Cơn khát của thủ đô 22 triệu dân

07:20 01/03/2024

Mexico City, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, đang đối mặt khủng hoảng nước nghiêm trọng.

Alejandro Gomez thiếu nước sinh hoạt hơn ba tháng nay, thường chỉ hứng được một hai thùng suốt vài tiếng sau đó lại mất nước nhiều ngày. Gomez, sống ở quận Tlalpan của Mexico City, thủ đô Mexico, không lắp bể trữ nước cỡ lớn nên không thể lấy nước từ xe tải. Thay vào đó, anh và gia đình tìm cách tận dụng và tích trữ. Mỗi khi tắm rửa, họ hứng lại nước tắm để dội vệ sinh.

"Chúng tôi cần nước, nước là thứ thiết yếu cho mọi thứ", anh nói.

Tình trạng thiếu nước không hiếm ở khu phố, nhưng lần này khác. "Bây giờ, thời tiết nắng nóng. Mọi chuyện có thể còn nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn", Gomez bày tỏ.

Mexico City, đô thị rộng lớn với gần 22 triệu dân, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng, xuất phát từ hàng loạt vấn đề như địa lý, phát triển đô thị thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều năm lượng mưa thấp bất thường, mùa khô kéo dài và nắng nóng gây thêm áp lực cho hệ thống nước vốn chật vật đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Giới chức buộc phải hạn chế hút nước từ hồ chứa.

"Một số vùng lân cận đã thiếu nước suốt nhiều tuần và 4 tháng nữa mới đến mùa mưa", Christian Domínguez Sarmiento, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), nói.

Các chính trị gia đang cố xua đi bất an của người dân về cuộc khủng hoảng, nhưng một số chuyên gia cho hay tình hình đang rất nghiêm trọng và Mexico City có thể cạn sạch nước ở một số khu vực trong những tháng tới.

Thành phố Mexico City nằm trên vùng vốn là lòng hồ. Xây dựng trên vùng đất sét, thành phố đang sụt dần và dễ gặp động đất cũng như tổn thương trước biến đổi khí hậu. Đây không phải nơi lý tưởng để xây dựng đô thị lớn ngày nay.

Các vùng đất ngập nước và sông ngòi đã bị thay thế bằng bê tông và nhựa đường. Vào mùa mưa, thành phố ngập lụt còn mùa khô, đất đai khô cằn.

Khoảng 60% nguồn nước cung cấp cho Mexico City lấy từ tầng ngậm nước, nhưng nguồn nước này bị khai thác quá mức đã đẩy tốc độ sụt lún của thành phố nhanh tới đáng sợ, với hơn 50 cm mỗi năm. Tốc độ bổ sung nước cho tầng ngậm nước không đủ nhanh, bởi nước mưa chảy khỏi bề mặt cứng, không thấm nước của thành phố thay vì ngấm xuống đất.

Phần nước sinh hoạt còn lại hút từ các nguồn bên ngoài. Quy trình này kém hiệu quả khiến 40% lượng nước bị thất thoát. Hệ thống nước Cutzamala, mạng lưới các hồ chứa, trạm bơm, kênh rạch và đường hầm, cung cấp khoảng 25% nước sinh hoạt cho Thung lũng Mexico, khu vực bao gồm cả thành phố Mexico City. Nhưng hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới nguồn nước này. Hiện tại, mạng lưới chỉ đầy 39% sức chứa, mức thấp nhất lịch sử.

Hồi tháng 10/2023, ủy ban nước quốc gia Mexico (Conagua), tuyên bố sẽ giảm lượng nước lấy từ Cutzamala 8%, "để đảm bảo cung cấp nước uống cho người dân nếu hạn hán nghiêm trọng".

Chỉ vài tuần sau, giới chức siết chặt hạn chế, giảm gần 25% lượng nước lấy từ hệ thống với lý do thời tiết. "Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để phân phối lượng nước mà Cutzamala có, để đảm bảo không hết nước", Germán Arturo Martínez Santoyo, tổng giám đốc Conagua, nói.

Một báo cáo tháng này cho thấy khoảng 60% diện tích Mexixco đang trải qua hạn hán từ trung bình đến nghiêm trọng. Gần 90% diện tích Mexico City đang hạn hán nghiêm trọng và tình hình sẽ xấu hơn bởi vài tháng nữa mới đến mùa mưa.

