Ukraine có thể đang giành ưu thế trong cuộc chiến drone

03:00 15/07/2024

Chuyên gia nhận định Ukraine đang thắng thế trước Nga về lĩnh vực drone, do thiết bị bay có chất lượng cao hơn, dù không thể so sánh về số lượng.

Xung đột tại Ukraine có thể coi là cuộc chiến về phương tiện bay không người lái (drone), loại khí tài được sử dụng với nhiều nhiệm vụ như trinh sát, tấn công, rải mìn hay tiếp tế. Bên nào có thể triển khai khí tài này với số lượng nhiều hơn và chất lượng tốt hơn sẽ chiếm được lợi thế không nhỏ trước đối phương, kể cả khi bị áp đảo về nhân lực và hỏa lực trên các phương diện khác.

Với tiềm lực kinh tế và công nghiệp quốc phòng vượt trội, Nga trên lý thuyết có thể dễ dàng vượt xa Ukraine về lĩnh vực sản xuất drone. Tuy nhiên, trên thực tế, drone và thiết bị gây nhiễu, thứ được cho là phương pháp chống drone hiệu quả bậc nhất, do Nga sản xuất có chất lượng thấp, khiến Moskva không thể chiếm ưu thế trên lĩnh vực này ở tiền tuyến, theo chuyên gia quân sự David Axe.

Axe cho biết cả Nga và Ukraine đều đang sản xuất khoảng 100.000 drone góc nhìn thứ nhất (FPV) một tháng. Đây được coi là loại drone quan trọng nhất trên chiến trường hiện nay, có kích thước nhỏ, giá thành mỗi chiếc khoảng 500 USD, sở hữu khả năng bay xa nhiều km khi mang theo đầu nổ nặng vài kg.

Người vận hành điều khiển chúng thông qua một bộ thiết bị thực tế ảo đeo trên đầu, giúp họ có thể quan sát như phi công thực thụ ngồi trong buồng lái máy bay.

Các đòn tập kích bằng drone FPV có thể khiến lính bộ binh bị thương hoặc thiệt mạng, thậm chí có thể phá hủy hoàn toàn những khí tài hạng nặng như xe tăng, thiết giáp nếu đánh trúng vị trí hiểm yếu.

Hồi mùa xuân, thời điểm nhiều lữ đoàn Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo do nguồn cung từ phương Tây bị đóng băng, drone FPV đã giúp lực lượng Ukraine lấp đầy khoảng trống về hỏa lực và khiến Nga gặp không ít khó khăn trên chiến trường.

Theo các nhà phân tích chuyên thống kê tổn thất của hai bên trong cuộc xung đột, số lượng các cuộc tập kích bằng drone FPV của Ukraine cao hơn ít nhất ba lần so với Nga, thậm chí có thể lên tới 6 lần, dù Moskva và Kiev sản xuất được số lượng drone gần như tương đương nhau.

Axe cho rằng nguyên nhân nhiều khả năng xuất phát từ chất lượng thiết bị. Quân đội Ukraine được cung cấp drone FPV theo hai nguồn chính: sản xuất tập trung ở nội địa hoặc nước ngoài với kinh phí do chính phủ cung cấp, hoặc từ các xưởng sản xuất nhỏ trong nước, thường được các cá nhân hoặc tổ chức phi chính phủ tài trợ.

"Chương trình phát triển, sản xuất drone của Ukraine có tính đa dạng, phân tán và nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu", Axe cho biết.

Ngược lại, đối với Nga, việc sản xuất drone được chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ và chỉ được một số doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện. Quy trình sản xuất thường bị "đóng khung", có thể làm chậm quá trình đổi mới sáng tạo, theo Axe.

Samuel Bendett, chuyên gia về drone tại viện nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ, cho biết drone FPV của Nga "có chất lượng tổng thể thấp" và "gặp nhiều vấn đề kỹ thuật", khiến một số chiếc gần như không thể bay lên không trung ngay cả khi vừa được lấy ra khỏi hộp.

Sự khác biệt về chất lượng còn lớn hơn khi xét đến các khí tài chống drone của hai bên, đặc biệt là thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến được thiết kế để chặn tín hiệu liên lạc giữa drone và người vận hành.

Lực lượng Nga thời gian gần đây trang bị rất nhiều thiết bị gây nhiễu cầm tay cho xe tăng, thiết giáp và bộ binh, nhằm đối phó các cuộc tập kích bằng drone FPV ngày càng tăng của Ukraine. Tuy nhiên, một lượng lớn thiết bị dạng này không hoạt động, với nguyên nhân tương tự lý do nhiều drone FPV Nga không thể bay lên trời. "Chúng có chất lượng chế tạo cực kỳ tệ", một nhà quan sát Nga thừa nhận.

Đầu tháng 4, Lữ đoàn Azov Ukraine đã tiến hành chiến dịch táo bạo kéo dài ba đêm để tịch thu một xe tăng được trang bị cụm gây nhiễu trên tháp pháo của Nga sau khi nó bị vô hiệu hóa và bỏ lại, và phát hiện rằng cụm thiết bị này hoạt động không hiệu quả. "Chúng được chế tạo một cách tạm bợ", một binh sĩ tham gia chiến dịch thu hồi chiếc xe tăng cho biết.

Từng thiết bị phá sóng riêng lẻ và ăng ten đều đạt tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy, song cách lắp ráp thì giống như "đồ tự chế tại nhà", do chúng chỉ được buộc lại với nhau bằng dây thừng và đặt lên một tấm gỗ, theo Axe.

