Toàn văn Bài phát biểu về quan hệ Việt Nam-Iran của Chủ tịch Quốc hội

13:00 10/08/2023

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu “Việt Nam-Iran hợp tác vì hòa bình và phát triển” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 9/8 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Hồi giáo Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng về quan hệ “Việt Nam-Iran hợp tác vì hòa bình và phát triển” tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ Quốc tế Iran.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Thưa ngài Quyền Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh của Quốc hội Iran, Tiến sỹ Amoie.

Thưa Tiến sỹ Muhammad Hassan Shaykh Al Islami, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Iran!

Thưa các bạn Iran và Việt Nam thân mến!

1. Tôi cảm ơn Viện Nghiên cứu Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Iran đã tổ chức cuộc gặp rất có ý nghĩa hôm nay. Đây là một cơ hội để chúng tôi trao đổi với các nhà ngoại giao kỳ cựu, các học giả uyên bác tại một trong những viện nghiên cứu uy tín hàng đầu của Iran và khu vực đúng vào dịp hai nước chúng ta đang kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đại biểu dự chương trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

2. Trong chuyến thăm chính thức Iran lần này, trong mỗi chúng tôi tràn đầy những câu chuyện, những ấn tượng tốt đẹp về lòng mến khách, sự hào phóng và tấm lòng nhân hậu của người dân Iran - một truyền thống quý báu, một di sản đáng trân trọng.

Từ những giây phút đầu tiên đặt chân lên đất nước của các bạn, những ánh mắt ấm áp, những nụ cười đôn hậu, những cái bắt tay thật chặt khiến chúng tôi cảm thấy như được gặp lại những người bạn cũ với cảm xúc gần gũi như nhà thơ Ba Tư vĩ đại Mawlana Rumi từng nói: “Tôi yêu mến bạn bằng cả tâm hồn mình, bởi tâm hồn không bao giờ ngừng nghỉ, chẳng bao giờ lãng quên.”

Với nhiều thế hệ người Việt Nam, Iran là nền văn minh lâu đời, với những thành tựu khoa học xuất sắc trong nhiều lĩnh vực còn nguyên giá trị đến ngày nay. Văn học và thơ ca Iran như các tuyển tập “Thơ cổ Ba Tư,” “Thơ ngụ ngôn Ba Tư,” và nổi bật là các câu chuyện ly kỳ cuốn hút trong “1001 đêm lẻ” của nàng Scheherazade hay “phiên chợ Ba Tư” là một bức tranh đa sắc màu với những sạp hàng, những tấm thảm Ba Tư sặc sỡ bên tiếng đàn “Ta” réo rắt hoà cùng tiếng trống “Tông-bắc” vui nhộn và còn nhiều tác phẩm khác đã được xuất bản bằng tiếng Việt và được đông đảo công chúng và nhân dân tiếp nhận, đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trả lời các câu hỏi của đại biểu Iran. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Dù cách xa địa lý nhưng không thể ngăn cản sự hợp tác giữa chúng ta. Cách đây hàng nghìn năm, nhiều thương nhân Sassanid, Ba Tư đã giao thương hàng hóa, lập thương điếm tại các cảng Việt Nam. Giờ đây, chúng ta chỉ cách nhau gần 10 giờ đồng hồ bay qua 5.500 km để kết nối Hà Nội và Tehran, là 2 “Thủ đô vì hòa bình.” Tuyến đường hòa bình đó đưa Đoàn chúng tôi đến với các bạn mang theo tình hữu nghị thân tình gắn bó “Việt Nam-Iran: hợp tác vì hoà bình và phát triển.”

Thưa quý vị và các bạn,

3. Là hai đất nước từng phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh, thăng trầm của lịch sử, tình yêu hòa bình ngấm vào máu thịt của người dân hai nước chúng ta.

Chàng dũng sỹ Arash trong truyền thuyết Ba Tư đã để lại cho chúng ta bài học về cách phân định bờ cõi, chấm dứt bạo lực một cách hòa bình đáp ứng khát vọng của người dân Iran và các nước láng giềng.

