Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người nâng tầm 'ngoại giao cây tre' Việt Nam

21:40 20/07/2024

Với Đại sứ Bùi Thế Giang, những sự kiện đối ngoại lịch sử của đất nước Việt Nam trong thời gian qua mang đậm dấu ấn, tầm nhìn, bản lĩnh của nhà chính trị tài ba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đặt tên và nâng tầm 'ngoại giao cây tre' Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Đại sứ Bùi Thế Giang - nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, xin phép được gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "anh" không chỉ bởi "anh Trọng hơn tôi chục tuổi" mà còn bởi muốn thể hiện sự kính trọng và thân thiết với nhà lãnh đạo mới từ trần.

Trong giờ phút tiễn đưa một nhân cách lớn của dân tộc, ông không giấu được nỗi buồn sâu sắc nhất.

Dấu ấn đối ngoại

Đại sứ Bùi Thế Giang trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ - Ảnh: DANH KHANG

Với ông Giang, mỗi vị lãnh đạo Đảng của Việt Nam những thập niên vừa qua đều để lại một, thậm chí nhiều, dấu ấn.

Chẳng hạn Tổng bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo Đảng đầu tiên sau Đổi mới dẫn đầu đoàn của Đảng ta đi thăm các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa, trong đó có các chuyến đi Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 4-1995 và sau đó đi New Zealand, Úc vào tháng 7 và 8-1995 mà ông được tháp tùng.

"Nhưng với anh Trọng, tôi thấy có những điểm mà trong đời tôi không thể quên được và lịch sử có lẽ cũng phải nhìn nhận cho thoả đáng mới ghi được đúng công của anh Trọng", ông Giang nhấn mạnh.

Ví dụ trong chuyến thăm "3 nước 5 bên" ở Tây Âu vào tháng 1-2013 (gồm Liên minh châu Âu, Bỉ, Ý, Vatican và Anh), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo đầu tiên Đảng đi thăm Vatican, mặc dù lúc đó giữa Việt Nam và Vatican chưa có bất kỳ quan hệ ngoại giao chính thức nào về mặt nhà nước.

Trong chuyến đi đó, có một thông điệp rất quan trọng mà Tổng bí thư đã truyền tải đến Giáo hoàng, sau đó Giáo hoàng đã tiếp nhận và dùng để nói lại với Giáo hội Công giáo Việt Nam và giáo dân Công giáo Việt Nam, đó là: "Là giáo dân tốt trước hết phải là công dân tốt".

"Chuyến thăm Vatican của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cực kỳ quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Tổng bí thư", ông Giang nhấn mạnh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Giáo hoàng Benedict XVI trong chuyến thăm Tòa thánh Vatican năm 2013 - Ảnh: TTXVN

Tầm nhìn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn thể hiện rõ nét qua chuyến thăm Anh vào cùng năm đó theo lời mời của Thủ tướng David Cameron, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Anh.

Mặc dù tính đến thời điểm đó, hai nước Việt Nam và Anh đã có quan hệ ngoại giao 40 năm (từ năm 1973) và đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược hơn 2 năm (từ năm 2010), nhưng thủ tướng Anh vẫn chưa một lần sang Việt Nam.

uy nhiên, Tổng bí thư vẫn quyết định đi thăm Anh vì ý nghĩa chiến lược trong quan hệ của Việt Nam với Anh - một đất nước đặc biệt, một nước lớn ở châu Âu và trên thế giới, 1 trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong quá trình chuẩn bị chuyến thăm này, Tổng bí thư đã chỉ đạo để thống nhất với phía chủ nhà về phương pháp, cách thức, danh nghĩa phù hợp nhất, bảo đảm cho chuyến đi được chuẩn bị thật sự đầy đủ, chu đáo. Khác với một số ý kiến nêu ra ban đầu, cuối cùng đây là chuyến thăm chính thức và do đích thân Thủ tướng Anh David Cameron viết thư mời Tổng bí thư.

