"Vua trứng" Shiryaev thoát chết trong vụ ám sát gần nhà máy trứng, trong bối cảnh giá trứng tăng phi mã ở Nga sau làn sóng trừng phạt từ phương Tây.
Ngày 27/12/2023, Gennady Shiryaev, 59 tuổi, người có biệt danh "Vua trứng" ở Nga, đang lái chiếc BMW gần nhà máy sản xuất trứng của mình ở vùng Voronezh, miền trung nước này thì bất ngờ bị phục kích. Một tay súng bắn hai phát về phía Shiryaev, nhưng đều trượt mục tiêu, "Vua trứng" thoát chết trong gang tấc.
Cảnh sát Nga chưa tìm ra thủ phạm vụ ám sát, nhưng truyền thông nước này cho hay Shiryaev bị người dân địa phương tấn công vì họ không hài lòng với việc doanh nhân này liên tục tăng giá trứng gà.
Shiryaev sở hữu trang trại gia cầm Tretyakskaya quy mô lớn ở vùng Voronezh. Hai ngày trước đó, chính quyền Nga đã mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào "Vua trứng" với cáo buộc tăng giá trứng và thịt gà bất hợp lý.
Vụ ám sát hụt Shiryaev diễn ra trong bối cảnh giá trứng gà ở Nga đang tăng cao, đắt đến mức chúng được dùng làm quà tặng dịp Giáng sinh và buộc Điện Kremlin phải có các biện pháp can thiệp quyết liệt.
Trứng, mặt hàng thực phẩm thiết yếu đối với nhiều hộ gia đình Nga, đã bị thiếu hụt vài tháng gần đây, trong khi giá tăng vọt, khiến người dân Nga, từ Belgorod đến Siberia, phải xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị, cửa hàng để chờ mua.
Một nghị sĩ vùng Vologda thuộc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đăng lên mạng xã hội ảnh ông tặng các nhân viên dưới quyền những hộp trứng như món quà trong dịp Giáng sinh và năm mới.
Theo dữ liệu được chính phủ Nga công bố hôm 10/1, trứng gà ở nước này tháng 12/2023 đã đắt hơn khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Giới chuyên gia nhận định đằng sau mức tăng đột biến này là những khó khăn kinh tế mà Nga phải trải qua vì loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan xung đột ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây tổn hại đáng kể với ngành chăn nuôi gia cầm Nga, khi cắt đứt chuỗi cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, vốn chủ yếu đến từ châu Âu, tới nước này.
Đồng ruble suy yếu khiến thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm thú y nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi nhiều trang trại không có đủ nhân lực vì nam giới Nga được huy động nhập ngũ hoặc trốn ra nước ngoài để né lệnh tòng quân. Bên cạnh đó, chi tiêu chính phủ bùng nổ đã làm tăng lương, thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm và các hàng hóa khác.
Tất cả khiến cú sốc trứng xảy ra, được coi là bằng chứng về tình trạng mất cân bằng đang hình thành trong nền kinh tế thời chiến của Nga.
Năm ngoái, bất chấp làn sóng trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế đáng kể bằng cách đẩy mạnh sản xuất quân sự và cấp các khoản vay ưu đãi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó lại khiến nền kinh tế trở nên quá nóng.
Kết quả là lạm phát tăng 7,4% vào năm ngoái, gần gấp đôi mục tiêu Ngân hàng Trung ương Nga đề ra. Giới chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga sẽ chậm lại khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất và các biện pháp trừng phạt của phương Tây tiếp tục được duy trì.
"Chính phủ trông giống như một nhóm lính cứu hỏa chạy từ đám cháy nhỏ này sang đám cháy nhỏ khác chỉ với một xô nước, vì họ không thể dập tắt được vấn đề lạm phát tiềm ẩn", Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga, hiện là học giả không thường trú tại Trung tâm Á - Âu Carnegie Nga, trụ sở tại Berlin, Đức, nhận xét.
Khi xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba, cuộc khủng hoảng trứng cho thấy Nga đang phải chật vật để cân bằng các mục tiêu mâu thuẫn nhau, như tăng ngân sách cho chiến dịch quân sự, xoa dịu bất bình trong công chúng, đồng thời phải cho giữ nền kinh tế ổn định, trong đó có việc bình ổn giá cả.
"Đó là bộ ba bất khả thi", Prokopenko nói. "Để đạt được hai mục tiêu đầu tiên đòi hỏi phải chi nhiều hơn, dẫn đến lạm phát cao, cản trở việc hiện thực hóa mục tiêu thứ ba".
Thời gian gần đây, Telegram, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Nga, tràn ngập hàng trăm bài đăng của những người lo lắng về tình trạng thiếu hụt trứng. Họ trao đổi với nhau mẹo vặt để mua trứng dễ dàng hơn, nơi bán trứng rẻ hay đơn giản chỉ đùa giỡn về tình hình đang diễn ra.
"Đã đến lúc phải lựa chọn: Trứng gia cầm hay trứng cá muối", một người dùng Telegram viết. Trứng cá muối được coi là mặt hàng thực phẩm xa xỉ, đắt đỏ bậc nhất ở Nga.
