Ukraine nói Mông Cổ, nước thành viên ICC, phải chịu trách nhiệm về "tội ác chiến tranh" vì không bắt Tổng thống Putin khi ông thăm nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhiy Tykhyi hôm 2/9 cho rằng Mông Cổ không bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin là "đòn giáng nặng nề đối với Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và hệ thống luật hình sự quốc tế".
"Mông Cổ đã để tội phạm lẩn tránh công lý, vì vậy họ cũng phải chịu trách nhiệm đối với tội ác chiến tranh. Ukraine sẽ làm việc với các đồng minh để đảm bảo Mông Cổ phải chịu hậu quả", ông Tykhyi cho hay.
Giới chức Mông Cổ và Nga chưa bình luận về phát biểu trên.
Chuyên cơ chở Tổng thống Nga hạ cánh xuống thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ tối 2/9, đánh dấu bắt đầu chuyến thăm hai ngày của ông Putin đến nước này theo lời mời của Tổng thống Ukhnaa Khurelsukh.
Lãnh đạo hai nước hôm nay gặp nhau tại Quảng trường Thành Cát Tư Hãn, còn gọi là Quảng trường Sukhbaatar. Nhiều khả năng hoạt động của ông chủ Điện Kremlin tập trung vào vấn đề đường ống dẫn khí đốt mới nối Nga với Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin đến một quốc gia thành viên ICC kể từ tháng 3/2023, khi cơ quan này phát lệnh bắt lãnh đạo Nga và ủy viên của tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova. ICC cáo buộc ông Putin và bà Lvova-Belova có vai trò quyết định trong chương trình "di chuyển trái phép" trẻ em từ Ukraine sang Nga, coi đây là "tội ác chiến tranh".
Nga không phải thành viên ICC và đã bác cáo buộc của cơ quan này. Moskva cũng phát lệnh bắt Chủ tịch ICC cùng một số thẩm phán để đáp trả.
Mông Cổ tham gia Công ước Rome về ICC vào tháng 12/2000. 124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt của cơ quan này nếu cá nhân là mục tiêu của lệnh bắt có mặt trên lãnh thổ.
Chính phủ Ukraine tuần trước kêu gọi Mông Cổ bắt Tổng thống Nga khi ông tới thăm. ICC cũng nói rằng toàn bộ quốc gia thành viên có nghĩa vụ bắt người theo lệnh của tòa.
Mông Cổ không bình luận về những lời kêu gọi này, trong khi Điện Kremlin ngày 30/8 khẳng định đã thảo luận kỹ lưỡng "mọi phương diện" cho chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Mông Cổ và "không có gì phải lo lắng".
ICC có thể lên án Mông Cổ vì không thực thi lệnh bắt. Tuy nhiên, cơ quan này không có thẩm quyền áp đặt biện pháp xử phạt, cũng không có cơ chế nào thực thi các lệnh của tòa, mà phải dựa vào việc các quốc gia thành viên lựa chọn có tuân thủ hay không.
Ukraine không phải thành viên ICC. Quốc hội Ukraine tháng trước phê chuẩn Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, để trở thành thành viên tổ chức này, nhưng kèm theo điều khoản không công nhận thẩm quyền của ICC đối với các trường hợp liên quan công dân Ukraine.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT, AFP)
Ngày 11/7, Hàn Quốc và Mỹ ký hướng dẫn răn đe hạt nhân chung tại Washington, nhằm tăng cường hợp tác chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa.
Các quan chức Mỹ cho biết nước này sắp chuyển tổ hợp Patriot thứ hai cho Ukraine sau nhiều tháng họ đề nghị viện trợ.
Xuất thân từ gia đình có cha và cô từng làm thủ tướng, bà Paetongtarn Shinawatra lên nắm quyền Thái Lan khi tuổi đời còn rất trẻ và chắc chắn sẽ đối mặt với thách thức lớn sắp tới.
Nhóm nông dân Pháp xông vào hội chợ nông nghiệp ở Paris để biểu tình do tức giận về khoản phí, thủ tục quan liêu, quy định bảo vệ môi trường.
Video từ UAV cho thấy bom chùm dẫn đường RBK-500 UMPK của Nga kích hoạt, phóng ra nhiều bom con nhằm vào phòng tuyến Ukraine ở tỉnh Donetsk.
Thủ tướng Ba Lan Tusk nói Tổng thống Duda cản trở công lý, sau khi ông chụp ảnh cùng hai nghị sĩ bị kết án tù tại văn phòng.
Cựu chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, người đầu tiên bị bãi nhiệm khỏi chức vụ này, thông báo sẽ từ chức khỏi quốc hội vào cuối năm nay.
Chỉ huy lực lượng hải quân của EU nói cần thêm chiến hạm bảo vệ tàu hàng để tăng lưu lượng vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ.
6 thiếu niên liên quan vụ chặt đầu thầy giáo gần Paris năm 2020 bị xử từ 14 tháng tới hai năm tù, nhưng được hưởng án treo.