Aleksei dành một tuần dưỡng thương tại một viện điều dưỡng ở Triều Tiên, mô tả cơ sở vật chất tốt, song bị hạn chế đi lại, tiếp xúc.
Sau hai năm chiến đấu tại Ukraine, lính Nga Aleksei về quê nhà Vladivostok giữa năm 2024 để hồi phục vết thương do đạn găm vào chân.
Với mong muốn hồi phục nhanh chóng và tạm xa nơi đô thị, Aleksei đã yêu cầu đơn vị của mình ở vùng Viễn Đông xem liệu có thể thu xếp cho anh kỳ nghỉ do nhà nước tài trợ tại một trung tâm điều dưỡng ở nước ngoài hay không.
Cấp trên sau đó thông báo rằng các điểm dưỡng thương phổ biến ở Biển Đen hay dãy Altai đều đã kín chỗ. "Bởi thế, họ đề nghị thu xếp cho tôi một chuyến đi đến Triều Tiên", anh nói với Guardian. "Tôi chưa hề nghĩ tới việc đến Triều Tiên, nhưng dù sao thì cũng nên thử".
Vài tuần sau, Aleksei sắp xếp hành lý, lên chuyến bay kéo dài hai tiếng đến Bình Nhưỡng. Aleksei sau đó hướng đến một trung tâm điều dưỡng tại Wonsan, thành phố ven biển phía đông nước này. Anh không nêu chính xác địa chỉ của trung tâm ở Wonsan.
Trong kỳ nghỉ dài một tuần, Aleksei ở tại cơ sở này cùng với khoảng 20 lính Nga khác. Họ được sử dụng bể bơi, phòng xông hơi. Aleksei dành thời gian tại đây chơi bóng bàn và chơi bài với các đồng đội.
Nhóm Aleksei nằm trong số hàng trăm quân nhân Nga bị thương trong chiến sự Ukraine được điều trị, phục hồi chức năng tại các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng ở Triều Tiên.
Trong thông báo hồi đầu tháng, đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora nói mọi chi phí liên quan đến quá trình điều trị, lưu trú của binh sĩ Nga ở nước này hoàn toàn miễn phí.
"Khi chúng tôi đề nghị trả một phần chi phí, giới chức Triều Tiên cảm thấy như bị xúc phạm, yêu cầu chúng tôi không bao giờ nhắc lại điều đó", ông Matsegora kể, song không nêu chi tiết về các dịch vụ, đãi ngộ của Triều Tiên dành cho binh sĩ Nga đến dưỡng thương.
Aleksei cho biết viện điều dưỡng ở Wonsan có cơ sở vật chất "nhìn chung tốt và sạch sẽ".
"Trời nắng đẹp. Tuy nhiên, ở đây không cung cấp những dịch vụ y tế thường thấy như ở các trung tâm bình thường. Bữa ăn cũng nhạt và thiếu thịt", Aleksei nhận xét, cho biết thêm họ cũng bị cấm ra ngoài vào buổi tối, không được tiếp xúc với dân địa phương.
"Cũng rất khó tìm rượu", anh nói.
Moskva và Bình Nhưỡng không công bố các địa điểm dưỡng thương hàng trăm quân nhân Nga ở Triều Tiên. Theo tìm hiểu của Guardian, hoạt động dưỡng thương này dường như đang ở quy mô nhỏ, cung cấp giới hạn cho các binh sĩ từ vùng Viễn Đông Nga, nơi có biên giới với Triều Tiên.
Một công ty lữ hành Nga sắp xếp các chuyến đi cho quân nhân Nga đến Triều Tiên dưỡng thương mùa hè năm 2024 nói với Guardian rằng các chuyến đi này chỉ dành cho quân nhân vùng Viễn Đông và chỉ tiếp nhận vài trăm người.
Tuy nhiên, công ty này cho biết Triều Tiên có khả năng chào đón rất nhiều lính Nga đến dưỡng thương trong tương lai.
Bình Nhưỡng chuẩn bị khai trương khu nghỉ dưỡng hạng sang Wonsan-Kalma vào tháng 5. Khu phức hợp này rộng 245 ha, có 150 khách sạn, tọa lạc tại địa phương nơi Aleksei và các đồng đội lưu trú. Lãnh đạo Kim Jong-un kỳ vọng Wonsan-Kalma sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng ven biển.
Truyền thông Nga cũng đã quảng bá khu nghỉ dưỡng là điểm đến du lịch tiềm năng, song Bình Nhưỡng chưa xác nhận khả năng khai thác khu Wonsan-Kalma để phục vụ lính Nga đến dưỡng thương trong tương lai.
Về phần mình, Aleksei không chắc liệu anh muốn quay lại Triều Tiên nếu có dịp khác. "Lần tới, tôi muốn dưỡng thương ở một nơi gần nhà, quen thuộc hơn", anh nói.
Đức Trung (Theo Guardian, CNN, AFP)
Bộ trưởng Hegseth xăm dòng 'kẻ ngoại đạo' bằng tiếng Arab lên cánh tay, bị chỉ trích có thể xúc phạm người Hồi giáo.
Trận động đất khiến tòa nhà 30 tầng tại Bangkok sụp đổ đang tạo ra bầu không khí hoang mang, làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các công trình.
Khi ông Donald Trump gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 'lỗi thời' vào năm 2016, nhiều người cho rằng đó chỉ là một tuyên bố gây tranh cãi.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Các diễn biến mới nhất xung quanh thủ đô Juba ở Nam Sudan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng ở quốc gia châu Phi nhiều bất ổn này.
Giới chức Đan Mạch tuyên bố muốn mua thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ, dù quan hệ song phương đang căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đảo Greenland.
Ngày 7/3, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã nhất trí tạm dừng tất cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Houthi sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm, đủ sức uy hiếp tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Yemen.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 21/3.