Chiến thắng ở New Hampshire được cho là cú hích quan trọng với Trump trên đường đua Nhà Trắng, cho thấy sức mạnh áp đảo của ông trong đảng Cộng hòa.
Truyền thông Mỹ xác định cựu tổng thống Donald Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa ở bang New Hampshire ngày 23/1. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Trump giành được 54,7% số phiếu, còn cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley có 43,6% số phiếu.
"Nếu chúng ta không giành thắng lợi, tôi nghĩ đó sẽ là dấu chấm hết với nước Mỹ", Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng, gọi đây là "đêm tồi tệ" đối với bà Haley và dự đoán một chiến thắng dễ dàng cho chiến dịch tranh cử của ông ở Nam Carolina, đấu trường lớn tiếp theo trong vòng bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa.
"Tôi chúc mừng ông Donald Trump về chiến thắng tối nay. Ông ấy xứng đáng và tôi muốn công nhận điều đó", bà Haley phát biểu trước người ủng hộ tại New Hampshire, song thêm rằng cuộc đua nội bộ đảng Cộng hòa "còn lâu mới kết thúc".
Theo giới chuyên gia, kết quả trên là một bước thụt lùi nguy hiểm với bà Haley, người đã đầu tư thời gian và nguồn lực tài chính đáng kể cho cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire.
Bà là đối thủ lớn cuối cùng với ông Trump trong cuộc đua giành đề cử của đảng Cộng hòa sau khi Thống đốc Florida Ron DeSantis tuyên bố dừng chân hồi cuối tuần trước. Để hạ bệ uy tín của cựu tổng thống, Haley đã tăng cường chỉ trích ông, đặt câu hỏi về khả năng trí tuệ của ông và tự nhận mình là một ứng viên có khả năng đoàn kết đảng, mở ra thay đổi mang tính thế hệ.
Tuy nhiên, thông điệp này đã không gây được tiếng vang đủ lớn. Trump giờ đây có thể tự hào là ứng viên tổng thống đầu tiên của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cả hai cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa và New Hampshire kể từ năm 1976, khi hai bang này mở màn mùa bầu cử.
Thất bại của Haley tại New Hampshire đặt ra câu hỏi về việc liệu bà có thể tiếp tục cuộc đua trong bao lâu nữa. Trước cuộc bỏ phiếu, Haley đã phải chịu áp lực từ các nhà tài trợ yêu cầu bà phải có màn thể hiện ấn tượng tại bang này.
Chiến thắng ông Trump vừa đạt được rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến khả năng bám trụ của bà Haley cũng như việc các nhà tài trợ sẽ sẵn lòng đi cùng bà đến đâu.
David Axelrod, nhà bình luận chính trị cấp cao từ CNN, cho rằng Haley sẽ phải đương đầu với chặng đường khó khăn phía trước, đặc biệt là ở bang Nam Carolina, quê nhà của bà, vào tháng tới.
"Nếu tôi là Donald Trump tối nay, tôi sẽ gạt bà ấy ra khỏi tầm ngắm", ông nói. "Tôi sẽ chúc mừng Haley cùng tất cả các ứng viên khác đã tham gia cuộc đua. Và tôi muốn nói rằng đã đến lúc chuyển sang cuộc chiến quan trọng hơn với Tổng thống Joe Biden".
Giới quan sát đánh giá hai thắng lợi liên tiếp của Trump trong vòng sơ bộ là dấu hiệu nổi bật cho thấy đảng Cộng hòa đang nhanh chóng tập hợp xung quanh cựu tổng thống nhằm biến ông thành ứng viên đại diện đảng ra tranh cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp. Sau chiến thắng vang dội ở Iowa, Trump không khác gì "hổ mọc thêm cánh" với thắng lợi tại New Hampshire.
"Với kết quả áp đảo và tương đối dễ dàng ở cả hai bang đầu tiên, Trump đang thể hiện khả năng đoàn kết vững chắc các phe phái trong đảng Cộng hòa phía sau ông", bình luận viên Holly Ramer, Will Weissert và Jill Colvin từ hãng thông tấn AP nhận xét.
Trump đã nhận được ủng hộ từ những người theo đạo Tin lành bảo thủ, vốn có ảnh hưởng lớn ở Iowa, và cả các cử tri ôn hòa hơn tại New Hampshire. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục nhân rộng khi cuộc bầu cử sơ bộ lần lượt diễn ra tại các bang khác.
