Diễn biến xung đột Nga-Ukraine và tình hình xung quanh vụ vỡ đập Kakhovka, phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ liên quan ngành tư pháp Israel, phản ứng của Trung Quốc về tin Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Bắc Kinh... là một số sự kiện quốc tế nổi bật.
Tin thế giới 7/6: Nga cũng tính phản công Ukraine? Kiev đòi kiện Moscow vụ vỡ đập Kakhovka; Mỹ khiến Israel không vui |
Cảnh ngập lụt ở Kherson, Ukraine, vào ngày 7/6, sau vụ vỡ đập Kakhovka. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
* Nga cần triển khai cuộc phản công nhằm vào Ukraine khi Kiev dường như đã triển khai hành động tương tự, theo lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev ngày 7/6.
Đăng trên Telegram, ông Medvedev cho hay: "Đối phương từ lâu đã hứa hẹn một cuộc phản công lớn. Và dường như Ukraine đã bắt đầu một cái gì đó. Chúng ta phải ngăn chặn kẻ thù và sau đó phát động một cuộc tấn công". (Reuters)
* Nga muốn điều tra, Ukraine đòi kiện vụ vỡ đập Kakhovka: Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, sự cố vỡ đập Kakhovka nên trở thành chủ đề của một nghiên cứu và điều tra trên toàn thế giới.
Đề cập phản ứng từ phương Tây khi đổ lỗi cho Nga gây ra vụ việc và lên án, quan chức ngoại giao Nga cho rằng: "Phản ứng của họ trong mọi tình huống như vậy có thể dự đoán được 100%. Đó là mong muốn vô tận để đổ lỗi cho Nga về mọi thứ xảy ra, bất kể nó thực sự xảy ra hay chỉ là điều tưởng tượng".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này có kế hoạch kiện Nga lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague về vụ vỡ đập Kakhovka khi hai bên cáo buộc nhau gây ra vụ việc.
Đến nay, Cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine cho biết, đã giải cứu "hơn 1.450 người" ở bên phía bờ sông Dnipro do nước này kiểm soát, trong khi quan chức Tatyana Kuzmich do Nga bổ nhiệm cho hay, 1.274 người đã được sơ tán ở bên bờ còn lại.
* Trung Quốc quan ngại sâu sắc về vụ phá hủy đập ở Ukraine, lo rằng vụ việc sẽ "ảnh hưởng tới cuộc sống con người, kinh tế và sinh thái".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: "Việc phá hủy một trong những hồ chứa nước lớn nhất ở Ukraine là hoàn toàn có chủ ý... Hàng trăm nghìn người đã bị đẩy vào tình trạng không có nước uống".
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân đã kêu gọi các bên kiềm chế tối đa cả trong lời nói và hành động có thể khiến tình hình leo thang hơn nữa sau vụ nổ phá hủy đập Kakhovka, cảnh báo rằng, trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể miễn nhiễm.
LHQ mô tả đây là “một hậu quả tàn khốc khác về nhân đạo, kinh tế và sinh thái" do xung đột, với ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa - nguồn cung cấp nước sạch và an toàn có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng nghìn người khác. (AFP)
* Ukraine có thể phải điều chỉnh kế hoạch phản công: Ngày 6/6, các nguồn tin của Ukraine cho biết, tại Kiev đã diễn ra một cuộc họp thảo luận về thay đổi hình thức phản công do diễn biến mới từ vụ nổ đập hồ chứa Kakhovka.
Điều này chủ yếu liên quan mục đích chiếm nhà máy điện hạt nhân (NPP) Zaporizhzhia trong cuộc phản công. Việc kiểm soát NPP Zaporizhzhia đóng vai trò lớn trong chiến dịch phản công của VSU, Ukraine sẽ cho phép đưa ra các yêu sách với Nga.
Để chiếm nhà máy, VSU sẽ tiến hành một chiến dịch đổ bộ và vượt sông Dnieper, cả dưới nước sử dụng thiết bị lặn, tuy nhiên hồ chứa Kakhovka cạn nhanh chóng khiến cho một chiến dịch như vậy là không thể.
Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh, vụ nổ đập "không ảnh hưởng đến khả năng giải phóng các vùng lãnh thổ của Ukraine".