"Chúng tôi đang ở giữa mùa khô, nhiệt độ sẽ tăng và kéo dài cho tới tháng 4 hoặc tháng 5", June Garcia-Becerra, phó giáo sư ngành bách khoa Đại học Bắc British Columbia, nói.

Các hiện tượng thời tiết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mexico. Ba năm La Nina khiến khu vực hạn hán, còn El Nino năm ngoái đem tới mùa mưa ngắn không đủ bổ sung cho hồ trữ nước.

Xu hướng nóng lên toàn cầu kéo dài do tác động của con người vẫn tiếp diễn, khiến mùa khô dài hơn và nắng nóng gay gắt hơn. "Biến đổi khí hậu khiến hạn hán nghiêm trọng hơn do thiếu nước", Sarmiento cho hay. Nhiệt độ cao cũng khiến nước trong hệ thống Cutzamala bốc hơi.

Đợt nắng nóng nghiêm trọng diễn ra trên diện rộng vào mùa hè năm ngoái khiến ít nhất 200 người thiệt mạng ở Mexico. Theo một báo cáo khoa học, những đợt nắng nóng này "gần như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đặt gánh nặng lên khó khăn vốn có của thành phố, nơi hệ thống nước không theo kịp tốc độ tăng dân số.

Cuộc khủng hoảng gây tranh luận gay gắt về việc liệu thành phố có đến ngày cạn sạch nước hay không, khi hệ thống Cutzamala rơi xuống mực nước thấp tới mức không thể cung cấp cho thành phố.

Truyền thông địa phương hồi đầu tháng 2 đưa tin một quan chức Congagua cho hay nếu không có mưa lớn, "ngày cạn nước" có thể tới sớm nhất vào 26/6. Tuy nhiên, chính quyền cam kết sẽ không có ngày này.

Trong cuộc họp báo ngày 14/2, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho hay chính quyền đang giải quyết vấn đề nước. Thị trưởng Mexico City Martí Batres Guadarrama tuyên bố thông tin về "ngày cạn nước" là tin thất thiệt do phe phái đối nghịch tung ra.

Conagua từ chối yêu cầu phỏng vấn và không trả lời câu hỏi cụ thể về "ngày cạn nước", Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đang ngoài tầm kiểm soát.

"Mexico City có thể hết nước trước khi mùa mưa đến nếu tiếp tục sử dụng nước theo cách hiện nay", bà Sosa-Rodríguez cảnh báo.

Điều này không có nghĩa là hệ thống cung cấp nước sẽ hoàn toàn sụp đổ bởi thành phố không chỉ phụ thuộc vào một nguồn. Mexico City sẽ không giống tình cảnh của Cape Town ở Nam Phi, nơi gần như cạn sạch nước năm 2018 sau đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài nhiều năm.

"Một số nhóm người vẫn có nước sử dụng", bà nói, "nhưng đa số thì không".

Raúl Rodríguez Márquez, chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nước phi lợi nhuận, nhận định thành phố sẽ không cạn nước trong năm nay nhưng cảnh báo điều này sẽ xảy ra nếu không hành động.

"Chúng ta đang ở trong tình thế nguy cấp và có thể rơi vào tình huống cực đoan trong vài tháng tới", ông nói.

Trong gần 10 năm, bà Sosa-Rodríguez liên tục cảnh báo giới chức về nguy cơ ngày cạn nước đối với Mexico City. Bà đánh giá biện pháp là xử lý nước thải tốt hơn để tăng lượng nước sẵn có và giảm ô nhiễm, đầu tư hệ thống thu và xử lý nước mưa giúp người dân giảm phụ thuộc vào mạng lưới nước và xe chở nước 30%.

Khắc phục đường ống rò rỉ sẽ giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn, giảm lượng nước phải khai thác từ tầng ngậm nước. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên như hồi sinh sông ngòi và vùng đất ngập nước, sẽ giúp cung cấp hệ thống giữ nước và lọc nước, đồng thời đạt lợi ích phủ xanh và làm mát thành phố.

Trong tuyên bố trên trang web, Conagua cho hay đang tiến hành dự án dài ba năm để lắp đặt, phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng nước nhằm giúp thành phố đối phó tình trạng suy giảm hệ thống Cutzamala, bao gồm bổ sung giếng mới và vận hành các nhà máy xử lý nước.

Nhưng trong lúc này, căng thẳng đang gia tăng khi người dân một số khu vực sống trong tình trạng thiếu nước, trong khi người ở khu vực khác, thường là những khu phố giàu có hơn, đa phần không bị ảnh hưởng.

"Rõ ràng có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận nguồn nước trong thành phố và điều này liên quan thu nhập của người dân", Sosa-Rodríguez nói. Ngày cạn nước có thể chưa xảy ra trên toàn thành phố Mexico City, nhưng một số khu dân cư đã đối mặt ngày này trong nhiều năm.

Amanda Martínez, cư dân ở quận Tlalpan, cho biết đối với người dân ở đây, tình trạng thiếu nước không có gì mới. Cô và gia đình thường phải trả hơn 100 USD cho một téc nước mua từ xe tải. Nhưng tình hình đang xấu đi. Đôi khi khu phố mất nước một đến hai tuần và có thể một ngày nào đó, cạn nước hoàn toàn.

"Tôi cho rằng chưa ai chuẩn bị được cho tình huống đó", cô nói.

Hồng Hạnh (Theo CNN)

Có thể bạn quan tâm
Mỹ đồng ý bán tên lửa chống tăng cho Kosovo

Mỹ đồng ý bán tên lửa chống tăng cho Kosovo

09:50 12/01/2024

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chấp thuận yêu cầu mua 246 tên lửa chống tăng Javelin do Kosovo đưa ra để vùng lãnh thổ ly khai tăng cường năng lực phòng thủ.

Tin thế giới 19/6: Nga nêu lý do Ukraine gặp khó, Ngoại trưởng Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc

Tin thế giới 19/6: Nga nêu lý do Ukraine gặp khó, Ngoại trưởng Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc

22:20 19/06/2023

NATO có hành động bất ngờ với Kiev, Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức, Mỹ quan ngại về động thái của Israel…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Australia: Công đảng thắng lớn ở bang New South Wales, Thủ hiến đắc cử chờ đợi 'sự khởi đầu mới'

Australia: Công đảng thắng lớn ở bang New South Wales, Thủ hiến đắc cử chờ đợi 'sự khởi đầu mới'

15:30 26/03/2023

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Australia Anthony Albanese gửi “lời chúc mừng tới nghị sĩ Chris Minns… và Công đảng bang New South Wales về chiến thắng trong cuộc bầu cử”.

Người Venezuela muốn giành vùng tranh chấp với Guyana

Người Venezuela muốn giành vùng tranh chấp với Guyana

11:50 04/12/2023

Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 95% cử tri Venezuela ủng hộ tuyên bố thành lập bang mới ở vùng Esequibo, khu vực tranh chấp đang do Guyana kiểm soát.

Thủ lĩnh Hezbollah, người có thể đổ dầu vào lửa xung đột Israel - Hamas

Thủ lĩnh Hezbollah, người có thể đổ dầu vào lửa xung đột Israel - Hamas

06:40 05/11/2023

Quan điểm cứng rắn của thủ lĩnh Hassan Nasrallah có thể đẩy Hezbollah vào cuộc chiến khốc liệt với Israel, khiến xung đột ở Gaza lan rộng ra Trung Đông.

Nga bác đề xuất thả hai công dân Mỹ

Nga bác đề xuất thả hai công dân Mỹ

08:30 06/12/2023

Washington cho biết Nga từ chối đề xuất trả tự do cho hai công dân Mỹ mà Moskva bắt giam là Evan Gershkovich và Paul Whelan.

Hoàng hậu Jordan nói phương Tây 'tiêu chuẩn kép' về chiến sự Gaza

Hoàng hậu Jordan nói phương Tây 'tiêu chuẩn kép' về chiến sự Gaza

16:00 25/10/2023

Hoàng hậu Rania của Jordan cáo buộc phương Tây 'tiêu chuẩn kép' khi không lên án những cuộc không kích của Israel khiến dân thường thiệt mạng ở Dải Gaza.

Bất đồng giữa Ukraine và Mỹ về chiến dịch phản công

Bất đồng giữa Ukraine và Mỹ về chiến dịch phản công

20:20 16/12/2023

Giới quân sự phương Tây cho rằng Ukraine cần tập trung tiến công trên một hướng, song Kiev quyết định mở nhiều mũi phản công trong chiến dịch.

Mỹ xem xét 'mạnh tay' làm điều này với lực lượng do Iran hậu thuẫn

Mỹ xem xét 'mạnh tay' làm điều này với lực lượng do Iran hậu thuẫn

16:20 17/12/2023

Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng tấn công mục tiêu quân sự của phiến quân Houthi để đáp trả các cuộc tấn công đang gia tăng nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ.

Co loi xay ra
Co loi xay ra