Những cử tri New Hampshire ủng hộ Trump vô điều kiện
Chuyên gia nhận định vị thế mạnh mẽ của Trump trong hai cuộc đua vừa qua là rất đáng chú ý, trong bối cảnh ông đang đối mặt 91 cáo trạng về nhiều vấn đề, từ cáo buộc tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 đến xử lý sai tài liệu mật hay dàn xếp chi tiền "bịt miệng" một nữ diễn viên khiêu dâm. Trump còn là tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội hai lần trong nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, Trump biết cách biến điểm yếu thành lợi thế trong mắt các cử tri đảng Cộng hòa. Cựu tổng thống lập luận rằng các vụ truy tố chưa từng thấy nhắm vào ông chứng tỏ Bộ Tư pháp Mỹ đang bị "chính trị hóa", mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các quan chức Bộ hay Tổng thống Biden hoặc bất kỳ ai khác từ Nhà Trắng thúc đẩy điều này.
Trump nhiều lần nói với những người ủng hộ rằng ông đang thay họ đối mặt với lệnh truy tố, một lập luận dường như đã củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa ông với các cử tri Cộng hòa.
Theo kết quả thăm dò của hãng thông tấn AP, Trump đã giành chiến thắng ở các thị trấn nhỏ và cộng đồng nông thôn tại New Hampshire, nơi sinh sống của khoảng 2/3 số người tham gia bầu cử sơ bộ.
Ông giành được khoảng 70% phiếu bầu từ những cử tri đảng Cộng hòa bảo thủ. Cựu tổng thống Mỹ cũng được ủng hộ bởi các đảng viên Cộng hòa ưu tiên về vấn đề nhập cư và kinh tế cả ở Iowa lẫn New Hampshire.
Trong số những người ở New Hampshire coi vấn đề nhập cư là ưu tiên lớn nhất, khoảng 3/4 ủng hộ Trump. Các cử tri tham gia bầu cử sơ bộ tại bang này đồng tình với ông về việc phải hạn chế dòng người nhập cư và xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Khoảng 50% số cử tri quan tâm tới vấn đề kinh tế đã bỏ phiếu cho Trump.
Christopher Galdieri, giáo sư tại Đại học Saint Anselm ở New Hampshire, đánh giá kết quả vừa qua là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy vị thế thống trị của ông Trump đối với đảng Cộng hòa vẫn "vững như bàn thạch".
"Đảng Cộng hòa quá gắn bó với Donald Trump. Họ gắn bó đến mức cho rằng phải là một người ủng hộ Trump tốt để trở thành một đảng viên Cộng hòa tốt. Họ thực sự khó thoát khỏi tư tưởng đó", Galdieri nói.
Vũ Hoàng (Theo AP, Reuters, AFP, Al Jazeera)
Nhiều nước châu Âu và Mỹ kêu gọi điều tra vụ lính Israel nổ súng vào đám đông chờ viện trợ gần Gaza City khiến hơn 100 người chết.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan chấp thuận đơn kiện do 40 thượng nghị sĩ đệ trình, yêu cầu miễn nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin.
Tổng thống Pháp khẳng định Israel được thành lập nhờ nghị quyết Liên Hiệp Quốc, do đó không được thiếu tôn trọng quyết định của tổ chức này.
Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, cáo buộc Mỹ đã làm xói mòn an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ (17/11/1954-17/11/2024), ngày 12/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo '70 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ: Thành tựu và Triển vọng'. Phó GS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tề tựu ở Brussels (Bỉ) từ ngày 28-30/11 để thảo luận nhiều vấn đề lớn.
Không quân Singapore (RSAF) ngày 15/10 đã điều hai tiêm kích hỗ trợ chuyến bay của Hãng hàng không Air India Express (Ấn Độ) hạ cánh an toàn ở sân bay Changi.
Lực lượng Houthi tuyên bố đã tập kích hai tàu hàng ở Biển Đỏ, trong đó có đòn tập kích bằng 11 tên lửa đạn đạo và hai UAV vào 'tàu dầu Mỹ'.
Ukraine cho biết các lực lượng nước này tấn công vào tỉnh biên giới Kursk của Nga nhằm buộc Moskva phải đàm phán theo các điều khoản 'công bằng'.