Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Tọa đàm “Hành trình tới Hà Nội - Lễ ký Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm mạng".
![]() |
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu khai mạc Toạ đàm. |
Đại sứ có thể cho biết ý nghĩa và nội dung của Công ước tội phạm mạng vừa được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua?
Thế giới ngày nay đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và mang tính đột phá dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà những tiến bộ này mang lại, chúng cũng đặt ra nhiều nguy cơ và thách thức phức tạp cần được giải quyết.
Với sự phát triển của Internet, điện toán đám mây, blockchain và trí tuệ nhân tạo, các hình thức tội phạm mạng ngày càng gia tăng cả về phạm vi, tính chất, trở nên tinh vi và khó lường hơn bao giờ hết. Các vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu cá nhân, tống tiền mạng, và can thiệp vào hạ tầng số đã vượt qua biên giới quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các chính phủ, tổ chức và cá nhân, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an toàn cá nhân.
Theo ước tính, tội phạm mạng toàn cầu hàng năm gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ vào năm 2025, vượt qua cả GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, các cơ chế toàn cầu ứng phó với tội phạm mạng còn phân mảnh và chưa đầy đủ. Các khuôn khổ hiện có như Công ước Budapest không bảo đảm tính phổ quát, khiến nhiều nước không có đủ hỗ trợ pháp lý hoặc kỹ thuật cần thiết. Hợp tác xuyên biên giới gặp khó khăn do có sự khác biệt về chuẩn mực pháp lý, hạn chế khả năng điều tra và truy tố các mạng lưới tội phạm mạng xuyên quốc gia. Điều này đặc biệt gây bất lợi cho các nước đang phát triển vì thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng để chống lại các mối đe dọa này.
Xuất phát từ thực tế đó, các nước thành viên Liên hợp quốc nhất trí xây dựng một khuôn khổ pháp lý thống nhất để đối phó với các hành vi phạm tội trong không gian mạng. Sau 11 phiên thương lượng và 5 phiên tham vấn kéo dài trong gần 4 năm (từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2024), Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua ngày 24/12/2024.
Công ước gồm 9 Chương, 71 điều khoản, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: xác định các hành vi được coi là tội phạm mạng, từ truy cập bất hợp pháp, can thiệp hệ thống đến lạm dụng trẻ em trực tuyến, rửa tiền có được từ các hoạt động phạm tội; xác định thẩm quyền và các biện pháp điều tra, cho phép các nước có thể thu thập chứng cứ và truy tố hiệu quả các vụ án liên quan tội phạm mạng; các biện pháp thủ tục và thực thi pháp luật; hợp tác quốc tế trong điều tra, truy tố các đối tượng phạm tội mạng; các biện pháp phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về an ninh mạng; hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin…
Có thể khẳng định Công ước không chỉ là công cụ pháp lý quốc tế để các quốc gia hợp tác trong phòng chống tội phạm mạng, mà còn là nỗ lực chung nhằm xây dựng một không gian mạng an toàn, tin cậy. Điều này phản ánh nhận thức chung của cộng đồng quốc tế là trong kỷ nguyên số, an ninh mạng không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia, mà là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã tham gia và đóng góp như thế nào trong việc thương lượng và thông qua Công ước này?
Việc thông qua Công ước là kết quả nỗ lực chung của tất cả các nước thành viên LHQ, trong đó Việt Nam đã tham gia tích cực trong tiến trình này. Là một nước đang phát triển với sự phát triển nhanh của công nghệ số và đang đối mặt với nhiều mối nguy cơ của tội phạm mạng, trong quá trình thương lượng Việt Nam đã đưa ra những góc nhìn, tiếp cận thực tiễn về các cơ hội và thách thức trong giải quyết vấn đề tội phạm mạng để từ đó đóng góp, đưa ra các giải pháp cân bằng, cố gắng dung hòa tối đa các quan điểm, lợi ích khác nhau của các nước và nhóm nước. Đây là nỗ lực được nhiều nước đánh giá cao.
