Ukraine đang tìm kiếm chiến lược mới có thể áp dụng cho những trận đánh năm 2024, khi chiến dịch phản công quy mô lớn thất bại.
Trong cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục viện trợ, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng Kiev sắp thua trận, ngay cả khi chiến dịch phản công không giành được bất cứ kết quả đột phá nào.
Nhưng trên chiến trường, các chỉ huy Ukraine đang tỏ ra bi quan hơn. "Chiến sự tại Avdeevka đang rất nóng bỏng, lực lượng phòng thủ cần được viện trợ khẩn cấp nếu muốn tiếp tục bám trụ nơi này", Vitaliy Barabash, lãnh đạo cơ quan quân sự Avdeevka, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 24/12.
Avdeevka trở thành điểm nóng giao tranh sau khi chiến dịch phản công của Ukraine bế tắc, lực lượng Nga bắt đầu đảo ngược thế trận và chuyển sang tấn công. Nga đã tuyển thêm quân, sản xuất thêm đạn dược và tên lửa, cũng như tăng cường lợi thế hỏa lực với đội máy bay không người lái (UAV) vũ trang.
Để chuẩn bị cho chiến lược mới năm 2024, Mỹ đang tăng cường cố vấn quân sự trực tiếp cho Ukraine, thậm chí cử một trung tướng tới Kiev để nghiên cứu tình hình thực địa. Các sĩ quan quân đội Mỹ và Ukraine hy vọng sẽ vạch ra chi tiết về chiến lược mới vào tháng 1/2024, trong loạt cuộc diễn tập dự kiến diễn ra tại Wiesbaden, Đức.
Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng nếu không có chiến lược mới cũng như thêm nguồn viện trợ từ phương Tây, Ukraine có thể thua trong cuộc chiến. Điều này được thể hiện trong tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng khi Ukraine cạn kiệt đạn dược do NATO viện trợ, Nga sẽ giành thế áp đảo chỉ trong vài ngày.
Mỹ đang là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với tổng số tiền khoảng 46,6 tỷ USD. Tuy nhiên, ngày càng nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ phản đối chi thêm tiền, cũng như yêu cầu xem xét chiến lược mới trước khi chấp thuận bất cứ khoản viện trợ bổ sung nào.
Theo các quan chức Mỹ, nhiều lãnh đạo Ukraine không nhận ra cơ hội Mỹ tiếp tục hỗ trợ nước này trong xung đột đang bấp bênh thế nào. Các tướng lĩnh và quan chức dân sự cấp cao Ukraine đã thể hiện những kỳ vọng không thực tế về những gì Mỹ sẽ cung cấp, như yêu cầu chuyển thêm hàng triệu quả đạn pháo, điều mà Washington và các đồng minh phương Tây không thể đáp ứng.
Họ cho rằng Ukraine trong tương lai sẽ phải xem xét phương án chiến đấu theo kiểu "con nhà nghèo" hơn, chú trọng vào năng lực bảo vệ lãnh thổ và tiết kiệm nguồn lực về con người cũng như khả năng tự sản xuất vũ khí. Chiến lược này có thể tăng khả năng tự đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine, đảm bảo Kiev có đủ năng lực đẩy lùi mọi đợt tấn công mới của Moskva.
Mục tiêu của họ là khiến Nga nhận ra rằng Ukraine là một đối thủ khó nhằn và sẽ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán vào cuối năm 2024 hoặc đầu 2025.
Trong khi đó, Ukraine muốn tiếp tục chiến dịch phản công trên bộ hoặc tiến hành các cuộc tập kích tầm xa, với hy vọng thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới. Các quan chức Ukraine đang xem xét chiến lược tổ chức các đợt tập kích tầm xa nhắm vào nhà máy, kho vũ khí, các tuyến đường sắt vận chuyển đạn dược để tạo thế cân bằng với Nga.
Một cựu quan chức quốc phòng Ukraine tuyên bố các kế hoạch mới đang được hoàn thiện và "rất táo bạo".
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho rằng nếu không thay đổi chiến lược, chiến sự Nga - Ukraine năm sau có thể giống như năm 1916, thời điểm đẫm máu nhất trong Thế chiến I, khi hàng nghìn binh sĩ các nước tham chiến thiệt mạng mà chiến tuyến thay đổi rất ít.
Cuộc phản công của Ukraine năm 2023 được lên kế hoạch xung quanh việc tái tổ chức quân đội nước này theo mô hình của Mỹ và NATO. Một số chuyên gia phương Tây cho biết Mỹ từng thử cách này tại Iraq và Afghanistan, song phần lớn không thành công.