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, ông đã trao đổi với các chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine và quân đội nước này đang ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. (AFP)
* Nhóm B9 nêu điều kiện dẫn đến hòa bình cho Ukraine: Ngày 6/6, các lãnh đạo của 9 quốc gia Trung-Đông Âu và Baltic là Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria, Latvia, Lithuania và Estonia đã họp thượng đỉnh nhóm Bucharest 9 (B9) ở thủ đô Bratislava (Slovakia).
Hội nghị đã ra tuyên bố chung khẳng định: "Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình".
Nguyên thủ quốc gia nhóm B9 đều nhấn mạnh "sự ủng hộ vững chắc đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các đường biên giới được quốc tế công nhận", coi "đó là cách duy nhất để khôi phục hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ ở châu Âu", đồng thời yêu cầu Nga "rút quân vô điều kiện". (The Budapest Times)
* Thời điểm đàm phán thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sẽ là ngày 9/6, diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ), theo tin từ hãng thông tấn RIA của Nga ngày 7/6.
RIA cho hay, dự kiến, quan chức thương mại hàng đầu của LHQ Rebeca Grynspan sẽ tham gia các cuộc đàm phán. Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, đến tháng 11/2022 được gia hạn thêm 120 ngày. Ngày 13/3 vừa qua, Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, cho đến ngày 18/5.
Sau các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ ở Istanbul, ngày 17/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, thỏa thuận này đã được gia hạn thêm 2 tháng, bắt đầu từ ngày 18/5. (Reuters)
* Thủ phạm vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc: Ngày 6/6, Washington Post dẫn thông tin rò rỉ trực tuyến cho biết, 3 tháng trước khi tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc bị đánh bom, Mỹ có tin tình báo về kế hoạch chi tiết rằng, một nhóm gồm 6 người thuộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine có ý định làm việc này.
Ngày 7/6, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng, thông tin trên nằm trong ý đồ phối hợp của phương Tây do Washington dẫn đầu "thêu dệt lên các giả thuyết và các phiên bản khác nhau" để khiến thế giới bối rối về sự thật.
* Phó Tổng thống Mỹ khiến Israel không vui: Ngày 6/6, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhắc lại lời kêu gọi Israel đảm bảo sự độc lập của ngành tư pháp, sau các cuộc biểu tình lớn phản đối những thay đổi do Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy.
Bà nêu rõ: “Các giá trị của hai nước được xây dựng trên các thể chế, cơ chế kiểm tra và sự cân bằng vững chắc và một nền tư pháp độc lập... Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, Mỹ có một mối ràng buộc không thể phá vỡ với Nhà nước Israel”.
Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục ủng hộ các giá trị vốn là nền tảng của mối quan hệ Mỹ-Israel, "bao gồm việc tiếp tục củng cố nền dân chủ của chúng ta”.
Phản ứng về phát biểu trên, ngày 7/6, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho rằng, bà Harris thậm chí còn chưa đọc Dự luật về cải cách tư pháp của Israel, đồng thời nói: "Nếu bạn hỏi bà ấy phiều lòng điều gì trong cuộc cải cách, bà ấy sẽ không thể kể ra một điều khoản nào". (AFP, Times of Israel)
* Israel đe dọa Hezbollah, cảnh báo cắt quan hệ với Văn phòng Điều phối Nhân đạo LHQ: Ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant dọa sẽ đánh bom đưa Hezbollah trở về “thời kỳ đồ đá” nếu phong trào vũ trang này “phạm sai lầm” và “khơi mào cuộc chiến chống Nhà nước Do Thái”.
Đề cập nhiều vũ khí mới của Hezbollah, quan chức Israel nêu rõ: “Đối với những diễn biến như vậy, chúng ta thậm chí còn có phản ứng mạnh hơn từ trên không, trên biển và trên bộ, cũng như thông qua các phương tiện tấn công và phòng thủ khác”.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Israel cũng khẳng định: “Quân đội của chúng ta rất xuất sắc… Chúng tôi sẽ biết cách bảo vệ nhân dân Israel bằng cách giáng đòn quyết định vào kẻ thù của chúng ta”.