Việt Nam đã phối hợp với các nước đồng quan điểm thúc đẩy các nội dung gắn với lợi ích thiết thân của các nước đang phát triển như bảo đảm tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, thúc đấy hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực. Đối với những vấn đề phức tạp, có sự khác biệt, Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, đối thoại xây dựng, tạo dựng sự tin cậy và chân thành, sẵn sàng đóng vai trò cầu nối nhằm hướng tới đồng thuận.
![]() |
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. |
Đóng góp có ý nghĩa và nổi bật nhất của Việt Nam đối với Công ước này là việc Hà Nội được chọn làm địa điểm lễ mở ký Công ước trong năm 2025. Đại sứ cho biết ý nghĩa việc lựa chọn này?
Việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng vào năm 2025 mang nhiều ý nghĩa lớn, đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại đa phương và quan hệ hợp tác toàn diện nhiều mặt với Liên hợp quốc.
Lần đầu tiên, một điều ước quốc tế đa phương mang tầm vóc toàn cầu trong một lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, như an ninh mạng và quản trị số, sẽ được ký kết tại Hà Nội. Theo thông lệ quốc tế, Công ước này được gọi tắt là Công ước Hà Nội. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về sự tham gia và đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Công ước nói riêng, và ứng phó các thách thức toàn cầu của LHQ nói chung.
Việc lựa chọn Hà Nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình với bề dày lịch sử và văn hóa, đồng thời là trung tâm của sự đổi mới, hội nhập và phát triển hiện đại – làm nơi tổ chức lễ ký không chỉ tôn vinh đất nước mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và tầm nhìn toàn cầu.
Sự kiện là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tham gia dẫn dắt và định hình tương lai số, xây dựng khuôn khổ hợp tác sâu rộng hơn về quản trị số toàn cầu. Với vị thế là quốc gia chủ nhà của Lễ mở ký, Việt Nam có thể tận dụng sự kiện này để thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong khu vực ASEAN và toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong việc xây dựng một môi trường pháp lý và quản trị số hiện đại, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước và thúc đẩy phát triển toàn diện. Qua sự kiện mang tầm vóc toàn cầu này, Việt Nam sẽ giới thiệu đến thế giới hình ảnh một đất nước hòa bình, năng động, và hiện đại.
Qua đó, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ, và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy không chỉ hợp tác về công nghệ số mà còn các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa và giáo dục. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định khả năng tổ chức và dẫn dắt các sự kiện quốc tế lớn, đóng góp tích cực vào việc xây dựng các sáng kiến toàn cầu bền vững và có sức ảnh hưởng lâu dài.
Lễ mở ký “Công ước Hà Nội” không chỉ là một dấu mốc ngoại giao mà còn có ý nghĩa thúc đẩy nội lực quốc gia trong kỷ nguyên số. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ và toàn diện chiến lược chuyển đổi số, đặt nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình với tinh thần tự cường, đối mới và sáng tạo.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Bộ trưởng Hegseth xăm dòng 'kẻ ngoại đạo' bằng tiếng Arab lên cánh tay, bị chỉ trích có thể xúc phạm người Hồi giáo.
Trận động đất khiến tòa nhà 30 tầng tại Bangkok sụp đổ đang tạo ra bầu không khí hoang mang, làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các công trình.
Khi ông Donald Trump gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 'lỗi thời' vào năm 2016, nhiều người cho rằng đó chỉ là một tuyên bố gây tranh cãi.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Các diễn biến mới nhất xung quanh thủ đô Juba ở Nam Sudan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng ở quốc gia châu Phi nhiều bất ổn này.
Giới chức Đan Mạch tuyên bố muốn mua thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ, dù quan hệ song phương đang căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đảo Greenland.
Ngày 7/3, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã nhất trí tạm dừng tất cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Houthi sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo chống hạm, đủ sức uy hiếp tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Yemen.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 21/3.