Ngày 25-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 15 - tổ chức ở TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Sự kiện WEF năm nay, diễn ra từ ngày 25 tới 27-6, được xem là thời cơ cho các thảo luận về phát triển kinh tế trong bối cảnh và những động lực tăng trưởng mới.
Những dự báo mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần tới màn "hạ cánh nhẹ nhàng". Trong khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu và rủi ro vẫn hiện hữu, nhiều ý kiến lạc quan rằng tăng trưởng đang phục hồi, lạm phát giảm bớt, và tốc độ đổi mới nhanh chóng của sáng tạo công nghệ ở những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển.
Tất cả những điều này tạo ra bối cảnh được gọi là "nền kinh tế toàn cầu mới", khi hợp tác kinh tế quốc tế thời toàn cầu hóa chuyển mình do tác động của công nghệ và chính trị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-6, GS Julien Chaisse - chuyên gia về toàn cầu hóa, đầu tư nước ngoài và tài sản kỹ thuật số tại ĐH Hong Kong - cho rằng thuật ngữ "nền kinh tế toàn cầu mới" gói gọn những thay đổi mang tính chuyển đổi đang định hình lại nền kinh tế thế giới.
Theo ông, đây là một mô hình mới với bốn yếu tố: (1) chuyển đổi kỹ thuật số nhờ áp dụng nhanh chóng các công nghệ như AI và tự động hóa đang cách mạng hóa các ngành công nghiệp; (2) tính bền vững và nền kinh tế xanh; (3) đảm bảo tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho toàn xã hội; và (4) bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi vì căng thẳng địa chính trị và điều chỉnh chính sách thương mại.
Tóm lại, mô hình này diễn tả một nền kinh tế theo xu hướng kinh tế xanh, lấy lợi ích cộng đồng làm trung tâm, trong đó có sự tác động của tiến bộ công nghệ lẫn khó khăn từ việc điều chỉnh của các nước đối với chính sách thương mại.
"Bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua những thay đổi đáng kể do căng thẳng địa chính trị và thay đổi chính sách thương mại. Khái niệm "friendshoring" - nơi các nước tìm cách giao thương với những đối tác cùng quan điểm địa chính trị - đang trở nên nổi bật hơn. Việc tái định dạng nó nhằm mục đích giảm thiểu lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, đồng thời đảm bảo an ninh kinh tế", GS Chaisse nói.
Đây cũng là các nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu ngày 25-6.
Ông điểm ra ba yếu tố tác động mạnh mẽ tới thế giới bao gồm: sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa và AI; tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét.
Bên cạnh các yếu tố tác động, Thủ tướng điểm qua ba lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong trong nền kinh tế hiện nay gồm: phát triển kinh tế số, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, AI, và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tương tự đánh giá của GS Chaisse, khi mô tả năm đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới, Thủ tướng nhắc tới sự chuyển đổi sâu rộng từ công nghệ, phát triển xanh cũng như "xu hướng phân cực trong toàn cầu hóa" - vốn mở ra cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cạnh tranh ngày càng gay gắt.
"Vì vậy, đa dạng hóa thị trường, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng là giải pháp phù hợp, hiệu quả", Thủ tướng khẳng định.
Trong bối cảnh ấy, ông cho rằng vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn. Châu Á, Trung Quốc cùng ASEAN ngày càng khẳng định vị thế là động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới đến "những chân trời tăng trưởng mới".
"Trong khi châu Á giờ đây đã và sẽ đóng vai trò kinh tế quan trọng, các khu vực khác vốn có xuất phát điểm ở mức thấp hơn lại đang có khả năng phát triển nhanh nếu quản lý được các thách thức hiện hành.
Chính sách của Việt Nam là nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực giao thương với các nước khác, cải thiện phúc lợi người dân và không rơi vào bất kỳ khối đơn lẻ nào" - ông David Dapice (chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy, ĐH Harvard) nhận xét với Tuổi Trẻ, và cho rằng Việt Nam có những "đóng góp thú vị" tại WEF năm nay khi Thủ tướng đề cập tới các vấn đề nêu trên.
Đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy triển vọng kinh tế thế giới có phần khởi sắc trong năm nay nhưng có nguy cơ bị trì trệ về dài hạn bởi các rào cản và chính sách bảo hộ.
Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, công bố trong tháng 6-2024, WB dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ ở mức 2,6%, cao hơn mức dự báo 2,4% hồi tháng 1-2024, và dự đoán tăng trưởng năm 2025 vào khoảng 2,7%.
Tương tự, Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới cập nhật giữa năm của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố tháng 5-2024 cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng 2,7% cho năm nay.
Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang tăng trưởng với tốc độ 4%, dẫn đầu là Trung Quốc và Indonesia. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển nhìn chung đang tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 1,5%, với sự trì trệ tập trung tại châu Âu và Nhật Bản.
"Bốn năm sau những biến động do đại dịch, xung đột, lạm phát và thắt chặt tiền tệ gây ra, có vẻ như tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ổn định" - nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB nhận định.
Đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB đánh giá tăng trưởng ở đây vững chắc hơn trong đầu năm 2024, dự kiến tăng 4,8% trong năm nay và giảm còn 4,2% trong năm 2025 và 4,1% trong năm 2026 do đầu tàu Trung Quốc chậm lại.
Trong bài phát biểu tại WEF, Thủ tướng đề nghị các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác, phát huy tinh thần đoàn kết để giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Hiện nay, giới quan sát khu vực nhận định Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng nhờ chi phí lao động cạnh tranh, vị trí chiến lược và các chính sách thương mại thuận lợi.
Theo GS Chaisse, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chính sách thúc đẩy ổn định kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đây là những chính sách giúp Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp vào sự dẻo dai của kinh tế khu vực và thế giới.
"Vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các mối quan hệ đối tác chiến lược với những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... đã thúc đẩy vị trí của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Tại WEF, Việt Nam có thể nêu bật cam kết thúc đẩy môi trường kinh tế cởi mở và bao trùm, vốn là điều cần thiết để thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bằng việc tập trung vào đổi mới và bền vững, Việt Nam có thể đóng góp vào các thảo luận liên quan tới tương lai của kinh tế toàn cầu", ông nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ nhân sự kiện WEF Đại Liên 2024, các chuyên gia đều lưu ý tới những vấn đề nổi bật của thời đại, trong đó đáng chú ý là sự vươn lên của những nền kinh tế mới, đặt trong bối cảnh nhiều trở lực với toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chính trị gay gắt và trật tự kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi. Cũng từ đó, Việt Nam cần làm gì để thích ứng, hội nhập và khẳng định vị thế.
Ông Andrea Coppola (chuyên gia kinh tế trưởng, tăng trưởng bền vững, tài chính và thể chế của Ngân hàng Thế giới - WB):
Chuyển dịch mô hình để nâng cao giá trị gia tăng
Kinh tế, các vấn đề địa chính trị và công nghệ đã làm thay đổi nhanh chóng luồng thương mại và đầu tư toàn cầu. Thương mại toàn cầu, đặc biệt là hàng hóa, đã giảm tốc so với cách đây một thập niên và chuỗi cung ứng đang có sự thay đổi.
Châu Á đang trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất. Trong đó, Việt Nam đã tận dụng cơ hội để thâm nhập sâu và dần trở thành trung tâm của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu đến từ Mỹ, Trung Quốc.
Các công nghệ có tính đột phá, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nhưng cũng đe dọa đến thị trường lao động, ngành sản xuất, dịch vụ lao động truyền thống.
Thêm nữa là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu rộng đến thương mại toàn cầu, rủi ro cho chuỗi cung ứng, dù chúng ta đang nỗ lực để giảm phát thải. Điều này tạo cơ hội cho những ai nhanh chân trong cuộc đua của nền kinh tế mới và sẽ rủi ro nếu đến sau.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam có cơ hội nhiều hơn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút nhiều đầu tư hơn và nâng cao năng suất.
