Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, nếu chúng ta triển khai tốt hơn những chính sách trọng dụng, trọng đãi, sẽ khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực to lớn trong cộng đồng NVNONN, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Năm 2024 đánh dấu tròn 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 (NQ 36) của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Xin Thứ trưởng đánh giá các kết quả nổi bật?
- NQ 36 là nghị quyết mang tính bước ngoặt, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng ta trong công tác NVNONN, vừa thể hiện truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện những tư tưởng đột phá, cởi mở như: “NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”… Sau 20 năm triển khai NQ 36, công tác NVNONN đã có nhiều chuyển biến thực chất và đạt được những kết quả nổi bật.
Thứ nhất, NQ 36 đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong công tác về NVNONN của cả hệ thống chính trị và người dân, bao gồm cả kiều bào. NQ36 được đông đảo bà con kiều bào đón nhận, ủng hộ và hưởng ứng. Kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà còn là chủ thể tích cực triển khai. Các hội đoàn NVNONN thực sự đóng vai trò nòng cốt trong việc quy tụ, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kết nối cộng đồng, duy trì tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương, đất nước.
Thứ hai, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được triển khai toàn diện. Nhiều chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực bà con quan tâm như quốc tịch, nhà ở, đất đai, cư trú… đã được ban hành. Đến nay, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến NVNONN đã hình thành tương đối đầy đủ theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh..., đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. Gần đây nhất Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã cơ bản đổi mới, được bà con rất hoan nghênh.
Thứ ba, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Bà con được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước; nhiều thế hệ kiều bào đã là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam… thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo kiều bào thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi, từng bước hình thành những mối liên hệ, gắn kết kiều bào với nhau và với Tổ quốc.
Với những nỗ lực trên, đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, nhiều người, kể cả những người trước đây từng có định kiến, đã có những chuyển biến và phát ngôn, hành động tích cực hướng về đất nước, trực tiếp phản bác những luận điệu sai trái.
Thứ tư, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại ngày càng được chú trọng. Trong trao đổi với các nước, Lãnh đạo ta luôn đề nghị chính quyền sở tại tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Đã có 2 cộng đồng được công nhận là dân tộc thiểu số tại Czech và Slovakia.
Tại những địa bàn cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như Campuchia, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ, qua đó từng bước giúp bà con nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở sở tại.
Tại những địa bàn xảy ra xung đột như Ukraina, Israel, hay ở những địa bàn xảy ra thiên tai nặng nề như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ…, các Cơ quan đại diện Việt Nam phối hợp cùng các hội đoàn người Việt sở tại tích cực, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng, thực sự trở thành “điểm tựa” cho bà con trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Thứ năm, công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2023, đã có 421 dự án của kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,722 tỉ USD.
Với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mạng lưới 35 hội, hiệp hội doanh nhân kiều bào, 46 tổ chức hội, 94.000 doanh nghiệp NVNONN đã tích cực phát huy vai trò kết nối giao thương, hình thành kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài; 7 trung tâm xúc tiến thương mại và trưng bày hàng Việt Nam chất lượng cao được thành lập tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Nga, Australia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); ở nhiều nước như Mỹ, Đức, Czech, Thái Lan… đã hình thành chuỗi bán lẻ, siêu thị tiêu thụ sản phẩm. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê) đến nay đạt khoảng trên 230 tỉ USD. Hàng năm, có khoảng 500 lượt chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Thứ sáu, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học; cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào...
Đặc biệt, triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (ngày 8.9 hàng năm), Bộ Ngoại giao phối hợp với các Cơ quan đại diện tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt, hỗ trợ các hội đoàn tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em kiều bào, động viên những người có kinh nghiệm đứng lớp giảng bài cho các em… Một số nơi đã có trường dạy Tiếng Việt như ở Lào, có Hội Việt ngữ như ở Nhật Bản…
Thứ bảy, công tác thông tin đối với NVNONN được đổi mới cả về nội dung và hình thức, phong phú và đa dạng, trong đó đã chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số để kiều bào có thể dễ dàng tiếp cận. Đáng chú ý, ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình đất nước.