Tầm nhìn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về nước Anh từ cách đây hơn 10 năm đến nay đã được minh chứng bởi vị thế, mối quan tâm ngày càng đáng kể hiện nay của nước Anh với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt đối với ASEAN và Biển Đông.

"Chuyến thăm chỉ kéo dài hơn một ngày một chút, nhưng là chuyến đi quan trọng, thực sự tạo dấu ấn, tạo bước đột phá", ông Giang nhận định.

Thủ tướng Anh David Cameron đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Vương quốc Anh, ngày 22-1-2013, tại số 10 phố Downing ở Thủ đô London - Ảnh: TTXVN

Người đặt tên và nâng tầm "ngoại giao cây tre Việt Nam"

Nói đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là phải nói đến trường phái "ngoại giao cây tre" đã được thế giới nhìn nhận, giúp tạo nên vị thế của đất nước Việt Nam ngày nay.

Theo ông Giang, ngoại giao cây tre Việt Nam vốn tồn tại trong lịch sử ngoại giao Việt Nam từ xưa tới nay nhưng chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "là người đặt tên và nâng nó lên thành tầm lý luận".

"Chắc chắn trong đầu anh Trọng, khái niệm ngoại giao cây tre với khái niệm ngoại giao Hồ Chí Minh là một. Vì vậy, gọi là phân biệt cũng được mà không phân biệt cũng được.

Tôi luôn ngưỡng mộ và coi Bác Hồ là một vị thánh sống, nhưng cũng xin chia sẻ suy nghĩ thật của cá nhân tôi là khi cuộc kháng chiến cứu nước của chúng ta đã qua nhiều năm, không phải ai trên thế gian này hiện nay cũng đều biết đến Bác, mặc dù tên tuổi Bác rất lừng lẫy, UNESCO đã vinh danh Bác là 'Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa'.

Gắn nền ngoại giao của chúng ta với tên tuổi Hồ Chí Minh thì quá đúng, quá đẹp, nhưng hình như có phần hơi không dễ hiểu ngay đối với những người lần đầu tiên tiếp cận khái niệm này. Còn khi nói 'ngoại giao cây tre' thì ai cũng hiểu bản chất của 'cây tre' là như thế nào.

Tôi nghĩ rằng anh Trọng một lần nữa thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn ở chỗ đó", ông Giang đưa ra nhận định.

TRÍCH DẪN

“Từ nơi sâu nhất trong trái tim của tôi, tôi kính trọng anh ấy với tư cách một con người. Đồng thời từ nơi sâu nhất trong đầu của tôi, tôi kính trọng anh ấy với tư cách là một lãnh đạo chính trị” - Đại sứ Bùi Thế Giang

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ vào ngày 7-7-2015 - Ảnh: AFP

Chất "ngoại giao Hồ Chí Minh", "ngoại giao cây tre", theo ông Giang, có sẵn trong con người Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đã trải qua sự cần mẫn nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo để nắm bắt được.

Nhưng có lẽ tầm nhìn và bản lĩnh chính trị cũng như tính mục tiêu "lợi ích quốc gia - dân tộc" trong đối ngoại của Tổng bí thư thể hiện rõ ràng nhất qua việc Tổng bí thư là con người của "những lần đầu tiên" trong nhiều sự kiện, trong đó có chuyến thăm lần đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất Đảng ta tới Vatican và Anh như vừa nhắc tới, mà nổi bật nhất là chuyến đi lịch sử đến Mỹ vào tháng 7-2015.

Đó là lần đầu tiên tổng thống Mỹ mời, đón và hội đàm với một Tổng bí thư Đảng Cộng sản tới thăm chính thức Mỹ.

Theo ông Giang, chuyến thăm được thực hiện vào một thời điểm không thể phù hợp và chính xác hơn, khi có không ít lực cản từ cả hai phía Việt Nam và Mỹ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan và hoàn toàn hiểu được nếu xét tới cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam kéo dài hơn 20 năm.

Ông Giang đánh giá lực cản càng nhiều bao nhiêu thì ý nghĩa chính trị đúng đắn, tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh của tập thể Bộ Chính trị và đặc biệt, của cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách người lãnh đạo cao nhất của Đảng, khi quyết định thực hiện chuyến thăm lịch sử ấy, lại càng lớn bấy nhiêu.

"Nói về kết quả chuyến thăm, phải nói rằng Tuyên bố Tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ được thông qua trong chuyến thăm là một tuyên bố đặc biệt cho đến ngày hôm nay, không chỉ trong quan hệ Việt - Mỹ mà còn trong quan hệ giữa nước ta với các quốc gia khác trên thế giới.

Anh Trọng đi Mỹ với danh nghĩa Tổng bí thư, không có bất kỳ chức danh gì về nhà nước, nhưng trong Tuyên bố Tầm nhìn chung thông qua ngày 7-7-2015, từ đầu tới cuối của văn bản dài 4 trang đều chỉ dùng mấy cụm từ này thôi: "hai nước", "Việt Nam và Hoa Kỳ", "hai quốc gia"…

Xin nhớ lại rằng hầu như tất cả các tuyên bố chung Việt - Mỹ trước nay đều dùng cách viết "hai nhà lãnh đạo", và ngay bản Tuyên bố chung được thông qua ngày 10-9-2023 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam cũng dùng xen lẫn cụm từ "hai nước" với cụm từ "hai nhà lãnh đạo", để thấy rằng việc Tuyên bố Tầm nhìn chung [năm 2015] chỉ duy nhất sử dụng những cụm từ như "hai nước", "hai quốc gia", "Việt Nam và Hoa Kỳ" thực sự đặc biệt vì đó là một cách để chính quyền Mỹ, tổng thống Mỹ và nước Mỹ chính thức thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo đất nước Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo hệ thống chính trị và lãnh đạo đất nước Việt Nam.

Tôi xin nói, đó là dấu ấn tuyệt vời, là điều đặc biệt và cho đến nay là độc nhất vô nhị. Nếu như không phải anh Trọng là người được mời và dẫn đầu đoàn, tôi chưa chắc đã có được cách ghi nhận như thế trong văn bản chuyến thăm", ông Giang phân tích.

  • 'Ngoại giao cây tre Việt Nam' được thế giới nhìn nhậnĐỌC NGAY

Bản Tuyên bố Tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ ngoài thể hiện tầm nhìn của quốc gia, của hai nước, thì còn thể hiện tầm nhìn của cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Cách đây hai ngày, khi tôi gặp một cán bộ Thành ủy Hải Phòng, anh ấy nhắc lại với tôi 4 cụm từ về quan hệ Việt - Mỹ: 'Vượt lên quá khứ, khắc phục khác biệt, thúc đẩy lợi ích chung, hướng tới tương lai'.

Tôi cười và cảm ơn anh ấy vì đấy là 4 cụm từ nằm trong Tuyên bố chung quan hệ Việt Mỹ thông qua ngày 7-7-2015 mà tôi là một người tham gia đàm phán.

Việc anh cán bộ Thành ủy Hải Phòng nhớ được và nhắc lại được 4 cụm từ này nhỏ thôi, nhưng nó thể hiện dấu ấn, tác động, hiệu ứng của tư duy lãnh đạo, cách nhìn lãnh đạo đã thấm vào cán bộ, đảng viên như thế nào.

Đó là những dấu ấn hẳn hoi và đó không chỉ là cố tạo ra dấu ấn, mà đó là tư duy trí tuệ, nằm trong máu, hay nói theo cách diễn đạt của bạn bè ở các nước phát triển là 'nằm trong ADN của con người'. Tôi nghĩ rằng những tư duy của Tổng bí thư thực sự ở tầm trí tuệ", ông Giang chia sẻ.

Dấu ấn người Cộng sản

Sau chuyến đi Mỹ năm 2015, Tổng bí thư có tổ chức một bữa ăn nhỏ tại Văn phòng Trung ương Đảng để mời một số anh chị em giúp việc trực tiếp trong chuyến thăm. Không có sơn hào hải vị, đó chỉ là bữa cơm "tươi", thực sự giản dị, có lẽ chỉ trên mức cơm bình dân một chút.

