Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới nhất dành cho Ukraine; Iran không có tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân; Bão Yagi khiến ít nhất 226 người thiệt mạng ở Myanmar... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 17-9.
Theo hãng thông tấn Ukrinform, Mỹ đã công bố một gói viện trợ cho Ukraine, bao gồm cả các hệ thống phòng không và tên lửa.
Thông tin này do Phó chủ tịch Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo quốc gia thuộc Quốc hội Ukraine, ông Yehor Cherniev công bố trên trên đài truyền hình quốc gia.
"Chúng tôi thấy rằng các đối tác của chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp cho chúng tôi viện trợ quốc phòng. Gần đây, một gói viện trợ từ Mỹ đã được công bố, bao gồm cả các hệ thống phòng không và tên lửa", ông Cherniev nói.
Ông lưu ý các đối tác nhận thức được nhu cầu bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine đang bị đe dọa bởi các cuộc tấn công của Nga, đó là lý do tại sao họ đang cố gắng cung cấp càng nhiều tên lửa như vậy càng tốt.
Ông Cherniev bày tỏ hy vọng rằng kế hoạch giành chiến thắng do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày tại cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ trùng khớp với hầu hết các điểm trong kế hoạch mà Nhà Trắng mới đệ trình lên Quốc hội Mỹ.
Bộ Quốc phòng Latvia tuyên bố nước này sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine với kinh phí chiếm 0,25% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm ít nhất cho đến năm 2026.
Bộ Quốc phòng Latvia không tiết lộ số lượng xe bọc thép cụ thể sẽ được chuyển giao cho Ukraine với lý do bảo mật.
Hợp đồng giữa Latvia và Anh ký vào năm 2014 quy định cung cấp cho Latvia tổng cộng 123 xe bọc thép CVR(T), trong đó có 116 xe được hiện đại hóa và 7 xe không được đại tu, để đào tạo thợ máy. Lô xe bọc thép đầu tiên của loại này đã đến Latvia vào mùa Thu năm 2015.
Đến nay, Latvia đã chuyển giao nhiều loại vũ khí và thiết bị cho Ukraine, bao gồm cả trực thăng và pháo tự hành mua từ Áo.
Trong thông điệp gửi thủ lĩnh phong trào Houthi ở Yemen - ông Abdul Malik al-Houthi, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar tuyên bố lực lượng này hiện sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài chống lại Israel.
Thủ lĩnh Hamas nhấn mạnh: "Chúng tôi đã chuẩn bị để chiến đấu trong một cuộc chiến tiêu hao lâu dài", đồng thời khẳng định các lực lượng khác ở Gaza, Iraq, Liban và Yemen sẽ "bẻ gãy ý chí của Israel" sau khi Houthi tấn công bằng tên lửa vào miền Trung Israel ngày 15-9.
Cũng trong ngày 16-9, phong trào Houthi đã công bố đoạn video dài gần 2 phút ghi lại hình ảnh được cho là tên lửa "siêu vượt âm" mang tên "Palestine 2" được phóng đi trong cuộc tấn công Israel một ngày trước đó.
Houthi, lực lượng đang kiểm soát miền Bắc Yemen, lần đầu tiên tấn công miền Trung Israel bằng tên lửa. Đáp lại, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ buộc Houthi phải trả "giá đắt" cho hành động này.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 16-9 cho biết nước này vẫn đang phối hợp với 2 nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra đề xuất sửa đổi dành cho thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.
Ngày 16-9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định nước này không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời bác bỏ những lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình làm giàu uranium.
"Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng tôi không tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng các nhu cầu kỹ thuật và khoa học của mình", Tổng thống Pezeshkian phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Iran nhằm mục đích đáp lại lời cảnh báo gần đây của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc Tehran làm giàu uranium ở cấp độ tinh khiết 60%.
Tổng thống Pezeshkian nêu rõ Iran vẫn cam kết tuận thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận phụ thuộc vào tình hình các bên ký kết khác có tôn trọng nghĩa vụ của họ hay không.
Nhà lãnh đạo Iran bày tỏ: "Nếu Mỹ và một số nước châu Âu thực hiện các cam kết của họ, chúng tôi sẽ làm như vậy. Nếu họ không tuân thủ, chúng tôi cũng sẽ không thực hiện".
Trong khuôn khổ của JCPOA ký năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị đe dọa kể từ khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran.
Các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng 8-2022, mặc dù nhiều vòng đàm phán đã được tổ chức tại Vienna (Áo).
