Amber Hagerman mới 9 tuổi khi bị bắt cóc và sát hại năm 1996. Vụ án chấn động nước Mỹ tới nay chưa tìm ra thủ phạm nhưng đã dẫn tới một hệ thống cảnh báo khẩn cấp được xem là có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 21, góp phần cứu sống được hàng trăm nghìn trẻ em ở nước này và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ Amber Hagerman tới cảnh báo Amber
Ngày 13.1.1996, Amber và em trai, Ricky, đạp xe vòng quanh khu nhà ở trung tâm thành phố Arlington, Texas, Mỹ như mọi khi. Tuy nhiên, Amber đột nhiên muốn đi xa hơn một chút, và "chỉ 8 phút sau, cô bé đã biến mất". Một nhân chứng gần hiện trường vụ mất tích đã nghe thấy tiếng Amber la hét khi một người đàn ông ép cô bé vào trong chiếc xe bán tải.
Thám tử Ben Lopez của sở cảnh sát Arlington vẫn nhớ như in buổi chiều ngày 13.1.1996. Ông là sĩ quan tuần tra vào thời điểm cô bé Amber Hagerman bị bắt cóc khi đang đi xe đạp. Manh mối duy nhất của vụ án là chiếc xe bán tải tối màu rời khỏi hiện trường. “Trong vài ngày đầu tiên, nếu không tham gia vụ việc nào khác, chúng tôi đều tích cực tìm kiếm cô bé khắp nơi trong thành phố" - Thám tử Lopez nói với NBC. Bất chấp nguồn lực huy động, sự chú ý của cả nước Mỹ và phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rộng rãi, 4 ngày sau, một người dắt chó đi dạo đã phát hiện thi thể của cô bé ở một con lạch cách hiện trường vụ bắt cóc vài km.
Các gia đình trên khắp nước Mỹ thương tiếc cho gia đình Hagerman, trong đó có Diane Simone, một nhà trị liệu, một bà mẹ ở Dallas. Bà đã gọi cho một đài phát thanh địa phương vào ngày thi thể của Amber được tìm thấy để hỏi liệu các đài truyền hình địa phương có thể hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để bằng cách nào đó lấy thông tin ngay sau vụ bắt cóc trẻ em hay không. NBC đánh giá, đó là một cuộc gọi thay đổi hàng trăm cuộc đời trong những năm tiếp sau.
Tin tưởng rằng nếu có thêm phản ứng chung trong các vụ bắt cóc trẻ em, sẽ có nhiều sinh mạng nhỏ bé như Amber được cứu sống, các đài truyền hình và cảnh sát Dallas-Fort Worth đã nghĩ ra một hệ thống cảnh báo nhanh, đặt tên là "Cảnh báo Amber" (Cảnh báo Hổ phách) theo tên của cô bé để cảnh báo công chúng khi một đứa trẻ bị bắt cóc và gặp nguy hiểm.
Cảnh báo mang tên Amber bé nhỏ, nhưng là viết tắt của America's Missing: Broadcast Emergency Response. Đại học Walden ở Mỹ từng nhận định, cảnh báo Amber đã trở thành một trong những hệ thống cảnh báo khẩn cấp có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 21, là công cụ có giá trị trong triển khai các tài nguyên quản lý khẩn cấp trong thời điểm quan trọng.
Bà Donna Williams, mẹ của Amber - người đã trải qua 4 ngày không ăn không ngủ và cầu xin bất cứ ai đã bắt con gái mình hãy “trả con về cho mẹ” - từng chia sẻ: “Nếu không có Amber, chúng ta sẽ không có cảnh báo Amber ngày nay". Hệ thống cảnh báo "không mang Amber trở lại với Donna nhưng ít nhất cũng có điều gì đó để bà ấy có thể nhìn vào và nhận ra rằng, con gái mình chí ít đã giúp đỡ rất nhiều đứa trẻ khác" - Thám tử Lopez chia sẻ.
Hệ thống thay đổi hàng trăm cuộc đời
Vụ việc của Amber Hagerman đã dẫn tới những thay đổi trong thủ tục tìm kiếm trẻ em mất tích của cảnh sát, theo ABC News. Mike Simonds, cảnh sát điều tra phụ trách vụ án của Amber tại sở cảnh sát Arlington hiện là Phó Giám đốc văn phòng cảnh sát trưởng hạt Tarrant, cho hay, vụ Amber là một trong những vụ quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông. "Di sản mà Amber để lại rất, rất quan trọng. Có rất nhiều điều tốt đẹp đến từ một tình huống rất bi thảm" - ông nói. Trong khi đó, Ernie Allen - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bị bóc lột Mỹ - tin rằng có thể "không có di sản nào vĩ đại hơn di sản của Amber Hagerman".
Ra mắt tháng 7.1997 nhưng đến cuối năm 2001, chỉ có 4 tiểu bang ở Mỹ có kế hoạch cảnh báo Amber trên toàn tiểu bang. Tới năm 2002, Nhà Trắng triệu tập một hội nghị về trẻ em mất tích, bị bóc lột và bỏ trốn. Tại thời điểm này, cảnh báo Amber trở thành tâm điểm quốc gia. Ngày 30.4.2003, Tổng thống George W. Bush đã ký thành luật Đạo luật Bảo vệ, cung cấp các công cụ ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp cần thiết để tạo ra chương trình cảnh báo Amber quốc gia. Với sự hỗ trợ này, Hawaii đã trở thành tiểu bang thứ 50 đưa cảnh báo Amber vào hoạt động trên toàn tiểu bang vào tháng 2.2005.