Đến thăm Iran, chúng tôi cảm nhận được hòa bình không chỉ với nhiều và rất nhiều nụ cười thân thiện, mà còn với câu chào Salam nghĩa hòa bình từ những tấm lòng đôn hậu.

Ở Việt Nam, vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi, Nhà thơ - Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam - cũng đã từng nói: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân mà thay cường bạo” để “Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh/Mở nền thái bình muôn thuở.” Những câu thơ đó còn vang vọng đến hôm nay thể hiện rõ đường lối hòa hiếu, trọng lẽ phải, trọng công lý và chính nghĩa, cũng là khát vọng phát triển hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới đang trải qua nhiều biến động khó lường, chưa từng có. Chiến tranh, xung đột, cạnh tranh chiến lược, sự chia tách giữa các nước lớn, đứt gãy các chuỗi cung ứng… cộng hưởng với các vấn đề toàn cầu cấp bách như thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, bất bình đẳng xã hội… đang đặt các quốc gia trước nhiều thách thức chưa từng có.

Kinh tế thế giới trên đà phục hồi sau đại dịch COVID-19, song chưa vững chắc, thậm chí đối diện với nguy cơ suy thoái. Nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hợp quốc chậm tiến độ, khó hoàn thành.

Nguồn lực quốc tế dành cho hợp tác phát triển bị căng trải, không thể đáp ứng hết những nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, nhân loại cũng đang phát triển nhanh với nhiều cơ hội từ sự liên kết, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ trong dòng chảy mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0…

Đứng trước các cơ hội, thách thức đó, hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển càng là khát vọng cháy bỏng, là mục tiêu phấn đấu không ngừng, không nghỉ của nhân loại.

Thưa quý vị và các bạn,

4. Tôi xin chia sẻ đôi điều về câu chuyện của Việt Nam và con đường đi lên.

Từ năm 1986, Việt Nam đã lựa chọn con đường Đổi mới toàn diện và đồng bộ. Thực tế cho thấy, đây là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn với điều kiện, hoàn cảnh một nước nghèo, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cấm vận khắc nghiệt, đã vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng.

Sau 35 năm Đổi mới, từ năm 1986 đến năm 2021, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức bình quân khoảng 6%/năm trong hàng chục năm, quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt 4.163 USD vào năm 2022.

Ngày nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 nước, vùng lãnh thổ, kim ngạch thương mại đạt 730 tỷ USD năm 2022; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 450 tỷ USD với 37.000 dự án đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Liên hợp quốc xếp vào nhóm 20 nước thành công nhất thế giới về thu hút FDI.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% vào năm 1993 đã giảm xuống còn 2,23% vào năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều mới của Liên hợp quốc.

Trong dịch COVID-19, năm 2021-2022, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” về phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi kinh tế-xã hội và đạt kết quả ấn tượng. Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp 3,15%. Dù là nước đi sau nhưng Việt Nam đã bao phủ 260 triệu liều vaccine COVID-19 cho dân số gần 100 triệu người, trở thành một trong 6 quốc gia có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới. Dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn luôn chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để đạt được những thành tựu toàn diện, đáng khích lệ đó, tôi xin trao đổi với quý vị 3 bài học chính được rút ra từ thực tiễn của nước mình:

Một là, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với tinh thần lấy dân làm gốc.

Nhân tố quyết định thành công của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự lãnh đạo nhất quán, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam. Chúng tôi luôn hành động theo quan điểm lấy "dân là gốc," “đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu tối thượng.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Việt Nam xây dựng “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Nhà nước pháp quyền Việt Nam là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Trên tinh thần đó, phương châm hành xử của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ công chức là dân phải biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Vì lẽ đó, mọi quyết sách của Đảng và Nhà nước đều phải đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm.

Với đường lối đúng đắn được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, hành động sáng tạo, cùng với sự hợp tác quốc tế rộng lớn đã tạo nên quốc lực mạnh mẽ làm cho Việt Nam chúng tôi vững vàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đang từng bước phát triển nhanh, bền vững.