Lực lượng cơ giới Ukraine do Mỹ huấn luyện đầu tháng 8 tiếp cận Rabotino, ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Zaporizhia, sau nhiều tháng chỉ di chuyển được vài km ở khu vực ngoại vi. Ukraine cuối tháng 8 tuyên bố kiểm soát làng này.
Giới chức Mỹ và Ukraine cho rằng đây là chiến thắng nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa, là bước tiến trong nỗ lực xuyên thủng phòng tuyến của Nga và tiến tới Biển Đen. Tuy nhiên, năng lực phòng thủ của Nga lại mạnh hơn nhiều những gì Mỹ ước tính, biến Rabotino thành chiến trường đẫm máu.
Lữ đoàn cơ giới số 47 Ukraine, một trong 9 lữ đoàn do Mỹ huấn luyện, chịu tổn thất nặng nề. Làng Rabotino gần như bị san phẳng hoàn toàn. Khi mùa đông đến, các đơn vị Ukraine vẫn chôn chân tại đây và có rất ít hy vọng sớm xuyên thủng lớp phòng tuyến tiếp theo của Nga.
Vấn đề phức tạp hơn của Ukraine là bất đồng giữa các chỉ huy quân đội cùng quan chức nước này với tướng lĩnh Mỹ về các thức và địa điểm sử dụng lực lượng cơ giới mới. Các quan chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Zelensky, cho rằng khu vực miền đông là chiến trường quan trọng nhất.
Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng khu vực miền nam, nơi có vùng Kherson và bán đảo Crimea, có tầm quan trọng chiến lược cao hơn. Mỹ muốn Ukraine tập trung vào phía nam, phá vỡ hoặc đe dọa hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến phía tây nước Nga.
Bộ chỉ huy quân đội Ukraine đánh giá phòng tuyến của Nga tại miền nam quá vững chãi và nỗ lực xuyên thủng chúng sẽ dẫn đến thương vong lớn.
Kết quả là Ukraine chia đôi lực lượng cho các mũi tiến công ở miền nam và miền đông, không tập trung binh lực vào một hướng tiến công chính. Điều này đã khiến nguồn lực vốn ít ỏi của Ukraine bị phân tán, khiến chiến dịch phản công của họ dần lâm vào bế tắc.
Các chỉ huy quân đội Ukraine tin rằng kỳ vọng của Mỹ về việc cắt đứt hành lang trên bộ của Nga là không thực tế, đặc biệt là khi Ukraine không có năng lực không quân để bảo vệ những đơn vị mặt đất của mình.
"Có rất nhiều lý do khiến cuộc phản công thất bại, song nhận định của Ukraine phần nào đã đúng", Eric Ciaramella, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định. "Phương Tây đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào chiến dịch này".
Giới chuyên gia cho rằng để tránh lặp lại những sai lầm đó, Ukraine trong năm 2024 sẽ phải tìm chiến lược và cách đánh "thông minh hơn, hiệu quả hơn".
"Nếu Ukraine và phương Tây đầu tư đúng đắn cho một chiến lược dài hơi, họ có thể dần lấy lại lợi thế trên chiến trường", Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Hòa bình Quốc tế Carnegie, Mỹ, nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider, RT)
Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố không muốn xung đột với Hezbollah và nếu nhóm này kiềm chế, Israel sẽ giữ nguyên tình hình dọc biên giới phía bắc.
Ngày 31/7, một buổi lễ rút quân chính thức của Lực lượng biên phòng Nga khỏi Sân bay quốc tế Zvartnots ở thủ đô Yerevan của Armenia đã diễn ra tại sân bay này.
Nhiều quan chức lãnh đạo cùng đông đảo thanh thiếu niên tỉnh Vân Nam đã chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với điệu múa truyền thống rộn ràng.
Phòng không Nga hạ tên lửa Neptune gần Ukraine, khả năng Ukraine gia nhập EU trong thời gian tới… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 25/9 tái khẳng định lập trường ủng hộ Lebanon của Ankara, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel với lực lượng Hezbollah.
Tối 15/9 theo giờ địa phương, lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nam Phi đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị CSIR tại thủ đô Pretoria của Nam Phi.
Ngày 30/5, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm đã tiếp ông John Bryant, cựu binh Australia từng tham gia trận chiến tháng 5/1968 ở căn cứ Sở Gà, Sở Hội, Đồng Tràm, Bắc thị xã Thủ Dầu Một (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 17/10.
Tình hình tại đất nước châu Phi đang diễn biến phức tạp sau khi một nhóm binh sĩ giam giữ và tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum.