Sau 10 năm kể từ thời điểm được UNESCO vinh danh, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Chung tay gìn giữ, phát huy di sản
Là người trưởng thành từ cái nôi của Ví Giặm Nghệ Tĩnh và đạt được nhiều thành tựu từ sáng tác phần lời cho đến biểu diễn thể loại dân ca độc đáo này, NSND Hồng Lựu – nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ rất xúc động, tự hào mỗi khi nói về giá trị di sản sau 10 năm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ sĩ Hồng Lựu nhớ mãi khoảng khắc 23h05 ngày 27.11.2014, tại Paris, Pháp, UNESCO đã công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận trước đó như: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát xoan, Ca trù, dân ca Quan họ, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…, tới thời điểm đó, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được UNESCO công nhận.
UNESCO nhận thấy dân ca Ví, Giặm - loại hình hát không nhạc đệm của nông dân vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam - đã thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của làng quê nông thôn Việt Nam.
10 năm qua, Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã có sự lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng, đặc biệt là ở địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngay sau khi dân ca Ví, Giặm được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Nghệ An đã có những hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa này.
Nổi bật là việc UBND tỉnh ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm giai đoạn 2021 – 2025; theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các địa phương tham mưu triển khai các nội dung của đề án như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, số hóa dân ca ví, giặm, phát triển các câu lạc bộ và nghệ nhân, thực hiện truyền dạy di sản và tuyên truyền quảng bá giá trị của di sản...
Ngoài ra, tỉnh cũng có những chính sách đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm như ban hành Nghị quyết 29/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và các nghệ sĩ đang làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh, qua đó góp phần khuyến khích, động viên sự tích cực phát huy vai trò của các nghệ nhân cũng như câu lạc bộ trong việc bảo tồn, phát huy di sản, trong đó có dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Từ 82 câu lạc bộ dân ca vào cuối năm 2014, đến nay toàn tỉnh đã có 140 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở 20 huyện, thành phố, thị xã với tổng số hơn 3.000 thành viên. Tại nhiều địa phương, hoạt động của các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm đã diễn ra rất sôi nổi, đóng góp tích cực vào phong trào văn hóa – văn nghệ của địa phương. Ngoài ra, toàn tỉnh có 48 nghệ nhân dân ca Ví, Giặm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Tại Hà Tĩnh, từ sau khi dân ca Ví, Giặm được vinh danh, mạng lưới câu lạc bộ ở các huyện, thành, thị không ngừng được mở rộng. Nếu năm 2015, toàn tỉnh có 92 câu lạc bộ ở 15 huyện, thành, thị, thì đến năm 2023 đã có hơn 130 câu lạc bộ ở cả 21 huyện, thành, thị với tổng số khoảng 2.500 thành viên thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề cùng tham gia sinh hoạt. Ở ngoại tỉnh cũng đã có các câu lạc bộ Ví, Giặm ở Hà Nội và câu lạc bộ Ví, Giặm Nghệ Tĩnh phía Nam.
Để Ví Giặm mãi trường tồn
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng trong xã hội đương đại của xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung, sự tồn tại, phát triển của dân ca Ví Giặm đang gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Là một nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác làn điệu Ví Giặm, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ban (Hà Tĩnh) trăn trở: “Ngày nay, cày cấy hầu như là phương tiện máy móc, còn các làng nghề đã mai một, còn lại nghề thủ công nào cũng đã công nghiệp hóa, dụng cụ máy móc là chính. Về con người, làng xóm ngày xưa trai gái có thanh có sắc trong một làng có hàng mấy chục người. Ngày nay quy mô thôn xóm, khu dân cư nhiều hộ gấp mấy làng xóm ngày xưa nhưng tìm ra được vài ba thanh niên, thanh nữ thật là khó. Trai gái làng lớn lên, học xong là đi làm ăn, nên việc khôi phục, phát huy không gian diễn xướng để thể nghiệm như vậy cũng nên dừng lại để tìm ra những không gian mới phù hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày nay”.
NSND Hồng Lựu cũng có góc nhìn tương tự, trăn trở với tương lai của Ví Giặm khi mà không gian diễn xướng truyền thống của nó đã mai một, thay đổi quá nhiều so với trước đây.
Từ góc độ tâm lý tiếp cận của giới trẻ, nghệ nhân ưu tú Văn Sang (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập văn hóa sâu rộng hiện nay, những dòng nhạc và loại hình giải trí hiện đại đang phát triển rầm rộ, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thu hút phần lớn thanh, thiếu nhi; không ít thanh thiếu nhi không biết cũng như không mấy mặn mà với dân ca Ví, Giặm”.
Theo nghệ nhân Văn Sang, các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm tại các địa phương phần lớn thu hút các thành viên lớn tuổi, số lượng các bạn trẻ tham gia rất ít; kinh phí hoạt động chủ yếu do các thành viên câu lạc bộ đóng góp tự nguyện, nên việc duy trì thường xuyên gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa một số địa phương chưa có chuyên môn sâu để thực hành truyền dạy, phổ biến dân ca cho lớp trẻ. Đội ngũ nghệ nhân trẻ, am hiểu, say sưa, trách nhiệm với về dân ca Ví, Giặm rất ít.
Từ thực trạng nói trên, mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví Giặm đang cần sự nỗ lực rất lớn của cả cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tạo điều kiện cho nghệ nhân và cộng đồng gìn giữ, trao truyền, lan tỏa tình yêu với di sản; tăng cường đầu tư các nguồn lực, từng bước xây dựng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu cho Ví, Giặm và thương hiệu du lịch địa phương gắn với Ví, Giặm.
(Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Bắc Miền Trung Xuân Ất Tỵ)
Anh Chiến, 41 tuổi, bất ngờ phát hiện khối u tuyến ức lớn khi đi khám sức khỏe, được bác sĩ phẫu thuật ít xâm lấn loại bỏ u ác tính.
Gỏi cá sống ở Thái Lan, bạch tuộc sống ở Hàn Quốc và cá nóc ở Nhật Bản là những món ăn có khả năng gây chết người nhưng vẫn hút khách.
Sáng nay (27.2), Hội thảo '80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển' chính thức diễn ra tại Hà Nội.
Huế - UBND thành phố Huế đầu tư hơn 26 tỉ đồng trùng tu các đình làng trên địa bàn.
Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm 1-24 tuổi, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Bảo Lộc có khí hậu trong lành, nhiều ngôi chùa yên tĩnh như chùa Trà, Di Đà, tu viện Bát Nhã, thích hợp cho chuyến du xuân đầu năm Ất Tỵ.
5 năm qua, quy trình cấp cứu báo động đỏ nội viện và liên viện tại TP HCM đã góp phần cứu sống gần 3.700 bệnh nhân nguy kịch.
Nhiều người dân ở đảo Tenerife (Tây Ban Nha) buộc phải sống trong lều vì chủ đòi lại nhà để du khách thuê ngắn ngày, khi du lịch ở hòn đảo này bùng nổ.
Ông Trần Minh Mến (53 tuổi, trú tại Bình Thuận) đã có 102 lần hiến máu tình nguyện.