Cùng ngày, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho biết, nước này có thể cắt quan hệ với Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ nếu quốc gia Do Thái bị liệt vào danh sách đen vì cách đối xử với trẻ em Palestine. (Times of Israel)
* Ngoại trưởng Mỹ sắp đến thăm, Trung Quốc từ chối bình luận: Ngày 6/6, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ công du Bắc Kinh nhằm giao lưu với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc và thậm chí có thể gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không xác nhận cũng không phủ nhận tin tức trên, nói rõ: "Tôi không có bất kỳ thông tin nào để chia sẻ với bạn về vấn đề này".
Ngoại trưởng Blinken ban đầu dự kiến tới Bắc Kinh vào tháng 2, nhưng chuyến công du này đã bị hủy sau khi Lầu Năm Góc phát hiện một khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.
* Hàn Quốc công bố Chiến lược An ninh quốc gia vào ngày 7/6, gồm 107 trang bằng tiếng Hàn và 150 trang bằng tiếng Anh, trình bày về các chính sách của chính quyền đương nhiệm về các vấn đề đối ngoại cũng như quốc phòng, trong đó vạch ra các mục tiêu nhằm hiện thực hóa tầm nhìn “quốc gia quan trọng toàn cầu”.
Các chính sách được đưa ra trong trong bối cảnh môi trường an ninh biến đổi nhanh chóng, tiêu biểu là năng lực hạt nhân ngày càng cao của Triều Tiên, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, cùng sự xuất hiện của các vấn đề an ninh mới, như bất ổn chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tổng thống Hàn Quốc nhận định, chìa khóa đảm bảo tương lai của đất nước nằm ở việc soạn thảo một chiến lược an ninh quốc gia có khả năng đưa ra những dự báo về xu hướng thay đổi tình hình, đồng thời tối ưu hóa lợi ích của quốc gia và người dân. (Yonhap)
* Iran chính thức mở lại Đại sứ quán tại Saudi Arabia vào ngày 6/6, sau 7 năm 2 nước láng giềng cắt quan hệ và đối đầu căng thẳng.
Tại buổi lễ trong khuôn viên đại sứ quán với sự tham dự của hàng chục quan chức Iran, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách lãnh sự Alireza Bikdeli của nước này nêu rõ: “Hôm nay là một ngày trọng đại trong quan hệ hai nước…Ngoại giao là phương tiện tốt nhất để các quốc gia liên lạc và đối thoại nhằm đạt nhận thức chung”. (Reuters)
* Mỹ nỗ lực hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia: Ngày 6/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Saudi Arabia nhằm củng cố mối quan hệ với đồng minh truyền thống ở vùng Vịnh, trong bối cảnh Riyadh đang có xu hướng thúc đẩy quan hệ với các đối thủ của Washington trong khu vực.
Một quan chức Mỹ cho hay, sáng sớm 7/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có cuộc thảo luận "cởi mở, thẳng thắn" về một loạt vấn đề song phương, từ khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia với Israel, cho tới các vấn đề Yemen, Sudan và nhân quyền.
Quan chức Mỹ trên đánh giá, tại cuộc họp kéo dài gần 2 tiếng này, hai bên "có sự nhất trí về các sáng kiến tiềm năng liên quan các lợi ích chung, đồng thời thừa nhận những lĩnh vực còn tồn tại bất đồng".
Hai bên cũng thảo luận về hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng sạch. (Reuters)
* Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi công du 3 nước châu Phi là Angola, Zambia và Mozambique bắt đầu từ ngày 6/6 nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia này cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế ở cấp độ châu lục.
Trong các chuyến thăm, Tổng thống El-Sisi sẽ gặp gỡ lãnh đạo của 3 nước trên để thảo luận về việc thúc đẩy các khuôn khổ làm việc chung châu Phi cũng như giải quyết các vấn đề khác nhau của khu vực và những vấn đề cùng quan tâm.
Theo dự kiến, tại Zambia, ông El-Sisi sẽ cùng nguyên thủ của 20 quốc gia thành viên còn lại tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 của khối Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) vào ngày 8/6. (African Business)
* Các bên đối địch nối lại đàm phán, quân đội Sudan tin tưởng vào kết quả: Ngày 6/6, kênh truyền hình Al Arabiya TV đưa tin, các phe phái đang tham chiến tại Sudan bắt đầu nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn do Saudi Arabia và Mỹ bảo trợ, trong bối cảnh các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum.
Kênh truyền hình thuộc sở hữu của Saudi Arabia khẳng định, hai bên tham chiến tại Sudan đã đồng ý đàm phán gián tiếp, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Cùng ngày, Tư lệnh lực lượng vũ trang Sudan Abdel Fattah Al-Burhan tái khẳng định lập trường tin tưởng vào các cuộc đàm phán ở Saudi Arabia, dưới sự bảo trợ của Mỹ, sẽ giúp đạt được nền hòa bình bền vững cho quốc gia châu Phi này.
Tướng Al-Burhan nhấn mạnh, để các cuộc đàm phán thành công thì phe đối địch cần phải cam kết rút khỏi các bệnh viện, trung tâm dịch vụ và các tòa nhà dân sự, cũng như sơ tán những người đang bị thương và mở các lối đi để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo.
Thủ tướng Fiji thăm New Zealand sau 25 năm: Ngày 6/6, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka đã thăm chính thức New Zealand từ ngày 5/6, sau hơn một phần tư thế kỷ.
Tại người đồng cấp Fiji ở Wellington ngày 7/6, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins khẳng định: "Hai nước gắn kết bởi mối quan hệ thân thiết được tôi luyện trong nền văn hóa, bản sắc và lợi ích ở Thái Bình Dương, dựa trên lịch sử lâu đời, tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau của chúng ta".
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng đối với hai quốc gia và khu vực, bao gồm việc tăng cường các thể chế khu vực từ lâu đã phục vụ lợi ích của khu vực Thái Bình Dương, cũng như các vấn đề kinh tế và an ninh đang tác động đến khu vực này.
Ông Hipkins cũng công bố thêm khoản 11,1 triệu đô la New Zealand (6,74 triệu USD) hỗ trợ Fiji ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Khoản tài trợ bổ sung này sẽ hỗ trợ Fiji thực hiện các dự án giảm thiểu và thích ứng khí hậu dựa vào cộng đồng.
Về phần mình, Thủ tướng Fiji cho biết, chuyến thăm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Wellington-Suva, thể hiện rõ ràng cam kết nâng cao cách thức hợp tác của hai bên.
Cũng theo ông Rabuka, Fiji và New Zealand đang hoàn tất một thỏa thuận quốc phòng nhằm tăng cường cam kết giữa quân đội hai nước để giúp nhau mạnh mẽ hơn, tập trung vào chủ nghĩa khu vực vì hòa bình và các ưu tiên của Thái Bình Dương.
Thủ tướng Netanyahu cảnh báo Houthi sẽ phải 'trả giá đắt' sau khi nhóm vũ trang ở Yemen phóng tên lửa vào miền trung Israel.
Điện Kremlin khẳng định đã thảo luận kỹ lưỡng 'mọi phương diện' cho chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Mông Cổ.
Trưa 23-7, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan viếng và ghi sổ tang chia buồn trước việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Thị trưởng thành phố Chilpancingo, nơi nổi tiếng về bạo lực và những cuộc tranh giành địa bàn giữa các băng đảng ma túy ở Mexico, đã bị sát hại sau khi nhậm chức chưa đầy một tuần.
Sau hai năm không có chính phủ hoạt động, Tòa nhà Quốc hội Bắc Ireland đã mở cửa hôm 3/2 và các nhà lập pháp quay trở lại làm việc. Một trong những hành động đầu tiên của họ là bổ nhiệm Michelle O'Neill của Đảng Sinn Fein làm bộ trưởng đầu tiên.
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, vấn đề cờ bạc trực tuyến và Biển Đông là ba nội dung chủ đạo trong Thông điệp quốc gia của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Ngày 9/8, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước, chính quyền quân sự Niger - mới nắm quyền sau cuộc đảo chính cuối tháng 7 vừa qua, đã công bố danh sách 21 bộ trưởng trong chính phủ mới của Niamey.
Israel tuyên bố buộc Iran phải trả giá sau cuộc tập kích tên lửa, song Tel Aviv cần phải dò xét thái độ từ Washington, cũng như mức độ đáp trả của Tehran.
IDF xin lỗi sau khi tập kích xe quân sự Lebanon ở miền nam nước này vì nhầm đó là xe chở vũ khí Hezbollah, khiến ba quân nhân thiệt mạng.