Nhìn chung, sau 20 năm triển khai NQ 36, cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NVNONN, vào công cuộc đổi mới, xu hướng đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước ngày càng tăng, qua đó góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, Đảng và Nhà nước chủ trương phát huy cao độ nguồn lực trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước. Xin Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về công tác huy động nguồn lực NVNONN phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước?
- NQ 36 đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong việc phát huy nguồn lực to lớn của NVNONN tham gia xây dựng đất nước.
Trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước đã chủ trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, quy định…, tất cả đều có mục tiêu tạo thuận lợi cao nhất cho bà con kiều bào sinh sống, về thăm quê hương, đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ… Điển hình như Luật Đất đai, Luật Căn cước công dân, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Quốc tịch, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khoa học Công nghệ, Luật Giáo dục Đại học, các biện pháp tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh và lưu trú cho kiều bào...
Đặc biệt, Đề án “Phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” được Chính phủ thông qua tháng 11.2023 vừa qua với mục tiêu tổng quát là huy động nguồn lực NVNONN tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra.
Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện để kiều bào đóng góp vào đời sống chính trị - xã hội ở trong nước, tham gia hiến kế, đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước. Các bộ, ngành, địa phương cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào, tháo gỡ vướng mắc, chủ động giúp trí thức, doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào kết nối. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng NVNONN hướng về và gắn kết với Tổ quốc.
Thời gian tới, để phát huy nguồn lực của kiều bào, công tác về NVNONN sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chính sách, thực hiện các hoạt động thực tiễn đồng thời với nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm củng cố hơn nữa tiềm lực của cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào, gắn kết ngày càng sâu sắc nguồn sức mạnh này với đất nước.
Đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là động lực để phát triển đất nước. Ủy ban Nhà nước về NVNONN thúc đẩy thực hiện chủ trương đó như thế nào với NVNONN?
- Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Các Nghị quyết số 36-NQ/TW (năm 2004), Chỉ thị số 45-CT/TW (năm 2015) và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới (2021), là nền tảng thúc đẩy đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với NVNONN. Trong đó, chủ trương “Công tác đối với NVNONN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”; “mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Mới đây nhất, Nghị quyết số 43-NQ/TW (năm 2023) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã đẩy mạnh thể chế hóa và hoàn thiện hàng loạt chính sách, quy định pháp luật... đối với NVNONN. Các mặt công tác về NVNONN được các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương triển khai toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN, giúp cộng đồng ngày càng hội nhập, ổn định, phát triển ở sở tại, đoàn kết và gắn bó với quê hương.
Thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc, thời gian qua, Bộ Ngoại giao phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều chuyến về nguồn, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, trong đó có cả những người trước đây từng có quan điểm khác biệt, giới báo chí, phóng viên kiều bào… Thông qua những chuyến trở về đó, nhất là các chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, kiều bào được tận mắt chứng kiến sự phát triển của đất nước và hiểu hơn về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Nhiều người trước đây từng có định kiến nay công khai ủng hộ và trở thành những nhân tố tích cực trong cộng đồng NVNONN, lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc tới cộng đồng.
Kiều bào tại nhiều nước đã tổ chức các hội thảo quốc tế, diễn đàn, triển lãm ảnh về Biển Đông, thành lập Quỹ Vì chủ quyền biển, đảo Việt Nam, các Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa, Vì biển, đảo Việt Nam… Qua đó, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về quan điểm, lập trường của Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tiến hành đối thoại, vận động những cá nhân còn có định kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào thăm viếng, tu sửa phần mộ thân nhân tại Nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); phát huy vai trò của báo chí, truyền thông cộng đồng để đưa tin khách quan về tình hình trong nước, tạo thông tin dư luận tích cực, góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái.
Thứ trưởng đã có nhiều chuyến công tác, gặp gỡ với bà con Việt kiều ở nhiều nước. Xin Thứ trưởng chia sẻ những ấn tượng và cảm nhận chung về khát vọng chung tay phát triển đất nước của cộng đồng NVNONN?
