩy chay loại nhà này nếu không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Xử nghiêm những người chủ quan, bảo thủ
Mặc dù vậy, xung quanh khu vực Khương Đình vẫn còn một số người dân chủ quan, thờ ơ với trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy.
Ông Trần Kim Thanh, tổ trưởng tổ dân phố số 20, phường Khương Đình cho biết, mặc dù tổ dân phố và chính quyền địa phương đã liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, có đề mục rõ ràng về các hạng mục an toàn phòng, chữa cháy để kiểm tra nhưng đến sáng 17/6, vẫn có 5 trường hợp phải xử lý vì không tuân thủ. Đây đều là những trường hợp đã bị lập biên bản lần thứ hai.
"Hầu hết các hộ dân đều đã nâng cao ý thức phòng chữa cháy như tự mở cửa, phá chuồng cọp, lắp thêm thang thoát hiểm...Nhưng vẫn còn tồn tại những hộ gia đình kể trên. Đây rõ ràng là tâm lý chủ quan, hờ hững với sự an toàn của chính mình và vô trách nhiệm với cộng đồng. Chúng tôi nhất định nhắc nhở quyết liệt và nếu cần thiết sẽ xử nghiêm", ông Thanh nói.
Lý giải cho việc trong nhà không có bất cứ trang thiết bị phòng, chữa cháy nào, bà Nguyễn Thị P. - chủ một căn nhà 5 tầng nằm rất gần căn chung cư 37 (nơi xảy ra vụ cháy thảm khốc) - cho rằng, vì nhà bà không buôn bán, không làm hàng, ít người sinh sống, trong nhà nên cũng không có mấy đồ đạc có thể bắt lửa.
Trong nhà bà P., từ tầng 2 đến tầng 4, cầu thang bộ chính ở giữa nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Phía trước nhà hoặc ngoài ban công đều bị bịt kín bằng những thanh sắt chắc chắn, không hề có cửa thoát hiểm. Duy chỉ có tầng 5 trên cùng là có một cánh cửa mở ở chuồng cọp nhưng luôn được khóa chặt.
Tuy nhiên, sau khi nhận được nhắc nhở, khuyến cáo từ tổ dân phố, bà P. cũng đã nhận ra sự chủ quan của mình có thể gây hậu quả nếu chẳng may xảy ra sự cố.
“Tôi dự tính sẽ gọi thợ về để cắt sắt, mở cửa chuồng cọp ở tầng 2,3 và tầng 4. Tiếp đó là nhờ tổ dân phố hỗ trợ mua bình chữa cháy. Thời gian qua tôi cũng chủ quan quá rồi", bà nói.
Còn tại phố Định Công Hạ - nơi chứng kiến vụ hỏa hoạn xảy ra tối 16/6, cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình - ông H., một cán bộ tổ dân phố tại đây tỏ ra lúng túng khi được hỏi về vấn đề phòng, chữa cháy trên địa bàn. Điều này chứng tỏ công tác phòng cháy chữa cháy tại đây vẫn đang bị coi nhẹ.
Trả lời PV, nhiều người cho biết, việc chuẩn bị các phương án phòng cháy, chữa cháy phần lớn đều do người dân tự làm, chưa có sự theo sát của chính quyền địa phương. Do đó, việc làm này vẫn còn mang tính tự phát. Tuy nhiên, từ sau khi vụ việc xảy ra, tổ dân phố đã quan tâm hơn đến việc này và nhắc nhở, yêu cầu nghiêm khắc hơn. Còn nhiều người dân cũng tỏ ra cảnh giác hơn và bắt đầu tuân thủ quy định.
Chủ một căn hộ ở ngay sát căn nhà vừa gặp nạn cho biết, những chuồng cọp trên các tầng của nhà ông đều có cửa thoát hiểm, những cửa này được khóa kín để đảm bảo an toàn. Nhưng từ sau ngày nhà hàng xóm xảy ra cháy, ông đã quyết định bỏ khóa và chỉ buộc dây, để khi cần thoát nạn cho dễ dàng, kịp thời.
Trước đó, 18h05 ngày 16/6, hỏa hoạn bùng phát từ phòng ngủ tầng 4 ngôi nhà 6 tầng, một tum tại số 207 phố Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thời điểm xảy ra cháy, trong nhà có 7 người, trong đó 3 người tự thoát nạn ra ngoài, 4 người còn lại đã thiệt mạng.
Theo công an, ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh vật tư điện, nước, kim khí...Tòa nhà cao 6 tầng, 1 tum, diện tích mặt bằng khoảng 80m2. Có 1 thang bộ hở và 1 thang máy.
Tầng 1 là nơi kinh doanh, tầng 2, 3 là kho chứa hàng hóa, tầng 4, 5 là phòng ngủ của gia đình, tầng 6 là bếp và phòng khách, tầng tum là phòng thờ, sân phơi.
Tại tầng 1 của ngôi nhà, những kệ sắt chứa các mặt hàng kinh doanh gồm vật tư điện nước, kim khí, các thùng sơn... dựng san sát. Chỉ có hai lối nhỏ để đi vào phía trong di chuyển lên các tầng trên. Phía ban công tầng 2, 3 được bịt kín bởi các bảng quảng cáo.
Hiện công an vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các dự án giao thông đường bộ được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo đó, 6 dự án được đề nghị gồm: Dự án xây dựng tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn; Dự án đường Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Dự án đường Cao tốc Mỹ An - Cao...
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đình chỉ kinh doanh khách sạn Dalat Prince tại Đà Lạt vì hoạt động sai mục tiêu đầu tư.
Ngôi nhà mái ngói hướng Tây này là điểm nhấn xanh tại làng chài, tăng cường kết nối cộng đồng và mang đến góc nhìn mới cho người dân.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Năng lượng Ember, tính từ đầu năm nay đến tháng 6 vừa qua, sản lượng thủy điện toàn cầu giảm 8,5%, nhiều hơn bất kỳ mức giảm cả năm nào trong hai thập kỷ qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu UBND huyện Bù Đăng, thị xã Phước Long, huyện Bù Đốp kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan sai phạm trong quản lý đất đai và sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh kênh đào Phù Nam Techo không được thiết kế để tiếp nhận những loại tàu như tàu chiến của Trung Quốc.
Hiện tại, Hà Nội có 2 tuyến đường sắt đô thị đã đi vào hoạt động. Thứ nhất là tuyến số 2A, ga Cát Linh - ga Yên Nghĩa đi vào hoạt động từ tháng 11/2021, với tổng chiều dài 13km. Thứ hai, tuyến số 3 (Giai đoạn 1) ga Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy và ngược lại. Tuyến metro này được đưa vào khai thác từ đầu tháng 8/2024, với chiều dài là 8,5 km. Đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 97 km tuyến đường sắt đô...
Chưa bao giờ thương mại điện tử được nhắc đến nhiều như những ngày gần đây, sau khi Temu rầm rộ vào thị trường Việt Nam và lên cả nghị trường Quốc hội.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách cứu trợ nhân đạo không đưa ra bình luận gì với báo giới khi ông đến dự cuộc đàm phán tại Geneva trong khi phái bộ Nga tại đây xác nhận cuộc đàm phán đã bắt đầu.