Vali hạt nhân Cheget giúp Tổng thống Nga phát lệnh đáp trả hạt nhân từ bất cứ đâu, được coi là biểu tượng quyền lực của ông chủ Điện Kremlin.
Video do Reuters công bố tuần này cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin rời đi sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh, phía sau là sĩ quan hải quân xách theo vali hạt nhân Cheget. Đây là lần hiếm hoi chiếc vali quyền lực này của Tổng thống Nga xuất hiện trước công chúng.
Ở Mỹ, Tổng thống là người duy nhất được quyền sử dụng chiếc vali chứa những công cụ cần thiết để phát động đòn tấn công hạt nhân. Trong khi đó, học thuyết hạt nhân Nga quy định có ba người sở hữu vali Cheget, gồm Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Trong bộ ba này, Tổng thống Nga với vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang có toàn quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng có trách nhiệm tham vấn, xác nhận mệnh lệnh do Tổng thống đưa ra. Do vậy, vali Cheget vẫn được coi là biểu tượng quyền lực của người đứng đầu nước Nga.
Chiếc vali hạt nhân được sĩ quan hải quân Nga xách theo sau Tổng thống Putin ở Bắc Kinh có màu đen, viền màu bạc, với kích thước lớn hơn đáng kể so với các vali mà những trợ lý khác của ông mang theo.
Vali hạt nhân Cheget nặng khoảng 11 kg, được đặt theo tên một ngọn núi tại dãy Kavkaz. Nó là một thành phần quan trọng của hệ thống tự động hóa mệnh lệnh tối cao và kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược ra đời từ thời Liên Xô, với khả năng cung cấp thông tin cảnh báo sớm về mọi cuộc tấn công hạt nhân trên toàn cầu.
Liên Xô tạo ra hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân vào thời kỳ đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh đầu thập niên 1980. Vali hạt nhân Cheget được đưa vào trạng thái trực chiến khi ông Mikhail Gorbachev trở thành lãnh đạo Liên Xô năm 1985. Sau đó, chúng được chuyển giao cho cựu tổng thống Boris Yeltsin và sau này là Tổng thống Putin.
Trong lịch sử nước Nga thời kỳ hậu Liên Xô, chỉ có một lần vali Cheget nằm dưới quyền kiểm soát của thủ tướng Nga, đó là khi ông Yeltsin phẫu thuật tim năm 1996. Trong thời kỳ Tổng thống Putin nắm quyền năm 2000-2008, không có thông tin nào cho thấy Cheget được trao cho thủ tướng khi ông công du nước ngoài.
Cheget là thiết bị liên lạc đầu cuối, cung cấp thông tin cho người sử dụng về vụ tấn công có thể xảy ra, cho phép ba người nắm giữ chúng tham vấn với nhau trước khi ra quyết định. Bên trong mỗi vali là thiết bị di động kết nối với mạng lưới chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.
Vali Cheget từng được cựu tổng thống Yeltsin sử dụng và trưng bày tại Saint Petersburg có thiết kế tương đối đơn giản, với 9 nút bấm và một lỗ khóa.
Truyền hình quân đội Nga hồi năm 2019 công bố hình ảnh cho thấy mẫu vali Cheget thế hệ mới với hàng loạt nút bấm, trong đó khu vực "mệnh lệnh chỉ huy" gồm nút truyền lệnh màu trắng và nút hủy lệnh màu đỏ. Vali được kích hoạt bởi một tấm thẻ đặc biệt và nằm tách rời.
Cheget kết nối với hệ thống liên lạc mang tên Kavkaz, gồm đường truyền hữu tuyến, đài vô tuyến và vệ tinh để bảo đảm tín hiệu không bị gián đoạn trong mọi tình huống. Trong trường hợp xảy ra đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Nga, ba vali hạt nhân sẽ báo động tức thời cho những người giữ chúng.
Vali Cheget không chứa nút bấm có thể lập tức kích hoạt kho vũ khí hạt nhân, nó chỉ đóng vai trò là thiết bị truyền lệnh phóng tên lửa tới quân đội. Nếu Tổng thống Nga quyết định phát động đòn tấn công hạt nhân trả đũa, Cheget sẽ truyền thông điệp tới thiết bị đầu cuối Bakan tại sở chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng, cùng lực lượng tên lửa chiến lược, hải quân và không quân.
Khi nhận được tín hiệu, sĩ quan trực chiến của các đơn vị hạt nhân chiến lược sẽ dùng mã riêng để xác nhận đó là quyết định do Tổng thống đưa ra, đồng thời thiết lập đường dây nóng liên hệ với Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng. Sau khi được xác nhận, mệnh lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân mới được thực thi.