Theo thống kê trên trang web chính thức của cảnh báo Amber do Bộ Tư pháp Mỹ điều phối, tính đến ngày 2.1.2023, 1.127 trẻ em đã được giải cứu thành công thông qua hệ thống cảnh báo Amber và 131 trẻ em đã được giải cứu nhờ các cảnh báo khẩn cấp không dây. Ngoài Mỹ, Canada, Mexico và nhiều khu vực ở châu Âu hiện cũng có các hệ thống tương tự dựa trên cảnh báo Amber.
Tuy nhiên, không phải trường hợp trẻ em mất tích nào cũng dẫn đến phát cảnh báo Amber. Tại Mỹ, mỗi tiểu bang có khác biệt trong cách thức khác nhau nhưng nhìn chung cần đáp ứng 4 tiêu chí mà Bộ Tư pháp Mỹ khuyến nghị, trong đó cho thấy trẻ từ 17 tuổi trở xuống đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng và có đầy đủ thông tin về đứa trẻ hoặc kẻ bắt cóc. Đối với các vụ việc không đáp ứng các ngưỡng liên quan của cảnh báo Amber, Bộ Tư pháp đã phát triển chương trình Đội phản ứng bắt cóc trẻ em.
Cảnh báo Amber chỉ được ban hành cho một phần rất nhỏ các trường hợp trẻ em mất tích ở Mỹ. Năm 2022, 359.094 trẻ em được thông báo mất tích ở Mỹ nhưng chỉ có 181 cảnh báo Amber - liên quan đến 227 trẻ em - được đưa ra. Năm 2021, có 254 cảnh báo Amber trong số hơn 337.000 báo cáo về trẻ em mất tích mà các cơ quan cảnh sát địa phương thông tin với FBI, tức cứ 1.000 trẻ em thì có chưa tới 1 cảnh báo Amber.
“Khi đưa ra cảnh báo Amber, chúng tôi muốn nói rất rõ ràng rằng, thực sự có một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi biết đứa trẻ đó đang bị đe dọa. Chúng tôi biết loại xe, biển số xe và hướng di chuyển của chúng" - Trung úy Jay Poupard, điều phối viên cảnh báo Amber toàn tiểu bang của Cảnh sát bang Michigan cho biết. Ông Poupard lưu ý, việc đưa ra các cảnh báo quá thường xuyên hoặc với quá ít thông tin có nguy cơ gây mệt mỏi cho cộng đồng, khiến mọi người phớt lờ chúng thay vì quan tâm đến một đứa trẻ mất tích.
USA Today đã liên hệ với cảnh sát và các sở cảnh sát liên quan đến 96 cảnh báo Amber trên toàn quốc từ ngày 3.4 đến ngày 1.10.2022 để hỏi liệu cảnh báo có trực tiếp giúp xác định vị trí đứa trẻ mất tích hay không. Khoảng 1/4 trong số 80 vụ bắt cóc có phát cảnh báo Amber mà cảnh sát phản hồi trong giai đoạn này, trẻ bắt cóc được giải cứu nhờ có người nhìn thấy cảnh báo và báo tin cho cảnh sát. Đây là tỉ lệ cao hơn so với số liệu thống kê do Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bị bóc lột Mỹ - đơn vị xác định khoảng 1/5 cảnh báo Amber được đưa ra từ năm 2017 đến năm 2021 đã giúp tìm thấy trẻ bị bắt cóc.
Với sự quyết liệt truy quét, đấu tranh, trấn áp tội phạm, cùng với nỗ lực tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự của chính quyền địa phương, bình yên đã trở lại ở huyện Cư Kuin.
TPHCM - Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm trực tiếp vào phụ huynh và học sinh như có con cấp cứu, con nợ...
Taliban đe dọa tấn công một dự án thuộc sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh nếu chính phủ Pakistan không trả thuế cho các công trình xây dựng.
Trong năm 2023, nhóm đối tượng bị lừa đảo trực tuyến có sự dịch chuyển mạnh về các nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên và các đối tượng...
Sáng 15/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) Võ Đức Duy đang đi tập thể dục ở gần nhà thì bị một đối tượng đi xe máy chặn lại, dùng hung khí đâm trọng thương.
Cảnh sát đã bắt được nghi phạm vụ xả súng trong lễ hội Halloween ở thành phố Tampa thuộc bang Florida của Mỹ vào sáng 29-10. Hai người thiệt mạng và 18 người bị thương trong vụ việc.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên cả nước cần phải có các loại văn bằng, chứng chỉ gì để đáp ứng chuẩn trình độ, yêu cầu của chương trình...
Ngày 20-7, hàng trăm người biểu tình đã xông vào đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq để phản đối vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển.
Mặc dù chưa ghi nhận phụ huynh nào tại Đà Nẵng bị mắc bẫy lừa đảo “con đang cấp cứu cần chuyển tiền gấp” nhưng nhiều bậc cha mẹ đặt...