Tư lệnh IRGC Hossein Salami nói Iran sẽ không phát động chiến tranh song luôn sẵn sàng cho điều này, trong lúc bị Mỹ gây sức ép về hạt nhân.
"Chúng tôi không hề lo lắng về chiến tranh. Chúng tôi sẽ không phải là bên khơi mào chiến tranh, song sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến nào", tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami tuyên bố trong cuộc gặp với các quan chức và chỉ huy quân đội hôm 5/4.
Ông Salami cáo buộc các đối thủ của Iran đang cố gắng dồn quốc gia này vào thế phải lựa chọn giữa đối đầu hoặc khuất phục trước điều kiện mà mình đưa ra, do nhận định sai về năng lực răn đe của Tehran. Tư lệnh IRGC cũng khẳng định quân đội nước này có đủ khả năng để tấn công lực lượng của Israel, đồng minh của Mỹ, ở bất kỳ đâu trên thế giới.
"Chúng tôi đã học được cách vượt qua kẻ thù này và phát triển các vũ khí, thiết bị phù hợp. Chúng tôi sở hữu cả phần mềm lẫn phần cứng cần thiết để đánh bại Israel, dù họ được Mỹ ủng hộ về mọi mặt", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cùng ngày cho biết Tehran sẵn sàng "đối thoại ngang hàng" với Mỹ, song không nêu rõ có chấp nhận đàm phán trực tiếp như đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không. Ông cũng chỉ trích Washington không có thiện chí đối thoại.
"Nếu các bạn muốn đàm phán, tại sao lại đe dọa?", ông Pezeshkian nói. "Mỹ hiện nay không chỉ xúc phạm Iran mà còn cả thế giới".
Tổng thống Trump hôm 3/4 nói muốn Mỹ và Iran đối thoại trực tiếp về vấn đề hạt nhân thay vì qua bên trung gian, do phương pháp này sẽ giúp "mọi việc diễn ra nhanh hơn và hiểu rõ phía bên kia hơn". Ông tuần trước tuyên bố sẽ "ném bom với mức độ chưa từng thấy" và áp thuế thứ cấp với Iran, nếu Tehran không từ bỏ nỗ lực phát triển vũ khí nguyên tử.
Mỹ gần đây triển khai loạt oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit tới căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Giới chuyên gia nhận định mẫu máy bay này là mối đe dọa lớn với Iran, nhờ khả năng xâm nhập sâu trong lãnh thổ đối phương và tập kích chính xác nhằm vào các cơ sở kiên cố, nằm sâu dưới lòng đất.
Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, lâu nay cáo buộc Iran theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, song Tehran bác bỏ và khẳng định chỉ làm giàu uranium vì mục đích hòa bình.
Iran và các cường quốc hồi năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này trong nhiệm kỳ đầu tiên và tái áp đặt các biện pháp cấm vận lên Iran. Đáp lại, Tehran đã hủy bỏ các cam kết trong thỏa thuận JCPOA và thúc đẩy lại chương trình hạt nhân.
Ali Larijani, cố vấn thân cận của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, hôm 31/3 khẳng định Tehran không muốn chế tạo vũ khí nguyên tử song sẽ "buộc phải làm việc đó" trong trường hợp bị tấn công.
Phạm Giang (Theo AFP, IRNA)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ, 'các cuộc trò chuyện không công khai' với phía Nga đang diễn ra cho dù Moscow vẫn chưa đồng ý ngừng bắn vô điều kiện ở quốc gia Đông Âu.
Canada, Mexico thông báo điều lính cứu hỏa tới bang California hỗ trợ chữa cháy rừng, trong khi Ukraine tuyên bố sẵn sàng cử nhân lực hỗ trợ Mỹ.
Bộ trưởng Hegseth xăm dòng 'kẻ ngoại đạo' bằng tiếng Arab lên cánh tay, bị chỉ trích có thể xúc phạm người Hồi giáo.
Trận động đất khiến tòa nhà 30 tầng tại Bangkok sụp đổ đang tạo ra bầu không khí hoang mang, làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các công trình.
Khi ông Donald Trump gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là 'lỗi thời' vào năm 2016, nhiều người cho rằng đó chỉ là một tuyên bố gây tranh cãi.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Các diễn biến mới nhất xung quanh thủ đô Juba ở Nam Sudan đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng ở quốc gia châu Phi nhiều bất ổn này.
Giới chức Đan Mạch tuyên bố muốn mua thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ, dù quan hệ song phương đang căng thẳng vì vấn đề chủ quyền đảo Greenland.
Ngày 7/3, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã nhất trí tạm dừng tất cả các cuộc diễn tập bắn đạn thật.