Ranh giới giữa cuộc sống và công việc biến mất trong sinh hoạt của Jewel Wong khi làm việc tại nhà thời Covid-19, nhưng mọi thứ không tốt lên dù đại dịch đã chấm dứt.
"Tôi không thể phân biệt được đâu là công việc, đâu là cuộc sống, bởi lúc nào tôi cũng làm việc", Wong, nhân viên văn phòng ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, nói.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và mọi người làm việc tại nhà, công ty của Wong tăng cường trao đổi thông tin qua các ứng dụng trực tuyến. Trên WeChat, cô phải tham gia hơn 50 nhóm trao đổi công việc bất kể giờ giấc.
"Tình hình chỉ tồi tệ hơn khi đại dịch kết thúc. Không ai quay về với phương thức làm việc cũ", Wong nói.
Trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng, các đại biểu đã đề xuất tăng cường phương án bảo vệ pháp lý cho những nhân viên đang vật lộn với áp lực làm việc trực tuyến sau giờ hành chính, gọi đây là hình thức "tăng ca vô hình".
Ông Lưu Quốc Toàn, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc, coi hình thức tăng ca không được trả lương này là vấn nạn đã được "bình thường hóa" khi các công ty thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi số.
Ông nhấn mạnh các chủ lao động cần trả thù lao tương xứng cho những nhân viên thường xuyên phải tăng ca trực truyến. "Luôn phải online khiến họ mắc kẹt trong vòng xoáy công việc, ảnh hưởng xấu đến thể chất, tinh thần", ông cảnh báo.
Luật Trung Quốc quy định người lao động được trả gấp đôi thù lao nếu tăng ca vào cuối tuần, gấp ba vào ngày nghỉ lễ. Wong cho biết cô được trả phụ cấp cho một số giờ làm thêm trực tuyến, nhưng số tiền này "không đáng kể".
"Thường xuyên tăng ca mà không được trả thù lao xứng đáng khiến tôi mất niềm hứng khởi, tinh thần làm việc", cô chia sẻ.
Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách Khoa Hong Kong, cho biết luật lao động quy định nhân viên làm 8 tiếng mỗi ngày, song văn hóa làm việc "996" đã trở nên khét tiếng từ nhiều năm nay, đặc biệt ở các công ty công nghệ.
Thuật ngữ này ám chỉ người Trung Quốc làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần.
Theo luật, chủ công ty khi áp dụng bất kỳ hình thức tăng ca nào cũng phải thống nhất với người lao động và công đoàn. Thời gian tăng ca thường không quá một giờ mỗi ngày, nhưng rất nhiều nhân viên phải làm việc 10-12 giờ mỗi ngày, thậm chí dài hơn, trong khi các công ty hiếm khi phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm luật lao động.
"Một số địa phương lo ngại ảnh hưởng năng suất và lợi ích kinh tế đến mức chùn tay trong thực thi luật. Chúng ta cần những thay đổi triệt để, như đưa ra các biện pháp trừng phạt rõ ràng hơn", phó giáo sư Chen nhận định. "Các công đoàn cũng cần chung sức, bởi người lao động luôn ở thế yếu".
Addie Cheng, quản lý cấp cao tại một công ty thiết bị y tế ở Quảng Đông, cho biết công ty trả thù lao tăng ca cho nhân viên và cũng đối mặt với áp lực kinh tế lớn do chi phí lao động tăng cao.
Bởi vậy, Cheng cho rằng bất cứ thay đổi nào của luật lao động Trung Quốc cũng cần xem xét tới áp lực với doanh nghiệp. Theo bà, một số công ty đã bắt đầu chuyển nhà máy ra nước ngoài, nơi chi phí lao động rẻ hơn ở Trung Quốc. "Điều này đồng nghĩa lao động Trung Quốc đang mất việc", nữ quản lý này nói.
Bà Cheng thêm rằng việc thế hệ trẻ ngày nay nhận thức rõ hơn về "tiêu chuẩn quyền lao động của phương Tây" là một thách thức với văn hóa làm việc truyền thống của công ty Trung Quốc.
"Các thế hệ lớn tuổi thường có ý thức về sứ mệnh phát triển đất nước, coi hoàn thành công việc là trách nhiệm, kể cả có phải làm thêm giờ không lương. Nhưng người trẻ hiện cho rằng cân bằng công việc và cuộc sống là điều quan trọng hơn", bà nói, cho biết thêm chuyện người trẻ nghỉ việc khi bị yêu cầu tăng ca ở công ty bà không phải hiếm.
Khảo sát lao động trẻ năm 2023 của Yicai cho thấy 31,7% sẽ từ chối tăng ca kể cả khi được trả lương, nhưng 30,6% dựa vào tăng ca như một nguồn thu nhập bổ sung.
Cheryl Jin, kế toán viên, cho hay cô thường làm việc hơn 8 tiếng và chỉ có một ngày nghỉ mỗi tuần trong mùa cao điểm. "Đây là bản chất của công việc. Các công ty Australia cũng vậy", cô nói.
Jin từng được trả phụ cấp tăng ca hoặc nghỉ bù, nhưng sau thời gian kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, chính sách này không còn. "Khi thị trường việc làm trì trệ, mọi người sẽ không từ chối tăng ca, trừ khi có lời mời làm việc tốt hơn", nữ kế toán cho hay.
Đức Trung (Theo ABC News)
Cơ quan thuộc LHQ cáo buộc Israel 'cản trở có hệ thống' nỗ lực tiếp cận người cần được giúp đỡ và làm phức tạp nhiệm vụ hỗ trợ Gaza của họ.
Nghiên cứu của Viện Kiel cho thấy phương Tây đã giảm gần 90% cam kết viện trợ mới cho Kiev, mức thấp nhất kể từ đầu xung đột với Nga.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ (17/11/1954-17/11/2024), ngày 12/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo '70 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ: Thành tựu và Triển vọng'. Phó GS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Đây là cuộc họp thứ ba trong năm nay nhằm tìm ra cách hòa giải Nga-Ukraine, sau hai lần trao đổi ở Jeddah (Saudi Arabia) và Copenhagen (Đan Mạch) và đều không có sự tham gia của Moscow.
Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero nhấn mạnh điều đó khi trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã tại lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Lãnh đạo đảng Cải cách chống nhập cư của Anh Nigel Farage đang hứng chỉ trích vì phát ngôn phương Tây khiến Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trước tình hình phức tạp do xung đột ngày một leo thang tại Lebanon, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon đã ra thông báo khẩn ngày 8/8.
Việc Nga cân nhắc hủy phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện có thể làm suy yếu nỗ lực kiểm soát vũ khí và leo thang hoạt động hạt nhân toàn cầu.
Ngày 7/11, Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) đất đối đất Pralay từ đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển bang Odisha, miền Đông nước này.