Song để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tập trung vào các cải cách ưu tiên. Đó là chất lượng nguồn lao động, dịch chuyển mô hình xuất khẩu sang các mô hình có giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ; dịch chuyển từ sản xuất, tiêu thụ carbon cao sang cung cấp năng lượng sạch và xuất khẩu xanh; tiếp tục củng cố quan hệ thương mại ở cấp độ khu vực và toàn cầu; củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp nội địa nâng cao công nghệ và năng suất.
Ông Nguyễn Bá Hùng (chuyên gia kinh tế trưởng, cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB):
Cần chính sách minh bạch để thu hút đầu tư
Sáu vấn đề trọng tâm mà WEF Đại Liên 2024 đặt ra lần này đều là những vấn đề lớn của kinh tế thế giới.
Đó là xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; các lĩnh vực công nghiệp tiên phong; đầu tư vào con người; kết nối giữa khí hậu thiên nhiên và năng lượng; Trung Quốc và thế giới.
Để tận dụng tốt các lợi thế trong một trật tự kinh tế toàn cầu mới, ngoài mô hình tăng trưởng cũ dựa vào lao động giá rẻ, trình độ thấp và tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam cần cải cách nhiều hơn nữa để chuyển hướng mô hình mới, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng vừa đáp ứng được các mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hài hòa lợi ích cho đại đa số người dân.
Đó là việc tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, hệ thống chính sách minh bạch rõ ràng và được thực thi hiệu quả. Cần thúc đẩy các yếu tố của thị trường lao động, việc làm, phúc lợi xã hội, thị trường vốn (tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu). Cần phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, trung và dài hạn.
Đối với việc thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng với hàm lượng công nghệ cao, cần thu hút khối tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án đầu tư sân bay, cảng biển, tàu điện, đường sắt đô thị.
Việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn có vai trò đầu tàu, dẫn dắt là rất quan trọng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Do vậy, cần có môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hài hòa với thị trường thế giới để thu hút nhà đầu tư tham gia.
Đây đều là những vấn đề đã được Thủ tướng nhắc đến trong bài phát biểu tại WEF, nên tôi hy vọng sẽ có những cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.
Kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đầu tư vào Việt Nam
Trong khuôn khổ WEF tại Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về "Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế".
Chia sẻ bài học kinh nghiệm về điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho hay Việt Nam duy trì là "điểm sáng" của kinh tế toàn cầu với đà tăng trưởng tích cực, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực.
Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh năm giải pháp ưu tiên bao gồm: xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Còn tại tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển" diễn ra vào chiều 25-6, Thủ tướng cho biết trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn về đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.
Theo đó, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, chương trình phát triển các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, nhất là các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen...
"Việt Nam luôn chào đón, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng xanh, sạch, bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hải quân Mỹ đăng ảnh mới nhất của tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut , vốn bị hư hại nặng sau khi đâm vào núi ngầm ở Biển Đông năm...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng cần đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước quản lý giá để tránh đẩy giá sách giáo khoa lên quá cao.
Thông điệp được Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu đưa ra khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Romania ngày 22-1.
Tổng thống Putin mới đây ký sắc lệnh cho phép Nga kiểm soát tài sản của các nước 'không thân thiện', nhằm đáp trả việc Mátxcơva bị tịch thu tài sản ở nước ngoài.
Khoản viện trợ của Mỹ được công bố giữa lúc Nga được cho là đang tập trung thăm dò các phòng tuyến của Ukraine để biết đối phương có đang yếu đi hay không nhằm tung lực lượng gây sức ép.
Tin tức 24h: Vụ chủ hụi ôm chục tỉ bỏ đi, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An chuyển đơn khiếu nại; Tai nạn thảm khốc khiến 3 thành...
TPHCM – Dự án Vành đai 3 và đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa tổng vốn 45.800 tỉ đồng đang gặp vướng mắc, cần sớm giải quyết, nếu...
Bạn đọc hỏi: Các thành viên trong tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên) ở tỉnh Nghệ An sẽ được nhận mức...
Từ nay đến trước ngày 19/4, Ban cưỡng chế huyện sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục người dân tự nguyện di dời tới khu tái định cư, trường hợp cố tình không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.