Dù chiến sự căng thẳng, Ukraine vẫn quyết liệt chống nạn tham nhũng, kẻ thù từ bên trong, vì cần giữ niềm tin của đồng minh và hướng đến gia nhập EU.
Các điều tra viên chống tham nhũng Ukraine tháng trước tuyên bố đã bắt quả tang Vsevolod Knyazyev, chánh án Tòa án Tối cao, nhận hối lộ 450.000 USD. Knyazyev được cho là một phần trong đường dây gồm nhiều thành viên Tòa án Tối cao và ngành tư pháp tham gia chạy án cho Kostiantyn Zhevaho, tỷ phú Ukraine lưu vong bị cáo buộc biển thủ công quỹ.
Cảnh sát sau hai lần lục soát nhà riêng, phòng làm việc và một địa điểm bí mật mà Knyazyev thường đến đã phát hiện số tiền mặt trị giá khoảng 1,5 triệu USD. Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) cho biết đường dây hối lộ liên quan ông Knyazyev có tổng số tiền bất minh khoảng 2,7 triệu USD.
"Vụ án gây chấn động lớn. Nghi phạm tham nhũng không phải là thẩm phán bình thường ở một tòa án địa phương. Ông ấy là người có vị trí cao nhất trong hệ thống tư pháp", Tetiana Shevchuk, luật sư thuộc Trung tâm Hành động Chống tham nhũng, tổ chức có trụ sở chính ở Kiev, nhận định.
Kiev đang thúc đẩy cùng lúc hai chiến dịch. Ở tiền tuyến, quân đội Ukraine mở cuộc phản công dọc chiến tuyến với mục tiêu giành lại lãnh thổ mà lực lượng Nga kiểm soát. Thắng lợi trên chiến trường sẽ tạo lợi thế lớn cho Kiev trên bàn đàm phán với Nga, cũng như thuyết phục đồng minh duy trì hỗ trợ quốc phòng.
Còn tại hậu phương, cuộc chiến chống "thù trong" cũng có ý nghĩa quan trọng không kém đến tương lai đất nước. Ukraine không chỉ cần vũ khí phương Tây để đẩy lùi quân đội Nga, mà còn phải duy trì dòng chảy viện trợ quốc tế, vì đó là phao cứu sinh cho nền kinh tế đã thiệt hại nghiêm trọng bởi chiến tranh. Những "mạnh thường quân" nước ngoài lẫn người dân Ukraine không muốn thấy tiền viện trợ bị thất thoát bởi tham nhũng.
Tổng thống Zelensky khi trả lời báo chí hồi tháng 6 đã gọi vụ bắt chánh án Knyazyev là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc chiến chống tham nhũng, tự tin rằng bước tiến này mở ra thêm hy vọng cho người dân Ukraine về chính quyền trong sạch.
Knyazyev là quan chức cấp cao nhất sa lưới lực lượng chống tham nhũng Ukraine, kể từ khi NABU và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Đặc biệt (SAPO) được thành lập vào 8 năm trước. Hai cơ quan chính phủ được trao quyền hoạt động độc lập, với nhiệm vụ chấm dứt vấn nạn tham nhũng và những giao dịch ngầm tồn tại dai dẳng tại Ukraine.
Quan chức NABU cho biết Tổng thống Zelensky đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng tuần này để đánh giá cải cách ngành tư pháp, do cuộc điều tra còn phơi bày mức độ tham nhũng nghiêm trọng tại Tòa án Tối cao, mở ra khả năng xem xét lại một số phán quyết trong quá khứ của ông Knyazyev và vài thẩm phán khác.
NABU đã công bố băng ghi âm và tin nhắn cho thấy Knyazyev đã bàn bạc phương thức gửi tiền hối lộ đến ông cùng một số thẩm phán khác, chia thành 13 lần chuyển tiền. Các điều tra viên đang cân nhắc mở rộng điều tra đến Hội đồng Cấp cao Tư pháp, cơ quan tư vấn độc lập với nhiệm vụ đánh giá lý lịch ứng viên cho các cơ quan tư pháp quốc gia và địa phương.
Một số cố vấn cho ông Zelensky cho biết chính phủ đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 2, giới chức khám xét tư gia và nơi làm việc của loạt quan chức chính phủ với cáo buộc tham nhũng. Trong danh sách nghi phạm có phó chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky và thứ trưởng quốc phòng. Một số quan chức quân đội bị cáo buộc biển thủ công quỹ bằng cách thổi phồng giá mua quân lương.
Ngày 13/6, NABU và SAPO đồng loạt thông báo mở án tham nhũng đối với tập đoàn đường sắt quốc gia Ukrzaliznytsia. Các điều tra viên cho biết có 4 nghi phạm trục lợi từ các hợp đồng khí đốt với tổng trị giá 5,6 triệu USD, diễn ra trong giai đoạn 2016-2020, bằng thủ thuật khai khống giá mua.
Từ năm 2021, Tổng thống Zelensky đã tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng các tỷ phú và tài phiệt Ukraine chi phối chính trị - xã hội quốc gia. Ông kêu gọi giới tài phiệt từ bỏ mô hình độc quyền, chuyển sang con đường "hợp pháp và minh bạch". Đảng của ông Zelensky chiếm thế đa số tại quốc hội Ukraine còn thúc đẩy đạo luật chống tài phiệt, buộc một số tỷ phú bán cổ phần trong các tập đoàn truyền thông.