Trước khi bắt đầu bữa ăn, anh Trần Quốc Vượng (khi đó là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) đứng lên giới thiệu: "Chúng ta rất vinh dự được đồng chí Tổng bí thư và phu nhân [Ngô Thị Mận] đến dự cùng bữa cơm hôm nay".

Không cần chờ anh ấy nói hết câu, anh Trọng đứng dậy nói ngay: "Anh Vượng nói thế là không ổn. Hôm nay là tôi với bà xã tôi mời để cảm ơn các anh chị em".

Ăn xong, trước khi mọi người ra về, anh Trọng nói: "Các bạn đã làm việc rất vất vả để có một chuyến công tác rất thành công. Bây giờ, tôi xin có chút bồi dưỡng cho các bạn".

Tôi chắc rằng anh Trọng đã chuẩn bị và phát cho mỗi người một phong bì với "ruột" như nhau và tôi vẫn giữ đến ngày nay, chưa tiêu vào việc gì hết. 2 triệu vẫn nguyên xi trong đó.

Nghĩ lại một chuyện nhỏ như thế, nhớ lại trong cuộc đời đối ngoại, cá nhân tôi đã được tham gia rất nhiều chuyến công tác ít nhiều giống như thế nhưng chưa bao giờ có "động thái" nào đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đầy tình cảm như thế, tôi lại nghĩ tới điều gì đó ở anh Trọng cực kỳ nhân văn, cực kỳ con người và cực kỳ Cộng sản theo nghĩa đẹp nhất của nó.

Tôi kính trọng anh Trọng cả từ góc độ con người, nhân văn lẫn góc độ một nhà lãnh đạo chính trị.

Có một câu chuyện rất hay đối với tôi khi anh Trọng được bầu lại làm Tổng bí thư. Theo thông lệ, anh Trọng dự định sẽ đi thăm một số nước láng giềng, trong đó đương nhiên Lào và Campuchia được coi là ưu tiên nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Phương án ban đầu của cơ quan tham mưu là mời Tổng bí thư và phu nhân cùng đi. Nghe báo cáo về phương án đó, anh Trọng nói một câu mà không ai cãi được: "Sang Campuchia, Quốc vương làm gì có bà xã bên cạnh như tôi. Đi thế vừa không tiện cho bạn, vừa không tiện cho tôi".

Một câu ấy thôi làm cho mọi người phải tâm phục, khẩu phục. Thật "tinh thông nghề nghiệp, tinh tế trong ứng xử, và cả tinh khiết trong cốt cách".

Riêng tôi, tôi khâm phục không chỉ từ góc độ chuyên môn mà còn từ góc độ con người, nhân văn, hiểu biết sâu rộng của anh Trọng.

Nhà ngoại giao nước ngoài nói về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm Mỹ, ngày 9-7-2015. Đại sứ Bùi Thế Giang (trong ảnh) là người tháp tùng Tổng bí thư trong chuyến thăm lịch sử này - Ảnh: NVCC

"Nhiều người nước ngoài sau khi gặp anh Trọng, không nhất thiết đều ca ngợi ngay rằng đây là một lãnh đạo thế này, tầm cỡ thế kia. Nhưng tôi nhận thấy người ta nhìn ra được những cư xử của anh Trọng, nhẹ nhàng, nhân văn, đúng như một ông thầy đồ với nghĩa đẹp của nó", ông Giang chia sẻ khi được chúng tôi hỏi về suy nghĩ, nhận xét của những nhà ngoại giao nước ngoài với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong cuộc gặp mới đây giữa ông Giang với một nhà ngoại giao Singapore, anh này khẳng định: "Ngài Tổng bí thư có vị trí rất quan trọng trong việc đặt nền móng cho việc Việt Nam - Singapore nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013".

Nhà ngoại giao Singapore có ý nhắc tới chuyến thăm tháng 9-2012 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Thủ tướng Singapore khi đó ông Lý Hiển Long và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố ý định nâng cấp quan hệ giữa hai nước.

Câu nói tưởng như bình thường, nhưng theo ông Giang, không phải ngẫu nhiên: "Đặt trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Singapore, với các nước ASEAN và với những nước mà chúng ta đã nâng cấp quan hệ, anh bạn Singapore ấy nói ngay chuyện đó được, chứng tỏ chuyện ấy đã nằm trong đầu anh ấy rồi".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Bùi Thế Giang trên chuyến bay về nước sau chuyến thăm Anh, ngày 14-1-2013 - Ảnh: NVCC
Có thể bạn quan tâm
Liban bắt giữ một thủ lĩnh khét tiếng của tổ chức khủng bố al-Qaeda

Liban bắt giữ một thủ lĩnh khét tiếng của tổ chức khủng bố al-Qaeda

09:00 21/05/2023

Thông báo của quân đội Liban cho biết TM là một trong những thủ lĩnh nổi bật nhất của al-Qaeda và đối tượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lập ra tổ chức khủng bố Fatah al-Islam.

Nhật Bản-Saudi Arabia ký MoU về đối thoại chiến lược

Nhật Bản-Saudi Arabia ký MoU về đối thoại chiến lược

00:20 08/09/2023

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah tiếp người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tại thủ đô Riyadh ngày 7/9.

UAV Ukraine tiếp tục tấn công tàu Nga gần Crimea

UAV Ukraine tiếp tục tấn công tàu Nga gần Crimea

17:40 05/08/2023

Trước đó một ngày, Ukraine triển khai một vụ tấn công khác bằng UAV và xuồng không người lái vào tàu tuần tra tại căn cứ hải quân Novorossiysk ở miền Nam nước Nga.

[Infographics] Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh

[Infographics] Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh

08:20 20/10/2023

Đây là lần đầu tiên các Lãnh đạo Cấp cao của ASEAN và GCC gặp nhau kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990 và được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC.

Dịch vụ giải tỏa lều trại vô gia cư ở Mỹ

Dịch vụ giải tỏa lều trại vô gia cư ở Mỹ

05:10 29/04/2024

Các công ty giải tỏa lều trại vô gia cư tại Mỹ làm ăn tốt nhờ nhu cầu cao từ chính quyền địa phương, nhưng cũng gây lo ngại về quyền của những người không nhà cửa.

Bom chùm đã đến Ukraine, hai kịch bản đáp trả của Nga

Bom chùm đã đến Ukraine, hai kịch bản đáp trả của Nga

09:40 15/07/2023

Việc Ukraine xác nhận bom chùm do Mỹ viện trợ đã mở đầu một giai đoạn leo thang mới trong cuộc chiến với Nga.

Vấn đề hạt nhân Iran: Tehran tỏ thái độ tích cực với IAEA, Trung Quốc nêu quan điểm

Vấn đề hạt nhân Iran: Tehran tỏ thái độ tích cực với IAEA, Trung Quốc nêu quan điểm

01:00 07/03/2023

Ngày 6/3, một ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đã đưa ra một loạt cam kết tích cực, Trung Quốc đã đưa ra quan điểm.

Ukraine muốn dùng drone đánh chặn UAV tầm xa Nga

Ukraine muốn dùng drone đánh chặn UAV tầm xa Nga

11:50 06/04/2024

Ukraine đang tìm cách chế tạo drone đánh chặn có thể săn lùng và hạ một số UAV của Nga nhằm tiết kiệm đạn tên lửa phòng không.

Ông Thaksin có thể thụ án ngoài nhà tù

Ông Thaksin có thể thụ án ngoài nhà tù

12:30 21/12/2023

Thái Lan xác nhận cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đủ điều kiện thụ án bên ngoài nhà tù, theo quy định mới của Cục Cải huấn.

Co loi xay ra
Co loi xay ra