"Mọi người đang đầu tư bitcoin. Nhưng theo tôi, các bạn cần đầu tư vào trứng", một người khác nêu ý kiến.
Trong cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Vladimir Putin cuối năm ngoái, bà Irina Akopova, một phụ nữ Nga về hưu, đã gọi video cho ông khi ngồi tại bàn bếp ở nhà và phàn nàn rằng giá trứng và thịt gà gần đây đều tăng vọt.
"Tổng thống Vladimir Putin, hãy thương xót những người về hưu. Lương hưu chúng tôi chẳng nhiều nhặn gì. Hãy giúp chúng tôi giải quyết chuyện này, vì chúng tôi không biết nhờ cậy ai khác. Tôi rất biết ơn và trông đợi sự giúp đỡ của ngài", bà Akopova nói.
Ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, Tổng thống Putin công khai xin lỗi bà Akopova vì giá trứng tăng. "Đây là thất bại trong công việc của chính phủ. Tôi hứa tình hình sẽ được khắc phục trong tương lai gần", ông nói.
Sau khi Tổng thống Putin nhận lỗi, giới chức Nga đã gấp rút hành động. Nga bắt đầu tăng cường nhập khẩu trứng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và Azerbaijan, đồng thời xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.
Chính quyền cũng tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào những nhà sản xuất trứng và thịt gà lớn, trong đó có "Vua trứng". Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) được lệnh bắt bất cứ ai có dấu hiệu tích trữ trứng để đầu cơ.
Nhưng một mặt hàng thiết yếu cho ngành chăn nuôi gia cầm mà Nga không thể nhanh chóng khắc phục bằng biện pháp tăng cường nhập khẩu là vaccine thú y, mặt hàng vốn phải nhập khẩu từ phương Tây.
"Không được tiêm phòng nên gia cầm bị bệnh", một bác sĩ thú ý ở St. Petersburg cho hay. "Vì chúng được nuôi nhốt tập trung nên chỉ cần vài con bị bệnh, cả đàn sẽ lây nhiễm".
Trứng là một phần tương đối nhỏ trong giỏ hàng tiêu dùng của người Nga, nhưng khi giá tăng mạnh, người dân có xu hướng nhận ra nhanh nhất, Tatiana Orlova, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Oxford Economics, lưu ý. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến dự báo lạm phát tăng, điều mà các ngân hàng trung ương luôn lo ngại.
Ngân hàng Trung ương Nga tháng trước nâng lãi suất cơ bản lên 16%, cao hơn gấp đôi so với mức trước đó vào tháng 6, nhằm kiềm chế giá tiêu dùng. Nhưng lãi suất tăng sẽ kìm hãm đã tăng trưởng kinh tế, khiến GDP Nga có thể giảm xuống 1,4% trong năm nay, từ mức gần 3% hồi năm ngoái, theo Focus Economics, cơ quan chuyên thu thập dự báo từ các ngân hàng.
Các chuyên gia dự đoán giới chức Nga có khả năng sớm kiểm soát cuộc khủng hoảng trứng gà, nhưng giá mặt hàng này vẫn sẽ giữ ở mức cao. Nghiên cứu từ các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, đã chỉ ra rằng sau khi giá cả tăng mạnh, tâm lý người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng lâu dài sau khi lạm phát ổn định.
Đối với một số người Nga, như Andrey, kỹ sư phần mềm 33 tuổi sống ở Moskva, lạm phát giá trứng chỉ là một biểu hiện của nền kinh tế đang gặp nhiều rắc rối. "Người Nga sẽ phải trả giá cho hậu quả của việc tự mình cô lập trong thời gian dài sắp tới", anh nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dự kiến chung đề, chung đợt. Ngoài các môn thi bắt buộc, học sinh được tự...
Tin tức đáng chú ý: Tấp nập du khách lễ đền Trần trước giờ khai ấn; Tháng 1-2024 cả nước nhập gần 7.000 ô tô; Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 16,4 tỉ USD trong tháng đầu năm...
Với phương thức xét tuyển học bạ THPT, nhiều ngành tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM có điểm chuẩn trên 29, cao nhất lên đến 29,73.
Matxcơva tuyên bố sẽ đóng cửa Lãnh sự quán của Ba Lan tại thành phố Smolensk, nơi phụ trách hai khu tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa với người dân Ba Lan.
TPHCM - Tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình tích lũy toàn khóa GPA 9,38/10, Thái Tài - sinh viên K2020 khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy...
66 cơ sở giáo dục tham gia hệ thống đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM 2023 trực tuyến đều có số nguyện vọng đăng ký xét tuyển giảm mạnh so với năm 2022.
Theo cập nhật của Lao Động đến tối 26.7, trên cả nước đã có 82 trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT...
Khoảng 93.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, cao nhất từ trước đến nay.
Hơn 300 vụ bạo động đã diễn ra trên khắp nước Pháp, đặc biệt ở Paris, Nantes và Angers. Tổng cộng 291 vụ bắt giữ đã được thực hiện, trong đó có 90 vụ ở Paris.