Tháng trước, Cơ quan An ninh Ukraine mở cuộc điều tra hình sự nhắm đến tỷ phủ Dmytro Firtash với cáo buộc biển thủ gần 500 triệu USD từ ngân sách quốc gia trong 8 năm, thông qua các chương trình mua khí đốt. Firtash, người đang sống tại Vienna, Áo, đã phủ nhận mọi cáo buộc và đang đề nghị tòa án ngăn lệnh dẫn độ sang Mỹ.
Dù vậy, một số nhà quan sát đặt dấu hỏi về tính khách quan của NABU và SAPO, cũng như chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng thống Zelensky đang theo đuổi, bởi nhiều vụ án được triển khai quyết liệt thời gian qua chủ yếu nhắm đến cựu quan chức thuộc chính quyền tiền nhiệm.
Các vụ án cũng gây tranh cãi do thường nhắm đến cáo buộc gây thất thoát ngân sách do sai sót trong quy trình thực hiện chính sách, song thiếu bằng chứng cho thấy nghi phạm tư lợi bất chính hay hối lộ.
Trong trường hợp của cựu chánh án Knyazyev, ông đã phủ nhận cáo buộc nhận tiền chạy án cho tỷ phú Zhevaho. Knyazyev khẳng định số tiền mặt được tìm thấy ở nhà riêng và văn phòng của mình thực chất là "người quen nhờ giữ giùm" khi họ sơ tán ra nước ngoài vì chiến sự bùng phát.
Chính quyền ông Zelensky cũng chưa thông qua được đạo luật buộc quan chức kê khai toàn bộ tài sản. Đạo luật "chống tài phiệt" phần lớn tác động chủ yếu đến những ông trùm kinh tế có quan hệ với Nga hoặc xây dựng đế chế dựa vào tài nguyên, nền công nghiệp ở miền đông Ukraine.
Kết quả cuộc chiến chống tham nhũng còn có vai trò quyết định đến giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine lẫn uy tín của ông Zelensky, người đắc cử tổng thống 4 năm trước với lời hứa loại bỏ tham nhũng khỏi chính trường. Khảo sát xã hội thời gian qua cho thấy người dân Ukraine cũng không còn dửng dưng trước thông tin về tình trạng tham nhũng ở nước này.
Giới chuyên gia nhận định thành quả chống tham nhũng tại Ukraine sẽ tác động đáng kể đến phương thức và mức độ viện trợ từ phương Tây cho nước này trong giai đoạn tái thiết hậu chiến.
Henrik Larsen, cố vấn phái bộ EU tại Ukraine giai đoạn 2014-2019, nhấn mạnh Ukraine không thể chờ đến khi chiến sự với Nga kết thúc để giải quyết vấn đề tham nhũng. Các đối tác phương Tây đang nhìn nhận đây là thời điểm thích hợp để họ đặt ra điều kiện và lộ trình viện trợ tái thiết cho Ukraine.
"Cuộc chiến hiện tại không chỉ xoay quanh vấn đề lãnh thổ, mà còn liên quan đến hệ giá trị. Nếu Ukraine muốn mãi chìm trong tham nhũng, có lẽ chúng tôi đã không quyết định chiến đấu. Bước vào mái nhà châu Âu đồng nghĩa xây dựng nền pháp quyền. Ukraine phải kiên trì ở cả hai mặt trận, chiến trường quân sự và cuộc đấu tranh nội tại", Mykhailo Zhernakov, giám đốc Quỹ Dejure có trụ sở tại Kiev, nhấn mạnh.
Thanh Danh (Theo Washington Post, Guardian, Reuters)
Ngày 2/8, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ Mỹ thông báo, Phó Tổng thống Kamala Harris đã chính thức nhận đủ số phiếu cần thiết để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này.
Hamas và Fatah, hai phong trào Palestine đối nghịch, đã ký thỏa thuận hòa giải tại Bắc Kinh để hợp tác 'vì sự đoàn kết dân tộc'.
Giới chức Ba Lan bắt 9 người nghi là thành viên một nhóm gián điệp Nga liên quan các âm mưu phá hoại ở nước này.
Ukraine nói Nga tấn công hạ tầng năng lượng ở 6 tỉnh của nước này trong 24 giờ, gây mất điện cục bộ và hỏa hoạn.
Các nhà quan sát nhận định Hàn Quốc sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực Đông Á khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống.
Nhiều nước lên tiếng về tình hình căng thẳng Trung Đông tại Liên Hiệp Quốc; Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui tới Nga... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 29-10.
Báo TG&VN điểm lại một số hoạt động nổi bật của đối ngoại Việt Nam trong tuần từ 16-23/9.
Đại tướng Mỹ cho rằng NATO sẽ điều quân nhân tới huấn luyện binh sĩ Ukraine trong tương lai, dù điều này có thể gây leo thang xung đột với Nga.
Thủ tướng Netanyahu nhận định Hezbollah đang 'đùa với lửa' khi tập kích miền bắc Israel và cảnh báo nước này sẽ đáp trả mạnh tay.