Hai là, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Năm 2021, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII chúng tôi đã đề ra 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: Mục tiêu thứ nhất là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Mục tiêu thứ hai là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó và khát vọng hùng cường đó, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên: xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa hướng về phục vụ người dân; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế sâu rộng. Coi trọng, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Tập trung nguồn nội lực và nguồn lực bên ngoài, bao gồm cả nguồn lực của tư nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ba là, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả.

Trên tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ, toàn diện cả ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước (bao gồm ngoại giao nghị viện, ngoại giao Chính phủ, và đối ngoại Nhân dân).

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ và nền kinh tế đối tác.

Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, được hưởng nhiều ưu đãi cao tại thị trường của 60 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và tất cả các nước của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Quốc hội Việt Nam có quan hệ với hơn 140 nghị viện trên thế giới.

Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao nhất vào những nỗ lực chung, đảm nhiệm thành công trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương quan trọng và đang thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Thưa quý vị và các bạn!

5. Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến đổi phức tạp, khó lường, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt và phức tạp, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, tích cực hợp tác, chủ động hội nhập quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Nhóm 77 nước (G77), Phong trào Không Liên kết…, tích cực đóng góp có trách nhiệm để xây dựng một trật tự quốc tế ổn định, công bằng, bình đẳng, đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, Trung Đông có một vị trí quan trọng. Chúng tôi đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và duy trì mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia trong khu vực, trong đó Iran là đối tác quan trọng, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chúng tôi mong muốn xu thế hoà dịu, hợp tác ở khu vực tiếp tục được thúc đẩy, tạo môi trường ổn định cho các cơ hội hợp tác được nở rộ. Trong tiến trình này, không thể thiếu đóng góp tích cực của Iran, có vị trí, vai trò địa chính trị rất quan trọng tại khu vực.

Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng Cộng đồng 2025, một “gia đình” ASEAN vững mạnh và đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực. Hợp tác của hai khu vực: châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, là thành tố quan trọng vun đắp cho hòa bình và ổn định trên thế giới. Hai nước chúng ta cùng có vai trò trong quá trình hợp tác này.

Bên cạnh đó, hai nước đều có khả năng nhất định trong tham gia xử lý các thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, tham gia các chuỗi cung ứng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ trên thế giới và khu vực... Sự hợp tác chặt chẽ của hai nước tại các diễn đàn liên quan sẽ đóng góp cho hợp tác toàn cầu.

Tháng 9/2023, Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) với chủ đề “Vai trò của giới trẻ với các mục tiêu phát triển bền vững, gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.” Chúng tôi mong muốn nghị viện các nước thành viên IPU và các đối tác ủng hộ và tham gia sự kiện quan trọng này.

Thưa quý vị và các bạn,

6. Ngày nay, Việt Nam và Iran là những nền kinh tế phát triển năng động ở châu Á, cùng sở hữu thị trường quy mô trên dưới 100 triệu dân, với nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau. Chúng ta có cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp thanh niên, trí thức phát triển, với lợi thế lực lượng lao động dồi dào, tỷ lệ tiếp cận Internet cao. Chúng ta cùng chia sẻ khát vọng đẩy mạnh hợp tác vì hòa bình và phát triển trên nền tảng quan hệ chính trị-ngoại giao song phương đang hết sức tốt đẹp.

Hướng tới một Tương lai Hòa bình và Phát triển với tầm nhìn 50 năm tới cho quan hệ giữa hai nước, tôi đề nghị chúng ta cùng chung tay củng cố 4 Kết nối sau:

Một là, Kết nối cơ chế đối thoại và hợp tác.

Iran là một trong bốn nước đầu tiên tại khu vực Trung Đông mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày nay, Việt Nam và Iran coi nhau là đối tác quan trọng. Tin cậy chính trị là vốn quý, là nền tảng, là cơ sở để hợp tác hai nước đơm hoa, kết trái.

Tôi mong rằng hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao được tăng cường, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác Nghị viện, Ủy ban Liên Chính phủ, Tham vấn chính trị hai Bộ Ngoại giao và các cơ chế hiện có khác cần được duy trì thường xuyên. Hai bên rà soát, thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác nghị viện có vai trò quan trọng, nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác.

Hai là, Kết nối số, khoa học công nghệ và giao thông.

Đây vừa là hướng đi, vừa là giải pháp cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong tương lai. Trong thế giới phẳng hôm nay, kết nối số và khoa học công nghệ có thể xóa mờ rào cản về địa lý, mang lại giá trị gia tăng cao cho hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực viễn thông; công nghệ thông tin; chuyển đổi số; các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ nano để cùng nhau mở ra cánh cửa tương lai.

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, tương lai không chỉ đơn thuần là đường kéo dài của quá khứ. Chúng tôi tin rằng, trong điều kiện phát triển của khoa học và công nghệ và xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số rất mạnh mẽ như hiện nay thì các nước phát triển hay đang phát triển đều có thể phải quay trở lại điểm xuất phát, từ đó cũng mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, các nước đi sau.

Thúc đẩy các tuyến giao thông hàng hải, hàng không là những mối liên kết hiện hữu để kết nối hai nước và cả hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.

Ba là, Kết nối về thương mại-đầu tư.

Việt Nam và Iran có quy mô kinh tế, dân số, trình độ phát triển khá tương đồng, có cơ cấu kinh tế có tính bổ sung cao, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ, Iran là một trong những nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới trong khi Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn hàng đầu thế giới. Còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác về hàng hóa hay dịch vụ có thể phát triển. Chính phủ hai nước cần tạo thuận lợi thương mại cho nhau để hàng hóa, dịch vụ thâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Các cơ quan Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, đề ra các sáng kiến mới để cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác ngày càng có hiệu quả.

Trên tinh thần đó, tôi đánh giá cao kết quả Hội thảo trực tuyến “Tình hình khu vực và vai trò của Iran và Việt Nam” do quý Viện và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 14/6/2023.

Bốn là, Kết nối con người với con người.

Bề dày và những nét tương đồng về văn hóa là tài sản quý để thúc đẩy các mối liên kết hai nước. Tôi cho rằng, du lịch và giáo dục là hai cầu nối quan trọng, giúp cho tình hữu nghị của người dân và thế hệ trẻ hai nước ngày càng bền chặt hơn.

Về du lịch, đây là lĩnh vực chúng ta có nhiều thế mạnh. Iran thật tự hào có 27 di sản thế giới đã được UNESCO công nhận. Việt Nam cũng có 8 di sản thế giới. Phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, là cách thức tuyệt vời nhất để kết nối người dân, đưa hai đất nước chúng ta thêm xích lại gần nhau, hiểu biết nhau và yêu mến nhau nhiều hơn.

Về giáo dục, nhiều sinh viên Việt Nam được nhận học bổng ngôn ngữ và văn hoá Ba Tư sau khi tốt nghiệp đã và đang lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp về Iran, về sự diệu kỳ của văn hóa Iran và tấm lòng đôn hậu của người dân Iran. Hiện nay, ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư đã được giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần giúp sinh viên Việt Nam tìm hiểu, khám phá nền văn hóa lâu đời của các bạn.

Tôi mong rằng sẽ có các chương trình Việt Nam học được giảng dạy tại các trường đại học tại Iran. Hợp tác giáo dục sẽ vun đắp cho tương lai chung của chúng ta.

Thưa quý vị và các bạn,

7. Trong 50 năm qua, vượt qua bao thách thức to lớn và những biến động khôn lường của lịch sử, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt của hai nước đạt nhiều thành quả đáng tự hào và là tiền đề, nền móng để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trong nửa thế kỷ tiếp theo.

Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn các bạn Iran trên các cương vị khác nhau đã đóng góp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

8. Thay cho lời kết thúc thân ái và để nói lên mong ước về hợp tác Việt Nam – Iran trong một thế giới hợp tác vì hòa bình và phát triển, tôi nghĩ không lời nào có thể sánh bằng những vần thơ đầy sâu sắc và nhân văn của Đại thi hào Mawlana Rumi:

“Hòa bình lan tỏa đất trời,

Hân hoan chào đón, vàng mười là đây.

