Trại giam trên sa mạc được ví như 'Vịnh Guantanamo của Israel'

15:10 30/07/2024

Tù nhân Palestine tại căn cứ Sde Teiman của Israel cho biết họ thường xuyên bị đánh đập, tra tấn, khiến một ngày ở đây "như một năm bên ngoài".

Căn cứ quân sự Sde Teiman trên sa mạc ở miền nam Israel đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, sau khi lực lượng quân cảnh nước này hôm 29/7 mở cuộc đột kích vào bên trong, bắt 9 binh sĩ bị tình nghi đã cưỡng hiếp tập thể một nam tù nhân Palesine.

Hỗn loạn xảy ra khi hàng trăm người biểu tình, trong đó có các quan chức, nghị sĩ cực hữu Israel, tràn vào căn cứ để phản đối vụ các quân nhân bị bắt. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã lên tiếng chỉ trích người biểu tình cực đoan, bày tỏ ủng hộ cuộc điều tra vụ lạm dụng tù nhân.

Theo đài truyền hình KAN của Israel, nam tù nhân này trước đó được đưa vào bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng ở vùng kín, đến mức không thể đi lại được. Quân cảnh vào cuộc điều tra và phát hiện anh ta đã bị lính canh tại trại Sde Teiman cưỡng hiếp tập thể.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ lạm dụng tù nhân Palestine được báo cáo tại Sde Teiman, căn cứ quân sự ở sa mạc Negev được ví như "Vịnh Guantanamo của Israel", nơi giam giữ hàng nghìn tù nhân bị quân đội Israel bắt trong chiến dịch tấn công Dải Gaza. Vịnh Guantanamo là tên một trạm giam khét tiếng của Mỹ ở cực đông Cuba, nơi giam giữ những người bị Mỹ coi là nghi phạm khủng bố.

Fadi Bakr, sinh viên ngành luật 25 tuổi người Palestine, hồi đầu năm phải rời khỏi nhà ở Gaza City, thành phố lớn nhất miền trung dải đất, khi chiến sự lan tới đây. Một ngày nọ, anh quay lại khu phố cũ để tìm bột mì, thì bất ngờ bị binh sĩ Israel bắt.

Họ lột trần Bakr, tịch thu điện thoại, tiền bạc rồi đánh đập anh liên tục, cáo buộc sinh viên này là thành viên nhóm vũ trang Hamas. "Thú nhận đi, không tao sẽ bắn mày", một quân nhân Israel nói.

"Tôi chỉ là dân thường thôi", Bakr đáp, song nỗ lực phân trần của anh chỉ vô ích. Bakr sau đó được đưa đến nhà tù Sde Teiman, cùng hàng nghìn tù nhân Palestine khác.

Tám người là cựu tù nhân ở trại giam Sde Teiman cho biết họ cũng đã trải qua tình cảnh tương tự Bakr khi bị lính Israel bắt: bị bịt mắt, trói chặt bằng dây rút và lột hết quần áo, chỉ để lại mỗi đồ lót.

Nhiều người nói họ bị tra hỏi, hành hung, có người còn bị đánh bằng báng súng. Tất cả sau đó bị nhồi lên xe tải chở tới Sde Teiman.

Căn cứ này hiện do Bộ Tư lệnh miền nam của quân đội Israel quản lý. Trong các cuộc xung đột ở Gaza vào năm 2008 và 2014, hàng trăm người Palestine đã bị bắt ở dải đất và đưa tới đây.

Truyền thông Mỹ cho biết tính đến cuối tháng 5, khoảng 4.000 tù nhân Palestine bị giam ở Sde Teiman. Hàng chục người trong số này bị bắt từ ngày 7/10/2023, thời điểm nhóm vũ trang Hamas mở chiến dịch tập kích hiệp đồng vào lãnh thổ Israel.

Số lượng tù nhân ở đây đông đến nỗi quân đội Israel đã phải cải tạo ba nhà kho chứa xe tăng để làm nơi giam giữ và chuyển đổi một văn phòng quân cảnh để có thêm chỗ thẩm vấn.

Căn cứ Sde Teiman có tổng cộng ba khu giam giữ, vốn là các nhà kho được cải tạo lại, cùng các lều trại y tế gần đó và một khu thẩm vấn nằm riêng biệt do các sĩ quan tình báo và an ninh Israel điều hành.

Theo luật pháp Israel, các tù nhân bị giam ở Sde Teiman được phân loại là "chiến binh bất hợp pháp", có thể bị giam tối đa 75 ngày mà không cần lệnh tòa án và không được tiếp xúc với luật sư hoặc đưa ra xét xử.

Sau các cuộc thẩm vấn bước đầu ở Sde Teiman, những tù nhân bị nghi có liên hệ với Hamas sẽ được chuyển đến các cơ sở quân sự khác hoặc nhà tù dân sự và bị truy tố. Những người còn lại được thả về Gaza mà không có bất cứ lời xin lỗi hay khoản bồi thường nào cho những ngày bị bắt oan.

Chính phủ Israel hồi tháng 5 thông báo với Tòa án Tối cao rằng họ đã khởi động quy trình tố tụng hình sự với "hàng trăm" người bị bắt sau ngày 7/10/2023, song thông tin chi tiết về số lượng các vụ án và trạng thái của chúng không được công bố.

Đáng chú ý, chưa có bất kỳ phiên tòa nào được tổ chức tại Israel để xét xử các tù nhân bị bắt ở Gaza kể từ tháng 10 năm ngoái, theo truyền thông Mỹ.

"Quyết định của Israel về việc trì hoãn xét xử trong 75 ngày và không cho luật sư hay thành viên Hội Chữ thập đỏ tiếp xúc với tù nhân là hành vi biệt giam, vi phạm luật pháp quốc tế", Lawrence Hill-Cawthorne, phó giáo sư luật tại Đại học Bristol ở Anh, nhận định.

Sau khi đặt chân tới Sde Teiman, Bakr bị giam trong một nhà kho cùng hàng trăm người khác. Với đôi tay bị còng, họ phải ngồi im lặng trên chiếu 18 giờ mỗi ngày. Nhà kho không có tường bao quanh, nên những người bên trong dễ bị ảnh hưởng bởi nắng mưa, trong khi lính gác giám sát tù nhân từ phía bên kia của hàng rào thép gai.

Tất cả tù nhân đều bị bịt mắt, ngoại trừ một người được gọi là "shawish", nghĩa là "trung sĩ" trong tiếng Arab. Người này đóng vai trò phiên dịch giữa tù nhân và lính gác, đảm nhiệm phân phát thức ăn và dẫn bạn tù đến chỗ đặt nhà vệ sinh di động ở một góc nhà kho.

Các chỉ huy ở Sde Teiman cho biết tù nhân được phép đứng dậy hai giờ một lần để duỗi chân, ngủ từ khoảng 22h đến 6h và cầu nguyện bất cứ lúc nào. Họ nhấn mạnh tù nhân không được phép tháo băng bịt mắt và tự ý di chuyển trong nhà kho.

Bakr cho biết khi mới đến căn cứ, anh đã vô tình ngủ thiếp đi vì quá mệt sau hành trình dài, khiến anh bị một sĩ quan triệu tập đến phòng chỉ huy gần đó. Sĩ quan này đã đánh đập Bakr, gọi đây là hình phạt cho việc ngủ không đúng lúc.

Một số người khác cho biết họ cũng từng phải chịu phạt nặng dù chỉ mắc lỗi nhỏ. Rafiq Yassin, thợ xây 55 tuổi bị bắt vào Sde Teiman tháng 12/2023, nói mình đã bị đánh liên tục vào bụng sau khi cố gắng nhìn trộm từ dưới lớp vải bịt mắt, khiến ông sau đó ho ra máu.

Một binh sĩ Israel tại căn cứ tiết lộ một tù nhân đã bị đánh đập dã man tới mức chảy máu xương sườn, cũng vì tội nhìn trộm. Một tù nhân khác thì bị đánh vì nói quá nhiều và quá to.

Những người bị giam ở Sde Teiman được cung cấp ba bữa ăn nhẹ mỗi ngày, thường là bánh mì kèm một ít phô mai, mứt hoặc cá ngừ, thỉnh thoảng có thêm dưa chuột và cà chua. Quân đội Israel tuyên bố lượng khẩu phần này đã được một chuyên gia dinh dưỡng có thẩm quyền xác nhận là đủ để duy trì sức khỏe cho tù nhân.

Dù vậy, nhiều cựu tù nhân cho biết số thức ăn trên vẫn chưa đủ với họ. Ba người nói đã bị sụt 20 kg trong thời gian bị giam ở Sde Teiman.

Hiệp hội Quyền Công dân ở Israel (ACRI) cũng cho biết tù nhân Sde Teiman không được cấp đủ thực phẩm và họ vẫn bị bịt mắt, còng tay khi ăn. Tay của một số người đã bị hoại tử vì bị còng sai cách và buộc phải cắt bỏ, theo tổ chức này.

Về vấn đề y tế, chỉ huy tại căn cứ cho biết nhân viên quân y đã kiểm tra sơ bộ các tù nhân khi họ mới đến và tiếp tục theo dõi hàng ngày trong quá trình giam giữ. Các trường hợp nghiêm trọng sẽ được đưa sang điều trị tại khu lều trại bên cạnh, nơi được sử dụng như bệnh viện dã chiến.

Theo truyền thông Mỹ, các tù nhân bị bịt mắt và còng tay lên giường trong quá trình điều trị. Hai người Israel tới thăm nơi này năm ngoái cho biết đội ngũ y tế ở đây không có nhiều kinh nghiệm và không có đủ trang thiết bị cần thiết. Một người nói các tù nhân không được tiêm đủ thuốc giảm đau khi trải qua các thủ thuật y tế gây đau đớn.

ACRI cho hay nhiều nhiều tù nhân đã tử vong vì không được chăm sóc y tế tại trại giam, nhưng không có con số cụ thể.

Dù vậy, quá trình thẩm vấn mới là cơn ác mộng thật sự với các tù nhân. Bakr và những bạn tù khác bị đưa tới một khu vực riêng biệt được gọi là "phòng disco", nơi mọi người phải nghe nhạc có âm lượng cực lớn để họ không thể ngủ.

Bakr cho biết hình thức tra tấn này khiến anh chảy máu tai. Trong khi đó, quân đội Israel tuyên bố biện pháp trên không gây hại cho tù nhân, mà chỉ nhằm ngăn họ nói chuyện với nhau trước khi thẩm vấn.

Bakr sau đó được đưa đến một phòng khác để tra hỏi. Tại đây, các điều tra viên cáo buộc anh là thành viên của Hamas, cho anh xem ảnh các tay súng của nhóm vũ trang và hỏi về vị trí một lãnh đạo cấp cao của lực lượng này cũng như những tù nhân Israel. Khi nói mình không có liên hệ với Hamas, Bakr cho hay đã bị đánh đập liên tục.

Al-Hamlawi, một tù nhân khác, kể rằng binh sĩ Israel đã đâm một thanh kim loại vào trực tràng của anh. Một báo cáo bị rò rỉ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng đề cập đến các trường hợp tương tự ở trại giam.

Al-Hamlawi còn nói mình đã bị ép ngồi lên ghế điện, khiến anh bị bí tiểu trong nhiều ngày. Một tù nhân khác là Ibrahim Shaheen cho biết anh cũng đã nhiều lần bị chích điện, khi điều tra viên cáo buộc anh che giấu thông tin của con tin Israel.

Một số nhân chứng khác cho biết tại Sde Teiman còn xảy ra hiện tượng bỏ đói tù nhân có hệ thống, có người bị xua chó cắn, bị dùng vật nhọn rạch lên cơ thể hoặc ép phơi mình trước cái lạnh.

Báo Hareetz của Israel hồi giữa tháng 7 đưa tin 36 tù nhân Palestine đã thiệt mạng tại trại giam Sde Teiman kể từ tháng 10/2023, thêm rằng quân đội Israel đang lưu trữ khoảng 1.500 thi thể người Palestine được cho là thành viên Hamas ở đây. Một binh sĩ Israel nói các thi thể được bảo quản trong kho đông lạnh và phân loại bằng số, thay vì tên.

ACRI và 5 tổ chức nhân quyền khác hồi tháng 5 đã gửi đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao Israel, yêu cầu ra lệnh đóng cửa ngay lập tức Sde Teiman. Tòa án Tối cao Israel đang xem xét đơn kiến nghị này.

