Sinh hai con trước tuổi 35, chị Nguyễn Thiện Hân, ngụ huyện Châu Thành, được UBND tỉnh Tiền Giang tặng giấy khen kèm hỗ trợ một triệu đồng.
Chị Hân sinh con gái đầu lòng ở tuổi 24, năm 2016. Năm ngoái, chị sinh bé trai, được nhân viên trạm y tế xã liên hệ làm hồ sơ rồi đến UBND xã nhận khen thưởng.
"Tôi vui và rất bất ngờ khi được nhận thưởng", chị nói. Chị sinh bé thứ hai vì mong muốn có thêm con và sắp xếp được thời điểm thích hợp. Nhiều người gần nơi chị sống vẫn đang dừng lại ở một bé, vì nhiều lý do như gánh nặng kinh tế, sợ không đủ điều kiện lo cho con chu đáo, không sắp xếp được công việc...
Chị Hân là một trong số hơn 5.700 phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi ở Tiền Giang được khen thưởng theo Nghị quyết số 26/2021 của HĐND tỉnh, hiệu lực từ năm 2022. Cụ thể, địa phương khen thưởng 2.166 trường năm 2022, 3.539 người năm 2023. Nửa đầu năm nay, nơi này đang nhận 1.464 hồ sơ.
Theo nghị quyết này, địa phương cũng sẽ thưởng 30 triệu đồng cho xã, phường có 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ hai con. Nếu đạt 5 năm liên tục, mức thưởng tương ứng là 50 triệu đồng. Việc khen thưởng dựa theo Thông tư hướng dẫn địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số, của Bộ Y tế, năm 2021.
Dù vậy, BS.CK2 Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang, cho biết sau hơn hai năm triển khai, mức sinh của địa phương vẫn thấp, thậm chí đang giảm. Số con trung bình của một phụ nữ Tiền Giang trong độ tuổi sinh đẻ là 1,66, trong khi hai năm trước lần lượt là 1,68 và 1,77. Nơi này tiếp tục xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp cả nước.
Tương tự, Hậu Giang cũng tặng giấy khen và hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền viện phí cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, từ 15/7/2022. Nhóm này còn được hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập. Tỉnh cũng khen thưởng cho những xã phường đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con.
Ngoài ra, một số ít địa phương khác có chính sách khen thưởng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35, như Long An (450.000 đồng), Bạc Liêu (một triệu đồng). Đặc biệt, Bến Tre còn khen thưởng cho cặp vợ chồng có hai con trở lên một bề là gái, cam kết không sinh thêm con, nhằm khuyến khích kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Kết quả, mức sinh ở Long An vẫn giảm từ 1,77 xuống 1,68 và hiện ở mức 1,64. Hậu Giang ghi nhận mức sinh tăng nhẹ từ 1,51 lên 1,52; Bạc Liêu tăng từ 1,46 lên 1,53, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ). Bến Tre vẫn giữ nguyên mức sinh 1,62 trong hai năm qua, thấp hơn những năm trước đó.
Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cho biết mức sinh xuống thấp đang là một trong 4 thách thức của ngành dân số. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ giảm sâu, còn 1,56 con một phụ nữ, trong khi năm 1999 là 2,9. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh khó khăn. Điều này khiến mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm.
Mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy. Cụ thể, nhóm dân số trong độ tuổi lao động sẽ thiếu hụt, gia tăng tốc độ già hóa cũng như số lượng và tỷ trọng người cao tuổi, làm suy giảm quy mô và tăng trưởng âm về dân số. Điều này tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng quá trình phát triển bền vững đất nước.
"Mức sinh tiếp tục giảm thì tương lai lực lượng trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già", ông Dũng nói.
Người đứng đầu ngành dân số các địa phương cho rằng chính sách thưởng tiền khuyến sinh chỉ là một phần hỗ trợ nhỏ, "bao nhiêu cũng không đủ", chủ yếu vẫn cần thay đổi ý thức người dân.
Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, cho rằng việc khen thưởng là cơ sở để cộng tác viên, cán bộ, những người có uy tín ở các địa phương đi tuyên truyền vận động, giúp mọi người hiểu được lợi ích của việc sinh đủ hai con. Sắp tới, Hậu Giang đẩy mạnh truyền thông chăm sóc sức khỏe nam giới, thay vì chỉ chú trọng đến phụ nữ như trước.
Còn bác sĩ Sang đánh giá chính sách thưởng tiền khuyến sinh vẫn còn khá mới, "phải đợi thêm một thời gian xem hiệu quả thế nào". Hơn nữa, việc khen thưởng này mang tính động viên là chủ yếu, bởi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng đắt đỏ. Thực tế, nhiều quốc gia giàu có trên thế giới chi rất nhiều tiền khuyến sinh, song mức sinh vẫn ngày càng thấp.
Đơn cử, tại Hàn Quốc, cựu Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một số chính sách thúc đẩy phụ nữ sinh thêm con, gồm tặng tiền mặt, trợ cấp sinh đẻ. Theo chương trình này, mỗi đứa trẻ sinh từ năm 2022 trở đi, gia đình sẽ nhận được khoản tiền thưởng trị giá 2 triệu won (1.850 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh, bên cạnh khoản trợ cấp hàng tháng nhận được sau đó khi các em bé tròn 1 tuổi. Tuy nhiên, giải pháp tặng tiền không thể đảo ngược xu thế sinh ít, do chi phí sinh hoạt, mua nhà, nuôi dạy con cái và các chi phí cơ hội khác cao gấp nhiều lần số tiền này.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến sinh, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35.
Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ đưa đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình. Chú trọng quy hoạch xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điện kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị. Hỗ trợ khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...
Các nội dung này đã được đề xuất và đưa vào dự thảo Luật Dân số mà Bộ Y tế dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.
Lê Phương - Lê Nga
Dự thảo Luật nghiêm cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây sự chú ý của dư luận.
Chồng nói những gì tôi gây ra đã làm mất lòng tin của mọi người nên giờ anh đối xử như vậy, tôi phải chấp nhận.
Tràng An hội tụ đầy đủ cảnh quan của một Đô thị di sản thiên niên kỷ như không gian kinh thành, cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội…
Ngày 1-11, Bệnh viện Bạch Mai công bố chính thức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, trở thành bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên áp dụng thành công cách làm mới này.
Hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), ngày 20/3, Huyện Đoàn Nghĩa Đàn (Nghệ An) phối hợp với Hội chữ thập đỏ, Công Đoàn huyện tổ chức ngày hội hiến máu đợt 1 năm 2024.
Hai cá thể khủng long đang chèo thuyền kayak trên đường vào bờ sau chuỗi ngày dài lênh đênh trên biển.
Trong quán cà phê ở quận Đống Đa (Hà Nội), nhân dịp Giáng sinh, Thùy Dung tổ chức một buổi gặp cho hơn 30 người xa lạ làm quen nhau qua những trò chơi ghép đôi.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (thuộc Trung ương Đoàn) và Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội Trường Đại Học Y dược, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp triển khai chương trình đào tạo hướng nghiệp ngành huấn luyện viên kiểm soát cân nặng và quản trị vóc dáng.
Những năm gần đây việc tạo nguồn, bồi dưỡng đảng viên trẻ luôn được các cấp uỷ Đảng các trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh chú trọng. Trong năm học 2023-2024, có 744 học sinh kết nạp vào Đảng, đây là “quả ngọt” trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và khơi dậy khát vọng, hoài bão cho thanh niên trên quê hương anh Lý Tự Trọng.