Đây dường như không phải hiện tượng riêng lẻ. Mới đây, một thiết bị phá sóng đa tần số, được ít nhất một kênh mạng xã hội nổi tiếng ở Nga quảng cáo, đã bị một blogger nước này chê là "vô dụng". Tài khoản trên liệt kê rất nhiều lỗi kỹ thuật lớn của sản phẩm, cho rằng nó có kích thước và trọng lượng quá lớn, tay cầm cũng dễ bị hỏng, dù có giá thành lên tới 2.400 USD.

Các lỗi kỹ thuật bao gồm ăng-ten không phù hợp và không được căn chỉnh đúng cách, bộ phận làm mát bị lắp đặt sai, không đủ để xử lý nhiệt lượng lớn do cụm thiết bị tỏa ra. "Thật đáng sợ khi phải tưởng tượng bao nhiêu người đã chết vì nhầm tưởng rằng thiết bị này có thể giúp họ chống lại các cuộc tấn công của drone", blogger trên viết.

"Trong cuộc chiến drone, Ukraine rõ ràng đang chiến thắng. Không phải vì họ sản xuất được nhiều drone và thiết bị gây nhiễu hơn, mà vì các khí tài của Nga có chất lượng kém hơn", Axe nêu quan điểm.

Dù vậy, việc giành ưu thế trên lĩnh vực drone chưa thể giúp Ukraine chặn được đà tiến của Nga. Với lợi thế áp đảo về hỏa lực, đặc biệt là đạn pháo, quân đội Nga đang tiến công "chậm mà chắc" và đã giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt là tại mặt trận phía đông.

"Chúng tôi đang sản xuất rất nhiều drone, song chúng không phải là giải pháp thay thế cho bất kỳ loại vũ khí nào cả", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4 cho biết. "Chúng không thể đóng vai trò của vũ khí tầm xa, tên lửa hay đạn pháo".

Phạm Giang (Theo Telegraph, Business Insider)

Có thể bạn quan tâm
Người Hàn kêu gọi chính phủ ngăn thả truyền đơn sang Triều Tiên

Người Hàn kêu gọi chính phủ ngăn thả truyền đơn sang Triều Tiên

18:10 17/06/2024

Nhiều nhóm dân sự và cư dân biên giới Hàn Quốc kêu gọi chính phủ hạn chế các nhà hoạt động thả truyền đơn sang Triều Tiên.

Ông Trump bị chỉ trích vì đề xuất cấp thẻ xanh cho du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ

Ông Trump bị chỉ trích vì đề xuất cấp thẻ xanh cho du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ

10:40 22/06/2024

Chiến dịch của ông Biden nói ông Trump 'dối trá và xúc phạm người nhập cư' khi đề xuất cấp thẻ xanh cho du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ

Ukraine lo ảnh vệ tinh thương mại làm lộ bí mật cho Nga

Ukraine lo ảnh vệ tinh thương mại làm lộ bí mật cho Nga

10:30 03/05/2024

Giới chức Ukraine muốn các công ty hạn chế chụp ảnh vệ tinh lãnh thổ nước này, do lo ngại Nga có thể sử dụng chúng.

Lễ hành hương Hajj: Ít nhất 550 người tử vong do nắng nóng

Lễ hành hương Hajj: Ít nhất 550 người tử vong do nắng nóng

05:20 20/06/2024

Ngày 18/6, giới chức Saudi Arabia cho biết, ít nhất 550 người đã tử vong trong quá trình tham gia lễ hành hương Hajj ở thánh địa Mecca.

Moskva cáo buộc NATO hỗ trợ Ukraine tấn công Nga

Moskva cáo buộc NATO hỗ trợ Ukraine tấn công Nga

17:40 02/04/2024

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cáo buộc NATO đang hỗ trợ Kiev tiến hành các cuộc tập kích nhằm vào lãnh thổ của Moskva.

Ông Putin: Nga không cần vũ khí hạt nhân để chiến thắng ở Ukraine

Ông Putin: Nga không cần vũ khí hạt nhân để chiến thắng ở Ukraine

01:20 08/06/2024

Tổng thống Putin tuyên bố Nga không cần vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng, nhưng để ngỏ khả năng điều chỉnh học thuyết sử dụng.

Chỉ huy cấp cao IRGC nói Israel tính toán sai lầm; xe được cho là chở nhà cung cấp vũ khí chính của Hamas bốc cháy

Chỉ huy cấp cao IRGC nói Israel tính toán sai lầm; xe được cho là chở nhà cung cấp vũ khí chính của Hamas bốc cháy

08:10 23/06/2024

Ngày 22/6, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh tuyên bố, Israel đã tính toán sai lầm nghiêm trọng khi tiến hành cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus (Syria) hồi đầu tháng 4.

Điểm tin thế giới sáng 28/6: Bầu cử Quốc hội Mông Cổ, Mỹ quan ngại về thỏa thuận Ấn Độ-Nga, tấn công bom xăng ở Athens

Điểm tin thế giới sáng 28/6: Bầu cử Quốc hội Mông Cổ, Mỹ quan ngại về thỏa thuận Ấn Độ-Nga, tấn công bom xăng ở Athens

07:30 28/06/2024

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 28/6.

Điểm tin thế giới sáng 31/1: EU gia hạn biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ-Trung hợp tác chống ma túy, lý do Canada 'dịu ngọt' với Thổ Nhĩ Kỳ

Điểm tin thế giới sáng 31/1: EU gia hạn biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ-Trung hợp tác chống ma túy, lý do Canada 'dịu ngọt' với Thổ Nhĩ Kỳ

07:10 31/01/2024

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 31/1.

Co loi xay ra
Co loi xay ra