Sau khoảng 30 ngày bị giam tại Sde Teiman, Bakr được trả tự do vì giới chức Israel không phát hiện bất cứ mối liên hệ nào giữa anh với Hamas. Anh yêu cầu được trả điện thoại và 7.200 shekel (khoảng 2.000 USD) bị thu khi vào trại giam, song bị từ chối, thậm chí còn bị đánh.

Sau khi gặp nhân viên Hội Chữ Thập đỏ và được cung cấp thực phẩm, chăm sóc y tế, anh đã mượn điện thoại để liên lạc với gia đình. Đây là lần đầu tiên họ nghe được thông tin về anh sau một tháng.

"Bố mẹ đã hỏi tôi: 'Con còn sống à?'", anh nhớ lại.

Muhammad al-Kurdi, tài xế xe cứu thương bị bắt vào Sde Teiman tháng 11 năm ngoái sau khi tìm cách lái xe qua một điểm kiểm soát của Israel ở Gaza City, cho biết anh đã trải qua 32 ngày ở trại giam trước khi được thả. "Tôi cảm thấy cứ như 32 năm đã trôi qua vậy", al-Kurdi nói.

Phạm Giang (Theo Anadolu, Al Mayadeen)

Có thể bạn quan tâm
Nga thu được xuồng tự sát nguyên vẹn của Ukraine

Nga thu được xuồng tự sát nguyên vẹn của Ukraine

15:50 24/11/2023

Nga thu được xuồng tự sát còn nguyên vẹn của Ukraine tại phía tây bán đảo Crimea và có thể khai thác được nhiều thông tin từ đó.

Ông Kim Jong-un cảnh báo kịch bản xóa sổ Hàn Quốc

Ông Kim Jong-un cảnh báo kịch bản xóa sổ Hàn Quốc

15:20 09/02/2024

Lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo Triều Tiên sẽ không ngần ngại 'xóa sổ' Hàn Quốc nếu bị nước này tấn công.

Philippines giải cứu hơn 1.000 nạn nhân buôn người

Philippines giải cứu hơn 1.000 nạn nhân buôn người

21:30 06/05/2023

Chính quyền Philippines vừa giải cứu thành công hơn 1.000 nạn nhân buôn người từ nhiều quốc gia châu Á.

Sai lầm khiến phe cực hữu thất bại trong bầu cử Pháp

Sai lầm khiến phe cực hữu thất bại trong bầu cử Pháp

04:50 13/07/2024

Từ thế dẫn đầu, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia thua ngược phe cánh tả lẫn trung dung trong bầu cử quốc hội Pháp vì sai lầm trong cách chọn ứng viên.

Moskva lên án đề xuất cho Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga

Moskva lên án đề xuất cho Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga

08:30 28/05/2024

Moskva chỉ trích Tổng thư ký NATO vì đề xuất cho Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga, cáo buộc khối này đang đối đầu trực tiếp Moskva.

Dân quân Iraq tuyên bố tập kích loạt căn cứ Mỹ

Dân quân Iraq tuyên bố tập kích loạt căn cứ Mỹ

17:00 03/02/2024

Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq tuyên bố tấn công hàng loạt sân bay ở Iraq và Syria, nơi đóng quân của nhiều binh sĩ Mỹ.

Mỹ phá hủy hai tên lửa diệt hạm của Houthi

Mỹ phá hủy hai tên lửa diệt hạm của Houthi

15:30 24/01/2024

Mỹ tập kích điểm phóng tên lửa chống hạm của Houthi, khi nhóm vũ trang chuẩn bị phóng chúng vào tàu hàng ở Biển Đỏ.

Iran tập kích tên lửa xa chưa từng thấy vào mục tiêu IS ở Syria

Iran tập kích tên lửa xa chưa từng thấy vào mục tiêu IS ở Syria

15:50 17/01/2024

Iran phóng tên lửa đạn đạo Kheibar Shekan nhằm vào cơ sở của IS cách gần 1.300 km tại Idlib, Syria, dường như nhằm 'dằn mặt' các đối thủ.

Nhà văn Na Uy thắng giải Nobel Văn học 2023

Nhà văn Na Uy thắng giải Nobel Văn học 2023

19:30 05/10/2023

Giải Nobel Văn học năm 2023 được trao cho tác giả người Na Uy Jon Fosse cho 'những vở kịch và áng văn xuôi sáng tạo đã lên tiếng cho...

Co loi xay ra
Co loi xay ra