- Trên cương vị là Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, tôi có nhiều điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc kiều bào. Trong mỗi dịp gặp gỡ như vậy, tôi đều cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, tha thiết từ sâu thẳm trái tim mỗi người, những khát khao mãnh liệt của bà con muốn được đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Gần đây, tôi có dịp đi công tác tại Hàn Quốc và Nhật Bản, được gặp gỡ nhiều hội đoàn của bà con người Việt tại đó. Tôi rất ấn tượng với buổi gặp gỡ, trao đổi với Hội Trí thức người Việt tại Nhật Bản. Các em tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng đã rất nỗ lực vươn lên và thành công, tạo dựng một hình ảnh mới về cộng đồng người Việt trí tuệ, năng động và có trách nhiệm.
Hiện người Việt tại Nhật Bản đã thành lập được hàng trăm doanh nghiệp, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp về công nghệ thông tin, nhiều công ty có doanh số hàng trăm triệu USD/năm, từng bước chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, thay thế các công ty của Ấn Độ và Trung Quốc.
Không chỉ khẳng định vai trò, vị thế của mình ở sở tại, các em còn rất nhiệt huyết, say mê, mong muốn được kết nối với cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên toàn thế giới, tạo nên sức mạnh Việt, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.
Qua những trao đổi đó, tôi thực sự cảm thấy xúc động và vui mừng khi được gặp gỡ những gương mặt đại diện cho một thế hệ trẻ năng động, tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội sở tại và quê hương Việt Nam.
Tôi nói với các em rằng, khát vọng vươn lên của Việt Nam không bao giờ hết và những đóng góp của các em dù ở bất kỳ đâu, dù trực tiếp hay gián tiếp đều là nguồn động viên to lớn đối với đất nước, đều rất đáng quý và đáng trân trọng.
Thông qua mỗi chuyến công tác như vậy, bản thân tôi cũng được truyền cảm hứng rất lớn về tình yêu quê hương, đất nước, về những nỗ lực vươn lên, vượt khó của bà con.
Tôi nghĩ nếu chúng ta có nhiều hơn và triển khai tốt hơn những chính sách trọng dụng, trọng đãi, thì sẽ khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực to lớn trong cộng đồng NVNONN, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự nỗ lực, tận tụy và những hi sinh to lớn nhưng thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ...
Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong 3 đợt thi đầu tiên diễn ra trong tháng 3 và 4 phục vụ 50.742 lượt thi, trong đó 15 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi. Thống kê phổ điểm cao nhất là 129/150, thấp nhất 17/150, danh tính các thí sinh được trung tâm giữ kín, sẽ công bố sau khi kết thúc 6 đợt thi. Mức điểm trung bình và điểm trung vị sau 3 đợt tổ chức kỳ thi lần lượt tương ứng là...
Người mẫu Ngọc Trinh bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố ra trước tòa án cùng cấp để xét xử về tội gây rối trật tự công cộng.
Thầy giáo Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, Hà Nội, xưng 'mày - tao', chỉ tay vào mặt học sinh và mắng 'hiểu chưa con chó'.
Casey Garcia, 30 tuổi, bị phạt 6 tháng quản chế sau việc khi cải trang thành con gái 13 tuổi, trà trộn vào trường học để chỉ ra những lỗ hổng an ninh học đường.
Nam thanh niên điều khiển xe máy di chuyển trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua cầu Đắk R'tíh, phường Nghĩa Phú, thành phố Gia Nghĩa ( Đắk Nông )...
Hà Tĩnh - Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa bắt giữ đối tượng đâm chết một người nước ngoài tại khu vực siêu thị ở thành phố Hà Tĩnh.
An Giang – Vận chuyển 890g ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam, thanh niên ở TP.Châu Đốc bị phạt 20 năm tù.
Bà Nguyễn Thị Nữ khai nhận mua 200 viên đạn thể thao từ một người chưa rõ nhân thân, lai lịch tại xã Đắk Búk So vào ngày 24/6 và đã bán 123 viên cho một số thợ săn để kiếm lời.