Myanmar ghi nhận số nạn nhân thiệt mạng vì lũ lụt do bão Yagi đã tăng lên 226 người, ngoài ra vẫn còn 77 người khác đang mất tích.
Lũ lụt đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng chục thị trấn trên khắp đất nước Myanmar. Các khu vực và bang bị ảnh hưởng bao gồm Kayah, Kayin, Bago, Magway, Mandalay, Mon, Shan, Ayeyarwady và Naypyidaw.
Tổng cộng có 438 nơi trú ẩn đã được thiết lập cho các nạn nhân lũ lụt.
Tính đến ngày 16-9, lũ lụt cũng đã làm hư hại 2.116 ngôi nhà, 117 tòa nhà, 1.040 trường học, 386 cơ sở tôn giáo và nhấn chìm khoảng 260,2 ha cây trồng.
Mưa lớn do bão Yagi gây ra và áp thấp sâu ở Vịnh Bengal là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lụt lan rộng ở Myanmar.
Theo một quan chức cấp cao của Houthi nói ngày 16-9, Mỹ đã đề nghị công nhận chính quyền Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của nhóm phiến quân này. Tuy nhiên, phía Mỹ đã bác bỏ phát ngôn này.
Tuyên bố của quan chức Houthi được đưa ra một ngày sau khi một quả tên lửa đạn đạo từ nhóm này lần đầu tiên bắn tới khu vực trung tâm Israel. Điều này khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả.
"Sau mỗi chiến dịch chúng tôi thực hiện, luôn có những cuộc trao đổi", Mohammed al-Bukhaiti, thành viên của văn phòng chính trị Houthi, nói với kênh Al Jazeera. "Các cuộc gọi này hoặc là lời đe dọa, hoặc là những lời dụ dỗ, nhưng họ đã thất bại trong việc đạt được bất kỳ kết quả nào".
Một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên, cho biết phát ngôn của Houthi là "hoàn toàn bịa đặt".
Al-Bukhaiti cho biết các cuộc gọi sau mỗi cuộc tấn công bao gồm cả từ Mỹ và Anh thông qua các bên trung gian, với những lời đe dọa về việc can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ nếu có quốc gia nào hỗ trợ quân sự cho Palestine.
Bên cạnh việc tấn công Israel, nhóm Houthi ở Yemen cũng tiếp tục nhắm vào các tàu thuyền mà họ cho rằng có liên quan hoặc hướng tới Israel nhằm ủng hộ Palestine trong cuộc chiến tại Dải Gaza.
Từ tháng 11 đến nay, Houthi đã tấn công hơn 80 tàu bằng tên lửa và máy bay không người lái, làm chìm hai tàu, chiếm giữ một tàu khác và khiến ít nhất ba thủy thủ thiệt mạng.
Cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel hôm 1-10 đánh dấu lần đầu tiên các lực lượng nước này sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah (Kẻ chinh phạt).
Nhân một năm xung đột Israel-Hamas bùng nổ, Giáo hoàng Francis lên án các cường quốc bất lực trước sự leo thang tại Trung Đông.
Ukraine và Moldova đã khởi động đàm phán gia nhập EU, nhưng quá trình trở thành thành viên chính thức có thể kéo dài hơn chục năm nữa.
Ông Medvedev chỉ trích việc NATO cam kết trong tương lai sẽ cấp tư cách thành viên cho Ukraine, cho rằng Nga nên nỗ lực khiến cả Ukraine và NATO đều 'biến mất'.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhận định trách nhiệm thúc đẩy và duy trì pháp quyền ở mọi cấp độ cần được tất cả các quốc gia thành viên LHQ chung tay gánh vác.
Nhằm củng cố, có tiếng nói và hành động thống nhất hơn trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi đã được tổ chức từ ngày 4-6/9, tại thủ đô Nairobi của Kenya.
Theo thông báo mới, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã bãi nhiệm Thủ tướng Najla Bouden, nữ thủ tướng đầu tiên ở quốc gia Bắc Phi này, và bổ nhiệm ông Ahmed Hachani làm thủ tướng mới.
Ngày 29/6, Hội Chuyên gia Khoa học - Công nghệ Việt Nam tại Thụy Điển chính thức được thành lập tại Stockholm.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 23/3 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động nghiêm khắc trừng phạt các thủ phạm trong vụ tấn công khủng bố diễn ra ngày 22/3 gần thủ đô Moscow của Nga. Hiện số người thiệt mạng đã lên tới 143 người.