Hồi sinh mầm sống từ nay,

Từng giây, từng phút, đẹp thay rạng ngời”

Trân trọng cảm ơn và xin chúc quý vị cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công

"Salam Alaikum!"./.

Có thể bạn quan tâm
Nga tập kích Kharkov đáp trả vụ tấn công Belgorod

Nga tập kích Kharkov đáp trả vụ tấn công Belgorod

17:50 31/12/2023

Quân đội Nga tập kích các sở chỉ huy và cơ sở quân sự Ukraine ở Kharkov, đáp trả vụ pháo kích Belgorod khiến 24 người thiệt mạng.

Trao tặng huân, huy chương Hữu nghị cho các thành viên Hội Hữu nghị Nga - Việt

Trao tặng huân, huy chương Hữu nghị cho các thành viên Hội Hữu nghị Nga - Việt

09:40 26/05/2024

Ngày 23/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức trao tặng huân, huy chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý của nhà nước Việt Nam - cho các thành viên của Hội Hữu nghị Nga - Việt, những người đã có đóng góp to lớn trong việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Nga tố cáo Ukraine tập kích tàu dân sự bằng xuồng không người lái

Nga tố cáo Ukraine tập kích tàu dân sự bằng xuồng không người lái

23:10 10/02/2024

Nga cho biết đã đẩy lùi cuộc tấn công bằng xuồng không người lái của Ukraine vào các tàu vận tải dân sự ở tây nam Biển Đen.

Cảnh sát Australia nghi 4 du học sinh Việt 'cố tình lẩn trốn'

Cảnh sát Australia nghi 4 du học sinh Việt 'cố tình lẩn trốn'

15:20 31/01/2024

Cảnh sát Australia tin rằng 4 du học sinh Việt Nam biến mất tại nước này hồi đầu tháng 1 có thể đang 'chủ động lẩn trốn khỏi chính quyền'.

Thủ tướng Israel củng cố vị thế trong nước bằng thành tựu quân sự

Thủ tướng Israel củng cố vị thế trong nước bằng thành tựu quân sự

20:45 03/11/2024

Thủ tướng Netanyahu đã củng cố thêm ủng hộ sau khi Israel hạ sát thủ lĩnh Hezbollah và Hamas, nhưng điều đó chưa đủ để xóa tan những chia rẽ trong nước.

Lý do người Nga bỏ phiếu cho ông Putin

Lý do người Nga bỏ phiếu cho ông Putin

19:30 18/03/2024

Nhiều cử tri Nga cho hay họ bầu cho Tổng thống Putin bởi tin rằng ông đã giúp khôi phục vị thế đất nước và kỳ vọng ông sẽ giúp chấm dứt các xung đột.

Đội tàu chiến Nga sắp cập cảng Cuba, Mỹ dõi theo từng giờ nhưng cho là 'chuyện bình thường'

Đội tàu chiến Nga sắp cập cảng Cuba, Mỹ dõi theo từng giờ nhưng cho là 'chuyện bình thường'

08:20 07/06/2024

Ngày 6/6, Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng (FAR) của Cuba cho biết một đội tàu chiến Nga sẽ thăm đảo quốc Caribe này từ ngày 12-17/6.

NATO đổ bộ lực lượng 'khủng' gần biên giới Nga, một nước thành viên tiết lộ 'sốc' trong mối quan hệ Mỹ-NATO-EU

NATO đổ bộ lực lượng 'khủng' gần biên giới Nga, một nước thành viên tiết lộ 'sốc' trong mối quan hệ Mỹ-NATO-EU

07:30 24/04/2024

Ngày 23/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đưa ra con số chi tiết về nhóm quân tăng viện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần biên giới Liên bang Nga.

Tiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Indonesia

Tiểu sử Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Indonesia

12:20 24/04/2024

Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Indonesia Retno Marsudi thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia từ ngày 24 - 25/4 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới