Từ việc chỉ đi bộ và vận động nhẹ sau điều trị ung thư máu, anh Phạm Văn Hồng, 43 tuổi, hoàn thành cự ly 21 km tại hành lang chung cư.
Đây là đường chạy quen thuộc của anh Phạm Văn Hồng, quản lý một phòng khám ở Hà Nội, trong những đợt giãn cách xã hội vì Covid, năm 2020-2021.
Mỗi vòng chạy quanh khu hành lang dài khoảng 70 mét, anh Hồng thực hiện hàng chục vòng trong hai giờ liên tiếp. Lúc đầu, cơ thể anh mệt mỏi, tinh thần bí bách, nhưng nghĩ đến việc phải rèn luyện sức khỏe để ngăn ngừa ung thư máu tái phát, anh kiên trì hoàn thành. Bên cạnh chạy, anh duy trì yoga, chống đẩy, nhảy dây, plank.
"Bản thân tôi đã vượt qua được giai đoạn điều trị ung thư khó nhất, giờ đây tôi muốn truyền năng lượng sống tích cực đến mọi người", anh nói, hôm 6/3.
Năm 2016, kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ cho thấy chỉ số bạch cầu trong máu của anh Hồng thấp, bác sĩ phỏng đoán là hệ quả của việc sốt virus. Sau đó, cơ thể người đàn ông có dấu hiệu nhiễm khuẩn, xuất hiện đau họng liên tục, lưỡi trắng. Anh từ chối những cuộc rượu bia, dù vẫn tỏ ra vui vẻ nhưng bản thân hoài nghi "chuyện chẳng lành". Khi vào Bệnh viện Bạch Mai khám, anh sốc khi nhận chẩn đoán ung thư máu, vào tháng 4 cùng năm.
"Tôi gần như tê liệt, suy sụp, mất thăng bằng", anh nhớ lại. Ở tuổi 35, anh nghĩ đến kịch bản "ai sẽ là người lo cho vợ con" sau khi chết. Những suy nghĩ giằng xé "tại sao điều này xảy ra với tôi", "tôi đã làm gì sai" khiến anh rơi vào tuyệt vọng.
Vài ngày sau khi nhận tin dữ, anh tự hỏi: "Nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng họ vẫn vượt qua được, tại sao mình lại không?". Những suy nghĩ này, cộng sự động viên của gia đình, là nguồn năng lượng tích cực xốc anh đứng dậy.
Dần dần, anh Hồng đón nhận ung thư theo cách tích cực, chăm sóc dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, chú ý phòng chống nhiễm khuẩn. Người đàn ông tìm hiểu về phương pháp điều trị và tham khảo kinh nghiệm từ các bệnh nhân đi trước.
Bác sĩ cho biết thể ung thư máu của anh Hồng khá phức tạp, may mắn đã có liệu pháp điều trị đích giúp nhiều người khỏi bệnh. Anh nghỉ việc, chuyển sang Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương điều trị với phác đồ 3 đợt hóa chất kèm thuốc đích. Điều trị đích hay liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted therapy) là một trong những phương pháp điều trị ung thư, sử dụng thuốc tác động vào gene hay protein chuyên biệt nằm ở tế bào ung thư liên quan sự phát triển khối u
Biến chứng của thể bệnh này là rối loạn đông máu, chảy máu các cơ quan nội tạng, xuất huyết não, viêm phổi, song anh Hồng chỉ viêm loét miệng do suy giảm miễn dịch. Anh kể, mặc dù mồm lở loét, mệt mỏi, buồn nôn do tác dụng phụ của hóa trị nhưng người đàn ông vẫn cố gắng ăn uống đầy đủ.
Tại Khoa Huyết học người lớn, anh Hồng không chỉ là bệnh nhân mà còn hỗ trợ y tá lấy ven cho người bệnh khác, chia sẻ các câu chuyện tích cực cho những trường hợp đồng cảnh ngộ.
Sau lần điều trị hóa chất đợt một, chỉ số máu chưa về bình thường, anh nghĩ đến tình huống xấu là bị suy tủy, nhưng vẫn luôn tự động viên bản thân. "Tôi không muốn đầu hàng số phận", anh nói.
May mắn, sau 3 đợt hóa trị, các tế bào ung thư thoái lui, anh Hồng được ra viện, vào cuối năm 2016. Hiện, anh kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần, cơ thể không còn tế bào ác tính.
Sức khỏe cải thiện từng ngày, anh tiếp tục niềm đam mê thể thao. Khi hệ miễn dịch còn kém, anh lựa chọn các bộ môn nhẹ nhàng như yoga, thiền, đạp xe, đi bộ... Năm 2018, anh đá bóng kèm chạy bộ. Mỗi ngày, người đàn ông chạy 1-2 km, sau đó tăng dần lên 3 km, 5 km. Anh tận dụng mọi nơi để chạy, từ sân tập chung cư đến công viên gần nhà. Thi thoảng đi công tác, anh mang theo đồ chạy, tận dụng rèn luyện ở những địa hình khác nhau.
Nhờ thể lực sung sức, người đàn ông chinh phục đường chạy marathon 42 km vào năm 2023; tham gia cuộc đua phối hợp 3 môn: bơi, đạp xe 90 km và chạy bộ 21 km dưới thời tiết 40 độ C; hoàn thành các bài tập sức bền liên tục 30 ngày.
Theo trang Runningmagazine.ca, chạy bộ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu thực hiện thường xuyên, đúng cách sẽ có lợi cho tim mạch và hô hấp; cải thiện hệ cơ, xương khớp; góp phần phòng ngừa béo phì.
Môn thể thao này góp phần tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ thống miễn dịch, chống stress. Do trong quá trình tập luyện, cơ thể đã quen với hoạt động thể lực, cường độ tăng dần, nên khả năng chịu đựng, độ độ dẻo dai được nâng lên. Khả năng chống chọi của cơ thể với nhiều điều kiện môi trường bên ngoài cũng tốt hơn.
Với anh Hồng, tập luyện mỗi ngày là liều thuốc tự nhiên, giúp thể chất cũng như tinh thần khỏe khoắn, có thể truyền năng lượng tích cực cho người khác.
"Trải qua biến cố, tôi nhận ra bất kể điều gì đến hãy cứ đón nhận vui vẻ, coi nó như là một phần cuộc sống. Tất cả mọi người đều có cơ hội, may mắn sẽ chờ đón ở ngày mai", anh chia sẻ.
Thúy Quỳnh
Trong chương trình làm việc giữa đoàn đại biểu T.Ư Đoàn với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Hội Sinh viên Việt Nam toàn Australia tại Thủ đô Canberra (Australia), đã trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung về hợp tác tổ chức các hoạt động giao lưu, phát triển kỹ năng và tạo điều kiện thanh niên Việt Nam tại Australia đóng góp vào các phong trào lớn của tổ chức Đoàn, Hội; tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết của thanh niên Việt Nam ở trong...
Tại Bắc Ninh sắp tới sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa dành cho thiếu nhi nhân kỷ niệm 60 năm phong trào 'Nghìn việc tốt'.
Vì từng một lần đau khổ nên em mong tìm được một người nghiêm túc trong tình yêu.
Số người ung thư ở Việt Nam tăng 2,6 lần trong hơn hai thập kỷ, đến nay mỗi năm vượt 180.000 ca mắc mới và thay đổi mô hình bệnh do lối sống, tầm soát phát hiện sớm.
Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang chú trọng công tác lựa chọn cán bộ Hội có năng lực, có tình yêu với công tác Hội từ cán bộ Đoàn, vừa phải tập hợp được vào tổ chức Hội các cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong thanh niên.
Binh nhì Trần Văn Quỳnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, Công an tỉnh Bình Thuận vừa được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Cùng ngày, anh Nguyễn Hữu Đốn (35 tuổi, ở thành phố Phan Thiết) cũng được truy tặng huy hiệu do đã có hành động dũng cảm, hy sinh trong khi cứu người, bảo vệ tài sản của nhân dân.
Anh mong em hòa đồng và vui vẻ, có ý định kết hôn với anh sau khi tìm hiểu kỹ.
Em Lê Nguyễn Hoàng Nhật Đình, học sinh lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) là một trong hai đại biểu của tỉnh Cà Mau dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023 tại Hà Nội. Nhật Đình sở hữu bảng thành tích 'khủng'.
Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.