Lần duy nhất vali Cheget được kích hoạt diễn ra ngày 25/1/1995, khi các nhà khoa học Na Uy phóng rocket nghiên cứu Black Brant XII từ bờ biển phía tây bắc nước này. Đài radar cảnh giới tầm xa của Nga phát hiện rocket khi nó tăng độ cao, với tốc độ và đường bay tương đồng với tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm Mỹ.
Lực lượng hạt nhân Nga lập tức chuyển sang trạng thái báo động sẵn sàng chiến đấu cao, do lo ngại đây là động thái mở đầu cho đòn tấn công hạt nhân ồ ạt của Mỹ. Cảnh báo được chuyển tới Tổng thống Yeltsin, khiến vali Cheget tự khởi động và ông chủ Điện Kremlin kích hoạt chìa khóa hạt nhân ngay sau đó.
Không có mệnh lệnh tấn công hạt nhân trả đũa nào được đưa ra, do lực lượng Nga nhanh chóng xác định rocket đang bay xa khỏi lãnh thổ nước này và không phải mối đe dọa. Đây cũng là lần duy nhất trong lịch sử, một cường quốc hạt nhân kích hoạt vali và sẵn sàng tung đòn tấn công hủy diệt.
Alexei Arbatov, chuyên gia phân tích an ninh hàng đầu của Nga, từng nhận định hệ thống Cheget có lỗ hổng nghiêm trọng. Hiến pháp Nga năm 1993 quy định Thủ tướng sẽ là người ra quyết định tấn công hạt nhân trong trường hợp Tổng thống không thể thực hiện được chức trách.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nga lại không được trang bị vali hạt nhân, bởi hai chiếc còn lại đang nằm trong tay Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng. Điều này rất nguy hiểm nếu xảy ra khủng hoảng hạt nhân, khi người có quyền ra quyết định lại không thể ra lệnh phát động cuộc tấn công trả đũa ngay lập tức.
Dù vậy, ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất là những người nắm giữ vali không thể ra lệnh, Nga vẫn duy trì khả năng trả đũa hạt nhân nhờ hệ thống trực chiến Perimeter, hoạt động song song với Cheget.
Hệ thống Perimeter được kích hoạt khi toàn bộ giới lãnh đạo Nga bị vô hiệu hóa trong cuộc tấn công phủ đầu. Khi đó, quyết định đáp trả hạt nhân sẽ do một nhóm sĩ quan sống sót dưới hầm ngầm đưa ra. Perimeter được coi là phương án răn đe cuối cùng của Nga, nhằm đảm bảo không đối thủ nào dám sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh phủ đầu nước này.
Vũ Anh (Theo Foreign Policy)
Thành ủy TP.HCM đã tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 sáng 30-1.
Bên cạnh hai cuộc xung đột lớn tại Trung Đông và châu Âu, Mỹ hiện đang tìm cách mở rộng năng lực hạt nhân của mình để duy trì sức mạnh, đặc biệt là khi Trung Quốc cũng đang tăng cường và mở rộng nâng lực hạt nhân của mình. Khôi phục tàn dư thời Chiến tranh Lạnh Theo ghi nhận của phóng viên tờ Nikkei Asia hồi năm 2023, Savannah River Site (SRS) - được ví là tàn dư từ thời Chiến tranh Lạnh, đang dần được 'khôi phục hoạt động'. Cơ sở này bắt đầu mở...
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đích thân giám sát huấn luyện binh sĩ trong video công bố ngày 8-7. Cùng ngày, Ukraine tung hình ảnh Tổng thống Zelensky đến thăm đảo Rắn.
Hiện nay trình độ đào tạo giáo viên được đặt lên hành đầu và thường được rất nhiều người quan tâm. Do đó, giáo viên cần phải có một số...
Câu chuyện bốn 'người hùng' trong vụ cháy trên phố Trung Kính (Hà Nội) ngày 24.5 đã xuất hiện trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn...
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Hồ Chí Minh yêu cầu 11 cơ sở giáo dục ngoài công lập điều chỉnh học phí do thu vượt mức quy...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. trong chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Philippines tới Việt Nam.
TP Hồ Chí Minh - Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng Trường ĐH Văn Lang (khóa 2018), theo kế hoạch tốt nghiệp vào năm 2022, nhưng đến nay, những...
5 người di cư đã thiệt mạng do đuối nước ở khu vực Biển Aegean, ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi rơi khỏi 1 chiếc xuồng cao su bơm hơi.